Mối tình lớn của hai bậc trí thức lớn

Đó là tình yêu của Tiến sĩ Trần Anh Vinh (1926-2016) - người Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ khoa học kỹ thuật mỏ; là chuyên gia đầu tiên và đầu ngành về công nghệ khai khoáng ở nước ta và PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức – cũng là chuyên gia đầu tiên và nổi tiếng của nước ta trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.


TS. Trần Anh Vinh và PGS. TS Hoài Đức sau ngày cưới (5/12/1959)

Gặp nhau trong đêm dạ hội ở Đại học Bách khoa cuối năm 1959 họ đã bén duyên, trở thành chồng vợ. Suốt 57 năm, với tình yêu mộc mạc và sâu sắc, họ đã vượt qua rất nhiều khó khăn để xây dựng gia đình hạnh phúc và phấn đấu học tập, công tác, trở thành những chuyên gia, trí thức lớn. Họ còn là đôi bạn tri âm, tri kỷ; luôn nâng đỡ nhau trong suốt cuộc đời.

*Tiến sĩ Trần Anh Vinh (1926-2016) đã dành cả cuộc đời cho sự phát triển của ngành Công nghiệp Việt Nam, trong đó 20 năm làm thứ trưởng các bộ: Điện và Than; Mỏ và Than; Bộ Năng Lượng. Ông đã có công lớn xây dựng phát triển Ngành Than và Ngành Điện lực. Ông là người chủ trì thành lập Phân viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật mỏ (nay là Viện Khoa học Công nghệ Mỏ- Vinacomin) đồng thời kiêm nhiệm Phân Viện trưởng đầu tiên và chủ trì thành lập Hội Khoa học Kỹ thuật mỏ, là Chủ tịch đầu tiên của Hội này. Với vai trò là Quyền Bộ trưởng, TS, Trần Anh Vinh đã đề ra nhiều giải pháp sáng tạo và quyết liệt, đưa Ngành Than vượt qua nạn thiếu lương thực triền miên; đời sống việc làm của chục vạn công nhân Ngành Than ổn định.

Trong quá trình công tác, ông đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, nhiều cán bộ kỹ thuật, trong đó nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; nhà khoa học, nhà quản lí v.v; tiêu biểu là đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị; nguyên Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông đã được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

*PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài tốt nghiệp Đại học Y khoa Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1959; bảo vệ luận án Tiến sĩ Y khoa ở Ba Lan, năm 1971; đi thực tập sinh tại Vương quốc Anh; thông thạo tới 4 ngoại ngữ. Bà nguyên Trưởng khoa Phụ Ngoại 1, Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh (gọi tắt là Viện C – Hà Nội ). Bà  bà nổi tiếng về phẫu thuật chữa vô sinh. Bà đã được Tổng công đoàn Việt Nam (nay là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) tặng bằng “Lao động sáng tạo”; được Bộ Y tế tặng nhiều bằng khen và Chứng nhận “Chuyên gia ngành Sản – Phụ khoa Việt Nam”. Khi còn làm việc trong ngành Y tế, bà là thành viên của Hội đồng khoa học Bộ Y tế...

Sau khi nghỉ hưu, bà thành lập Viện sức khỏe Phụ sản và Gia đình. Trong 23 năm làm Viện trưởng của Viện này (Từ năm 1993 đến 2016), bà đã quan tâm tới sức khỏe cộng đồng; thực hiện nhiều dự án cho phụ nữ vùng sâu vùng xa, vừng dân tộc thiểu số. Bà có mối quan hệ quốc tế rộng khắp. Tên tuổi của bà được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.

PGS. TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức:

“ÔNG NHÀ TÔI LÀ NGƯỜI CHỒNG MẪU MỰC; LÀ NGƯỜI BẠN TRI ÂM, TRI KỶ; LÀ NGƯỜI ANH CAO THƯỢNG; LÀ NGUỒN ĐỘNG VIÊN AN ỦI LỚN NHẤT CỦA CUỘC ĐỜI TÔI”…

Sắp bước sang tuổi 85 mà PGS.Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Thị Hoài Đức vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn lạ lùng. Lưng bà vẫn thẳng, bước đi vững vàng, đôi tay mềm mại, ấm áp, gương mặt phúc hậu, đôi mắt tinh anh. Lần giở những bức ảnh đầy ắp kỷ niệm về người chồng yêu quý đã khuất xa, bà tâm sự về những kỷ niệm không thể nào quên trong suốt suộc đời hạnh phúc với ông - Tiến sĩ Trần Anh Vinh. Trong mắt và trong ký ức sâu thẳm của bà, ông hiện lên với niềm thành kính, tươi mới như thuở ban đầu hình ảnh một người chồng mẫu mực, hoàn hảo; một người cha thương vợ thương con với lòng hy sinh vô bờ bến và ông còn là một người bạn tri âm, tri kỷ; một người anh cao thượng, luôn nâng đỡ bà trong suốt cuộc đời.

Kể chuyện với chúng tôi những kỷ niệm về ông, bà thường dùng cụm từ  “ông nhà tôi” nghe vừa gần gũi, xen lẫn niềm kính trọng, tự hào. Thi thoảng, bà xúc động, bật khóc.

*Thưa bà, chúng cháu đã được nghe những cán bộ quản lí, những trí thức là cấp dưới của TS. Trần anh Vinh kể về ông với niềm kính trọng và biết ơn sâu sắc. Là người vợ, sống thủy chung với TS. Trần Anh Vinh suốt cuộc đời, xin bà chia sẻ những kỷ niệm ấn tượng ban đầu trước khi thành hôn với ông?

Tôi với ông nhà tôi gặp nhau không phải do tình yêu “sét đánh” hay cuộc tình lâm li như nhiều người khác. Tôi gặp ông nhà tôi là do người bạn giới thiệu. Còn chuyện tôi đồng ý lấy nhà tôi thì giản dị lắm. Tôi còn nhớ vào dịp 20-11-1959, anh Vinh mời tôi đi nhảy nhân dịp Trường Đại học Bách Khoa tổ chức dạ hội. Trong tiếng nhạc của điệu Van nhẹ nhàng tình tứ, anh ấy ghé vào tai tôi hỏi một câu mộc mạc rằng: “Cô có lấy tôi không?”. Tôi gật đầu trong sự ngỡ ngàng của chính mình. Tôi đồng ý lấy anh sau mối tình riêng thất bại và tôi cũng muốn kết thúc một mối quan hệ khó xử, đồng thời muốn yên bề gia thất để chuyên tâm làm công việc chuyên môn mà mình đã được đào tạo.

Chúng tôi quyết định tổ chức đám cưới vào ngày 5/12/1959. Lễ cưới của chúng tôi cũng đơn sơ như bao đôi vợ chồng thời bao cấp. Công đoàn khoa Mỏ của Trường Đại Học Bách Khoa đứng ra tổ chức lễ cưới cho chúng tôi tại phòng cưới Hòa Bình trên phố Bà Triệu, Hà Nội. Tiệc cưới rất đơn giản, chỉ có bánh kẹo và cà phê nhưng ấm cúng và vui vẻ. Tan tiệc, anh chở tôi trên chiếc xe đạp về phòng tân hôn, tại gác hai, số 1 Hàng Phèn, Hà Nội. Đây là nhà của anh Bình, cán bộ giảng dạy cùng trường với anh Vinh, cho chúng tôi mượn.

(nói đến đây, bà ứa nước mắt).

*Những kỷ niệm bà chia sẻ thật mộc mạc, giản dị, nhưng có lẽ thẳm sâu trong đó là sự cảm thông, tình yêu thương sâu sắc không thể tả bằng lời. Trong thời gian sống với ông, phải chăng bà đã thấu cảm được tình thương yêu của ông đằng sau vẻ giản dị, kiệm lời của một trí thức chuyên ngành khoa học kỹ thuật “khô khan”?

Lúc mới lấy nhau, tôi chưa hiểu anh Vinh nhiều nên cứ sống và làm việc bình thường với bổn phận của người vợ mà không chia sẻ gì nhiều với anh. Nhưng càng sống với anh, tôi càng thấy trân trọng, yêu quý và hiểu anh nhiều hơn. Ẩn sau vẻ khô khan, ít nói và giản dị, anh là người cực kỳ dễ thương, thật thà, ấm áp, hồn nhiên và dễ tính. Tôi nhớ, có lần anh mời tôi đi ăn bánh tôm ở bờ hồ Thiền Quang. Anh chỉ mời tôi ăn có một chiếc bánh! Khi ra về, tôi hỏi: “Sao anh chỉ mời em có một chiếc bánh?”. Anh bối rối trả lời: “Ô, sao Đức muốn ăn nữa mà không nói!?”. Ông nhà tôi giản dị thế, chân thành thế và tình yêu với tôi là chân thật chứ không theo kiểu lãng mạn “hoa lá cành”.

Ông nhà tôi đễ thương và hồn nhiên đến ngạc nhiên. Có lần, biết tôi thích ăn mít, anh đi công tác về, cắp nách một quả mít chín, thơm lựng, gương mặt rạng rỡ: “Quà của mẹ nó đây!”. Sau khi nghỉ hưu, ông nhà tôi giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Đây là thời gian chúng tôi được cùng làm việc, cùng đi công tác xa, được chăm chút cho nhau. Tôi nhớ, có lần, chúng tôi đi công tác ở Quảng Trị, anh hỏi tôi thích ăn gì, anh đãi. Tôi chưa kịp trả lời thì anh bảo, đã đặt mua một con tôm hùm chiêu đãi mẹ nó. Tôi rất đỗi ngạc nhiên, bởi anh là người rất tiết kiệm, nhưng lại sẵn sàng mua đặc sản đãi vợ. Nhưng nghĩ lại, trong suốt thời gian sống với nhau, tôi thấy ông nhà tôi chỉ tiết kiệm cho bản thân mình, còn rất hào phóng với vợ con và kể cả bà con hàng xóm. Có lần chuyển đến nơi ở mới, thấy bà cụ hàng xóm nghèo, nhiều thiếu thốn, anh ấy vội về ôm chăn màn sang cho bà cụ…

Trong suốt thời gian chung sống, chúng tôi chuyển nhà nhiều lần. Đầu tiên chúng tôi ở trong căn phòng 8m2, ngăn bằng cót ép từ gian nhà tập thể 16m2 của Đại học Bách khoa; sau đó chuyển đến ở căn phòng 20 m2 ở Tương Mai; tiếp nữa, chúng tôi chuyển đến căn phòng 24m2 ở dốc Thọ Lão, cơ quan phân cho tôi. Khi ông nhà tôi là thứ trưởng mới được cơ quan phân cho căn tập thể 40m2 ở  Khương Thượng; sau đó anh được phân căn phòng 70 m2 ở Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Nước ở khu tập thể này bẩn, anh ấy bị đau bụng suốt nhưng không hề kêu ca…

Trước đây, hồi hai con gái của chúng tôi còn nhỏ, tôi thì đi trực ở bệnh viện suốt. Ngày ấy đất nước còn chiến tranh, đời sống còn khó khăn, đồng lương ít ỏi, bữa cơm gia đình chúng tôi rất đạm bạc. Vậy mà ngày đó, ông nhà tôi vẫn thường đưa các con đi ăn phở. Nhưng ông chỉ gọi phở cho hai con; không dám gọi phở cho mình đâu (nước mắt lại trào ra, giọng nghẹn lại).

Về ăn uống, ông nhà tôi vô cùng giản dị. Hồi bao cấp khó khăn không nói làm gì, nhưng sau này, kinh tế khá hơn nhưng quanh năm, ông nhà tôi chỉ thích ăn cơm với rau, thịt lợn rim mặn, cá kho mặn, thỉnh thoảng ăn thịt gà. Thế thôi. Ông nhà tôi không bao giờ ăn thịt chó và các loại thịt lạ nào khác và cũng rất ít khi đi ăn nhà hàng, quán sá; không ham rượu, bia, không hút thuốc lá. Là lãnh đạo cấp bộ, luôn được mời dự tiệc tùng, nhưng ông nhà tôi bảo chẳng đâu ngon bằng cơm mẹ nó nấu. Lúc trẻ, ông nhà tôi hay gọi tôi là “mẹ nó”, về già gọi là “bà nó”; ít khi gọi là anh em. Cơm “mẹ nó” chỉ có thịt rim, kho tàu, cá kho mà ông nhà tôi lúc nào cũng ăn một cách ngon lành. Thói quen của ông trong ăn uống là điều độ, từ tốn, đúng giờ. Đến bữa, chỉ cần ông chỉ tay lên đồng hồ treo tường là tôi hiểu và chuẩn bị dọn cơm. Ông nhà tôi cao to như người Tây, làm việc nhiều lại ham thể thao nên ăn khỏe lắm. Dù vậy, ông không ham ăn vặt. Ăn xong, dù ai mời bánh kẹo, hoa quả ngon, ông cũng từ chối. Mỗi bữa cơm, nhìn thấy ông ăn ngon, khen rối rít, rồi chuyện trò vui vẻ, tôi vui mừng lắm; thấy cuộc sống thật giản dị và lớn lao. Tôi nói, chắc chẳng ai tin, nhưng có hương hồn ông đây, suốt thời gian chung sống, chúng tôi chưa bao giờ to tiếng với nhau lần nào.

*Thưa bà, chúng cháu được biết, trong công việc, bà là chuyên gia nổi tiếng và là bác sĩ nghiêm khắc, trực tính, thậm chí đôi lúc nóng nảy. Vậy, bà có bí quyết gì để giữ gìn mái ấm gia đình?

Rất đơn giản vì chúng tôi hiểu ý nhau tinh tế trong từng lời nói, từng cử chỉ, ánh mắt nên luôn nhường nhịn nhau, chia sẻ cho nhau, không muốn mất lòng nhau. Với lại, ông nhà tôi dễ thương như thế; hiền lành, tử tế và đáng yêu như thế, nên dù có lúc không vừa ý nhau nhưng tôi cũng không nỡ nặng lời với ông nhà tôi được! Tôi luôn tự hào về ông nhà tôi! Không những tôi tự hào ông là chuyên gia đầu tiên và hàng đầu về khoa học kỹ thuật mỏ; là cán bộ cao cấp của nhà nước, giữ cương vị thứ trưởng trong suốt 20 năm, luôn được cấp trên tin yêu, cấp dưới nể trọng mà tôi còn tự hào ông nhà tôi ở nhân cách sống. Như tôi đã nói, ông nhà tôi rất dễ thương, chị ạ! Ông hiền lành, mộc mạc, vui vẻ gần gặn với mọi người; không bao giờ gắt gỏng, quát mắng với bất cứ ai. Đó là tính cách mà nhiều người đàn ông không có. Với tôi, ông luôn là người đàn ông mẫu mực, hoàn hảo; luôn thương yêu, tạo điều kiện cho vợ học tập và làm việc. Những thành công trong sự nghiệp của tôi có công lao rất lớn của ông nhà tôi. Thời làm việc ở bệnh viện, tôi thường đi trực cả ngày đêm, kể cả những ngày Tết, ông nhà tôi vẫn lẳng lặng thay vợ chăm chút hai con. Tôi vốn là người ham học, ham làm việc. Hiểu và thông cảm cho tôi, ông không bao giờ phản đối việc học hành hay việc làm của tôi. Tôi đi làm, đi trực suốt, hai đứa con tôi luôn thắc mắc: “Chả thấy mẹ ở nhà bao giờ”. Nhưng ông nhà tôi thì không bao giờ phàn nàn lấy một câu. Dù đảm nhận chức vụ quan trọng ở Bộ, luôn bận việc ở cơ quan, nhưng nếu không đi công tác xa hay bận các cuộc họp thì buổi trưa, ông thường mang cơm vào bệnh viện cho tôi. Ngày ấy, hai đứa con nhỏ của chúng tôi thường…bình bầu “ba Vinh ngoan nhất nhà”; “Ba Vinh được phiếu bé ngoan”…

Suốt 4 năm tôi đi nghiên cứu sinh ở Ba Lan, ông nhà tôi một nách hai đứa, chẳng khác gì cảnh “gà trống nuôi con”. Trước khi đi nghiên cứu sinh, nghĩ cảnh ông vừa đảm nhận trọng trách lớn ở Bộ, vừa nuôi dạy hai đứa nhỏ, tôi đã mềm lòng. Không biết suốt 4 năm đằng đẵng, ông sẽ làm việc thế nào? Hai đứa con nhỏ của tôi sẽ sống ra sao trong thời bao cấp cuộc sống đầy khó khăn? Nhưng ông vẫn hồn nhiên động viên tôi nhẹ tênh: “Có 4 năm thôi mà. Mệ nó yên tâm đi học và cố gắng học tập, công tác tốt. Đừng lo gì cho ba con tui”.

Năm 1971, tôi bảo vệ luận án tiến sĩ Y khoa ở Ba Lan. Về nước làm việc một thời gian, tôi lại được đi thực tập chuyên sâu vi phẫu thuật ở Vương Quốc Anh. Lúc này, ông nhà tôi đã là Thứ trưởng Bộ Điện và Than, tiêu chuẩn chế độ tem phiếu khá cao. Nhưng tôi đi học xa, ông nhà tôi thì bận việc, việc ăn uống, sinh hoạt của mấy bố con ở nhà rất khó khăn; thường là ăn ở nhà hàng ăn bằng tem phiếu. Mấy cô nhà bếp thấy ba cha con dắt díu nhau đi ăn, nên thương tình cho thêm vào suất cơm vài miếng thịt. Thế mà có người ngồi cạnh thắc mắc, sao suất cơm của mấy cha con ông kia có nhiều thịt hơn?.

Chính vì tình thương yêu, sự hi sinh cao cả của ông nhà tôi với vợ con mà tôi đã từ chối lời mời của Bệnh viện Quốc tế nổi tiếng thế giới ở Vương quốc Anh ở lại làm việc với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Tôi không thể xa người chồng tốt bụng, dễ thương như ông nhà tôi! Tôi không thể tìm thấy ở đâu có cuộc sống dù còn nhiều thiếu thốn nhưng tràn đầy hạnh phúc như gia đình chúng tôi!

*Cháu xem ảnh thấy ông cao to, đẹp trai như Tây lại quyền cao, chức trọng. Cháu hỏi thật, thời trẻ, ông bà nhiều năm phải sống xa nhau, có bao giờ bà nghe chuyện “này nọ” về ông không?

Chưa bao giờ! Đúng là ông nhà tôi thời trẻ rất đẹp trai. Có lần tôi hỏi, sao anh đẹp trai lại lấy em, xấu gái. Ông nhà tôi hồn nhiên, bảo “Cũng không xấu”. Rồi ông ấy cười hồn nhiên và dễ thương lắm, chị ạ. Một người đàn ông cao to, đẹp trai, dễ thương và tài giỏi như thế, con gái gặp ông ấy mà không quý mến mới là lạ! Nhưng tuyệt nhiên, chưa bao giờ tôi nghe điều tiếng thị phi về ông nhà tôi. Có lần, tôi nói đùa, em đi học xa, ở nhà, cô nào thích, anh cứ chiều, miễn là đừng để lại hậu quả. Ông nhà tôi bảo rằng: “Ôi dào, bận bỏ cha. Thời gian đâu mà tình với tứ”. Câu nói mộc mạc của ông khiến tôi vui và thương ông lắm. Tin rằng, với ông, sự nghiệp và vợ con là trên hết; là nguồn cảm hứng lớn lao nhất để ông tận tụy cống hiến. Tư cách đạo đức, uy tín, danh dự của một lãnh đạo cấp cao mẫn cán; của người chồng, người cha mẫu mực đã đảm bảo bằng vàng cho tôi đặt niềm tin yêu vào ông nhà tôi suốt cả cuộc đời!

Nhân đây, kể chị nghe về gia đình tôi. Vợ chồng chúng tôi có hai con gái nhưng ông nhà tôi quyết không muốn sinh con thứ ba. Có lẽ, ông nhà tôi là một trong những người tiên phong trong kế hoạch hóa gia đình. Ông không muốn sinh nhiều con để vợ chồng có điều kiện  phấn đấu cho sự nghiệp và nuôn dạy con cái. Hai con tôi, thời bé, dù sống xa mẹ nhưng được ông nhà tôi chăm chút, được học đàn piano; cháu nào học cũng giỏi; tốt nghiệp đại học. Cô chị nay là PGS. Tiến sĩ ngành kiến trúc, hiện làm việc tại Thụy Điển.

Còn nhiều kỷ niệm lắm, tôi không thể nói hết được trong mấy trang giấy nhỏ. Nhưng tôi khẳng định rằng, với tôi, ông là người tốt nhất, thông cảm nhất, bình đẳng nhất trên cuộc đời này. Ông luôn tin ở tôi. Tôi làm gì cũng được ông động viên, chia sẻ. Ông là nguồn động viên an ủi lớn nhất của cuộc đời tôi. Ông không chỉ là người chồng, mà còn là người anh, người bạn tri kỷ của tôi. Ông là người đàn ông tuyệt vời, luôn vui vẻ, vô tư, không hề có một tính xấu.

 

Hơn nửa thế kỷ yêu thương nhau, vì nhau. Đến già, ông nhà tôi vẫn giữ nguyên sự quan tâm chăm sóc vô tư, hồn nhiên đối với tôi. Trước Tết Nguyên đán 2014, ông đưa tôi đi ra hiệu may, may áo nhung, áo khoác, complet màu hồng. Đến tháng 4-2014 thì ông đột ngột lâm bệnh nặng. Tôi vô cùng hoang mang lo lắng. Đồng nghiệp của tôi – những thầy thuốc giỏi ở các bệnh viện đều tận tình chữa bệnh cho ông. Những loại thuốc quý, dù đắt đến mấy, tôi cũng tìm mua, miễn là ông mau chóng khỏi bệnh. Dù biết ông ăn uống đơn giản, không ham ăn vặt nhưng hàng ngày tôi vẫn chế biến tới 5- 7 món ăn rồi ép ông ăn. Cùng lúc, tôi mua cho ông mấy bộ quần áo. Ngày nào tôi cũng tắm cho ông, thay áo mới, xức nước hoa…Tôi đã làm tất cả những gì có thể để ông vui, ông vượt qua bạo bệnh. Nhưng sự tận tụy săn sóc của tôi cùng các thầy thuốc đối với ông chỉ được hai năm, khiến tôi đau buồn, tiếc thương ông vô hạn. Tôi yêu ông nhiều lắm…

Trân trọng cảm ơn bà!

Hoa Anh (thực hiện)

Hà Nội, 14/12/2016