Ra mắt tập thơ ""Khi trái tim vẫn hát khúc tình say" của Nhà Báo Hạnh Loan
NHÀ BÁO HẠNH LOAN: "KHI TRÁI TIM VẪN HÁT KHÚC TÌNH SAY"
08:00 25/02/2017Bởi trái tim ấy chưa bao giờ ngừng đắm say, ngừng yêu thương. Bởi cuộc sống vốn ngắn ngủi và vô thường, sao không sống hết mình cho từng giây phút của thực tại, để không tiếc nuối… Tôi đọc Hạnh Loan và yêu chị bởi những cảm xúc vẫn vẹn nguyên và nồng nàn trong trái tim người đàn bà thơ ấy dù cuộc sống vốn trụi trần.
Chị là một nhà báo sắc sảo, từng là Phó trưởng Phòng Thời sự, và bây giờ là Phó trưởng Phòng Chuyên đề của Đài Truyền hình Hà Tĩnh, biên tập viên kiêm MC của những chương trình tiêu điểm về những vấn đề nóng của đời sống. Có ai đó nói rằng, công việc làm báo sẽ cuốn đi con người văn chương. Còn Hạnh Loan thì không.
Sau những bận rộn, sau những trăn trở với công việc làm báo nhiều áp lực, chị vẫn dành một góc riêng tư và đầy xúc cảm cho văn chương. Ở đó, Hạnh Loan được sống là mình, người đàn bà yêu và khát khao được yêu. Tôi hiểu vì sao những bài thơ của chị đưa lên Facebook lại được độc giả đón nhận và yêu đến thế. Bởi trong cuộc sống bận rộn và nhiều lo toan này, dường như con người cần một nơi trú ngụ, ở đó không có bon chen, không bận rộn. Ở đó, những người đàn bà được trò chuyện với chính mình, với tình yêu của mình, được sống là mình. Thơ Hạnh Loan đã làm được điều đó khi sẻ chia đồng cảm với rất nhiều trái tim đàn bà.
Không phải đến bây giờ Hạnh Loan mới làm thơ. Chị viết nhiều từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Những bài thơ thuở hoa niên mộng mơ của chị đã làm bao thế hệ học trò chúng tôi say mê. Và tôi bắt gặp lại ký ức của mình khi cầm tập thơ "Khoảng trời sau cửa sổ" chị vừa xuất bản... Những bài thơ Hạnh Loan viết thuở thiếu thời, trong trẻo, nguyên sơ.
Về tập thơ của tuổi hoa niên này, nhà thơ Đặng Huy Giang hoàn toàn có lý khi nhận xét: "Đó là phát hiện và cảm xúc trong suốt của tuổi thơ trong suốt, của những gì một đi không trở lại. Từ đó, tôi càng tin Wislawa Szymborska (Nobel văn chương 1986) trong tứ thơ "Không có gì hai lần" mà mấu chốt và điểm tựa của nó nằm ở ngay mấy câu mở đầu: "Không có gì xảy ra hai lần/và sẽ không bao giờ có cả/vì thế mà chúng ta/sẽ sinh ra như những kẻ vụng về/ và sẽ chết như chưa từng nếm trải"…
Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: "Đối với Nguyễn Thị Hạnh Loan, viết cho thiếu nhi, cũng là viết cho chính mình. Chị viết cho mình, cho tuổi thơ mình, ở những khoảnh khắc riêng tư nhất mà rồi chị lại gặp được các em. Tâm hồn chị rất trong. Thơ chị cũng thế. Nó là vẻ đẹp của những làn sương sớm bay trên thảm cỏ ban mai. Vẻ đẹp ấy, ta thường chỉ thấy trong cái nhìn thơ ngây của con trẻ"…
Tôi hỏi Hạnh Loan, vì sao chị lại in hai tập thơ ("Hãy nói yêu khi hoa hồng nở", NXB Văn học tháng 1/2017 và "Khoảng trời sau cửa sổ", tháng 2/2017) trong thời buổi bạn đọc đang dửng dưng với thơ ca. Chị cười, chị muốn lưu dấu những kỷ niệm thuở hoa niên và cả những suy nghĩ, cảm xúc của người phụ nữ trong thời kỳ hiện đại hôm nay.
Nếu ai đó nói rằng, độc giả đang ngoảnh lưng với thi ca thì Hạnh Loan lại lạc quan tin yêu rằng, thơ chị đang có bạn đọc, chị in vì chính nhu cầu của bạn đọc. Tôi còn nhớ thời ngồi trên ghế nhà trường, với chúng tôi, chị là một ngôi sao, vì những bài thơ bay bổng, lãng mạn của chị chạm tới cảm xúc của nhiều thế hệ học trò. Chúng tôi đã lớn lên, đã yêu, đã bắt đầu những rung cảm đầu đời và cũng đã đau khổ từ những câu thơ của chị.
"Có một khoảng trời xanh thắm mênh mang/Tiếng chim sơn ca khẽ khàng rơi từng giọt/Chim bay rồi, vẫn còn nghe thánh thót/Rất vô tình người ấy thoáng đi qua/…Cô bé bần thần, chốc chốc lại nhìn ra". ( "Khoảng trời sau cửa sổ" - Trích tập thơ "Khoảng trời sau cửa sổ").
Những vần thơ cứ theo cô bé Hạnh Loan lớn lên dần theo năm tháng. Không có gì khó hiểu khi từ năm 10 tuổi đến năm 18 tuổi, chị đã có trong tay "gia tài" hơn 100 bài thơ. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi là học sinh khóa một của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, nhiều bài thơ của chị đã được chọn in rải rác trên các báo địa phương, Tạp chí Hồng Lĩnh, báo Tiền phong, Hoa học trò …, được bạn đọc biết đến và yêu mến.
Cô bé mơ mộng đa cảm ấy giờ đã là một người đàn bà trung niên, xinh đẹp, nữ tính và thành đạt. Tưởng như con người thơ đã ngủ yên sau những bận rộn, lo toan của cuộc sống và công việc. Hạnh Loan có những lúc ngỡ rằng, thơ đã bỏ mình mà đi và chị rất buồn với ý nghĩ đó. Nhưng, con người thơ trong chị vẫn ở đó, vẹn nguyên đắm say và nồng nàn như tâm hồn chị vậy. Hai năm gần đây, Hạnh Loan viết rất nhiều. Cảm xúc đến ào ạt, cảm xúc của một người đàn bà từng trải, đằm thắm và nồng nàn.
Đọc thơ Hạnh Loan, người đọc bị cuốn vào miền tâm tưởng của chị, vào trái tim dịu dàng nhưng cũng mãnh liệt, thậm chí bạo liệt trong tình yêu. Thơ chị thể hiện trái tim người phụ nữ đòi yêu, khát yêu, cháy hết mình với tình yêu, sợ thời gian sẽ hết. "Ta yêu nhau được bao ngàn ngày nữa/Mà khạo khờ trói buộc những đam mê (Dự cảm) "Hãy hôn em đi/Giây phút nào cũng là giây phút cuối/….Ta đâu bất tử như thần linh/Như ngọn nến cháy cạn mình/Bởi giây phút này đây/ Biết đâu sẽ là giây phút cuối" ("Những phút giây cuối cùng")
Ta thấy được bóng dáng của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, "Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già", nhưng bạo liệt, thẳng thắn hơn khi chị nói thẳng với người mình yêu những khát khao cháy bỏng, dâng hiến hết mình cho nhau mà nếu như không thì sẽ không còn cơ hội.
"Anh cứ nghĩ một mai em là đất/Điềm nhiên nâu dưới trảng cỏ xanh rì/Nếu lúc đó anh nghẹn lòng đắng chát/…Thì bây giờ anh bóp vụn em đi". Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết về Hạnh Loan như thế này: "Hạnh Loan thể hiện tính nữ quyền trong tình yêu của mình. Nàng thoát khỏi hai từ gái ngoan để trở thành một người thơ khát khao tình yêu tự do, đích thực, kêu gọi quyền yêu cho phái đẹp. Nàng thoát khỏi hai từ kìm chế để nói về tình yêu từ trong vô thức. Đó là bản ngã của nàng.
Quẳng đi hết những lụy phiền, những cô đơn, những hanh hao, những cay đắng gặm nhấm tâm hồn em như một thứ axít ăn mòn kim loại: "Em thanh tao, em kiêu hãnh bởi trái tim người phụ nữ biết yêu và biết sống riêng mình". (Quẳng). Và nàng tuyên bố: "Hãy yêu thương thật nhiều đừng chờ tới ngày mai"".
Có lẽ vì thế mà trong thơ Hạnh Loan, không chỉ là tiếng nói thẳng thắn của người phụ nữ dám lên tiếng về quyền yêu, quyền sống, những khao khát cháy bỏng về tâm hồn, mà còn nói lên sự tha thiết đằm sâu được hiến mình cho tình yêu, cho đến khi đã tan rã thân xác. Cho nên, thơ chị nhắc nhiều đến cái chết, đến sức mạnh của ái tình. Và chị khẳng định: Tình yêu luôn mạnh hơn cái chết: "Ngạo nghễ bên ta hạnh phúc/ Không cần dài lâu, chỉ cần giây phút bên nhau" (Hoa hồng Ecuador).
Chị tâm sự: "Sở dĩ chị nói nhiều đến cái chết, bởi chị luôn thấy sự vô thường của cuộc đời. Cuộc đời con người quá ngắn ngủi, tai ương có thể ập tới bất cứ lúc nào. Thời gian để yêu thương chưa đủ. Sống thế nào để không ân hận vì mình đã dành yêu thương cho người mình thương yêu, đó có thể là chồng, là người yêu, người tình, là con cái, máu mủ ruột thịt". Chị viết: "Ta sẽ sống những ngày tươi đẹp nhất/Cho yêu thương vừa cạn lại đong đầy/Cái hôn vội, cái nắm tay trìu mến/Còn tình yêu ta còn mãi trên đời" (Mình còn thấy bao nhiều lần biển biếc).
Không phải ngẫu nhiên mà thơ Hạnh Loan đã chạm đến trái tim người đọc. Và họ đã đặt mua thơ của chị với nhiều yêu thương, chờ đợi. Tình yêu, khát vọng yêu trong tâm hồn người phụ nữ ấy luôn cựa đạp. Nhưng những cảm xúc riêng tư của người đàn bà yêu Hạnh Loan đã vượt ra khỏi cảm xúc của một cá nhân, chạm tới trái tim nhiều người đàn bà.
Đó là lý do vì sao thơ Hạnh Loan nhận được sự chia sẻ, đồng cảm nhiều trên Facebook, và chị in thơ sẽ xuất bản chứ không phải đem cho và tặng như cách nhiều người đang hành xử với thơ. Điều đó lý giải tại sao khi tập thơ "Hãy nói yêu khi hoa hồng nở" của chị được xuất bản đầu năm nay thì trên trang cá nhân của Hạnh Loan vẫn liên tục xuất hiện nhiều bài thơ, thể hiện một sức viết khỏe khoắn, khoáng đạt và đầy cá tính.
Trong thời buổi khá nhiều người làm thơ, nhưng để neo lại trong trái tim người đọc không nhiều thì thơ Hạnh Loan, một góc nào đó đã chạm tới cảm xúc của nhiều người. Và vì thế, thơ chị tồn tại. Thế mới biết, đôi khi thơ tồn tại cũng đơn giản vậy thôi, phá bỏ mọi giới hạn của cách tân hay đổi mới.
Tôi ngồi với chị trong một buổi sáng mùa đông, tại một quán cà phê nhỏ ở Hà Nội. Chị lúc nào cũng vậy, rực rỡ và thẳm sâu. Hạnh Loan có đôi mắt đa tình hút hồn người đối diện. Chị đang yêu. Mà đã bao giờ trái tim đàn bà ấy ngừng yêu? Chị nói về thơ bằng tình yêu hồn nhiên và nguyên thủy nhất của mình, thứ tình yêu nguyên khiết, không vụ lợi. Và tôi biết, chị sẽ đi đến tận cùng tình yêu đó.
Khánh Linh