Về Đất Mũi

Giữa bao la của Đất Mũi, lặng ngắm đất trời biển cả, trong lòng không khỏi trào dâng những nỗi niềm xúc động. Ngẫm ra ta càng thấy thấm thía cái khúc ca “Đất mũi Ca Mau” của Hoàng Hiệp: “ … Ơi đất mũi Cà Mau, trăm thương ngàn mến/ Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng/ Đều giục người đi nhanh nhanh đôi bàn chân/ Nhanh nhanh những nghĩ suy và ước vọng/ Về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn”.


Tác giả và đoàn công tác đứng dưới tượng đài con thuyền nơi Đất Mũi

 

 

VỀ ĐẤT MŨI CÀ MAU

Đất Mũi đây rồi! Mỏm đất nằm mãi tận cùng nơi cực Nam xa xôi của dải đất hình chữ S thân yêu đang hiện lên dưới bầu trời rực rỡ nắng giòn và lồng lộng gió biển thật là sảng khoái. Đất Mũi Cà Mau vốn được nghe kể rất nhiều và cũng đã gặp bao lần trong các trang sách của “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi) và “Bức thư Cà Mau” (Anh Đức)… Mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió ấy bây giờ đang sừng sững hiện hữu trước mắt chúng tôi với chiếc cầu tàu và con đê chắn sóng bằng bê tông chạy ngoằn ngoèo ôm những bụi đước đang mọc dở dang và những bờ phù sa tựa như ngón chân cái ngoạm chặt vào mặt biển để tiếp tục cuộc hành trình về phương Nam. Đứng giữa đất trời bao la, khoáng đạt thì hứng khởi và thích thú là tâm trạng không phải của riêng tôi mà là của tất cả những người con phương Bắc lần đầu tiên được đặt chân đến mảnh đất xa xôi cuối trời Nam này. Đúng là thỏa lòng mong ước. Đứng dưới lá cờ đỏ vinh quang đang tung bay phần phật trên tượng đài con tàu vươn mình rẽ sóng ra khơi và cách đó không xa là trụ Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 mà trống ngực ai nấy không khỏi rộn ràng. Lúc này, đứng ở nơi chót cùng của Đất Mũi thiêng liêng, tôi lại có được cái cảm giác giống như lần đầu tiên mình được đứng bên cột cờ hùng vĩ hiên ngang của tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú (Hà Giang). Đó là cái tâm trạng hồi hộp, háo hức, tự hào và xúc động. Phải chăng mỗi lần được đặt chân bên những cột mốc thiêng liêng của sông núi con người chúng ta đều có chung một nỗi niềm tâm trạng như vậy?

Cà Mau xa lắm nhưng Đất Mũi còn xa hơn. Chốn xa xôi ấy nằm ở 8°37’30’’ vĩ độ Bắc và 104°43’ kinh độ Đông. Đất Mũi bây giờ thuộc huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau. Đi từ Đất Mũi về đến trung tâm thành phố Cà Mau là một khoảng cách địa lý trên 100 km tính theo đường chim bay. Trước đây đến được Đất Mũi là muôn trùng cách trở bởi chỉ có duy nhất một con đường trên sông nước. Bây giờ sự cách trở không còn nữa bởi đường Hồ Chí Minh đã vươn xa, nối dài Bắc Nam một dải từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến tận nơi Đất Mũi xa xôi. Tuy nhiên đến Cà Mau mà đi đường bộ thì sẽ bị giảm đi một nửa hứng thú và không thấy hết được sự giàu đẹp và nên thơ của một vùng sông nước Phương Nam.

Đến với Đất Mũi xa xôi, theo con tàu (tiếng địa phương gọi là vỏ lãi) dập dềnh trên sông nước mà tận hưởng cái màu xanh đa sắc của đất biển Cà Mau, để mà thỏa sức hít hà cái vị nặm mòi của mắm, của đước, của tràm bạt ngàn trên sông nước. Đi trên sông nước Cà Mau, ấn tượng trong tôi về cảnh sắc nơi đây là một màu xanh bất tận. Cái màu xanh um tùm của cây lá đang dạt theo chiều gió thổi soi bóng xuống cái màu xanh ngăn ngắt của dòng nước Năm Căn và hòa vào bầu trời màu thanh thiên sao mà quyến rũ đến thế. Có lẽ trong cái bao la của sắc xanh ấy chỉ có duy nhất luồng sáng của những tia nước vừa bắn lên rồi lại đổ xuống ngay theo bóng những con thuyền lắp máy rẽ sóng vun vút trên sông. Nói màu nước ở đây xanh ngăn ngắt có lẽ bởi có sự phản quang của màu trời in trên nền sông nước. Thực tế, sông nước ở Cà Mau có màu đen. Một màu đen không phải vì bùn bẩn hay phù sa dồn về mà do muôn ngàn lá đước, lá mắm, lá tràm … rơi rụng xuống làm biến đổi sắc nước. Có lẽ cũng bởi màu nước đặc trưng này mà người xưa đã đặt tên cho vùng đất mới khai phá là Cà Mau chăng (Cà Mau trong tiếng Khmer có nghĩa là nước đen, lấy cái màu đặc trưng của nước để gọi tên đất).

Cây đước, cây tràm … ở đây mọc thành rừng. Những rừng ấy ngày càng xanh um và lan rộng. Cái màu xanh ấy giống như một tấm áo choàng bao quanh doi đất vừa mới khô bùn để sinh tồn cùng con người. Đến Đất Mũi, đi đâu ta cũng được nghe kể về đước, về mắm ... Lưu dân xứ này đã đúc kết lại hành trình đi mở đất của mình rằng: "mắm đi trước, đước theo sau, tràm theo sát". Họ bảo cây mắm tiên phong ngụ cư sớm nhất trên các bãi bồi. Nó hiến thân mở đất, rễ mắm tua tủa từng chùm đâm thẳng lên không nhìn như trận địa chông dày đặc. Tiếp theo cây mắm là cây đước, cây tràm. Đước, tràm đi theo sau cây mắm để làm thành rừng trên những bãi bồi nhằm giữ cho phù sa từ thượng nguồn Tây Tạng (Trung Quốc) đổ xuống qua chín cửa sông ở hạ lưu (Cửu Long Giang) mà không bị cuốn phăng ra biển. Phù sa ấy ở lại với đước, nắm, tràm để rồi theo thời gian sẽ rắn lại thành đất. Cứ thế đất Việt không ngừng được kéo dài và mở rộng theo thời gian. Nhưng nếu kể chỉ có vậy thì chưa thật đầy đủ. Đúng là đước và mắm là hai loại cây có công lớn trong việc hình thành và phát triển Đất Mũi. Nhưng để làm nên Đất Mũi, ngoài sự bồi đắp của phù sa sông Cửu Long và sự giữ gìn của cây đước, cây mắm … còn phải kể đến dòng hải lưu Nam Bắc nổi tiếng của vùng Nam Thái Bình Dương và đảo Hòn Khoai. Ông Chevey, nhà nhà hải dương học người Pháp là người đã phát hiện và chỉ ra sự thú vị này của tạo hóa: “chính dòng hải lưu Bắc Nam đã đón hết phù sa sông Cửu Long chở về đến cực Nam và vì đụng phải đảo Hòn Khoai nên nó tạt vòng lại, tập hết lên Bãi Bùn là nơi có thềm lục địa cao hơn những vùng chung quanh. Dòng hải lưu Bắc Nam và sông Cửu Long là hai cánh tay vĩ đại của tự nhiên đã đón bắt những hạt phù sa vạn dặm mà đắp bồi nên Mũi Cà Mau…”. Bây giờ cái quá trình Nam tiến ấy vẫn không ngừng dừng lại. Theo số liệu thông báo, rừng ngập mặn ở Cà Mau đã lên tới trên 63 ngàn hetta. Nó đã trở thành rừng lớn thứ hai trên thế giới, sau rừng ngập mặn ở Amazôn (Nam Mỹ). Khu rừng này của Cà Mau cũng đã được UNESCO đưa vào danh sách khu dự trữ sinh quyển.

Cây đước, cây vẹt, cây tràm … là những loài cây phổ biến, chủ yếu và gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Cà Mau. Điều này cũng đã được nhà văn Sơn Nam kể lại trong cuốn “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” rằng: khi xưa vùng đất Cà Mau là những rừng đước, rừng vẹt và rừng tràm. Vùng sình lầy này cũng mới chỉ có dân đến sinh sống từ thời Mạc Cửu (khoảng giữa thế kỉ XVII). Khi đó chủ yếu chỉ có người Khmer, người Hoa và lưu dân người Kinh. Và theo dòng lịch sử, chúng ta cũng còn được biết vùng đất này còn gắn liền với nhà Nguyễn khi Gia Long tẩu quốc cũng đã từng phải trốn đến xứ này sống nhờ vào nhân tài và vật lực của những con người khốn khó nơi đây. Khảo cứu chút đỉnh như vậy để thấy rằng Cà Mau có tuổi đời còn khá trẻ và Đất Mũi nơi địa đầu phía Namnày cũng lại còn trẻ hơn. Và như thế cũng để thấy rằng lịch sử nơi tận cùng của xứ Thủy Chân Lạp này cũng gắn liền với hành trình Nam tiến để mưu sinh đầy gian khổ của ông cha thủa trước.

Ở nơi chót mũi của Cà Mau, Đất Mũi cũng khá vất vả, quanh năm chỉ có nước mặn, trừ khi có “mưa già”. Và để sinh tồn được giữa nơi bốn bề nước mặn, trên 300 năm nay cư dân Đất Mũi phải đưa nước ngọt từ đảo Hòn Khoai, cách đó khoảng chừng 15 km vào để sử dụng. Nhưng bù lại, con người từ thời đi mở đất đến nay đều được rừng đước, rừng vẹt, rừng chàm, rừng mắm, rừng sú, rừng vẹt … cưu mang, bao bọc một cách rất ân tình. Dưới những tán rừng ngập mặn xanh um ấy, len trong những chùm rễ, nấp trong những tầng lá là vô số cua, cá, ba khía, ốc len, nghêu, rùa, rắn… Và trên những thân cây còn có ong mật và muôn loài chim chóc. Những đặc sản ấy một thời đã từng nuôi sống bao lưu dân đi mở đất và bây giờ đã trở thành các món quà hấp dẫn cho biết bao du khách đến tham quan nơi này.

Theo bánh con tàu quay, xuôi dọc về phương Nam, đến nơi tận cùng của Đất Mũi, cúi xuống khỏa tay trên mặt nước biển Đông, mở toang lồng ngực để hít thở không khí trong lành, ta mới thấy đất Việt núi sông một dải, biển bao la sóng thật là hùng vĩ và thơ mộng. Đứng ở độ cao chừng trên 20 m của chòi vọng cảnh (đài quan sát) nơi Đất Mũi tôi đã nhìn thấy toàn cảnh “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” thiêng liêng của Tổ quốc với đủ biển cả, rừng xanh trập trùng trong con mắt. Thấp thoáng, phía bên trái, ẩn hiện trong rừng đước là mấy chục mái nhà đơn sơ của bà con xóm Mũi. Phía xa xa là Biển Đông bao la sóng lớn bị chặn lại bởi Hòn Khoai trước mặt. Chỗ ấy có rất khá nhiều đảo đẹp với Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Đồi Mồi... Chỗ đảo Hòn Khoai ấy cũng là nơi có ngọn hải đăng đêm đêm tỏa sáng dẫn lối cho tàu thuyền đi lại trong khu vực biển Đông và vịnh Thái Lan. Ngó về phía bên phải, nhìn mỏm đất nhô ra trước biển tôi chợt nhớ tới câu thơ của Xuân Diệu mà bái phục: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”. Đúng! Cái "mũi thuyền" ấy như thể đang đạp sóng vươn mình ra giữa bao la của đước rừng bát ngát để tiến về phía vịnh Thái Lan. Hơn thế còn một thú vị nữa cho Đất Mũi. Theo lời kể của người giữ chòi, mỏm đất cực Nam này do tiếp giáp với biển cả hai phía Đông, Tây nên đứng ở đây chúng ta có thể quan sát được cả cảnh mặt trời mọc buổi sáng ở phía Đông trên biển và buổi chiều mặt trời lại lặn ở phía Tây trên biển. Và một điều kỳ thú nữa là ở vùng đất cuối trời này còn có con sông Cái (có tên gọi khác là Tam Giang) dài gần 60 km xuất phát từ biển Tây chảy về biển Đông. Dòng sông này là con sông duy nhất trên đất việt không có thượng nguồn mà khởi nguồn từ biển rồi lại đổ về biển. Dòng sông Cái yêu thương ấy cũng chính là những mỏ tôm, mỏ cá của bao đời ngư phủ Đất Mũi. Và trong thời kì chiến tranh chống Mỹ con sông Cái này cũng là một chiến trường máu lửa. Vũ khí từ miền Bắc theo đường biển thường đi qua đây rồi tỏa ra khắp các chiến trường miền Nam. Thế đấy! Đất Mũi Cà Mau đúng là vùng đất trăm mến ngàn thương. Vùng đất của mồ hôi, xương máu và lịch sử.

Giữa bao la của Đất Mũi, lặng ngắm đất trời biển cả, trong lòng không khỏi trào dâng những nỗi niềm xúc động. Ngẫm ra ta càng thấy thấm thía cái khúc ca “Đất mũi Ca Mau” của Hoàng Hiệp: “ … Ơi đất mũi Cà Mau, trăm thương ngàn mến/ Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng/ Đều giục người đi nhanh nhanh đôi bàn chân/ Nhanh nhanh những nghĩ suy và ước vọng/ Về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn”. Có thể rồi mai đây phù sa sẽ tiếp tục bồi đắp. Cái “Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” sẽ bị thay đổi nhưng kí ức về một thời lịch sử vẫn sẽ còn mãi trong tâm thức người Việt về một vùng đất “nên thơ và đẹp giàu”: Mũi Cà Mau.