Đọc Nguyễn Hiếu
Đọc CON NGỐ của Nguyễn Hiếu, nói công tâm (cá nhân thôi) tôi coi "đỉnh" không kém Nhà văn Vũ Trọng Phụng bởi sự cá biệt hóa nhân vật đạt đến đỉnh cao. Thân phận chìm nổi của nhân vật nhầy nhụa hơn với "Làm đĩ". Một thứ làm đĩ vô thức của một cô gái đẹp nhưng có dòng "mả hủi" và lại đần dại (L.Q.H)
Nhà văn Nguyễn Hiều (Thứ 2, bìa trái sang)
Tôi đã đọc LÀM ĐĨ của Vũ Trọng Phụng. Cái ông chỉ nghe lỏm chuyện đĩ thõa làng chơi mà miêu tả việc đĩ thõa phì phào, gường chiếu nhiêu khê của dân thành thị đầy bệnh kim la, lậu, giang mai. Tiểu thuyết LÀM ĐĨ, nhà văn Vũ Trọng Phụng đĩ chữ còn tài hơn cánh đĩ thân xác. Cứ tưởng ông Phụng là sư tổ của ăn chơi, đàng điếm rạc dài nhưng quả thật ông chỉ...đĩ nghe lỏm. Sứ mệnh sáng tạo và trí tưởng tượng của Nhà văn là một sức mạnh vô thường. Tiểu thuyết "Làm đĩ" một thời bị cấm đoán, gần đây lại thành đình đám cũng như Vũ Trọng Phụng được nhìn nhận lại khi mồ yên mả ấm từ tám hoánh rồi. Thân phận của những nhân tài chỉ sau khi chết đi mới được vinh danh còn lúc sống thì "hãy đợi đấy".
Đọc CON NGỐ của Nguyễn Hiếu, nói công tâm (cá nhân thôi) tôi coi "đỉnh" không kém Nhà văn Vũ Trọng Phụng bởi sự cá biệt hóa nhân vật đạt đến đỉnh cao. Thân phận chìm nổi của nhân vật nhầy nhụa hơn với "Làm đĩ". Một thứ làm đĩ vô thức của một cô gái đẹp nhưng có dòng "mả hủi" và lại đần dại. Nhân vật Loan trong tiểu thuyết cũng làm đĩ thập thành nhưng là loại đĩ để tồn tại. Nhân vật Liễu là đĩ vô thức nhưng là đĩ rạc đĩ dài, không phá vỡ hạnh phúc gia đình của ai. Tự nguyện làm con gà mái đẻ không công cho một đàn gà trống cường tham lam vô độ. Liễu là loại tồn tại để làm đĩ.
Chuyện xoay quanh nhân vật Liễu như tôi đã khai báo nhân thân phía trên. Liễu là người đàn bà khá dị biệt về hoàn cảnh: không cha không mẹ bị hắt hủi và tuần đinh tống vào võng đuổi ra gảnh đình làng Chiện ở với ma. Tưởng bị đầy ải ra chốn ma thì cách li được đám đàn ông máu dê trong làng nhưng ai ngờ cái dâm còn thắng cả ma. Trong một túp lều, ma xuất hiện nhiều lần xen vào sự người, bảng lảng, hư huyền theo lối văn chương huyền ảo có đôi đoạn mô típ phân thân.
Đọc "Con Ngố" ta hình dung ra được cái "dâm đãng bản năng" của cả một lũ đàn ông hôi hám nhầy nhụa, đểu giả bợm bãi và bất nhân trong tình dục. Một thứ tình dục chỉ đặt khoái cảm con đực lên hàng đầu. Quên hẳn danh dự, vai vế, nhân cách của mình. Nếu không có nhân vật Liễu thì lũ người kia còn ẩn trong mớ tù mù đạo đức.
Nhân vật đáng thương (Liễu) được cá biệt hóa tài tình. Một cô gái đẹp và yếu đuối, sẵn sàng để cho mọi loại đàn ông làm tình, coi đàn ông "có quyền" như thế. Gọi tất cả lũ đàn ông nằm trên bụng mình là "ông" và xưng "con" hồn nhiên. Hồn nhiên đến mức sinh nở 3 lần mà không đoán được nó là con ai, Không dám cất tiếng xưng Mẹ mà chỉ xưng "tôi " với con. Cứ thế sống lay lắt trong đói nghèo đến cùng cực. Không dám vòi vĩnh ai cái gì, không biết tiêu tiền mà chỉ nhận củ khoai bắp ngô, miếng cơm cháy, bát cháo nấu bằng tấm mẳn. Đó là sự dị biệt đáng thương mà đọc lên thấy mủi lòng. Một con người bỏ qua mọi chuyện, không dám nghĩ gì to tát, bình phẩm thiên hạ mà chỉ lầm lũi phục tùng. Có van xin đàn ông thì chỉ lúc mới đẻ xong "Người con còn hôi hám lắm, đợi mấy ngày nữa con chiều" hay: Đừng để bà biết, bà đánh con thì đau lắm...
Những tuyến nhân vật cứ lừ lừ hiện ra. Nó như từ trên trời rơi xuống hay như âm binh dưới âm phủ mọc lên và hành động theo bài binh bố trận của phù thủy Nguyễn Hiếu . Bối cảnh cũng không ồn ào và mạch của câu chuyện cứ tiếp nối, tiếp nối như một dòng sông tưởng êm ả nhưng đầy sóng ngầm gào thét dưới đáy. Đó là bộ mặt của kẻ ác người thiện. Ai cũng mang trong mình một mặt người nhưng tâm địa thì khôn lường.
Tôi ấn tượng nhất cái cảnh huống: Hai người đàn bà có chồng "nhăng nhít" vỡi con đĩ không công bàn nhau đến "phanh thây xé xác" tình địch, nhưng khi đến nơi lại xúm vào đỡ đẻ và chăm sóc con "đĩ rạc" kia. Cảnh anh Lý, một cán bộ Việt Minh tình cờ phải trú lại một đêm trước khi vượt sông đã "ăn mằm" cũng Liễu trên cái ổ lá chuối và để lại một mầm sống là nhân vật thằng Cu ở đầu câu chuyện. Cảnh thằng Rơm, thằng Ổi, một mẫu hình bẩn tưởi thô lỗ chốn nhà quê. Cảnh Hai Ngãi với một đàn đĩ điếm lôi tha thập phương về làm náo loạn chốn quê. Cảnh mật thám Nhuận, lính Chíp. Những mẫu đàn ông vừa đáng thương, vừa đáng giận...Tất cả là bức tranh thu nhỏ và có tính khái quát một giai đoạn lịch sử bức bối mà Lý Ung làm vật đại diện.
Hài hước mà cay cực là thời hòa bình lập lại với việc quy thành phần. Một con đĩ vô thức lại ngẩn ngơ cũng suýt chết, suýt tù mọt gông vì bị nâng thành phần là phản động. Một loại tuần đinh mạt hạng như thằng Rơm thằng Ổi làm cán bộ ủy ban và cái mô hình "hợp tác xã" cha chung không ai khóc ra đời...
Cuối câu chuyện là cảnh bước chuẩn bị cho chiến tranh phá hoại của Mỹ trên quê hương Hải Phòng...Cái hay của tiểu thuyết CON NGỐ là nhân vật " thật sự ngố" với những chi tiết đời sống được chi tiết hóa đến ma mãnh và tinh quái. Có lúc tôi nghĩ Nguyễn Hiếu là con ma xó trong mọi ngõ ngách làng quê, trong mọi mâu thuẫn người. Nguyễn Hiếu lí giải lạnh lùng và thâm trầm làm ta khó đoán trước thân phận nhân vật vào hồi kết chuyện. Chiến tranh trong câu chuyện cũng lạnh lùng với xác Tây nổi kín mặt sông nhưng không có đại bác thần công, tiếng hô xung phong hay giáp lá cà máu me bắn giết. Không có mà lại là rất có. Người đọc vẫn hình dung ra sự đẫm máu và khốc liệt của chiến tranh. Tôi lại nghĩ đến thiên chuyện "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ. Cả thiên truyện không một dòng lên án chiến tranh nhưng đọc xong người ta vẫn trào xôi căm giận chiến tranh và thấy được: Mọi oan khuất đau khổ là do chiến tranh đem lại. Cũng như nhân vật trung tâm là "con đĩ Liễu" nếu được sống trong bầu khí quyển lành mạnh thì sự dập vùi phi nhân tính của một lũ đàn ông không có cơ hội thực hiện. Cuộc đời cô sẽ được trân trọng, nâng đỡ vì Liễu cũng là một con người, dù con người số phận không may mắn.
Có lẽ sự sôi trào Nguyễn Hiếu đặt tất cả vào những trang cuối. Đó là thời điểm vừa hào hùng lãng mạn của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Những nhân vật truyện lần lượt bước ra và nhập vào cuộc chiến mới. Những số phận người từ đó được lí giải. Căn lều của nhà Liễu thì vẫn thế nhưng có thêm cái hầm tránh máy bay và cuộc sống đảo lộn vì chiến tranh với bom, với pháo, với bộ đội và ông Lý, cái ông Việt minh năm xưa nằm nhờ một đêm ở gảnh đình làng Chiện trong chiếc ổ lá chuối với Liễu giờ đã là vị chỉ huy đơn vị tên lửa và tìm lại được hòn máu của mình.
Nhưng có lẽ ám ảnh và váng vất người đọc đó là cuộc đời Hĩm con. Một cô bé khoèo chân có gương mặt đẹp như thiên thần. Một trong ba đứa con Liễu sinh ra làm người. Hĩm con là huyết nhục của mật thám Nhuận để lại. Tai họa lại giáng xuống mẹ con Liễu là cái thai bất đắc dĩ mà Hĩm con phải gánh vì bị cưỡng hiếp trong hoàn cảnh bất khả kháng trong lều. Giá như không có Hĩm con, ta có thể tạm yên lòng về cái gia đình nhôm nhoam của Liễu. Lại một kiếp đời oan trái xuất hiện làm ta nghĩ đến " Giọt trước đổ đâu, giọt sau đổ đấy" của Hĩm con. Hĩm đẻ trong lúc mật thám Nhuận bị áp giải đến nơi lao lí vì ngưạ quen đường cũ. Ông Lý, người bố của Cu lại là người thi hành nhiệm vụ. Hai người đàn ông, hai số phận người đã đi qua cuộc đời Liễu đã có nút mở làm ta hài lòng. Chiến tranh thì tơi bời. Số phận của bao tuyến nhân vật sẽ ra sao. Những Rơm, những Ổi, Lý Ung...Làm ta bứt rứt tò tò. Mà suy cho cùng thì cũng không cần tò mò nữa. Đời nó thế, chả có gì tròn vo cả. Cái lối xem phim chiến đấu Liên Xô thời 1960. Hồng Quân sắp thua thì nhất định có quân tiếp viện chỉ ...trẻ con nó thích. Cuộc đời thật thì phải có méo mó đắng cay. Có hỉ hả hoan lạc mới là cuộc đời. Cái ác và cái thiện, cái đúng và cái sai luôn mơn mởn tồn tại với nhau, cũng như ngắm một thằng người. Phàm là thằng nào ai cũng yêu, chả có gì gồ ghề sai phạm thật ra ...không ra gì đâu bởi anh vô tích sự, anh sống nhạt hay anh thớ lợ và luồn lách trơn tuột như con lươn chui qua ngớn tay...
-------
Tất cả, tất cả làm nên Nguyễn Hiếu với lượng tác phẩm tiểu thuyết khá đồ sộ và những giải thưởng văn chương sáng giá. Văn cũng như con người anh. Một Nhà văn lừ lừ đi vào văn đàn Việt. Tác phẩm cũng lừ lừ trôi như dòng nước trên một con sông sóng to gió cả. Dòng nước ấy nặng phù sa để bồi đắp đôi bờ Nhân Gian. Và lẩn thẩn tôi lại nghĩ: Người đa tài như anh có khi anh tự che khuất mình vì muốn ngắm anh ở mảng này thì anh đã chạy sang mảng kia mà mảng nào cũng ánh lên tài năng trác tuyệt từ mồ hôi nước mắt một đời cầm bút.
Tôi lại nhớ một chi tiết trong ĐẮC NHÂN TÂM: Có một bà nấu cơm cho một toán thợ đã 30 năm. Trước khi nghỉ việc. Trong bữa ăn cuối cùng, bà bê cho mỗi bàn 1 ôm cỏ. Lũ thợ phẫn nộ kêu lên: Mụ già điên kia! Chúng ta đâu phải loại nhai cỏ 4 chân mà mụ cư xử như thế này?...Bà già điềm nhiên trả lời: Ba chục năm nay ta cơm dẻo canh ngọt phục vụ các người mà có đứa nào cất lời khen chê đâu.
Bà già cấp dưỡng Nguyễn Hiếu ơi! Cho em nói một câu thực lòng: Đọc văn của bác em thấy "đã" lắm. Nghề văn không ai dạy ai được nhưng em đã được anh truyền thụ không phải đóng học phí về phương pháp cá biệt hóa, khu biệt hóa, điển hình hóa trong xây dựng nhân vật tiểu thuyết.
Và cuối cùng tôi thưa cùng bạn đọc: Đây là những dòng cảm nhận chứ không xa đà tầm chương trích cú và càng không phải là sự thẩm định tác phẩm. Một kẻ ăn đong, kẻ đánh bắt gần bờ không dám phẩm bình những thủy thủ viễn dương.
LQH