Năm thứ 5, TPM ra số đầu tiên
Xuân Đinh Dậu này, TÁC PHẨM MỚI (TPM) bước sang năm thứ 5, kỷ niệm ra mắt số đầu tiên (1/2013-/1/2017). Nhân dịp này, Nhà báo Kim Thanh (Báo Diễn đàn doanh nghiệp) có cuộc phỏng vấn Nhà báo Cao Thâm–người cùng Nhà thơ Chử Thu Hằng chủ trì thành lập Chuyên đề Văn học Nghệ thuật TPM với sự cố vấn của GS. Nguyễn Lân Dũng, Nhà thơ TRần Đăng Khoa và Nhà báo Nguyễn Chu Nhạc.
CTV và bạn đọc chúc mừng TPM tại cuộc gặp mặt năm 2014
Kỷ niệm năm thứ 5, TÁC PHẨM MỚI ra số đầu tiên (1/2013-1/2017)
“TÁC PHẨM MỚI LÀ NGÔI NHÀ CHUNG THÂN THIỆN, ẤM ÁP CỦA CHÚNG TA ”.
Xuân Đinh Dậu này, TÁC PHẨM MỚI (TPM) bước sang năm thứ 5, kỷ niệm ra mắt số đầu tiên (1/2013-/1/2017). Nhân dịp này, Nhà báo Kim Thanh (Báo Diễn đàn doanh nghiệp) có cuộc phỏng vấn Nhà báo Cao Thâm–người cùng Nhà thơ Chử Thu Hằng chủ trì thành lập Chuyên đề Văn học Nghệ thuật TPM với sự cố vấn của GS. Nguyễn Lân Dũng, Nhà thơ TRần Đăng Khoa và Nhà báo Nguyễn Chu Nhạc. Trong cuộc phỏng vấn, anh luôn đề cao đến vai trò của cộng tác viên và bạn đọc TPM. Anh khẳng định:“TÁC PHẨM MỚI LÀ NGÔI NHÀ CHUNG THÂN THIỆN, ẤM ÁP CỦA CHÚNG TA ”.
Hội đồng Biên tập TPM. Từ trái sang: Nhà báo Chu Nhạc. Nhà thơ Chử Thu Hằng, GS. Nguyễn Lân Dũng; Nhà báo Cao Thâm, Họa sĩ Lã Minh Kính.
*Tôi rất ngạc nhiên về sự ra đời của TPM! Trong khi bạn đọc ngày càng quay lưng với sách, báo in. Vậy mà đến nay, đã bước sang năm thứ 5, TPM vẫn tồn tại và phát triển. Anh có thể cho biết, vì sao anh, chị lại cho ra đời TPM trong lúc khó khăn này?
-Đọc các trang mạng xã hội, các trang blog, facebook tôi rất bất ngờ khi nhận thấy, trên đó có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật rất hay; những phát hiện độc đáo của những người dường như chưa xuất hiện trên báo chí. Tôi cho rằng, đó là sức sáng tạo vô cùng lớn của người Việt. Tuy nhiên, những sáng tạo đó trôi nổi trên mạng, lẫn trong núi thông tin khổng lồ, bên cạnh những thông tin độc hại; cần được sàng lọc, được kiểm định (cấp phép), được in trên giấy trắng mực đen. Mặt khác, lâu nay, qua sách báo và trường học, chúng ta đã biết những tác giả với những tác phẩm nổi tiếng. Nhưng thân phận và phía sau các tác phẩm của họ còn rất nhiều góc khuất, cần làm sáng tỏ.
TPM ra đời để làm hai việc đó. Ngay trên trang nhất số đầu tiên Xuân Quý Tỵ, TPM đăng Thông điệp mùa Xuân, trong đó nêu rõ hai mục đích trên với tôn chỉ: Tôn vinh giá trị cao đẹp của văn chương – nghệ thuật và cuộc sống; đề cao phẩm chất, nhân cách của văn nghệ sĩ nói riêng và vẻ đẹp tâm hồn người Việt nói chung. Cách làm đó đã được đông đảo cộng tác viên và bạn đọc ủng hộ. Buổi ra mắt TPM số đầu tiên có tới khoảng 300 CTV và bạn đọc tới dự, chung vui với chúng tôi. Đến nay, TPM đã xuất bản 17 số, trong đó 10 số gộp (số Xuân và kỷ niệm các ngày lễ lớn). Trang điện tử của TPM (tacphammoi.net) cũng ra đời từ năm 2013, đến nay, lượng truy cập bình quân khoảng 10 nghìn lượt người.
*Anh có thể nói khái quát nhất về thành công của TPM?
Trước hết, tôi khẳng định, thành công nhất của TÁC PHẨM MỚI là đã tập hợp được lực lượng đông đảo tác giả trong và ngoài nước tham gia gửi tác phẩm và ủng hộ vật chất, tinh thần cho cho TÁC PHẨM MỚI. Đây là lực lượng quyết định thành công của TPM.
Thành công thứ hai mà chúng tôi tâm đắc, đó là TÁC PHẨM MỚI đã phát hiện và làm nổi bật số phận của những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và thẩm mĩ cao, nhưng vì lí do nào đó mà lâu nay chưa được nhiều người biết đến. Đó là số phận “Mưa mùa hạ” – tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, từng bị đình bản, năm 2012 được Giải thưởng Hồ Chí Minh; đó là “Đảo chìm” – tiểu thuyết đặc biệt xuất sắc của Trần Đăng Khoa viết về những người lính biển đảo Trường Sa, nhưng chưa hề được tôn vinh; đó là tư liệu độc quyền, chưa bao giờ công bố của NSUT Tố Uyên – người đã tuyền cảm hứng mãnh liệt cho Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết những tác phẩm nổi tiếng; đó là tư liệu về Tổng Biên tập báo – Nhà văn Nguyên Ngọc – người đã đưa tờ báo Văn nghệ lừng danh một thời với những phóng sự nổi tiếng và phát hiện những nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh v.v. nhưng ít người biết; đó là số phận của loạt phim nổi tiếng: Biệt động Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Hẹn gặp lại Sài Gòn và Những đứa con biệt động Sài Gòn của Đạo diễn Vân Long, nhưng chưa được cấp nào khen thưởng v.v.
* Nhưng, có người cho rằng, TPM đã tập hợp lực lượng tác giả quá đông đảo, chắc chắn việc sử dụng tác phẩm sẽ dễ dãi, nhất là thơ. Anh nghĩ sao?
- Tôi không dám nghĩ thế!Thậm chí, tôi còn trân trọng và đề cao mọi tác giả đã đồng hành với TPM trong những năm qua. TPM là một sân chơi, trong đó có nhiều nhà khoa học công nghệ, là công nhân, nông dân, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… Họ làm thơ cốt để giải tỏa tư tưởng và cảm xúc chứ không hẳn để mong trở thành người nổi tiếng. Mà đã sáng tác thì ắt có nhu cầu công bố tác phẩm, dù chỉ cần cho một người đọc. Dù vậy, chị cứ đọc kỹ các số của TPM mà xem, trong đó có rất nhiều bài thơ hay, những câu thơ thần tình. Làm sao có thể coi thường sức sáng tạo trong dân được! Tuy nhiên, trong TPM còn một số bài thơ kỹ năng diễn đạt còn vụng vụng về, nội dung dàn trải nhưng cảm xúc chân thật, dễ hiểu; cần đăng tải để động viên, cổ vũ phong trào sáng tác trong công chúng.
*Trở lại vấn đề vấn đề mà TPM đã rất thành công, đó là phát hiện, khám phá những góc khuất mới lạ về thân phận tác gả và tác phẩm đã quá nổi tiếng. Nói đến góc khuất, khiến người ta liên tưởng đến cái gì đó chưa minh bạch, chưa sáng tỏ hoặc có thể vẫn ở nơi tranh tối, tranh sáng. Nói chung là những bí ẩn đối với công chúng. TPM tìm kiếm gì khi đưa những góc khuất ấy ra?
-Tôi nghĩ, đối với mỗi một cuộc đời, một tác phẩm, người đương thời có những sự nhìn khác nhau. Thậm chí, mỗi một giai đoạn lịch sử lại có một cách nhìn nhận khác. Có những cuộc đời, tác phẩm của họ đến hàng trăm năm sau vẫn là bí ẩn với công chúng. Chủ trương của TPM là đi tìm những góc khuất chưa ai nhìn ra để đem đến cho công chúng một cách nhìn khác, giá trị mới. Những “Góc khuất” về thân phận tác giả, tác phẩm đã đăng trên TPM chúng tôi đã tập hợp thành cuốn sách, lấy tên là GÓC KHUẤT.
*Những góc khuất cuộc đời, tác phẩm nào anh đã từng gặp, từng viết, ấn tượng nhất?
Nhiều lắm. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với chúng tôi là khi phỏng vấn đạo diễn Long Vân - đạo diễn tài ba của những bộ phim kinh điển như Biệt động Sài Gòn; Hẹn gặp lại Sài Gòn; Giải phóng Sài Gòn; Người không mang họ …Gần đây là bộ phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn” gồm 3 phần, 120 tập đã phát trên 11 đài truyền hình trong cả nước. Nhưng ông chưa từng được nhận bất kỳ danh hiệu nào, dẫu chỉ là bằng khen. Để khai thác được những tư liệu này, chúng tôi đã ngồi với ông 7 tiếng đồng hồ. Khi cao hứng, ông bật dậy, vung tay như chỉ huy trận đánh. Rồi ông bật khóc. Có lẽ do chúng tôi đã gợi, chạm đến nỗi niềm của ông. Hình ảnh người đạo diễn già gần 80 tuổi đưa tay quẹt ngang nước mắt như đứa trẻ khiến tôi nhớ mãi.
Một “Góc khuất” nữa mà chúng tôi đã phần nào làm sáng tỏ, đó là cuộc đời và tác phẩm của Nhà thơ - Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Đã có hàng nghìn bài viết về Lưu Quang Vũ nhưng ít người biết, ông còn rất nhiều tác phẩm chưa công bố, trong đó có những tác phẩm ông viết khi đang tuổi thiếu niên. Mối tình đầu cao đẹp giữa Nhà thơ Lưu Quang Vũ và NSUT Tố Uyên thông qua tư liệu độc quyền do NSUT Tố Uyên cung cấp được đăng tải cùng 9 bức thư tình trên TPM Xuân Giáp Ngọ 2014 cũng đã hé lộ một điều mà lâu nay ít người biết, đó là, NSUT Tố Uyên là nguồn cảm hứng mãnh liệt nhất để nhà thơ Lưu Quang Vũ (LQV), sáng tác những tác phẩm kiệt xuất, kể cả khi hai người đã chia tay!
*Tôi được biết, TPM có Ban cố vấn với những người nổi tiếng như GS. Nguyễn Lân Dũng, Nhà Thơ Trần Đăng Khoa, Nhà báo Nguyễn Chu Nhạc. Thực chất, công việc của họ ở TPM là gì? Hay chỉ là…hình thức?
-Đối với anh Khoa và anh Chu Nhạc, do bận công tác quản lí (anh Khoa hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn; anh chu Nhạc là Chánh Văn phòng VOV) nên ít có điều kiện tham gia công việc ở TPM, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng giao lưu và chia sẻ những bài viết hay của mình với bạn đọc TPM. Riêng bác Lân Dũng, là trụ cột của TPM. Bác ấy đã tổ chức cho chúng tôi gặp những người nổi tiếng như Đạo diễn Vân Long; Nhà báo Trần Đăng Tuấn v.v. để phỏng vấn, khai thác tư liệu. Bác Lân Dũng còn trực tiếp viết rất nhiều bài với đủ thể loại, từ những bài phê bình văn học sâu sắc, đầy tính học thuật đến những bài… diễn ca mộc mạc và tích cực vận động bạn đọc viết bài và mua TPM; rồi tổ chức các buổi đi thực tế, giao lưu TPM với bạn đọc…
Không chỉ riêng bác Lân Dũng mà như tôi đã nói, còn nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng cũng đã tư vấn, hiến kế, viết bài cho TÁC PHẨM MỚI mà không nhận thù lao như Nhà văn Đỗ Chu, Nhà văn Ma Văn Kháng, Nhà văn Trần Hữu Tòng, Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến v.v. Hàng nghìn lượt tác giả khác, suốt mấy năm nay đã hỗ trợ TPM bằng hình thức mua ấn phẩm TPM mà không hề phàn nàn. Nhiều tác giả ở xa, chúng tôi chưa hề biết mặt nhưng luôn coi TPM là ngôi nhà thân thân thiết, ấm áp như tác giả TT.Giang Viên (Bến Tre), Lương Sơn (Tp. Hồ Chí Minh), Sa Huỳnh (CHLB Đức)…
*Tôi cũng đã nhiều lần tình nguyện mua TPM trong đó có đăng tác phẩm của mình nên tôi biết, sự ủng hộ đó không thể bù lỗ cho việc in ấn. Trong khi, nhiều tờ báo, tạp chí được nhà nước hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ phát hành vẫn lỗ, nguy cơ phải đóng cửa. Vậy, TPM làm cách gì để duy trì TPM bản in và “nuôi” trang điện tử tacphammoi.net?
TPM hoạt động dưới hình thức xã hội hóa; tức là người thì góp công, người góp tác phẩm và đông đảo tác giả ủng hộ TPM bằng hình thức mua tác phẩm như đã tôi đã nói. Ngoài ra, chúng tôi còn có Công ty TÁC PHẨM MỚI, hoạt động trên lĩnh vực truyền thông, xuất bản. Nhờ có TPM và tacphammoi.net mà đông đảo khách hàng (chủ yếu là CTV, bạn đọc TPM) đã tìm đến chúng tôi, ưu tiên cho chúng tôi đảm nhận công việc in ấn, xuất bản tác phẩm của họ. Đến nay, Công ty TÁC PHẨM MỚI đã liên kết xuất bản từ khâu tổ chức bản thảo, thủ tục cấp phép, thiết kế, in ấn hàng trăm ấn phẩm cho các doanh nghiệp, trường học; các tác phẩm văn học học của các tác giả. TPM còn viết nhiều hồi kí, viết tự truyện, viết kí sự cho các cá nhân; sản xuất nhiều bộ phim tài liệu và các dịch vụ khác thuộc lĩnh vực văn hóa, truyền thông. Từ nguồn thu này, chúng tôi trích một phần lợi nhuận bù lỗ cho xuất bản TPM (bản in) và đầu tư hạ tầng cho tacphammoi.net.
Chúng tôi tự nhận thấy, nội dung và hình thức của TPM còn nhiều hạn chế, cần được nâng cao; mối quan hệ với CTV và bạn đọc có lúc còn sơ suất, sai sót, cần khắc phục. Chúng tôi mong muốn các bác, các anh chị CTV và bạn đọc lượng thứ và tiếp tục ủng hộ xây dựng TPM - ngôi nhà chung thân yêu của chúng ta phát triển hơn.
Nhân dịp năm mới, thay mặt Ban Cố vấn và và BBT TÁC PHẨM MỚI, tôi trân trọng cảm các bác bác, các anh chị em và bạn đọc gần xa đã giúp đỡ, đồng hành với TPM trong những năm qua. Kính chúc các bác, các anh chị CTV và quí bạn đọc năm mới nhiều niềm vui mới.
Kim Thanh (Thực hiện)
BOX: Nhà báo Cao Thâm đã có 19 năm làm Phó Tổng Biên tập, phụ trách nội dung cho nhiều tờ báo, tạp chí. Hiện anh là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp & hội nhập - Phụ trách báo điện tử (doanhnghiepnet.com.vn) - Cơ quan ngôn luận của hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và Vừa Việt Nam và tham gia Chỉ đạo nội dung TPM. Anh đã cho xuất bản 15 tập sách với các thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, ký sự, nghiên cứu lịch sử v.. và chủ biên nhiều cuốn sách lịch sử truyền thống cho các đơn vị ngành Than và các ngành khác; trong đó, "Cơ hội vàng" (Nxb Công an Nhân dân, năm 1992) là tiểu thuyết đầu tiên của VN viết về doanh nghiệp trong cơ chế thị trường