Tản văn của Lê Văn Trường (Sóc Trăng)

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp đến, tôi Xin gởi đến những thầy cô của tôi và những bạn bè đã là thầy cô những đóa hoa tươi thắm nhất. Mong những tình yêu ấy luôn là niềm tin vững chắc cho những trò nhỏ của mình trên bước đường đến với tương lai. (Lê Văn Trường)

NHỮNG CHUYẾN ĐÒ NGANG

Khi nhắc đến những chuyến đò ngang hay còn gọi là đò chèo thì người ta hình dung ra được đó là những chiếc xuồng nhỏ có gắn cặp chèo để đưa rước khách sang sông ở vùng thôn quê.

Hồi trước, đường lộ, cầu kỳ đâu có thuận tiện như bây giờ. Nên những ai làm nghề chèo đò mà nhất là những bến đò ngang chợ hoặc gần chợ thì chèo kiếm tiền đủ chi tiêu qua ngày được.

Như cái chợ ở quê tôi bây giờ đã lên thị trấn. Chứ còn hồi trước chỉ là một cái chợ nhỏ. Nhưng ở vùng nông thôn, muốn cần thứ gì cũng phải đi ra tới chợ. Cái chợ nằm bên cạnh dòng sông nhỏ. Ai ở bên kia muốn qua thì phải đi nhờ đò. Bởi vậy mới sáng sớm là đã có người xách giỏ ra tới bến. Khi mặt trời lên cao hơn một chút thì có nhiều người hơn. Người làm nghề chèo đò thì không có gì vui hơn là lúc nào cũng có người bước xuống, bước lên. Dù rằng phải vừa ghé bên này lại vội sang bên kia, đôi khi mồ hôi đầm đìa nhưng vẫn thấy rất vui bởi khách đông sẽ kiếm được nhiều tiền.

Những chuyến đò ngang bận rộn nhất là vào những ngày sắp cuối năm. Mấy ngày này dường như ai cũng tranh thủ đi chợ mua đồ về chuẩn bị ăn tết. Những chuyến đò đưa khách quen thường ngày, nhưng thỉnh thoảng cũng có những vị khách là lạ - Đó là những người con bôn ba xứ người. Đến cuối năm mới được trở về quê hương sum vầy cùng gia đình. Đẩy có mấy nhịp chèo đâu là tới bờ bên kia rồi, mà khách xa quê cứ hỏi dồn hỏi dập, nào là cha mẹ tôi có thường đi chợ không? Rồi nào quê mình lúc này làm ăn ra sao? Có phát trển không?... Làm người lái đò như muốn lạc tay chèo bởi sự nôn nao trên chuyến đò đưa người về hội ngộ tình yêu thương.

Đi dọc theo con sông ở vùng nông thôn quê tôi, xa xa lại thấy có một bến đò. Có lẽ đó là nhu cầu qua lại của những người ở địa phương. Nhưng bến đò xa chợ như vậy thì thưa người qua lại lắm. Đưa đò chủ yếu là tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình và bà con sang sông được dễ dàng hơn.

Những chuyến đò ngang đưa khách sang sông đôi khi là một anh thanh niên. Khi là một người cao niên nhưng còn đầy sức khỏe. Và cũng đôi khi là một cô gái mười tám đôi mươi… Có những buổi chiều hoàng hôn buông xuống mặt sông một màu thật lãng mạn yên bình. Cô gái xuân thì trong chiếc áo bà ba đẩy nhẹ tay chèo. Mái tóc chấm vai phất phơ theo làn gió, làm cho lữ khách sang sông cũng thấy lưu luyến trong lòng…Thật ra cũng có những cuộc tình thật lãng mạn và đẹp như những vần thơ trên dòng sông nhỏ giữa cô gái đò và khách sang sông. Và dù theo thời gian, mọi thứ có thể thay đổi, nhưng hình ảnh con đò trên dòng sông quê vẫn còn nguyên vẹn mãi.

Ở quê tôi bây giờ nào là lộ nhựa, lộ đal và cũng đã có những cây cầu bê tông được bắt qua sông. Những chuyến đò ngang giờ đành phải chịu ẩn mình nơi bến vắng. Mừng cho sự đổi thay và phát triển của quê hương mình. Nhưng lại thấy thương cho chiếc đò nhỏ. Dường như bây giờ chỉ còn lại bến đò duy nhất của ông Sáu là còn đưa mà thôi. Chắc tại bến của ông nằm ngang cái chợ và hơi cách xa cây cầu. Nhớ ngày nào đò của ông nườm nượp khách. Vậy mà bây giờ cứ xuôi mái buồn thiu. Lâu lâu mới thấy có người gọi đò.

Có lẽ rồi đây hình ảnh những chuyến đò ngang chỉ còn lại trong ký ức mà thôi.

 

 

NGHĨA THẦY TRÒ…

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, ai cũng từng có một thời là đứa học trò nhỏ của những thầy, những cô… Và những năm tháng ấy chắc hẳn sẽ còn đọng lại ít nhiều những kỷ niệm ngọt ngào của tình yêu thương mà thầy và trò dành cho nhau.

Câu nói “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” đã nói lên sự tôn sư trọng đạo của người Việt Nam ta từ trước đến giờ. Ăn quả nhớ người trồng cây. Làm người học trò cũng vậy. Khi bước chân vào cổng trường, hành trang chỉ là quyển vở trắng tinh mà thôi. Rồi ở đó, thầy cô cũng giống như chính cha mẹ luộn tận tụy hết mình bằng những kiến thức để truyền dạy cho những học trò của mình. Nào là những con chữ, những bài học về nhân cách đạo đức, những điều hay, lẽ phải để trở thành một người biết tự chủ cho mình một hướng đi có ích.

Tình nghĩa của thầy và trò trong ngôi trường là vậy. Trên bục giảng là vậy. Vẫn đầy nhiệt huyết với nghề, vẫn luôn hết lòng vì mỗi học sinh thân yêu. Nhưng có ai biết phía sau hoàn cảnh của mỗi người thầy. Những khó khăn túng thiếu của cuộc sống gia đình, hay những bệnh tật bên trong cơ thể… Nhưng thầy vẫn giữ kín âm thầm. Tất cả chỉ vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của các trò trong việc tiếp thu bài vở. Đến khi căn bệnh hoành hành, thầy không còn đủ sức để đứng trên bục giảng nữa thì mọi việc mới vỡ òa ra.

Chắc tại mang sứ mệnh làm người đưa đò nên thầy cũng giống như con đò vậy. Vẫn âm thầm đưa các trò qua sông. Chỉ mong muốn mỗi trò sẽ được cập bến tương lai của mình nên thầy ngày ngày cứ đón cứ đưa. Đôi khi đón đưa bằng cả sự cố gắng khi sức khỏe không còn.

Học trò thì nhiều. Khi sang sông rồi có người vội mau quên chuyến đò năm cũ. Nhưng cũng có những trò luôn luôn hướng về nơi mà mình bắt đầu những con chữ đầu tiên. Nơi áo trắng tuổi thơ với biết bao ân tình của người thầy dành cho mình. Có những kỷ niệm thật khó quên với hình ảnh người thầy phải lặn lội đến tận nhà của một đứa bạn hồi năm cấp một để khuyên gia đình cho học trò của mình được đến lớp trở lại. Ở vùng thôn quê mà. Cái khó cái nghèo luôn vây quanh. Cộng thêm đường đến trường tháng mưa sình bùn trơn trợt, cầu khỉ lại khó đi. Nên việc bỏ học giữa chừng của những đứa học sinh nghèo không phải là chuyện hiếm. Vậy đó, nhưng với trách nhiệm của một người giáo viên và với tình yêu thương của thầy dành cho trò nên thầy vẫn luôn muốn mỗi trò phải được học và phải đi đến bến bờ tương lai của mình.

Những ngày tháng học sinh có biết bao là kỷ niệm đẹp mà thầy và trò dành cho nhau. Ở đó có nụ cười và cũng có những giọt nước mắt nữa.

Một thời áo trắng ngỡ như mới đó thôi. Vậy mà đã trôi xa lâu rồi. Thằng Đen – đứa bạn học cùng lớp chưa hết lớp năm định bỏ học, nhờ thầy đến nhà động viên vậy mà bây giờ cũng đã là thầy giáo nối nghiệp thầy rồi. Mừng cho những bạn bè của tôi đã trở thành những người thầy, người cô.