Cuộc “hội thảo” về vấn đề nóng của Quốc gia mà không mất tiền
Trên trang facebook của ông Kiển Đoàn (ông Đoàn Văn Kiển, cựu Chủ tịch Tập đoàn TKV) đăng bài “ĐỪNG ĐỂ NĂNG LƯỢNG TRỞ THÀNH " GÓT CHÂN ASIN " CỦA NỀN KINH TẾ”. Lập tức, bài viết nhận được hàng loạt phản hồi của các nhà quản lí, nhà khoa học v.v. đầy tâm huyết và biện chứng về vấn đề phát triển năng lượng điện của nước ta. Đây có thể coi là cuộc “hội thảo” không tốn kém đồng nào vẫn có thể để cho các nhà hoạch định chính sách rút ra những điều quan trọng về vấn đề này. Không biết rằng, các nhà hoạch định có thèm nghe ý kiến của dân? TPM đăng nguyên văn bài của ông Đoàn Văn Kiển và chọn lọc một số phản hồi bài viết.
Nhiệt điện Mạo Khê công suất 440 MGW, do TKV đầu tư xây dựng công nghệ tiết kiệm nhất, công suất nồi hơi lớn nhất và đặc biệt tiến độ xây dựng nhanh nhất. Nhà máy đi vào hoạt động trước 3,5 tháng so với tiến độ kế hoạch.
“ĐỪNG ĐỂ NĂNG LƯỢNG TRỞ THÀNH " GÓT CHÂN ASIN " CỦA NỀN KINH TẾ”.
Đoàn Văn Kiển
Tối qua VTV tổng kết năm 2016 trong chương trình " Ấn tượng 2016" khá là hay. Phần cuối chương trình có đề cập đến vấn đề năng lượng đại ý: tiềm năng thuỷ điện hầu như đã được khai thác hết, dầu khí cũng khó thêm, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo thì giá cao quá; điện nguyên tử vừa được dừng lại không làm, vậy là sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nhiệt điện than; vừa qua một số tỉnh đã loại các dự án nhiệt điện than ra khỏi danh mục kêu gọi đầu tư vì sợ ô nhiễm.
Vừa xem tôi vừa nghĩ với tư duy cái gì cũng sợ, cái gì cũng ngại, cái gì cùng theo phong trào như thế thì ít nữa lấy đâu ra điện mà dùng!? Không khéo năng lượng sẽ trở thành " gót chân Asin " của nền kinh tế nước nhà trong tương lai không xa.
Có một điều rất rõ ràng là NĂNG LƯỢNG VN đang và sẽ phụ thuộc ngày càng nhiều vào than - nhiệt điện than. Quy hoạch phát triển điện dự kiến đến năm 2020 nhiệt điện than chiếm khoảng 50% tổng lượng điện phát ra, con số đó tăng lên 53% vào 5 năm sau, đấy là trước khi Quốc hội cho rút điện nguyên tử ở Ninh Thuận. Phụ thuộc vào than mà các tỉnh chê điện than ô nhiễm, truyền thông gần đây liên tục chê nhiệt điện than ô nhiễm; chỉ nói mặt trái của một số nhà máy nhiệt điện than đang vận hành. Vậy là đã găm vào đầu dân chúng sự chán ghét nhiệt điện than- cái mà đất nước này đang cần phát triển, tất nhiên là phát triển hợp lý, bền vững. Từ chán ghét đến chống đối - một bước không xa.
Tại sao Bộ Công Thương mà trước hết là Tổng cục năng lượng không đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và sử dụng tiết kiệm điện nói riêng và năng lượng nói chung ??? Tại sao không nói cho dân biết là trên thế gới này đã có công nghệ tiên tiến sản xuất điện từ than một cách hiệu quả, sạch sẽ, phát thải đảm bảo tiêu chuẩn cao về môi trường, đến nhà máy nhiệt điện như vào công viên xanh!. Tất nhiên sẽ phải đầu tư nhiều tiền hơn và giá điện sẽ cao hơn hiện tại nhưng vẫn thấp hơn các dạng năng lượng khác. Ai cũng muốn có năng lượng sạch và rẻ để dùng. Nhưng đợi được các nhà khoa học cho ra đời công nghệ mới sản xuất năng lượng sạch và rẻ như các biên tập viên VTV đã mong muốn trong chương trình tối qua thì chắc là phải chờ không chỉ vài năm, có khi vài chục năm hoặc lâu hơn nữa. Vậy hãy xài những thứ tốt nhất thế giơi đang có, muốn vậy các nhà quản lý, thanh tra, kiểm tra và người dân nữa phải loại bỏ khỏi đầu mình tư duy: chất lượng cao nhất nhưng giá phải thấp nhất; quay về theo lời người xưa " tiền nào của ấy ". Có như vậy mới đủ điện mà dùng.
Bài tiếp theo sẽ là Cung cấp than cho điện.
CÁC PHẢN HỒI
Bạn đọc có nickname Thuhoai Nguyen
Đúng quá ạ. Thay vì dùng công nghệ thấp hãy tiến tới công nghệ cao hơn, phát thải thấp hơn và có hệ thống quan trắc kiểm soát mức độ ô nhiễm trong phạm vi cho phép. Khi điện chưa đủ thì ko thể đòi chỉ điện sạch mới dùng, khác nào cơm ăn ko đủ lại cứ đòi vào ks 5 sao.
Bạn đọc có nickname Nguyễn Đình Thái
Chuyên gia Kien Doan rất đúng, rất trúng
Bạn đọc có nickname Nguyen Phuc Thai
Nhận định của anh Kiển rất đúng. Nếu hạn hản cho vài năm thì thủy điện chạy băng gì?
Bạn đọc có nickname Kha Vuong Trong
Anh nói rất đúng! nhưng người ta không làm vì sợ dân biết quá nhiều đến khi chọn TQ xây nhiệt điện thì dân phản đối. Ngoài ra gần biên giới phía Bắc Trung quốc đã xây 3 nhà máy điện nguyên tử rồi khi ta thiếu điện chỉ sang đó mua về là đủ dùng ngay (sếp lại có hoa hồng), chỉ lo là trở thành nước phụ thuộc thôi!
Trả lời phản hồi của Kien Doan
Nói về mua điện TQ, hồi 1995-2000 ta mua điện của họ với giá trên 5,5 cent Mỹ/ kWh; thế mà Tcty Than đề nghị giá bán điện từ Nhà máy nhiệt điện Na Dương 5,0 cent Mỹ/ KWh EVN không nghe. Đàm phán mãi tôi đã phái nghiến răng hạ bút ký với giá 4,2 cent/kWh.
Nickname ha Vuong Trong:
Quân ta đánh quân mình đau thế, vậy thì đến khi nào đất nước mới tiến nhanh và đuổi kịp mấy nước xung quanh VN đây?
Bạn đọc có nickname Trần Văn Thành:
Rất hay đấy Anh. Mấy hôm trước nghe QH loại điện hạt nhân, thuỷ điện thi khai thác quá sức, không tính đến hạu hoạ biến đổi khí hậu- khó lường. Em đã nói với các cháu nhà em đang làm ở vùng Uông bí, cty VTTC là từ 2017 trở đi, CP lại yêu cầu đẩy mạnh sx Than, lúc đó " thắt" rồi lại phải lo " cởi". Ôi, các nhà chiến lược, quy hoạch... , để khổ vẫn là Doanh nghiệp và Thợ Mỏ, chỉ nghĩ trước mắt mà không lo cho lâu dài- Tầm nhìn đấy
Bạn đọc có nickname Mien Tran (TS. Trần Miên, nguyên Trưởng Ban Môi trường, Tập đoàn TKV)
Nhiệt điện chạy than sẽ còn tồn tại lâu dài. Chuyển đổi công nghệ hiện đại hơn và thân thiện với môi trường hơn là yêu cầu cấp bách. Sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng là cầu chuyện dài muôn thủa, nói nhưng không thấy chuyển biến gì cả, ngay cả bản thân chúng ta, cho nên nói như anh Kien Doan, nói như phong trào là rất đúng với thực trạng. Nói mà không làm hoặc nói mà làm không được bao nhiêu gây ra sự hoài nghi. Nhưng các nhà truyền thông cũng nên xem lại cách định hướng xã hội của mình. Truyền thông cũng có lỗi trong định hướng dư luận xã hội. Tác động đến môi trường của nhiệt điện chạy than có đến nỗi đáng sợ như dư luận xã hội vẫn thường nghĩ không? Và vì sao mà nó trở thành nỗi ác cảm nặng nề không những đối với một bộ phận người dân mà còn cả một bộ phận lãnh đạo các địa phương nữa. Đây là vấn đề định hướng dư luận xã hội. Anh Kien Doan, chiều qua em vừa họp với Sở KHCN Quảng Ninh để nghiệm thu đề tài nghiên cứu kiểm soát khí thải nhiệt điện, xi măng bằng công nghệ lazer, em đề nghị tỉnh Quảng Ninh cho áp dụng nhưng lại gặp vấn đề kinh phí (khổ thế đấy!).Xã hội hóa vấn đề này là một giải pháp để có nguồn vốn đầu tư. Phát triển điện chạy than với công nghệ phù hợp như TKV đã làm, bên cạnh đó sử dụng công nghệ cao kiểm soát môi trường ở tầm cao (cũng có ý kết hợp với giám sát để cảnh báo vấn đề ô nhiễm không khi xuyên biên giới), có gì mà đáng lo? Các nhà truyền thông không phải là các công nghệ, kỹ thuật nên nhiều khi cảnh báo mặt trái vấn đề hơi thái quá. Còn tư duy quản lý theo phong trào thì còn sợ, còn lo, còn ngại nhiều thứ, làm sao phát triển được!
Bạn đọc có nickname Pham Quoc Thái
Bác Đoàn Kiển ơi, Công chức của Tổng cục Năng lượng đang lo VỊ TRÍ LÀM VIỆC Ở TỔ CHỨC MỚI KHI CHIA TÁCH !
Bạn đọc có nickname Vo Chi My:
Theo dự báo của Thế giới, đến năm 2030, năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt) vẫn chiếm 89% tổng năng lượng tiêu thụ trên thế giới. Tỷ lệ tham gia của năng lượng tái tạo cũng không lớn do tính phức tạp của công nghệ và đầu tư kinh phí cao. Thủy điện (đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ) thì tác động môi trường của chúng còn toàn diện và sâu sắc hơn kể cả ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và tai biến môi trường và có thể khẳng định là "lợi bất cập hại". Các nhà truyền thông ta không cứ nghe "lõm bõm" rồi nhờ được quyền viết, được quyền nói, họ cứ định hướng sai sự hiểu biết và dư luân xã hội, (không riêng gì lĩnh vực năng lượng).
Bạn đọc có nickname Khang Tran:
Tôi có cảm giác không có hội đồng năng lượng quốc gia với chức năng cân đối và quy hoạch một cách khoa học các nguồn điện năng của đất nước.Một nguyên lý rất cơ bản mà Lê nín đề ra sau khi cách mạng XHCN tháng mười :Chủ nghĩa cộng sản là điện khí hoá cộng với chính quyền Xô viết.Từ bài học vô cùng đau xót vì không có một chính quyền Xô viết đúng nghĩa của nó mặc dù điện khí hoá đã thực hiện rất mỹ mãn Liên bang Xô viết đã sụp đổ.
Còn lúc này ở ta cả hai vế đều như gà mắc tóc. Rõ ràng là phải gỡ . Nhưng gỡ như thứ nào đang làm đau đầu những người cộng sản tâm huyết .
Bạn đọc có nickname Thanh Son Nguyen (TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn TKV; nguyên Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng – Vinacomin.
Tổng cục NL vô dụng đã bị "khai tử" rồi. Nhiệt điện than là ko thẻ giảm. Nhưng TSĐ vừa qua đã loại ra hơn 20.000MW rồi mà các "chuyên gia" giả cầy vẫn xui TTg giảm tiếp?
Trả lời của Kien Doan
Giả cầy thật, Thành Sơn!. Sơn có nhớ 1994, Sơn đã đưa cho mình báo cáo về các công nghệ phát điện than? Chúng ta đã chọn CFB, chưa phải là cao nhất không? Bây giờ TG đã phát triển cao cao hơn nữa, sạch hơn, hiệu suất cao hơn. Đã đến lúc nhà nước buộc các nhà đầu tư sử dụng công nghệ nào!. Chỉ sợ mấy ngài chuyên gia giả cầy lại xui dại...
Thanh Son Nguyen
Anh còn lạ gì cung cách quản lý ngành năng lượng xưa nay. Lúng túng như (anh bộ trưởng Nguyễn Kha nói) "ngủ với vợ không cởi quần"!
Kien Doan
Nước ta chưa hề có quy hoạch chung về năng lượng; mới có quy hoạch riêng điện, than, dầu khí; mạnh ai nấy làm.
Bạn đọc có nickname Nguyen Canh Nam Nguyen (PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn TKV, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị KD- TKV)
Cả thế giới hiện nay tiêu thụ hơn 7,6 tỷ tấn than các loại, b/q đầu người hơn 1 tấn than, Mỹ tiêu thụ gần 1 tỷ tấn than, b/q khoảng 3 tấn/người, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ tấn than, b/q 2,5 tấn/người, v.v; còn Việt Nam tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than, b/q chưa đến 0,5 tấn/người. Như vậy việc giảm tiêu dùng than là yêu cầu đối với các nước đang sử dụng quá nhiều than, còn đối với VN là phát triển nhiệt điện than là cần thiết, có điều phải chú ý tăng cường giảm thải ô nhiễm, chứ ko phải bỏ nhiệt điện than theo kiểu phong trài. Điều đó chămgr khác gì còn gầy dơ xương nhưng cứ kêu gào nhịn ăn để giảm cân.
Bạn đọc có nickname The Anh Do
Xin lỗi đ/c Kiển nhé, mình thì không ủng hộ phát triển điện than thêm nữa, khả năng khai thác than của ta đã tới giới hạn, khi ta chưa có cách khai thác dưới đồng bằng sông Hồng,và cũng không muốn phát triển điện than bằng cách nhập than từ nước ngoà,sẽ bị lệ thuộc ,chẳng khác gì đi mua điện sạch vậy.Tốt nhất là hãy tìm các nguồn năng lượng mới khác ,như gió ,mặt trời và nguyên tử, chưa làm mà đã sợ thì sao tiến được, thiên hạ người ta đã sống với điện nguyên tử hàng 1/2 thế kỷ nay thì sao, người ta muốn bỏ nhưng đâu dễ bỏ được.
Bạn đọc có nickname Trần Vang:
Tkv để dc làm điện chắc chú Kien Doan cũng vất vả lắm.
Bạn đọc có nickname Trần Văn Thành
Anh Vang ơi! Nếu không vất vả vi thuyết phục cho TKV được làm nhiệt điện Than và vất vả hơn nữa là tìm khắp thế giới ra công nghệ nhiệt điện cho Than ngọn lửa dài (hàm lượng Lưu huỳnh lớn so với nhiệt điện Than truyền thống), thì Mỏ Than Na Dương đã đóng cửa từ khi nhà máy xi măng Bỉm sơn chuyển sang cong nghệ đốt dầu( năm 2000) rồi, theo đó là hơn 700 gia đình Thợ Mỏ thất nghiệp, vùng biên giới mấy Tỉnh phía Bắc cũng còn lâu mới có điện nhé.
Bạn đọc có nickname Quang Tình
Tiếc thay những người tâm huyết hết mình vì nền Anh ninh Năng lượng Quốc gia, tìm những giải pháp tốt cho phát triển điện cho hiện tại và tương lai ngày càng hiếm! Những chuyên gia và nhà quản lý giỏi nói thật và tham mưu trúng thì lãnh đạo không nghe, mấy ông bà làm truyền thông thì sự am hiểu có hạn cũng chỉ nên hạn chế trong phạm vi của mình, không nên lấn sân để phán những điều mà mình không hiểu rõ, điều đó tạo thành một kiểu "phong trào"! Cứ nói, nói sai mãi cũng có người cho là đúng, việc đó sẽ làm hại cho đất nước với hậu quả thật khó lường...!!!???
Kien Doan
Gửi bác Đỗ Thế Anh: Bác đừng nghĩ em làm than thì ủng hộ nhiệt điện than; em đã nói về quy hoạch điện 7 đã được chính phủ phê duyệt ngày càng lệ thuộc vào nhiệt điện than. Em cũng đã nói đến tư duy cái gì cũng ngại, cái gì cũng sợ, cái gì cũng làm theo phong trào thì hỏng bet, đến bao giờ mới nhớn lên được.Bác thấy đấy, điện nguyên tử vừa thò ra chuẩn bị được vài năm đã thụt vào rồi. Điện nguyên tử tuy sạch nhưng chưa đâu xử lý được các thanh nhiên liệu đã dùng một cách triệt để, cũng còn một núi vấn đề của điện nguyên tử đấy bác ạ. Còn điện gió, điện mặt trời, điện từ sóng biển đều làm được cả chỉ tội đắt quá nên chưa có quốc gia đang phát triển nào làm đại trà cả. Điện gió ở ta có nhiều tiềm năng nhưng nó phát triển ì ạch vì quá đắt nên bạn EVN bạn ý không thích. Bạn ý giờ thì phải chịu chứ trước đây á, còn không muốn cho anh khác vào làm điện cơ.
Em cũng biết, điện mặt trời, điện gió sạch nhất rồi, em ủng hộ phát triển mạnh mấy anh này. Nhưng, có một từ " NHƯNG ", bỏ nhiệt điện than trong vài chục năm tới ở nước ta là HỒ ĐỒ. Thử bỏ xem, nhà em, nhà bác có điện mà xài mãi không? Đó là một thực tế khách quan bác ạ. Ngay cả nước Nhật cũng đang xúc tiến làm thêm mấy nhà máy nhiệt điện than; nước Đức đang bỏ điện nguyên tử, tìm cách phát triển năng lượng sạch thay thế, nhưng họ cũng đang bí đấy, hoặc là trì hoãn xoá điện nguyên tử hoặc thêm nhiệt điện than. Balan một nước EU đang xài khoảng 90 % điện từ than. Không biết bác có cao kiến gì thay thế than một cách nhanh chóng và thiết thực giúp cho mấy anh chiến lược năng lượng quốc gia , đồng thời thực hiện được ý nguyện của bác vừa viết ở trên? Nếu mà được như vậy thì sướng quá !
Ba Lan là một nước lớn ở Châu Âu, điện của họ chủ yếu từ than. Trước đây hồi những năm 1970-1990 điện than đúng là đã gây ô nhiễm, bụi bậm nhiều. Nay chuyện đó không còn. Ở vùng công nghiệp Thượng Siledzi ( Katowice ) nơi có nhiều mỏ than, nhiều nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, nhà máy hoá chất... bây giờ sạch và đẹp. Nhờ đâu? Nhờ tư duy thay đổi, muốn có không khí sạch để thở. Họ đã hành động, đã thay đổi công nghệ phát điện bằng than sạch hơn, sản xuất thép hay hoá chất sạch hơn. Dân họ hài lòng. Có vậy thôi. Họ đã muốn, họ đã làm mạnh mẽ và họ đã được, vẫn từ THAN !
Bạn đọc có nickname Vu Hung Phuong:
Em ủng hộ thầy Kien Doan. Đã nghèo và sắp chết đói rồi mà cứ đòi được ăn những món sơn hào hải vị. Nên chọn món nhanh, rẻ nhưng quan trọng là An toàn vệ sinh thực phẩm
Bạn đọc có nickname Binh Phanthanh
Ngay xua em tung gioi thieu nhiet dien than cua tap doan Alstom chi can nhiet luong hon 2000kcal la dot duoc khong o nhiem moi truong may nhung gia hoi dac nen khong duoc ai chap thuan ca gio khong biet co muon khong?
Bạn đọc có nickname Phạm Quang Tuấn
Đối với điều kiện nước ta dùng nhiệt điện là phù hợp, nó bổ trợ cho ngành sx than, xỉ nhiệt điện vẫn tận thu cho sx vật liệu xd. Nhưng công nghệ nhất định phải tiên tiến vì như nhà máy NĐ Cẩm Phả công nghệ Trung Quốc hay trục trặc, mỗi lần dừng lò và đốt lại rất tốn kém, xả bụi ra nhiều và đốt nhiên liệu khi thải xỉ ra vẫn có lẫn thành phần dầu lên khi tái chế làm vật liệu xd độ liên kết kém, tro bay dùng cho xi măng chưa đạt. Khi đầu tư nên dùng vốn trong nước nếu ko làm bao nhiêu trả lãi cũng ko hiệu quả. Chuyên gia đàm phán mua thiết bị phải có kinh nghiệm và cái tâm nếu ko mua phải đồ kém chất lượng . Rút kinh nghiệm bác Tráng khi đàm phán mua công nghệ nhà máy NĐ Cẩm Phả chưa có kinh nghiệm, ko lắng nghe tư vấn kỹ thuật (điều này do anh em cán bộ kỹ thuật đi cùng đoàn kể lại).