Hoa đào với mùa xuân đất Bắc

Bây giờ trên đất Bắc, nhất là Hà Nội, chơi hoa đào trong dịp Tết Nguyên đán đã trở thành một thú không thể thiếu, một tập quán đẹp. Có thể nói hoa đào là biểu tượng cho ngày Tết ở miền Bắc. Mỗi khi tết đến xuân về, thường thì nhà nào cũng phải có một cành đào (cũng có khi là cây đào thế) để trưng bày ở phòng khách hoặc để cắm ở bàn thờ tổ tiên. Thú chơi này cũng đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người dân đất Bắc


Hoa đào trên bàn thờ gia tiên

 

 

HOA ĐÀO VỚI MÙA XUÂN ĐẤT BẮC

Do điều kiện tự nhiên nên mỗi vùng quê trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta lại có một đặc trưng riêng về cây cối cỏ hoa. Và cũng theo thời gian, cùng với lịch sử hình thành phát triển của mỗi vùng đất, các cây cỏ hoa lá ấy đã được con người lựa chọn cho cuộc sống sinh tồn và những sinh hoạt văn hóa của mình. Cũng bởi vậy mà mỗi nơi, mỗi mùa chúng ta lại có từng loại cây, loài hoa riêng biệt, rất phong phú và đa dạng. Rồi trong số đó lại có những cây những hoa được con người nâng tầm lên trở thành những biểu tượng văn hóa rất đặc trưng, độc đáo của mỗi vùng quê. Cứ như thế, khi tiết trời sang xuân, ở phương Nam chúng ta có mai vàng rực rỡ đón tết và trên đất Bắc những cành đào hoa tươi thắm, lộng lẫy, lung linh như thể những đốm lửa hồng bung trong không gian để xua tan dần cái rét ngọt ngào của mùa đông còn dai dẳng xót lại.

Hoa đào đất Bắc. Tuy không phải là quốc hoa nhưng bây giờ cũng đã trở thành một biểu tượng văn hóa của mùa xuân Bắc Việt, nhất là mùa xuân của thủ đô Hà Nội. Chẳng biết thủa ban sơ hoa đào trên đất người Việt cổ như thế nào, tôi không hình dung được, nhưng bây giờ tôi thấy nó đã được những con mắt tinh tường của các thế hệ người dân đất Bắc nâng tầm thành một thú chơi tao nhã mang đậm chất nghệ thuật và trở thành một nét văn hóa truyền thống, không thể thiếu được mỗi khi tết đến xuân về trên mọi phố phường, làng mạc xóm thôn miền Bắc.

Cây đào ngày xưa tôi chẳng rõ. Tôi chỉ biết cây hoa đào bây giờ. Cây đào ấy thuộc một loài cây thân gỗ nhỏ, sớm rụng lá; có độ cao từ 3 m đến 7 m; lá hình mũi mác, dài khoảng 7 cm đến 15 cm và rộng từ 2 cm đến 3 cm. Hoa nở vào đầu mùa xuân, trước khi ra lá; hoa có loại đơn và có loại hoa kép, đường kính từ 2 cm đến 3 cm, màu hồng với khoảng từ 5 cánh hoa trở lên. Và đào hoa ấy có thể chia làm ba loại: đào phai (hoa đơn, màu hồng nhạt hơn so với đào bích, cây có nhiều hoa), đào bạch (có hoa màu trắng, ít hoa, phát nhiều tán và cành sum xuê, loại này rất hiếm), đào bích (hoa kép, cánh to và dày, màu đỏ thắm, nhiều cánh xếp sít nhau, nhiều cành, nhiều hoa). Đào bích là loại đào đẹp, được nhiều người ưa thích nhất. Ngoài ba loại đào trên, theo các trưởng lão trồng hoa ở làng đào Nhật Tân, Phú Thượng (Hà Nội) còn có đào Thất Thốn nữa. Loại này cực kỳ quý hiếm. Gọi là đào Thất Thốn vì mỗi thốn cành cây, tức là độ dài bằng đốt ngón tay, chỉ có thể ra được 7 bông hoa, cũng có ý kiến cho rằng lá của loại đào này dài bảy tấc nên gọi là Thất Thốn. Tương truyền đào Thất Thốn có xuất xứ từ Trung Quốc. Xưa kia, chỉ có vua quan phương Bắc mới được chơi. Loại đào này phát triển rất chậm, cây chỉ cao độ vài chục phân, hoa to và lâu tàn. Gốc cây xù xì nhưng cũng có thể nảy ra vài bông hoa đỏ thắm. Giống đào này hoa nở muộn, độ ngoài mùng mười tháng giêng mới nở rộ.

Như chúng ta đã biết, hoa đào xuất thân từ vùng núi cao có khí hậu gần gũi với miền ôn đới, đặc biệt là ở châu Á. Trên thế giới có nhiều nước có hoa đào, nổi tiếng như Iran, Trung Quốc, Nhật bản, Việt Nam, Italia, Mỹ, Pháp … Ở Việt Nam, hoa đào cũng được trồng ở rất nhiều nơi như thể ở Hà Giang, Lao Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La …, đặc biệt là làng đào Nhật Tân, Hà Nội. Tìm hiểu về hoa đào có người bảo rằng cây đào được người Việt cổ thuần hóa cách đây khoảng từ 7 ngàn năm đến 8 ngàn năm. Và tôi cũng có lần được nghe kể, vào hồi đầu thế kỷ thứ 7, nhà Đường đô hộ nước ta (An Nam đô hộ phủ), quan và quân Trung Hoa bị điều đến Tống Bình cai trị dân ta. Chúng đi nhưng không biết bao giờ mới được về. Để vơi bớt nỗi nhớ quê, đồng thời cũng là để tính được thời gian ở Giao Chỉ, những viên quan đứng đầu đất Giao Chỉ lúc đó (gọi là đô đốc, đô hộ hoặc kinh lược sứ, tiết độ sứ) đã sai người lên rừng Hoàng Liên Sơn mang đào mang về trồng quanh nơi ở. Và mỗi độ cuối đông sang xuân, nhìn đào hoa nở thì họ biết tết đang đến ở quê nhà. Nhìn hoa đào ấy có lẽ nỗi nhớ quê nhà ở họ cũng được an ủi chút nào chăng và cộng các mùa hoa lại, họ có thể tính được thời gian xa quê, ở đất Giao Chỉ. Kể thế cũng hay!

Thực ra tìm hiểu cũng chỉ để biết vậy thôi. Tôi cũng chẳng cần biết nhiều lắm về việc cây đào có mặt trên đất Việt từ bao giờ nhưng có một chuyện kể về cây hoa đào của người Hà Nội thì không thể không biết. Truyện kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa ở phía Đông núi Sóc Sơn có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá xum xuê, bóng râm che phủ cả một vùng rộng lớn. Ở trên cây đào có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ. Hai vị thần có sức mạnh và nhiều phép lạ nên thường hay giúp dân diệt trừ ma quái để bảo vệ cuộc sống yên bình. Bọn yêu ma thấy thế mà khiếp sợ trước quyền năng của hai vị thần, chúng sợ luôn cả cây hoa đào nữa. Chúng chỉ cần trông thấy cành hoa đào là đã sợ hãi mất vía mà bỏ chạy. Hàng năm, cứ đến dịp cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Lợi dụng thời gian vắng mặt này của các thần, bọn yêu ma ra sức hoành hành, tác oai tác quái làm hại dân lành. Để thoát khỏi sự quấy phá của yêu ma trong những ngày hai thần đi vắng, dân làng đã nghĩ ra cách bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần dán ở cột trước nhà để dọa chúng, xua đuổi ma quỷ. Bọn yêu ma hễ nhìn thấy cành đào hay hình vẽ thần trên giấy hồng là thi nhau bỏ chạy. Từ đó, năm này qua năm khác, cứ mỗi dịp tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ.

Huyền thoại cây đào đã giải thích cho ta biết nguyên nhân ban đầu của sự hiện diện cành hoa trong mỗi gia đình khi tết đến xuân về. Tuy nhiên theo thời gian, ý nghĩa xua đuổi tà ma của cành hoa đào mà người xưa hằng tin tưởng đã bị lãng quên. Thay vào đó, người ta tin rằng: vẻ đẹp tươi thắm của hoa đào trong tiết trời còn giá rét như thể báo hiệu một sự no ấm, hạnh phúc; như thể gieo vào lòng mỗi người một niềm tin yêu, vui vẻ; như thể đem đến một niềm hy vọng cho năm mới gia đình sẽ được an khang thịnh vượng. Thế đấy, mục đích và ý nghĩa của cành hoa theo năm tháng cũng có sự đổi thay.

Nhưng kì lạ thay, từ niềm tin trên hoa đào cũng đã đi vào trong tâm thức văn hóa của không ít dân tộc. Trong đời sống văn hóa của nhiều dân tộc ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam, có khá nhiều tác phẩm thơ văn hay những giai thoại liên quan tới đào hoa. Có một giai thoại nổi tiếng ở đời nhà Đường bên đất nước Trung Hoa kể lại. Đời Đường Đức Tông có một nho sinh phong lưu, nhã nhặn tên là Thôi Hộ. Một hôm, trong tiết Thanh minh chàng có đến đất Lam Điền, ở phía nam thành Trường An để dạo chơi. Trên đường du ngoạn, chàng trông thấy một vườn đào rất đẹp, hoa nở rực rỡ, tươi thắm. Thôi Hộ bèn đến gõ cổng xin nước uống và ngắm hoa đào. Một lát sau có một thiếu nữ xinh đẹp ra mở cổng và mang nước mời chàng nho sinh. Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng duyên kỳ ngộ nên hai người đã phải lòng nhau sau cái nhìn đầu tiên. Uống nước xong, Thôi Hộ ngắm hoa một lát rồi chào chủ nhân mà lòng đầy bịn rịn. Đến năm sau, cũng trong tiết Thanh Minh, Thôi Hộ trở lại chốn cũ. Chàng gõ cổng và gọi mãi nhưng chẳng thấy ai. Tức cảnh, chàng viết bài thơ “Đề Đô Thành Nam Trang” lên giấy và dán lên cổng để bày tỏ tâm tình. Nguyên văn bài thơ như sau: “Khứ niên kim nhật thử môn trung/ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng/ Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”, (dịch nghĩa: Năm ngoái ngày này ở giữa cửa kia/ Mặt người (đẹp) và hoa đào chiếu ánh hồng lên nhau/ Người đẹp bây giờ không biết ở đâu/ Hoa đào vẫn cười với gió đông ý như năm ngoái). Dán xong, chàng quay gót trở đi và một lúc sau thì quay trở lại. Khi quay lại, Thôi Hộ nghe thấy tiếng khóc trong nhà vọng ra. Chàng lại gõ cổng gọi. Lần này chàng thấy một ông lão ra mở cổng và hỏi có phải là Thôi Hộ không. Ông lão đã kể lại cho Thôi Hộ biết người con gái chàng gặp năm ngoái là con mình. Nàng vừa mới mất, nàng chết sau khi đọc bài thơ của chàng đề trên cổng. Thôi Hộ vào nhà và đến bên xác người con gái khóc than. Cô gái lúc này mới tắt thở nên cơ thể còn ấm, mặt vẫn hồng hào. Nghe tiếng khóc than kể lể của Thôi Hộ, nàng bỗng nhiên tỉnh lại. Sau đó hai người kết duyên thành vợ chồng. Câu chuyện nhuốm màu huyền thoại ấy sau này cũng đã được Nguyễn Du đưa vào trong “Truyện Kiều” với vai trò của một điển tích để kể về Kim Trọng (sau nửa năm về Liêu Dương chịu tang chú) khi trở lại vườn Thúy tìm Kiều nhưng không thấy: “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Thế đấy, hoa đào đã đi vào văn chương đất Việt (của không ít dân tộc) như một lẽ tự nhiên. Xưa cụ Nguyễn Trãi trong bài thơ “Đào hoa thi” đã từng dùng hình ảnh hoa đào để miêu tả vẻ đẹp kín đáo thanh cao của mùa xuân: “Một đóa đào yêu khéo tốt tươi/ Cánh xuân mơn mởn thấy xuân cười” hay Nguyễn Gia Thiều trong “Cung oán ngâm khúc” cũng dùng hình ảnh hoa đào để thể hiện nhan sắc của người phụ nữ: “Ánh đào kiếm đâm bông não chúng/ Khóe thu ba gợn sóng kinh thành/ Bóng gương lấp ló trong mành/ Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa”. Không chỉ thời xưa các thi nhân mới sử dụng hoa đào làm thi liệu. Thời hiện đại, nhà thơ Nguyễn Bính cũng từng có lần nhìn hoa đào rơi trong ngày xuân mà chạnh lòng nhớ đến cố nhân: “Hôm nay còn xuân, mai còn xuân/ Một cánh đào rơi nhớ cố nhân” (Xuân tha hương). Còn nhà thơ Vũ Đình Liên nhìn hoa đào trên phố đông mà lòng lại khắc khoải một nỗi niềm hoài cổ: “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?” (Ông đồ). Và nhà thơ Nguyễn Duy cũng đã từng miêu tả các loại đào hoa khi xuân sang: “Đào đỏ, đào phai, đào trắng nữa/ Mùa xuân chấm phá ở trong lòng/ Hoa đào cũng đẹp như đời vậy/ Nhờ dáng cành cây vấp vểnh cong” (Hoa đào).

Và cành hoa đào ấy không chỉ được các văn nhân sử dụng làm thi liệu mà còn đi vào lịch sử với những giai thoại không kém phần sinh động nên thơ, tiêu biểu phải kể đến giai thoại vua Quang Trung và cành đào Nhật Tân năm Kỷ Dậu. Chuyện kể rằng, mùa Xuân năm 1789, trên đường hành quân thần tốc ra Bắc tiêu diệt hai mươi chín vạn quân Thanh xâm lược, khi vào đến Thăng Long, lúc voi trận, áo bào còn vương mùi thuốc súng nhưng khi đi qua rừng đào Nhật Tân đang nở rộ sắc hồng, vua Quang Trung ngẩn người đứng ngắm và liền cho người chọn một cành đẹp nhất và phóng ngựa trạm vào thành Phú Xuân (Huế) để tặng Ngọc Hân công chúa. Đấy là giai thoại nên tôi cũng không dám chắc đúng thật nhưng dù sao giai thoại ấy cũng đã nói lên ý nghĩa của hoa đào với người Hà Nội trong mỗi độ tết đến xuân về. Chắc hẳn khi ngắm vườn đào lộng lẫy, đấng quân vương không nguôi nhớ về người vợ hiền ở quê nhà. Và hơn ai hết, không ai hiểu Ngọc Hân với nỗi nhớ quê hương Bắc Hà bằng Quang Trung. Với sự nhạy cảm và tinh tế nhưng cũng rất lãng mạn, nhà vua đã cho người mang cành đào Nhật Tân về tặng vợ. Cành đào ấy là hiện thân của mùa xuân Thăng Long. Nó như thể mang cả một không gian Thăng Long vào kinh thành Phú Xuân cho người vợ xa chồng. Ngắm cành đào ấy, chắc hẳn hiền thê của đức vua sẽ vợi bớt nỗi nhớ quê nhà. Không những thế cành đào ấy cũng là một thông điệp báo mừng tin chiến thắng. Không thể nào hơn. Một cành đào kỳ diệu của phương Bắc!

Và thế đấy, cũng chẳng biết từ bao giờ, hoa đào và tết cùng song hành với nhau. Người đất Bắc từ xưa vẫn thường có cách nghĩ "đói quanh năm, no ba ngày Tết". Tết là phải đầy đủ, đàng hoàng. Cái đàng hoàng kia tức là không thể thiếu được hoa đào. Tết nếu trong nhà cho dù có đủ các loại hoa đến đâu nhưng nếu không có hoa đào thì vẫn cứ thấy thiếu một cái gì đó. Thật lạ, nếu tết trong nhà chỉ cần một cành đào thôi thì thế cũng là đầy đủ, một cành đào có thể thay cho tất cả. Người đất Bắc ngắm nhìn nụ đào chúm chím môi hồng trên cành lá đầy lộc non là thấy mùa xuân đã về, như thể thấy được cả đất trời đang bừng tỉnh trong hương sắc của đào hoa.

Thú chơi hoa đào tao nhã nhưng cũng khá công phu. Nếu không trực tiếp trồng đào thì người chơi phải tìm đến các vườn đào để chọn trước hàng tháng. Người ta chọn loại đào, chọn thế, chọn dáng tùy theo sở thích. Chơi đào có đủ các kiểu dáng (thế). Nào là thế phượng, thế rồng; nào là thác đổ, dáng huyền; nào là ngũ phúc, tam đa; nào là đủ lộc, đủ tán … Và để tết đến có được những cành (cây) đào đẹp, người trồng đào ngoài việc cắt tỉa, tạo dáng, tạo thế cũng phải biết cách trồng, cách chăm, cách hãm. Thường thì đào ưa thoáng, thích ở những nơi có nhiều nắng, nhiều gió. Muốn có đào nở vào đúng dịp Tết, người trồng phải bỏ cành, tuốt lá, ủ gốc. Thông thường, cứ vào khoảng ngoài mùng mười tháng mười một âm lịch, người chơi phải tuốt hết lá để cho ra hoa, hoa nở đúng dịp. Sang tháng chạp, người trồng phải tích cực vun bón, chăm sóc đêm ngày để cây ra hoa như ý muốn. Những nghệ nhân cao tay còn có những thủ pháp chăm bón, cắt tỉa làm cho cây đào có thể ra một ít quả sớm, quả đào nhỏ li ti như nụ hoa e ấp dưới lá cùng hoa trông rất đẹp. Người ta quan niệm những quả đó là “Lộc”. Những cây đào ngày tết mà có đủ lá, lộc (lộc lá, lộc quả) hoa, nụ là cây đào đẹp. Cây đào ấy trong tâm thức người chơi là sẽ đem lại phúc lộc cho gia chủ. Vì vậy những cây đào này rất quí. Đối với những người chơi đào cành thì cũng phải biết cách hãm thì cành đào mới đẹp, mới chơi được lâu. Khi cành đào lúc mới hạ thường chưa có hoa, chỉ có nụ nhu nhú. Để cho tất cả nụ hoa đều nở, hoa được bền thì trước khi cắm vào bình có đựng nước, người chơi cần phải đốt cuống cành. Làm như vậy, nhựa trong cành hoa không chảy xuống nước, chất dinh dưỡng của cành hoa không mất đi, trái lại cành hoa vẫn hút được nước để nuôi các cành nhỏ và hoa lá. Cành đào như thế chỉ cần cắm vào bình một đôi ngày là hoa bắt đầu nở dần, lá cũng đâm ra và có thể chơi được lâu hơn.

Bây giờ trên đất Bắc, nhất là Hà Nội, chơi hoa đào trong dịp Tết Nguyên đán đã trở thành một thú không thể thiếu, một tập quán đẹp. Có thể nói hoa đào là biểu tượng cho ngày Tết ở miền Bắc. Mỗi khi tết đến xuân về, thường thì nhà nào cũng phải có một cành đào (cũng có khi là cây đào thế) để trưng bày ở phòng khách hoặc để cắm ở bàn thờ tổ tiên. Thú chơi này cũng đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người dân đất Bắc. Bởi thế, tết đến có không ít người xa xứ vẫn nôn nao nhớ về hoa đào với một nỗi niềm khắc khoải. Đây ta hãy lắng nghe nỗi niềm ấy của một người con phương Bắc đón tết phương Nam nhưng hồn vía khôn nguôi nhớ về đất tổ với hình ảnh của hoa đào Hà Nội: “Mỗi năm, cứ đến những ngày giáp tết, tôi lại lò dò đến sân bay Tân Sơn Nhất để ngắm hoa đào. Những chuyến bay đào hoa chở đầy hoa đào mang từ Hà Nội vào đây cái hồn vía của mùa xuân đất tổ”, “Ôi! Màu hoa đào Hà Nội - Thăng Long đã mấy trăm năm là nỗi ám ảnh khôn cùng, là tên gọi của nỗi sầu xa xứ của cha ông ta đi mở đất phương Nam? Tôi cứ hình dung những trăm đêm mai vàng của lịch sử trước phút giao thừa, nơi cha ông ta nhớ về cố quận, thở một câu vọng cổ lên trời, nhìn những vằn lửa riu riu trên thanh củi ướt mà thương nhớ hoa đào đến quằn quại trong hồn vía vô biên vô thức của mình”, “Phút giao thừa, nghĩ đến đất Bắc quê hương, tự nhiên đứa con phiêu bạt này chợt cay cay khóe mắt nhớ mẹ già ngồi tựa cửa trông con. Nay mẹ đã theo sương gió lên trời. Bỗng nhiên tay tôi chợt vịn lấy nhánh hoa đào làm chiếc gậy, để hành trình cùng thiên nhiên, cùng đất nước và dân tộc đi vào một năm mới đầy hứa hẹn. Những chấm hoa đào đang chúm chím kia làm tôi có cảm tưởng là chính những giọt mồ hôi của sông Hồng vừa chảy qua năm cũ, chảy qua lịch sử máu xương hùng vĩ để làm nên tình yêu và nỗi nhớ của tôi trong mùa xuân ngút ngàn hoa đào này” (Thương nhớ hoa đào - Trần Mạnh Hảo).

Thế đấy. Rồi, năm đi qua, tháng đi qua. Hoa đào vẫn cứ còn mãi với mùa xuân đất Việt.

Ngày mùng Năm tết Đinh Dậu