Phát hành tập thơ "CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN" của Doanh nhân Trần Chính
Hôm nay (19/1/2017), TÁC PHẨM MỚI phát hành tập thơ "Còn mãi với thời gian" của doanh nhân Trần Chính, hiện là Chủ tịch Công ty Chính Nghĩa, Quỳ Hợp, Nghệ An. Sách do TÁC PHẨM MỚI và Nhà Xuất bản Hội nhà văn liên kết xuất bản. TPM trân trọng giới thiệu bài viết về tập thơ trên của Nhà báo Cao Thâm. Bài viết in trong tập "Còn mãi với thời gian".
THƠ TRẦN CHÍNH NHƯ NHỮNG HÒN QUẶNG…
Cao Thâm
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập
Tôi quen Doanh nhân Trần Chính qua điện thoại từ một sự việc ngoài văn chương, không tiện nêu ở đây. Sự việc đó, anh đã nhận thiệt hại về mình, giải quyết một cách nhanh chóng và nhân văn. Cũng từ đấy, chúng tôi có mối quan tâm chung, đó là văn chương. Mỗi khi sáng tác xong một bài thơ, dù đã rất khuya, anh vẫn đọc qua điện thoại cho tôi nghe, mặc dù khi đó chúng tôi chưa hề gặp nhau.
Công việc của tôi là quản lí nội dung báo điện tử; hàng ngày ngồi trên vi tính, dò từng con chữ trong các trang bản thảo gửi tới Tòa soạn đã váng cả đầu, tối về chỉ muốn nghỉ ngơi. Dù yêu văn chương nhưng vào giờ này mà nghe thơ, thú thật, tôi rất ngại.Tuy vậy, khi nghe giọng của anh qua điện thoại nồng nhiệt, náo nức, tôi không thể hờ hững đáp lời qua loa, chiếu lệ. Tôi hỏi, giờ bác đang ở đâu? Anh bảo, đang trực ở công trường Thung Pen, cách nhà chừng ba mươi cây số. Thung Pen và một số công trường khai thác khoáng sản trong huyện Quỳ Hợp thì tôi đã một vài lần đã tới đó tác nghiệp. Đó là vùng núi hoang vu thuộc miền Tây Nghệ An. Tôi chợt nghĩ, một người giàu cảm xúc, lắm nỗi niềm, đang một mình giữa bốn bề đồi núi thì cảm xúc dồn nén rồi thăng hoa, rồi làm thơ là điều dễ hiểu. Và, khi tư tưởng và cảm xúc trút hết xuống bài thơ thì tâm trạng trở nên hững hụt, chơi vơi, cần được sẻ chia và sẻ chia với tôi trong đêm khuya một cách vồ vập, nồng nhiệt, náo nức thì cũng là dễ hiểu. Nghĩ vậy, tôi đón nhận thơ anh như người tri âm, tri kỷ. Và, lại thú thật, thơ anh bài nào cũng dài. Có những bài, anh đọc cho tôi hết hàng chục phút. Đọc xong, anh diễn đạt lại ý từng khổ, từng câu, cứ sợ tôi chưa hiểu hết nội dung, ý tứ của bài thơ. Đó là hạn chế lớn nhất của thơ anh, nhưng tôi sẽ nói sau.
Mới đây, nhân một chuyến công tác ở Hà Nội, anh hẹn gặp chúng tôi. Thoáng thấy anh, tôi đã nhận ra. Anh không khác với tôi hình dung: nồng nhiệt, cởi mở và thân thiện. Cùng đi với anh có chị Hiền, phu nhân của anh – nhân vật mà tôi đã được tiếp xúc trong các bài thơ của anh. Chị Hiền thì khác so với tôi hình dung: Trẻ hơn, đẹp hơn và hiện đại hơn. Bữa đó, anh đưa cho chúng tôi tập bản thảo thơ “Còn mãi với thời gian”, nhờ BBT. TÁC PHẨM MỚI làm các thủ tục xuất bản, in ấn. Nhân đây, tôi cũng giới thiệu về TÁC PHẨM MỚI để bạn đọc hiểu rằng, vì sao anh lại tìm đến chúng tôi? Thưa, TÁC PHẨM MỚI là thương hiệu chung, bao gồm TÁC PHẨM MỚI (bản in), xuất bản 2 tháng/kỳ; TÁC PHẨM MỚI điện tử (tacphammoi.net) và Công ty TÁC PHẨM MỚI, hoạt động trên lĩnh vực truyền thông, xuất bản. Nhờ có TPM và tacphammoi.net mà đông đảo khách hàng (chủ yếu là CTV, bạn đọc TPM) đã tìm đến chúng tôi, ưu tiên cho chúng tôi đảm nhận công việc in ấn, xuất bản tác phẩm của họ và anh Trần Chính là một trong những tác giả đã ưu tiên cho chúng tôi đảm nhận liên kết xuất bản tập thơ này của anh.
Thơ của anh tôi đã được nghe anh đọc qua điện thoại như đã nêu trên và được đọc một số bài đăng trên tacphammoi.net. Bây giờ tôi mới đọc đầy đủ toàn bộ tác phẩm của anh. Quy trình liên kết xuất bản của TPM là thế này: Sau khi nhận bản thảo của tác giả, BBT. TÁC PHẨM MỚI phải sửa chữa, nâng cao nội dung và viết bài giới thiệu (nếu tác giả yêu cầu) sau đó chuyển lại cho tác giả đọc. Nếu tác giả đồng ý với nội dung chỉnh sửa bản thảo, BBT mới gửi đến Nhà xuất bản xin cấp phép. Khi có giấy phép, chúng tôi tiến hành thiết kế maket, đem in, đóng xén. Với bản thảo “Còn mãi với tời gian” của anh Trần Chính, tôi trực tiếp đọc và đã sửa chữa một số bài rồi gửi anh xem việc sửa chữa có làm anh vừa ý? Tôi đã có mấy chục năm làm biên tập báo chí, văn chương, đa số tác giả đồng tình, đề cao việc biên tập, sửa chữa của tôi. Vậy mà, lần đầu tiên, một tác giả mới xuất hiện trên văn đàn – là anh Trần Chính – sau khi đọc nội dung biên tập của tôi đã viết thư trả lời thẳn rằng, anh không nhất trí với phần sửa chữa của tôi! Thoạt tiên, tôi thấy như mình bị tổn thương. Nhưng là người sáng tác, tôi biết, mỗi câu thơ anh viết ra đều đã được anh sửa chữa, cân nhắc kỹ lưỡng. Ngay khi một số bài thơ của anh đăng ở trên trang điện tử tacphammoi.net, do tôi phụ trách nội dung, thi thoảng anh lại gọi điện đề nghị tôi sửa chữa câu này, chữ kia. Tôi hiểu, dù thơ anh dài như như thế nhưng cắt một chữ của anh như là cắt da thịt của anh vậy. Vì thế, tôi chỉ sửa chữa một số lỗi chính tả trong bản thảo; còn lại gần như nguyên vẹn sáng tác của anh. Và, khi tôi nhận lại bản thảo đã qua biên tập viên của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, thật ngạc nhiên thấy rằng, dấu biên tập rất ít. Anh Nguyễn Văn Sơn, biên tập viên gọi điện giải thích với tôi rằng, tác giả từng là lính, từng là đại biểu hội đồng dân huyện, từng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Nghệ An và nhiều vị trí công tác khác, tư tưởng lập trường đã quá vững vàng!. Còn về nghệ thuật, cứ để thơ anh nguyên sự xù xì thô ráp như vậy thì mới ra chất lính, chất Nghệ vốn có của tác giả. Vì thế, bạn đọc có thể hiểu rằng, tập thơ này của Doanh nhân Trần Chính như chứa những hòn quặng xù xì, chưa được tinh chế vậy.
Và, theo tôi, chính sự mộc mạc, xù xì ấy lại là ưu điểm nổi trội nhất của thơ anh, nếu không muốn nói là tính chân thực. Đây là những câu thơ anh viết tặng vợ khi anh đang trực sản xuất ở công trường Thung Pen:
“Đêm Thung Pen anh nhớ em nhiều lắm!
Nhớ ngày đầu ta mới cưới nhau
Em đi dạy anh cuốc nương, làm rẫy
Anh trồng rau, em bán rau xanh.
Chiều tan trường em đèo thêm bó củi
Để đêm đông ấm bếp lửa hồng
Tình đôi ta tuy nghèo mà hạnh phúc
Ăn sắn ăn khoai mà thấy ấm lòng …”
(Đêm Thung Pen nhớ em)
Khi nhắc đến bài thơ này, Chị Hiền, vợ anh, ứa nước mắt, nói “Cái thời ấy khổ lắm. Đọc bài thơ ni, tui bật khóc, nạ”.
Còn đây những câu thơ viết về chị Phạm Thị Hồng Thái, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Nghệ An:
“Suốt ngày, suốt đêm không khi nào ngơi nghỉ
Mà cuộc sống đời tư sao buồn lắm chị Thái ơi!
Bạn bè lứa đôi có tay bồng, tay bế
Có gia đình đoàn tụ sớm hôm
Chỉ riêng chị cô đơn trong căn phòng lạnh lẽo
Nghĩ chuyện chồng con chị khóc âm thầm
Xem cháu là con, xem nhà là công sở
Chị hiến dâng không tiếc thân mình”
(Người chị thân thương)
Những câu thơ thật mộc mạc trên khiến chị Thái cả đêm không ngủ. Chị chia sẻ trên facebok của mình như thế này:“…Đọc xong bài thơ lòng tôi trào lên bao xúc động và cả đêm tôi không sao ngủ được. Tôi nằm ngẫm nghĩ lại cuộc đời những gì đã đến, những gì đã qua đi và những gì mình đang tiếp tục bước tiếp cho đến khi nhắm mắt xuôi tay bay vào nơi cực lạc vể với tổ tiên, cha, mẹ. Ông ơi, cuộc đời là số phận chẳng? Đến giờ phút này tôi không xây dựng gia đình nhưng tôi nghĩ rằng, tôi cũng rất hạnh phúc ông ạ. Tôi cảm ơn rất nhiều đến các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh Nghệ An ta đã cho tôi nhiều tình cảm và nhiều cảm hứng. Tôi cũng muốn góp một sức nhỏ bé của mình để giúp doanh nghiệp - doanh nhân Nghệ An chúng ta vượt qua bao rào cản khó khăn; bao nhiêu thăng trầm, cạnh tranh khốc liệt để đứng lên vững vàng làm giàu cho chính mình và làm giàu cho quê hương đất nước, giúp đỡ người nghèo, người khó khăn, bệnh tật vươn tới của tỉnh Nghệ An giàu lên nhờ doanh nghiệp; người nghèo sẽ không còn nghèo nữa, giảm đi những người đói khổ và suy cho cùng ông ạ, người với người sống để yêu nhau, giúp đỡ nhau. Ông ơi, nhiều khi sống một mình cũng có lúc thật buồn, từ trước đến giờ cho đến tận đến bây giờ chưa sống một mình mà khi nào cũng có các cháu bên cạnh còn sau này vài năm nữa chắc các cháu đã học hành trưởng thành hết, các cháu có công việc gia đình thì phải xa thôi; mình sống một mình hoặc bạn bè nhưng tôi tin rằng, con cháu chúng ta là con cháu hiếu thảo, phải biết công ơn bố mẹ, cô, bác, chú, dì đã góp phần nuôi nấng và rồi bạn bè những người bạn tốt, những Doanh nhân như ông và tất cả những người mà trên đường đời ta đi quen biết khi đã hiểu nhau chân thực thì luôn quan tâm đến nhau, làm cho nhau khi nào cũng sống vui vẻ như hàng ngày ta làm thơ lên FB khi ốm đau ta đi thăm nhau v.v . Tôi cảm ơn ông nhiều lắm. Ông làm bài thơ nói rất sát, rất đúng về tui. Cảm ơn các doanh nghiệp – doanh nhân trong tỉnh ta không có ông xã đi cả cuộc đời bên mình nhưng có những người bạn thân cả nam và nữ, những người lớn tuổi hơn, nhỏ tuổi hơn những người được giúp đỡ hoặc những người giúp đỡ tôi ông ạ. Chắc mọi người luôn luôn quan tâm tôi. Ông ơi, lần nữa, bài thơ của ông tặng tôi có nhiều cảm xúc lắm. Từ bài thơ này mà tôi bộc bạch lòng mình. Cảm ơn ông nhiều và những người biết đến tôi”.
Những bài thơ trên hay dở thế nào, ta chưa bàn, nhưng chắc chắn đó là những câu thơ chân thật, đã chạm vào nỗi niềm của nhân vật thì họ mới xúc động đến vậy. Làm thơ mà khiến người đọc phải khóc, đâu có dễ!
Bên cạnh những câu thơ xù xì, thô ráp, thậm chí diễn đạt còn nôm na, tác giả còn có những câu lục bát rất nhuần nhuyễn:
“Sông Thơi một quán rượu tình
Để lòng xao xuyến một mình, mình ta…
Em ơi! Sông nước bao la
Hay là quán Nướng thăng hoa một thời?”
(Tâm sự sông Thơi)
Hay là:
“Anh về mang cả tâm tình
Nhớ em, nhớ cả giáng hình ngẩn ngơ
Anh về mang cả nhạc thơ
Bài ca vẫy gọi mùa thu óng vàng
Gót sen nâng bước dịu dàng
Trong như cung nhạc giữa ngàn liễu xanh
…”
(Chia vui)
Và đây:
“Thương nhau tắt qua bờ rào
Mẹ già không thấy anh vào lối sau.
Lối sau đi qua vườn cau
Hương cau thì ngọt, hương trầu thì cay
Cầm tay anh hỏi câu này?...”
(Tơ ương).
Và đây những câu thơ chan chứa sự đợi chờ của tình yêu đôi lứa họ thương nhau, yêu nhau và xa nhau. Mùa thu qua đi rồi mùa thu trở lại nhưng người yêu đầu của cô thôn nữ thì không bao giờ trở lại:
“Đã bao mùa thu đến
Rồi thu lại ra đi
Tuổi xuân cũng qua đi
Chỉ tình yêu ở lại
Anh ơi thu óng ả
Nghiêng cả sắc gương trời
Mà sao em cứ đợi
Tình hay lá vàng rơi?”
(Mùa thu và tình yêu)
Đây nữa, một tình yêu mộc mạc đồng quê nhưng nó bất tận như cánh đồng bất tận:
“Ta còn em một mối tình dung dị
Ngàn giấc mơ nhung nhớ về em
Ta còn em gái quê giản dị
Áo bà ba thắt đáy lưng ong.
…
Và thời gian không thể nào nghiền nát
Một niềm tin ta mãi mãi yêu em”
(Ta còn em)
Thơ Trần Chính tuy mộc mạc giản dị nhưng sâu lắng thiết tha, mỗi dòng thơ, mỗi ý thơ, mỗi bài thơ là một câu chuyện tình riêng biệt thấm đượm bản sắc thôn quê Việt Nam sau lũy tre làng:
“Thư cho anh từ hậu phương em gửi
Nơi tình thương yêu của mẹ của cha
Nơi hẹn hò bên cánh đồng lúa chín
Nơi có mái trường làng có bè bạn thầy cô”.
(Phong bì thời chiến tranh, phong bì thời đổi mới)
Chủ đề xuyên suốt của thơ Trần Chính là nói về tình yêu đôi lứa, của một thời đạn bom, của một thời đi học. Thơ Trần Chính là thơ của người lính, thơ của nỗi khát khao thơ mộng mà thiêng liêng. Những người lính trong thơ Trần Chính chan chứa tình yêu quê hương đất nước, thấm đượm tình yêu đôi lứa với những khát vọng thống nhất nước nhà, được trở về với giảng đường đại học, để thực hiện hoài bão đem trí tuệ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ để xây dựng một đất nước Việt Nam ngày mai tươi sáng:
“Thư của lính héo hon trong mòn mỏi
Hy vọng ngày mai thống nhất nước nhà
Mong tháng, mong ngày, mong đêm khắc khoải
Như tiếng chím rừng gọi bạn giữa màn đêm
Thư của lính lẳng lơ cùng chiều tím
Hoài bão cuồng si mơ ước học trò
Ngày trở về giảng đường đại học
Sân trường mùa thu tà áo em bay”.
(Thư của lính)
Trở lại vấn đề chúng tôi nêu ở trên, đó là hạn chế của thơ anh. Nhiều bài quá dài! Chẳng hạn bài “Phong bì thời chiến tranh, phong bì thời đổi mới”. Anh đã phát hiện ra cái cái “tứ” khá hay. Rằng, thời chiến tranh, phong bì thư gói tình thương yêu, nỗi nhớ giữa người ra trận với người ở hậu phương. Cái phong bì thư thời ấy đã nâng đỡ tâm hồn người Việt, tinh thần người Việt, tạo nên khí phách, sức mạnh người Việt để chiến thắng kẻ thù. Còn thời đổi mới, cái phong bì chứa đựng sự mua bán bẩn thỉu, làm băng hoại đạo đức xã hội. Đọc ngay tiêu đề, bạn đọc đã hiểu tác giả định nói vấn đề gì! Vậy mà, bài thơ dài tới…116 câu, trong đó phân tích, lí giải vấn đề như bài…chính luận vậy.
Tôi không phải là nhà phê bình văn học nên không dám đi sâu phân tích thơ anh. Và sự hay, dở của thập thơ tùy vào sự cảm thụ của bạn đọc. Với tôi, dù mới quen nhau nhưng tôi rất yêu quý, kính trọng sự nồng nhiệt, cởi mở, thân thiện và chân thực của anh. Và tính cách đó đã xuất hiện khá rõ trong nhiều bài thơ của tập thơ này. Nó như những hòn quặng, quý, dâng tặng người thân, bạn bè và cho đời.
Hà Nội, 10/1/2017