Tiến sĩ Trần Anh Vinh-một nhân cách trí thức lớn

Tiến sĩ Trần Anh Vinh (1926-2016) là trí thức đầu tiên của Việt Nam có bằng tiến sĩ khoa học kỹ thuật mỏ. Ông cũng là người làm thứ trưởng ngành công nghiệp Việt Nam lâu nhất (20 năm). Ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Điện và Than; Thứ trưởng, Quyền Bộ trưởng (gần 2 năm) Bộ Mỏ và Than; nguyên Thứ trưởng thứ Nhất Bộ Năng Lượng. Ông đã có công lớn vào sự nghiệp xây dựng phát triển ngành công nghiệp Việt Nam; trong đó, đặc biệt là Ngành Than; đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Những câu chuyện dưới đây về ông cho thấy ở ông một nhân cách lớn. Đó là nhân cách của một vị lãnh đạo sáng suốt, quyết đoán, nghiêm khắc và giàu lòng vị tha; một người anh cao thượng, gần gũi, ấm áp và bao dung.


TS, Trần Anh Vinh và phu nhân-PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức - một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Bà chủ trì sáng lập Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình và làm Viện trưởng từ khi thành lập đến nay.

 

 

Ông Đoàn Văn Kiển, Cựu Chủ tịch Tập đoàn TKV: “Người dân Vùng Mỏ luôn nhớ ơn anh Vinh, đã chỉ đạo giải quyết nạn thiếu đói cho thợ mỏ”

TS, Trần Anh Vinh (Thứ 2, từ trái sang) là người chủ trì thành lập Hội Khoa học Công nghệ mỏ (ông Đoàn Văn Kiển, thứ 4, trái sang)

Trong những công lao to lớn của anh Trần Anh Vinh với Ngành Than, người dân Vùng Mỏ luôn nhớ ơn anh, đã chỉ đạo giải quyết một cách tích cực nạn thiếu gạo triền miên của thợ mỏ vào những năm cuối thập kỷ 80, thế kỷ 20. Đây là sự đột phá của Ngành Than.

Anh Trần Anh Vinh làm Quyền Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than sau đó là Thứ trưởng thứ Nhất, Bộ Năng lượng khi mà Ngành Than chuyển đổi cơ chế, từ tập trung quan liêu bao cấp, sang nền kinh tế thị trường theo đường lối đổi mới của Đảng. Đây là thời kỳ đời sống nhân dân cả nước gặp khó khăn gay gắt, đặc biệt là tình trạng thiếu lương thực. Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp với hàng vạn thợ mỏ ăn “gạo sổ” nên tình trạng thiếu lương thực càng gay gắt, khốc liệt. Báo cáo ngày 29-10-1987 về tình hình thiếu lương thực của Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu rõ: “Thời gian này, công tác lưu thông phân phối đã gặp rất nhiều ách tắc do sản xuất phát triển chậm; tổng giá trị mua các nguồn đạt thấp, trong khi đó hàng Trung ương lại về chậm và thiếu, chỉ đạt 58% kế hoạch, mua hàng địa phương chỉ đạt 66% chỉ tiêu kế hoạch. Từ đó, vấn đề lương thực luôn trong tình trạng căng thẳng. Hết tháng 10-1987, Trung ương mới cấp cho Quảng Ninh 57.600 tấn gạo, chỉ đạt 50,4% kế hoạch năm”. Theo số liệu điều tra thực tế của Liên hiệp Công đoàn tỉnh và phản ảnh của cơ sở thì đến cuối tháng 10-1987, ở Công ty Than Cẩm Phả có tới 30% công nhân phải ăn cháo một bữa, còn 1 bữa dựa vào bữa ăn công nghiệp ở nơi làm việc. Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông có 54 gia đình công nhân phải ăn cháo 2 bữa; Xí nghiệp Vận tải Cẩm Phả có 39 gia đình ăn cháo 2 bữa v.v.

Trước những khó khăn trên, Quyền Bộ trưởng Trần Anh Vinh đã chủ trì thành lập Công ty phục vụ đời sống (tại số 10 Hồ Xuân Hương, Hải Phòng) và giao cho anh Phạm Tân Luật- Phó Giám đốc Công ty than Uông Bí làm Giám đốc. Ban đầu, Công ty phục vụ đời sống có nhiệm vụ sử dụng tiền xuất khẩu than nhặt (đã được Bộ Mỏ và Than cho thực hiện từ năm 1981) để nhập khẩu gạo, mỳ chính, đường.... cung cấp cho thợ mỏ. Vào năm 1987, gạo theo tiêu chuẩn nhà nước cung cấp theo Quyết định 218 (gọi tắt là “gạo 218”) thiếu nghiêm trọng; nhiều thợ mỏ đứt bữa như đã nêu trên. Nguyên nhân có lẽ từ chính sách các địa phương phải tự túc lương thực, anh nào lo cho anh ấy nên xuất hiện tình trạng " ngăn sông, cấm chợ" (tôi đã viết trong cuốn sách "Tình yêu ở lại", Nxb. Dân trí, 2015), gạo dư thừa ở trong Nam không chở ra ngoài Bắc được...

Vào thời điểm đó, anh Trần Anh Vinh đã xin với Chính phủ cho phép Ngành Than tự giải quyết việc cung cấp gạo theo tiêu chuẩn của Quyết định 218 cho thợ mỏ thay cho hệ thống mậu dịch lương thực địa phương đang quá khó khăn. Được Chính phủ chấp thuận, Bộ Năng lượng cho sắm 2 con tàu Năng Lượng 01 và 02 trọng tải 600 tấn và điều động anh Đào Thẩm - Phó Giám đốc Công ty than 3 (nay là Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc-TKV) về làm giám đốc Công ty phục vụ đời sống để lo gạo 218 cho thợ mỏ. Được Bộ và các cơ quan khác, địa phương giúp đỡ, anh Đào Thẩm đã ký thoả thuận với tỉnh Long An và vài nơi khác ở Nam bộ để trao đổi hàng hoá, mua đủ gạo chở ra Bắc, trước hết về Quảng Ninh, cung cấp cho các mỏ, nhà máy, xí nghiệp Ngành Than. Nhờ đó, hàng chục vạn thợ mỏ và con em họ vượt qua nạn tiếu đói. Công nhân cán bộ Ngành Than không chỉ đủ gạo 218, có thêm gạo từ “than nhặt” mà còn được ăn gạo mới không hẩm, mục, nhiều sạn như gạo tiêu chuẩn trước đó.

Anh Trần Anh Vinh đã qua đời tháng 8/2016, hưởng thọ 91 tuổi. Biết ơn anh, tưởng nhớ anh - người đã đi đầu đổi mới Ngành Than - chúng ta thắp nén tâm nhang dâng lên Hương hồn Anh.

Kỹ sư Trần Xuân Viên, Nguyên Phó phòng Đầu tư Vụ Kế hoạch-Bộ Điện và Than: “Anh Trần Anh Vinh là một nhân cách lớn”

Kỹ sư Trần Xuân Viên

Với tôi, anh Vinh (TS.Trần Anh Vinh) là thầy, là thủ trưởng, là người anh lớn. Năm 1965, khi tôi vào  học Khoa Mỏ- Địa chất, Trường Đại học Bách khoa thì anh Vinh đã là Phó Chủ nhiệm Khoa. Năm 1969, tôi tốt nghiệp đại học, về làm việc ở Viện Quy hoạch và Thiết kế than, thuộc Bộ Điện và Than Bộ Điện và Than thì anh Vinh là Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật của Bộ, kiêm thư ký vụ Ủy ban Khoa học Nhà nước; sau đó là Thứ trưởng Bộ Điện và Than, Bộ Mỏ và Than, Bộ Năng lượng. Suốt mấy chục năm làm thứ trưởng (trong đó có thời gian làm Quyền Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than) anh Vinh đã để lại trong chúng tôi sự kính trọng bởi sự sắc sảo, quyết đoán trong quản lí và sự mẫu mực về nhân cách.

Công lao của anh Vinh với Ngành Than lớn lắm. Ở đây tôi xin kể mấy sự việc để chứng minh sự quyết đoán của anh Vinh trong công tác quản lí:

Chuyện thứ nhất: Để vận chuyển than cho Mỏ Mông Dương, Khe Chàm ra Nhà máy Tuyển than Cửa Ông, Bộ Mỏ và Than quyết định xây dựng tuyến đường sắt từ Cửa Ông vào Cao Sơn. Theo thiết kế, trên tuyến đường sắt có một cây cầu qua suối. Tuy nhiên, việc thi công cây cầu đường sắt này do bên ngành Đường Sắt không nhận, kéo dài; có nguy cơ không đảm bảo tiến độ, gây ách tắc cho việc vận chuyển than của Mỏ than Cao Sơn và lãng phí trong việc đầu tư xây cầu. Trước tình hình đó, anh Vinh quyết định thay đổi thiết kế, cho xây hai lớp cống, thay vì  làm cầu. Việc thiết kế, anh Vinh giao cho Viện Thiết kế Quy hoạch than (nay là Công ty CP Đầu tư mỏ và Công nghiệp- TKV); việc thi công giao cho Công ty Xây lắp Cẩm Phả (thuộc Bộ Mỏ và Than). Trong thời gian ngắn, công trình hoàn thành, khai thông ách tắc; tiết kiệm  kinh phí đầu tư cho Nhà nước rất lớn. Đến nay, qua mấy chục năm, hai lớp cống trên tuyến đường sắt này vẫn đảm bảo an toàn.

Chuyện thứ hai: Trước đây, Nhà máy Tuyển than Cửa Ông có 2 dây chuyền là Sàng 1 (do Pháp xây dựng) và Sàng 2 (do Ba Lan giúp ta xây dựng). Hai dây chuyền này năng lực sàng tuyển thấp. Trước tình hình đó, anh Vinh quyết định vừa thiết kế vừa thi công dây chuyền mới, gọi là Nhà sàng 3. Công ty Xây lắp Cẩm Phả là đơn vị đảm nhận thi công. Bộ cử anh Phạm Ngọc Can, chuyên viên Vụ Xây dựng Cơ bản xuống trực tiếp chỉ đạo thiết kế và thi công. Trong 3 tháng, công trình hoàn thành, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho Ngành Than.

Chuyện thứ ba: Tôi nhớ, sau khi anh Nguyễn Chân, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than chuyển công tác, anh Vinh, Thứ trưởng thay anh Chân đảm nhận chức vụ Quyền Bộ trưởng. Nắm Quyền Bộ trưởng đúng một tuần, anh Vinh gửi ngay văn bản trình ông Đỗ Mười, khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) đề nghị tổ chức lại Liên hiệp các Xí nghiệp Than Hòn Gai. Liên hiệp các Xí nghiệp Than Hòn Gai thành lập ngày 11/4/1985 theo Quyết định số 112- HĐBT do ông Tố Hữu, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký. Ngày đó, Liên hiệp các Xí nghiệp Than Hòn Gai lớn lắm; quản lí toàn bộ các mỏ, các nhà máy cơ khí, cơ điện; sàng tuyển; cảng; đường sắt; các đơn vị sự nghiệp ở Vùng Mỏ. Bộ máy cồng kềnh của Liên hiệp lúc đó bộc lộ nhiều bất cập trong quản lí, điều hành.

Nhận được Tờ trình của Bộ, ông Đỗ Mười nhất trí, “ký nháy” vào văn bản. Đáng lẽ, về nguyên tắc, việc tổ chức lại bộ máy của Liên hiệp được thực hiện khi có văn bản chính thức của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Nhưng khi có ý kiến đồng ý của ông Đỗ Mười, anh Vinh ra ngay quyết định (Quyết định ban hành ngày1/10/ 1986) giải tán Liên hiệp các Xí nghiệp Than Hòn Gai, thành lập 4 công ty trực thuộc Bộ là: Công ty Than Hòn Gai, do ông Nguyễn Huy Bách làm Giám đốc; Công ty than Cẩm Phả, do ông Nguyễn Viết Hòe làm Giám đốc; Công ty Cơ khí mỏ, do ông Phạm Phi Châu làm Giám đốc và Công ty  Phục vụ Đời sống, do ông Nguyễn Tấn Luật làm Giám đốc. Có ý kiến cho rằng, quyết định trên của anh Vinh là vội vàng; thậm chí có người còn cho rằng, anh Vinh thành lập 4 công ty..chui?. Nhưng chúng tôi- những người làm việc lâu năm dưới quyền anh Vinh, hiểu rằng, tính anh Vinh là thế, việc gì thấy đúng là làm; làm ngay, nếu chần chừ dễ mất cơ hội và anh sẵn sàng chịu trách nhiệm. Kết quả là, 4 công ty mới thành lập đã khắc phục sự trì trệ của mô hình Liên hiệp trước đây. Quyền tự chủ của các công ty được phân định rõ nên phát huy năng lực của tập thể và các cá nhân trong quản lí điều hành công ty.

Chuyện thứ 4: Anh Vinh là bậc “công thần” của nhiều đơn vị Ngành Than:

-Anh Vinh đã quyết định nhanh việc chuyển Viện Quy hoạch Thiết kế than từ Chí Linh về tỉnh Hà Sơn Bình (ngày ấy Hà Sơn Bình sáp nhập bởi tỉnh Hà Tây và Hòa Bình) và giao cho anh Lưu Xuân Viện (đã mất) khẩn trương tìm vị trí để chuyển cơ quan Viện. Trong thời gian ngắn, anh Viện đã xin được tỉnh cấp cho Viện một khu đất đẹp, ngay cạnh Quốc lộ 6- nay là Công ty CP Tư vấn, đầu tư mỏ và Công nghiệp, số 565 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

-Trường Quản trị Kinh doanh –TKV trước đây ở Bãi Phúc Xá, cạnh sông Hồng, chật chội; vào mùa mưa luôn bị ngập lụt. Năm 1978, khi làm Thứ trưởng Bộ Điện- Than, anh Vinh đã giúp Trường có được địa điểm ổn định tại xã Văn Yên, tỉnh Hà Sơn baacjc - nay là phường Mỗ Lao - Quận Hà Đông - Hà Nội.

-Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội tiền thân là trường Trung cấp nghiệp vụ Bộ Công nghiệp nặng, được thành lập từ ngày 07/08/1961. Trước đây, trụ sở của Trường đặt tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Khi làm Thứ trưởng, anh Vinh đã quyết định chuyển trường về xã Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội); sau đó chuyển về xã Tả Thanh Oai, nay là số 106 đường Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.

…Anh Vinh là người ngay thẳng và nhân hậu. Suốt mấy chục năm làm việc dưới quyền anh Vinh, tôi chưa bao giờ thấy anh nặng lời với bất cứ ai. Tôi nhớ, có lần, tôi trình một văn bản quan trọng tới anh Vinh đề nghị anh ký gấp. Đó là quyết định cho phép Công ty Xây lắp Cẩm Phả xây dựng lại nhà văn phòng Công ty tại bãi sú Cẩm Phả (này là văn phòng Công ty Xây dựng mỏ Hầm Lò 1-TKV), sau 6 tháng bị đình hoãn. Nội dung văn bản này do tôi soạn thảo. Do sơ suất của tôi, văn bản đã quá chậm nên dù hết giờ làm việc tôi cũng tìm gặp anh Vinh để xin chữ kí. Lúc đó, anh Vinh đang chơi quần vợt ở sân Khúc Hạo (anh Vinh đặc biệt ham mê môn thể thao này). Vào tình huống này, nếu là vị lãnh đạo khác, họ sẽ từ chối, yêu cầu hôm sau đến cơ quan giải quyết; thậm chí sẽ quát mắng tôi. Nhưng anh Vinh xem công văn xong, kí luôn và dịu dàng động viên tôi cố gắng “nói khó” với văn thư để đóng dấu, kịp thời phát hành công văn.

Lại nhớ, ngày ấy, tôi được anh Nguyễn Quang Tổng, chuyên viên Vụ Tổ chức của Bộ lựa chọn giới thiệu tôi với anh Vinh để bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp thu hồi ở Yên Viên  hoặc làm Giám đốc Xí nghiệp than Khe Bố (Nghệ An). Sự lựa chọn này có vẻ như phù hợp với trình độ và hoàn cảnh của tôi: Tôi là chuyên viên của Bộ; là kỹ sư mỏ hầm lò; quê ở Nghệ An. Nhưng nếu tổ chức hiểu sâu về hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó (khi đó tôi chưa được kết nạp đảng) thì việc Bộ điều động tôi làm Giám đốc Mỏ than Khe Bố không những ảnh hưởng đến đời sống gia đình tôi mà quan trọng hơn, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Xí nghiệp. Sau khi nghe tôi trình bày hoàn cảnh, anh Vinh đã ân cần động viên, chia sẻ với tôi. Sau đó, anh Vinh quyết định điều động anh Phan Đình Bài, từ Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương về làm Giám đốc Mỏ than Khe Bố.

…Hai sự việc kể trên, có thể với anh Vinh là quá nhỏ. Nhưng với tôi, từ những việc nhỏ ấy cũng đã  thấy toát lên ở anh một nhân cách lớn. Đó nhân cách của một vị lãnh đạo sáng suốt, quyết đoán, nghiêm khắc và giàu lòng vị tha; một người anh cao thượng, gần gũi, ấm áp và bao dung.