Tham nhũng quyền lực
Gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng và các trang mạng xã hội rộ lên về chuyện Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 cán bộ thì 44 người là lãnh đạo, chỉ có 2 nhân viên. Mới nghe không ai tin, nhưng hoá ra là chuyện có thật. Một sự thật nhức nhối. Nhức nhối hơn, khi chính người chịu trách nhiệm về vụ việc đó, ông Lưu Văn Bản, nguyên giám đốc sở “toàn lãnh đạo” đó, hiện là Bí thư Thị ủy thị xã Chí Linh lại trả lời báo chí ráo hoảnh rằng mình bổ nhiệm cả sở làm lãnh đạo là vì nhân dân.
Vụ việc không chỉ nóng trên báo chí và dư luận xã hội, mà đã nóng cả hội trường Quốc hội. Các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Dương Trung Quốc và Trương Trọng Nghĩa đã đưa chuyện này ra nghị trường, và cho rằng đây là việc trái pháp luật và vi phạm nguyên tắc tổ chức. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, trên Facebook đã gọi ông Lưu Văn Bản là kẻ trơ trẽn, bố láo và ngang ngược. Hàng trăm comment bình luận tán thành với anh. Nhiều phát biểu khác trên công luận và trong dư luận xã hội đều lên án việc lộng quyền bất chấp nguyên tắc, pháp luật. Nhưng lạ là không ai đặt câu hỏi vì sao ông Bản có thể làm được điều đó. Thực tế nếu lãnh đạo và các ngành chức năng của tỉnh Hải Dương, đặc biệt là Sở Nội vụ không buông lỏng quản lý thì dù có ba đầu sáu tay ông Lưu Văn Bản cũng không làm được. Rồi sau khi biến một sở thành sở toàn quan, ông Lưu Văn Bản lại được bổ nhiệm làm Bí thư thị xã Chí Linh, đất địa linh nhân kiệt và tâm linh, nơi thờ danh nhân Nguyễn Trãi và Đức Thánh Trần. Vậy mà họ lớn tiếng nói vì nhân dân. Nhân dân ở đâu, nhân dân biết gì và được gì khi họ chia nhau quyền lực và lợi ích bòn rút của dân.?
Thực ra phát ngôn của ông Lưu Văn Bản làm dậy sóng xã hội vì nó ngang ngược đến mức phi lý, nó thách thức lương tri xã hội khi nó được giải thích vì Nhân Dân. Nhưng trước đó báo chí đã phanh phui những chuyện một dòng họ nắm hết các vị trí chủ chốt của một huyện, một ông bí thư tỉnh ủy bổ nhiệm hàng chục người, nào vợ, nào em mình, em vợ, em con chú con dì vào lãnh đạo cấp ngành, cấp huyện của một tỉnh. Rồi gần đây nhất là một cựu bộ trưởng dùng quyền bổ nhiệm cán bộ đang có sai phạm làm quan to, rồi lại bổ nhiệm con trai mình vào vị trí béo bở khi chưa đủ tiêu chuẩn. Không biết từ trung ương đến cấp xã, còn bao nhiêu Lưu Văn Bản nữa? Rõ ràng đây là hội chứng một căn bệnh trầm kha đang gặm nhấm Đất Nước chúng ta. Đó là căn bệnh Tham nhũng quyền lực. Để phòng tránh căn bệnh này, ông cha ta đã từng có những biện pháp hữu hiệu và quyết liệt. Hơn năm trăm năm trước, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đã ban hành đạo luật Hồi Tỵ (tránh đi), mà trong Bộ triều Hình Luật gọi là Luật Hồng Đức nổi tiếng. Nhà vua nói: “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức, có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc đẫn đến hoạ loạn”. Với quan điểm đó, luật Hồi Tỵ quy định: Quan lại không được kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; không được tậu đất, nhà, vườn, ruộng ở nơi mình làm quan; không được dùng người cùng quê giúp việc; không được bổ nhiệm quan lại cai trị ở huyện, tỉnh là quê của người đó; quan lại không được làm quá lâu ở một địa phương hoặc một bộ, viện. Luật cũng được áp dụng trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Luật Hồi Tỵ được đặc biệt kế thừa, nâng cao và chặt chẽ ở thời Minh Mạng (1791-1841), vị vua thứ hai của triều Nguyễn. Năm 1831, nhà vua ban hành luật Hồi Tỵ, bổ sung thêm một số chế định: Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc cùng một công sở; các nha dịch, quan lại là anh em ruột, anh em con chú con bác, là người cùng làng nếu làm quan ở một nơi thì phải tách ra, bổ một người đi nơi khác… Còn nhiều quy định khác rất cụ thể nhằm khống chế quan lại dùng quyền mưu lợi cá nhân, cũng như quy định việc thi cử, xét xử v.v…
Xem lại bộ luật Hồi Tỵ, mới thấy sự am tường, sâu sắc của ông cha về văn hóa, lối sống của người Á Đông và những nguy cơ tiềm ẩn từ quan hệ thân tộc và các mối quan hệ khác. Từ các quan hệ tốt đẹp tình ruột thịt, tình làng nghĩa xóm, tình thầy trò, người cầm quyền có thể dùng tình riêng và lòng tham mà chia sẻ lợi ích, câu kết bè nhóm. Đặt ra những chế định buộc hệ thống quan lại không thể dùng quyền mưu lợi cá nhân và thao túng xã hội chính là tính nhân văn của luật pháp. Luật phòng chống tham nhũng của chúng ta năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012), cũng có kế thừa , áp dụng một số quy định của luật Hồi Tỵ, nhưng hẹp. Ở khoản 3, điều 37 quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”. NhưngTham nhũng quyền lực hiện nay đã biến tướng và mở rộng hơn những quy định đó nhiều. Hơn nữa nó ngang nhiên thách thức xã hội. Quyền lực được Đảng và nhân dân giao phó đang bị những kẻ đó biến thành của riêng, sử dụng vào việc mua quan bán chức, đầu cơ trục lợi, làm tha hoá một bộ phận không nhỏ trong xã hội.
Xưa nay nói tham những ta thường nghĩ đến tham những tiền bạc, vật chất. Chưa hoặc ít ai chỉ mặt đặt tên Tham nhũng quyền lực. Đây là tội tham nhũng vô cùng đáng sợ. Nó tạo ra các phe nhóm, thao túng lũng đoạn một số cơ quan. Chính nó làm mất lòng tin của Nhân Dân với Đảng và Nhà Nước. Chính vì thế, đây là biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá nghiêm trọng mà Nghị quyết 4 khoá XII của Đảng vừa chỉ ra. Công tác chống tham nhũng, quản lý nhà nước đối với đội ngũ công chức đã được Đảng, Nhà nước ta thể chế hoá bằng những Đạo luật, Nghị định, Thông tư. Tuy nhiên trước thực tiễn phức tạp như hiện nay, cần có biện pháp quyết liệt và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân mới có thể đẩy lùi được giặc nội xâm. Qua đây càng thấy rõ hơn giá trị văn hóa và giá trị thực tiễn của luật Hồi Tỵ do ông cha ta xây dựng từ hơn 500 năm trước. Đây là một kho báu để chúng ta kế thừa và suy nghẫm.
Theo: Đức Hậu/ baovannghe.com.vn