"Non xa xa, nước xa xa"...

Chia tay với Cao Bằng, trên hành trình trở về, những cảnh đẹp thần tiên của Pác Bó, của non nước Cao Bằng nơi địa đầu Tổ quốc linh thiêng cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi. Và bỗng nhiên tôi lại chợt nhớ tới lời anh lính dặn vợ trước lúc chia tay để đi theo nhà Mạc trấn thủ Cao Bằng trong một câu ca dao xưa: “Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.


Đoàn công tác viếng mộ anh hùng liệt sĩ Kim Đồng

 

NON XA XA, NƯỚC XA XA

(Ghi chép về một chuyến đi về nguồn)

PHAN ANH

Xe chúng tôi rời thành phố Cao Bằng đi về phía Tây Bắc, qua cầu sông Bằng khoảng hơn 50 km, theo tỉnh lộ 203 để đến với khu di tích Pác Bó thuộc xã Trường Hà  huyện Hà Quảng, nơi đặt mốc Km 0, điểm đầu tiên của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Và đây cũng chính là nơi 76 năm về trước, Bác Hồ kính yêu của chúng ta sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, mùa xuân năm 1941, lần đầu tiên bước chân của Người mới được đặt trên đất mẹ thân yêu để trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng quê hương. Ngày ấy - bây giờ, thời gian qua đi đã ba phần tư thế kỉ nhưng cảnh vật núi non hùng vĩ của nơi địa đầu Tổ quốc vẫn hiện lên với nguyên vẹn những dáng nét ban sơ của non nước lâm tuyền. Cảnh đẹp của sơn thủy hữu tình nơi đầu nguồn cùng với hoài niệm về những năm hoạt động của Người ở nơi đây đã để lại trong tình cảm của anh em trong đoàn công tác chúng tôi những ấn tượng thật sâu đậm, khó quên.

Từ thành phố Cao Bằng về Pác Bó bây giờ đường đi khá thuận lợi. Đường cái rộng thênh thang, trải nhựa phẳng lì, quanh co uốn lượn dưới chân những dải núi đá vôi xanh mướt trùng điệp đan xen cùng những cánh đồng ngô khoai cuối vụ và những bản làng thanh bình với những nếp nhà sàn tựa vào lưng chân núi chân đồi hay dọc những dòng suối trong vắt rợp bóng tre xanh gợi lên hình ảnh của một vùng đất trù phú, đầm ấm, yên vui giữa nơi đại ngàn Đông Bắc. Suốt dọc đường xe chạy, chúng tôi thấy đất và người của hai huyện Hòa An và Hà Quảng hiện lên thật sinh động. Hoà vào cái màu xanh miên man, ngút ngàn của núi rừng là bóng áo chàm và những sắc màu thổ cẩm sặc sỡ của đồng bào các dân tộc bản địa đang ngược xuôi trở về nhà sau buổi chợ phiên. Sau hơn một giờ xe chạy, chúng tôi đã đến với trung tâm của khu di tích Pác Bó, một địa danh vốn rất quen mà lạ. Vùng đất này thấy quen bởi được nghe kể từ ngày còn tấm bé gắn với câu chuyện của người anh hùng làng Nà Mạ (Kim Đồng), của ông Ké, già Thu (Bác Hồ). Còn lạ bởi vì đây là nơi non xanh tít mãi miền biên viễn mà lần đầu tiên tôi mới được đặt chân đến.

Cao Bằng những ngày cuối năm tiết trời khá đẹp, bầu trời vút cao, trong xanh cùng những đám mây trắng phiêu bồng như thể ngăn cho cái nắng không thể chói chang được nữa. Những tia nắng vàng dịu dàng như rót mật xuyên qua những tán lá hòa cùng với cái gió đông se se lạnh làm cho con người cảm thấy dễ chịu hơn giữa không gian bao la của đá núi cây ngàn. Phía bên tay phải, trên đỉnh đồi "Pò Tếng Chấy" là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngắm nhìn từ xa, ngôi đền hiện lên bề thế, uy nghi với dáng hình như thể được cách điệu từ những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào nơi đây. Ngôi đền ở đây cũng giống như bao ngôi đền thờ Bác ở khắp mọi nơi, hàng ngày có biết bao người đến viếng thăm và tưởng nhớ đến Người. Hòa vào dòng người dâng hương, chúng tôi đã vượt qua hàng trăm bậc đá lên chính điện để thành kính thắp cho người một nén nhang bày tỏ lòng biết ơn vô hạn. Dâng hương xong tôi mới có dịp quan sát kĩ ngôi đền. Ngôi đền được thiết kế và trang trí rất đẹp. Trong chính điện có treo bức hoành phi nạm vàng với dòng chữ "Hồng nhật cao minh" để ca ngợi công lao to lớn và  bày tỏ lòng kính yêu Bác của nhân dân ta. Bác là mặt trời đỏ từ trên cao soi sáng chỉ đường dẫn lối cho nhân dân ta đứng lên giải phóng đất nước. Bên ngoài ngôi đền, từng chi tiết điêu khắc được kết hợp khéo léo với các hoạ tiết, hoa văn nhằm thể hiện những tinh hoa văn hóa của dân tộc đồng thời cũng gợi cho người xem cái cảm giác gần gũi, giản dị, thanh thoát mà tôn kính, trang nghiêm. Đối diện với đền thờ Bác, bên kia đường là cột Km 0, điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây là tuyến đường dài 3127 km, nối dài từ địa đầu Tổ quốc tới chót Mũi Cà Mau, đi qua 30 tỉnh, thành phố. Cột mốc Km 0 đường Hồ Chí Minh được xây dựng với quy mô khá lớn, tổng diện tích là 4.400m2, cột mốc cao 18,40m, chiều dài phù điêu là 25,318m, trên cột mốc có gắn logo đường Hồ Chí Minh và biển đề tên “Đường Hồ Chí Minh, điểm đầu Cao Bằng, Km 0”. Phía sau cột mốc là nhưng bức phù điêu miêu tả toàn cảnh vùng đất, con người và văn hóa của Cao Bằng. Có thể nói việc đặt cột mốc Km 0 ở trung tâm di tích này có một ý nghĩa rất lớn về văn hóa, lịch sử. Cột mốc như một tượng đài đánh dấu nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên trên đất mẹ sau 30 năm rời xa Tổ quốc để đi tìm con đường cứu nước và bây giờ nó cũng là điểm khởi đầu cho con đường thiên lý Bắc Nam. Pác Bó trong tiếng Tày - Nùng có nghĩa là khởi nguồn, đầu nguồn. Đúng vậy, đây là đầu nguồn nước, nơi khởi nguồn của suối Giàng và cũng là cội rễ của dãy núi Đào. Suối Giàng sau này đã được Bác đặt tên mới là suối Lê-nin và núi Đào là núi Các Mác để ghi nhớ hai bậc tiền nhân đã tìm ra con đường chủ nghĩa xã hội khoa học mở ra một trang mới trong lịch sử loài người, cũng chính là con đường Người đưa dân tộc chúng ta đi theo. Như thế nó cũng là khởi nguồn của cách mạng và giờ đây nó cũng là nơi bắt đầu của con đường huyền thoại mang tên Bác.

Rời khu trung tâm, chúng tôi đi theo dòng suối Lê-nin để vào hang Cốc Pó thăm nơi ở và làm việc của người trong những năm đầu cách mạng. Tiết trời mùa đông ít mưa nên con suối rất hiền hòa. Nước đầu nguồn trong vắt màu lam biếc mềm như nhung lững lờ trôi qua các tảng đá gập ghềnh khẽ tạo nên những tiếng động nho nhỏ làm cho không gian nơi đây thêm yên tĩnh. Đoạn ở chân núi Các Mác, lòng suối rộng lớn nên mặt nước giống như một tấm gương khổng lồ ngày đêm soi bóng ngọn núi hùng vĩ cùng với rừng cây xanh lá quấn quện mây trời. Suốt một đoạn đường khoảng 2 km, con suối chỗ nào cũng thơ mộng, nhìn thấu đáy, có thể đếm được từng viên cuội nhỏ cùng với đàn cá tung tăng bơi lội trên những phiến đá phủ rêu xanh biếc. Cá ở đây nhiều vô kể và rất dạn người, hình như đồng bào ở đây không đánh bắt cá ở suối Lê-nin. Cứ thế, men theo con đường đá rêu phong, chúng tôi được ngắm nhìn những tia nắng cuối chiều xuyên qua tán lá rừng và buông rơi từng giọt xuống mặt nước màu lam làm mê mẩm hồn người. Không gian lãng mạn và trữ tình ấy còn thoang thoảng mùi hương đưa của những đóa hoa rừng càng làm cho chúng tôi thích thú, khoan khoái; sung sướng như thể đang đi trong cõi tiên. Trên con suối chúng tôi cũng đã nhìn thấy mấy cặp uyên ương đang lội ra giữa dòng tạo dáng trong những bộ trang phục cô dâu chú rể để chụp vài tấm hình ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời. Đến gần đầu nguồn, cảnh vật hai bên bờ suối hiện lên càng đẹp với những mỏn đá lởm chởm nhô ra thụt vào bên bờ suối cùng rừng cây cổ thụ tỏa cành soi bóng nghiêng mình trên mặt nước. Theo những tấm biển ghi chỉ dẫn chúng tôi được xem nơi Bác ngồi câu cá ngày xưa, cây ổi xưa kia Bác dùng lá đun nước uống, nơi Người thổi cơm, chỗ người ngồi làm thơ …, đặc biệt bên bờ suối ấy vẫn còn nguyên vẹn bộ bàn ghế đá mà Người từng sử dụng để dịch sử đảng, vạch đường chỉ lối cho con đường cách mạng của Việt Nam (dịch cuốn lịch sử cách mạng Liên Xô để làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng). Cái bàn ấy cũng đã từng được Người nhắc đến trong bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” (Bàn đá chông chênh dịch sử đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang). Khi vào đến nơi đầu nguồn của con suối, chúng tôi leo lên sườn núi theo những bậc đá để tìm đến với cái nền nhà của cụ Lý Quốc Súng, cụ La Thành là nơi những gia đình ngày xưa từng nuôi giấu Bác, Bác đã từng ở và làm việc. Chúng tôi cũng tìm đến cái hang mà Người đã từng sớm ra tối vào “Cốc Pó”. Hang Cốc Pó bây giờ không còn được nguyên vẹn như hồi năm 1941 khi người về ở nữa. Theo kể lại, năm 1979 khi giặc Trung Quốc tràn sang, chúng đã đặt mìn tàn phá hang Cốc Pó. Cái hang bây giờ rộng khoảng hơn 15 m2 đã được phục dựng lại nhưng trong hang vẫn còn nguyên bộ bàn ghế bác từng ngồi làm việc cùng các cộng sự, cái phản đơn sơ để nằm nghỉ bằng mấy miếng gỗ ghép lại, đặc biệt vẫn còn nguyên nhũ đá hình người mà Bác từng đặt tên là tượng Các Mác. Và trước cửa hang cách đó không xa (khoảng 1 km) là lán Khuổi Nậm, nơi Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Việt Minh và Chiến khu cách mạng. Và cũng chính tại cái lán nhỏ này, cách đó vài bước chân là đường biên giới Việt Trung, có cột mốc 108 linh thiêng. Chính tại cột mốc này ngày 8 tháng 2 năm 1941, Bác đã đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ. Giây phút thiêng liêng ấy đã từng được nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Chế Lan Viên ghi lại một cách chân thành và xúc động.

“Ôi sáng xuân nay, xuân bốn mốt

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về… Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ…”

(Tố Hữu - Theo chân Bác)

“Luận cương của Lê-nin theo người về quê Việt

Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi

Kìa, bóng Bác hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng, hình Đất nước phôi thai”

(Chế Lan Viên - Người đi tìm hình của Nuớc)

Thăm lại nơi ở và hoạt động xưa của người, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Cảnh đấy nhưng người đã đi xa, dòng suối và núi rừng như vẫn lưu phong bóng Người. Từng cảnh vật, hiện vật cứ như những thước phim tư liệu làm hiện lên trong trí tưởng tượng của chúng tôi về những năm tháng gian khó của buổi đầu cách mạng mà người đã từng sống và làm việc ở nơi đây. Trong gian lao ta mới thấy hào hùng! Và thấp thoáng trong cái cảnh non nước thần tiên của con suối nơi đầu nguồn ấy ta như mơ thấy bóng dáng Bác đang ung dung như một tiên ông hiện lên đâu đó bên bờ suối như thể đang câu cá hay làm thơ ...

Nhưng rồi cuộc vui nào rồi cũng phải đến hồi kết, tạm biệt Pác Bó chúng tôi trở về với Hà Nội thân yêu. Trên đường đi ra chúng tôi vào đến viếng mộ anh hùng liệt sĩ Kim Đồng ở chính làng Nà Mạ quê anh. Mộ anh được xây bên sườn núi Tẻo Lài cao đồ sộ. Nhìn từ xa ngôi mộ như thể tựa vào những tảng đá xanh đen tựa như đàn trâu rừng phủ phục bên anh và xung quanh là rừng cây xanh biếc ngày đêm che bóng mát rợp. Khu mộ anh bây giờ được tôn tạo thành một quần thể di tích, rộng và đẹp. Trong khu di tích ấy ngoài ngôi mộ của anh còn có phần mộ của thân mẫu anh, mẹ Việt Nam anh hùng Lân Thị Hò. Phía sau ngôi mộ là những bức phù điêu rất đẹp tái hiện lại cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và cao cả của người anh hùng tuổi nhỏ Nông Văn Dền. Nổi bật trong khu di tích là tượng anh Kim Đồng tay đang nâng cao con chim bồ câu đưa thư trong bộ quần áo của dân tộc Nùng. Và phía trước ngôi mộ Kim Đồng có một khoảng sân rộng. Nghe nói, hằng năm thiếu niên, nhi đồng của Cao Bằng và nhiều nơi khác thường về đây để tổ chức kết nạp đội viên, cắm trại, vui chơi. Thiết nghĩ đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Có lẽ, ai đó trong đời được kết nạp đội viên ở nơi đây thì thật là một kỉ niệm không bao giờ quên.

Chia tay với Cao Bằng, trên hành trình trở về, những cảnh đẹp thần tiên của Pác Bó, của non nước Cao Bằng nơi địa đầu Tổ quốc linh thiêng cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi. Và bỗng nhiên tôi lại chợt nhớ tới lời anh lính dặn vợ trước lúc chia tay để đi theo nhà Mạc trấn thủ Cao Bằng trong một câu ca dao xưa: “Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.