Ghi chép nơi biên giới miền Tây cực Bắc

Đến Hoàng Su Phì, ta thấy ruộng bậc thang ở đây quanh năm lúc nào cũng đẹp, cảnh sắc được thay đổi theo mùa. Từ tháng 5 đến tháng 6 là mùa nước đổ. Các thửa ruộng bậc thang lúc này ăm ắp nước để ngâm ải, màu trắng đục của nước dưới ánh mặt trời lấp loáng, tựa một tấm gương khổng lồ soi bóng núi non, mây trời, cây cối của miền sơn cước, đẹp như tranh vẽ. Cuối tháng 7 đầu tháng 8, các thửa ruộng tràn một màu xanh mởn của mạ non hoặc lúa thì con gái. Đến tháng 9, tháng 10 màu xanh của mạ non ngày nào được chuyển sang màu vàng rực rỡ. Những thửa ruộng bậc thang lúc này giống như những dải khăn vàng mềm mại ôm quanh triền núi, sườn đồi. Và xen kẽ, ẩn hiện bên những thửa ruộng tầng tầng lớp lớp ấy là những ngôi nhà, bản làng của đồng bào các dân tộc sinh sống. Cảnh đẹp và đầm ấm hữu tình đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng du khách.


Tác giả bên dòng sông Chảy

 

 

Hoàng Su Phì là huyện biên giới vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang. Đây là vùng đất quần tụ của hơn mười dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc Nùng, Dao, H’Mông, Tày, La Chí, Kinh, Hoa ...  Nằm trên độ cao trung bình trên 1500 m, có núi Chiêu Lâu Thi thơ mộng và nổi tiếng với hai đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (2.427 m), Kiều Liêu Ti (2402 m) cao ngất, được ví như những nóc nhà của Việt Nam, Hoàng Su Phì còn được nhiều người biết đến với những khối núi đá granit cổ (có cách đây ít nhất 500 triệu năm tuổi) rộng lớn nhất Bắc Việt (khoảng chừng 2500 km2); nơi khởi nguồn của dòng sông Chảy, dòng sông Bạc (cũng là những con sông cổ còn lại hiếm hoi trên đất Việt); đặc biệt là những cảnh đẹp mê hồn của những cánh đồng bậc thang với hàng trăm hàng ngàn bậc chênh vênh bên các sườn đèo, trải dài từ núi này sang núi khác, uốn lượn quanh co theo những sườn đồi, nối rừng nọ với rừng kia; được làm nên từ trí tuệ và mồ hôi của bao đời. Đồng thời đó còn là xứ sở của những nương chè Shan tuyết hàng trăm tuổi và rất nhiều lễ hội độc đáo mang đậm màu sắc văn hoá bản địa.

Do địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và thấp dần theo hướng dòng nước của sông Chảy, sông Bạc tạo nên vùng đất Hoàng Su phì có ba dạng địa địa hình đặc trưng cơ bản: đồi núi cao, đồi núi thấp và thung lũng hẹp. Chính những đặc điểm tự nhiên này là một trong những điều kiện quan trọng để đồng bào các dân tộc nơi đây sáng tạo nên những thửa ruộng bậc thang nhằm sản xuất lương thực, duy trì sự sống; đồng thời họ cũng để lại cho trần gian một kì quan hoàn mĩ theo cùng năm tháng. Theo tiếng Hán, Hoàng Su Phì có nghĩa là "vỏ cây vàng". Không biết cái tên gọi Hoàng Su Phì có từ bao giờ và thời đó vỏ cây vùng đất này có màu vàng không nhưng đến nay, khi tiết trời vào thu, ai đi qua đây thì thấy quả đúng là thế. Từ những con lộ ngoằn nghèo trên những sườn núi cao chênh vênh, nhìn xuống ta thấy một không gian bao la, bát ngát, điệp trùng của miền đất, đá phía Tây trải một sắc vàng vô tận quấn quyện với màu xanh của núi rừng, màu trắng của mây trời bồng bềnh trên những đỉnh núi tạo thành một bức tranh tự nhiên đa sắc đầy ma mị. Trong các sắc màu ấy nổi bật lên cả màu vàng óng ả của cánh đồng lúa trên những thửa rộng bậc thang quanh co, giăng mắc khắp cả đất trời, chạy dài theo các triền núi, dưới thung sâu, bên những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, xen kẽ giữa những con sông con suối của các bản các làng. Những cánh đồng ruộng bậc thang, những sắc màu tự nhiên của bức tranh đa sắc cộng với địa hình núi cao dốc lớn và bị chia cắt mạnh bởi những dòng sông, khe suối đã tạo nên một Hoàng Su Phì hùng vĩ, tươi đẹp nhưng vẫn giữ được vẹn nguyên nét hoang sơ như thủa “hồng hoang” khiến lòng người phải nao lòng, thích thú, đắm say, mê mẩn.
Không biết chính xác ruộng bậc thang ở đây có từ bao giờ, dân tộc nào là chủ nhân đầu tiên sáng tạo ra loại hình canh tác này? Đây là câu hỏi không dễ gì trả lời ngay được. Trên thực tế, canh tác ruộng bậc thang không phải chỉ có ở Hoàng Su Phì mà có ở hầu khắp tất cả vùng miền núi; không phải chỉ có ở Việt Nam mà có ở hầu khắp các nước Đông Nam Á (Lào, Thái Lan, Philipin, Inđônêxia ...) và một số tỉnh ở phía Nam nước Trung Hoa. Tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu lịch sử còn lưu giữ thì chúng ta được biết hình thức canh tác ruộng bậc thang ở đây đã diễn ra từ hàng trăm năm trước (các nhà nghiên cứu ước đoán hình thức canh tác ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì xuất hiện cách đây khoảng trên dưới 300 năm). Theo thống kê, diện tích trồng lúa ở Hoàng Su Phì có khoảng trên 3000 hecta, trong đó có trên 765 hecta ruộng bậc thang trồng lúa tập trung chủ yếu ở 6 xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Bản Luốc, Bản Phùng, Sán Xả Hồ. Du hành trên vùng đất "vỏ cây vàng" ta dễ dàng nhân ra Hoàng Su Phì đúng là nơi hội tụ ruộng bậc thang và đẹp vào loại bậc nhất của cả nước. Chẳng thế mà đứng ngắm từng thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau với muôn hình muôn vẻ, thửa thì xoáy hình trôn ốc, thửa thì chạy dài tới tận chân mây theo hình sóng lượn hoặc hình cánh cung ... tất cả đều hiện lên với màu một vàng rực rỡ, óng ả mỗi khi mùa lúa chín, đẹp tựa bức tranh thêu làm không ít người phải ồ lên thú vị với đôi mắt ngạc nhiên tròn xoe. Ngắm nhìn cảnh đẹp thần tiên, những thửa ruộng rực rỡ ấy chẳng khác gì chiếc thang dẫn người xem từ thế giới thực tại đến với thế giới cổ tích của ngày xưa, như thể đang đứng giữa chốn bồng lai. Bởi sự kì thú này mà ruộng bậc thang của các xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Bản Luốc, Bản Phùng, Sán Xả Hồ đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa quốc gia vào tháng 11 năm 2011.
Có thể nói, địa hình địa mạo của vùng đất Hoàng Su Phì cùng với trí tuệ và sự cần cù, sáng tạo của các thế hệ cư dân nông nghiệp nơi đây đã làm nên một thắng cảnh kì vĩ. Ở nơi núi cao, ít đất bằng để sản xuất, nhất là với nghề trồng lúa nước nên đồng bào đã sáng tạo bằng cách chọn các sườn núi, sườn đồi có đất màu rồi bạt thành nhiều cấp hình bậc thang để làm ra những vạt đất bằng để trồng trọt. Từ những thửa ruộng này tùy vào mục đích canh tác mà người nông dân có thể để khô hoặc dẫn nước từ những đỉnh núi cao hơn về để sản xuất. Tìm hiểu đời sống và phong tục của đồng bào trồng lúa trên những cánh đồng bậc thang ở Hoàng su Phì ta nhận thấy quá trình sản xuất của họ có những nét dị biệt nhưng khá giống nhau trong cách khai đất, làm ruộng. Có thể những nét dị biệt ấy do lịch sử di cư và đặc trưng, tập quán canh tác của mỗi tộc người khác nhau. Ví như, người La Chí thích làm ruộng ở gần nhà vì thế khi chọn đất làm ruộng họ thường tìm chỗ đất rộng để ngoài trồng lúa còn phải làm được nhà và nhiều công trình phục vụ cuộc sống khác như sân, vườn, chuồng gia súc, nhà kho ... Bởi vậy, xung quanh ngôi nhà của đồng bào La Chí, bên cạnh những ruộng lúa, ta thấy có cả những vườn rau xanh tốt. Ngược lại với người La Chí người Dao, người Nùng lại canh tác ở những thửa ruộng cách xa nhà, thường len lỏi hoặc xen kẽ bên những cánh rừng, thung lũng, ở những nơi có nguồn nước. Vì thế, đến Hoàng Su Phì ngắm biển lúa vàng mênh mông trên những thửa ruộng bậc thang ta không chỉ thấy được óc sáng tạo, sự chịu thương, chịu khó, cần cù, nhẫn nại của các thế hệ cư dân bản địa mà còn nhận ra những dấu ấn văn hóa khác nhau của mỗi tộc người. Người Dao khi làm ruộng thường bỏ lại một khoảnh đất nhỏ ở dưới chân để trồng cây giữ đất, cho khỏi bị sạt lở và khai phá ruộng từ trên cao xuống thấp, mỗi khi thu hoạch xong họ để đất ải qua một vụ rồi mới làm tiếp. Người La Chí làm ruộng thường dồn lớp đất bề mặt ra một chỗ, khi khai phá ruộng xong thì đem lớp đất bề mặt ra trải đều khắp ruộng và bắt đầu gieo cấy. Đối với làm ruộng bậc thang, việc giữ nước rất quan trọng. Công việc này đòi hỏi phải có kĩ thuật và kinh nghiệm trong việc thiết kế thửa ruộng, đắp bờ. Người La Chí khi san ruộng thường làm ngay bờ. Họ lấy đất trong ruộng để be bờ, giữ nước; họ đắp bờ đất bằng cách nén chặt đất ở bờ. Bờ ruộng cao chừng một gang tay, rộng chừng hai gang tay; ở những triền dốc cao họ phải dùng thêm đá để kè bờ cho vững chắc. Người Dao lại lấy đất thành bờ ruộng trên đắp xuống thành bờ ruộng dưới. Họ không lấy đất ở trong ruộng đắp bờ vì cho rằng đất này nhiều màu mỡ, bờ ruộng của người dao thường nhỏ, chỉ đủ một bàn chân. Sau mỗi vụ thu hoạch người Dao lại lo sửa sang, đắp lại bờ cho vụ sau. Người Nùng khi làm ruộng, đến vị trí cần để bờ họ chừa lại khoảng cỡ một hơn một gang tay, phần còn lại của mặt ruộng được san thấp và dẫn nước vào ngâm. Bờ ruộng được đồng bào đắp và vuốt tròn, để cỏ mọc cho chắc và chống xói mòn. Để đảm bảo duy trì đủ nước cho lúa, đồng bào đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm dẫn nước vào ruộng cao, tiêu nước nơi ruộng thấp.

 

Đến Hoàng Su Phì, ta thấy ruộng bậc thang ở đây quanh năm lúc nào cũng đẹp, cảnh sắc được thay đổi theo mùa. Từ tháng 5 đến tháng 6 là mùa nước đổ. Các thửa ruộng bậc thang lúc này ăm ắp nước để ngâm ải, màu trắng đục của nước dưới ánh mặt trời lấp loáng, tựa một tấm gương khổng lồ soi bóng núi non, mây trời, cây cối của miền sơn cước,  đẹp như tranh vẽ. Cuối tháng 7 đầu tháng 8, các thửa ruộng tràn một màu xanh mởn của mạ non hoặc lúa thì con gái. Đến tháng 9, tháng 10 màu xanh của mạ non ngày nào được chuyển sang màu vàng rực rỡ. Những thửa ruộng bậc thang lúc này giống như những dải khăn vàng mềm mại ôm quanh triền núi, sườn đồi. Và xen kẽ, ẩn hiện bên những thửa ruộng tầng tầng lớp lớp ấy là những ngôi nhà, bản làng của đồng bào các dân tộc sinh sống. Cảnh đẹp và đầm ấm hữu tình đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng du khách.

 

Có thể nói, để mưu sinh, với óc sáng tạo và đôi bàn tay chịu thương chịu khó, các thế hệ đồng bào các dân tộc Nùng, Dao, La Chí đã làm nên hàng ngàn thửa ruộng bậc thang đem lại không chỉ những lợi ích về mặt vật chất mà còn chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và thẩm mĩ; làm nên sự sống nơi biên cương địa đầu tổ quốc. Ngày nay ruộng bậc thang là một "đặc sản" của Hoàng Su Phì góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn minh lúa nước của Việt Nam, một trong những cái nôi của cây lúa ở Đông Nam châu Á. Những thửa ruộng bậc thang đã đem đến cho con người nơi đây những mùa no ấm đồng thời cũng góp phần không nhỏ tạo nên những vẻ đẹp duyên dáng rất riêng, không dễ gì thấy được ở những nơi khác, để lại những ấn tượng khó quên cho những ai đã một lần được chiêm ngưỡng.
Cùng nằm trên độ cao với cây lúa trên những thửa ruộng bậc thang, với khí trời trong lành mát mẻ và nguồn nước dồi dào, ngọt mát vùng đất Hoàng Su Phì còn được trời phú cho những nương chè shan tuyết ở bản Phìn Hồ xã Thông Nguyên của đồng bào người Dao. Những nương chè cổ thụ ở đây có tuổi đời hàng trăm năm (từ 100 tuổi đến 200 tuổi). Đây đúng là một báu vật truyền đời. Chè shan tuyết này có đặc điểm lá to, xanh thẫm; búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết. Thông thường chè shan tuyết được người Dao thu hoạch mỗi năm bốn lần. Theo kinh nghiệm chè ngon nhất là lứa hái đầu xuân và cuối thu. Khi vào vụ thu hoạch, đồng bào đeo quẩy tấu (gùi) nên nương từ sáng sớm, khi chè còn đẫm sương đêm (hái chè cả sương thì mới ngon). Khi hái xong, mang chè về, đồng bào cho chè vào chảo gang luộc vài phút, rồi vớt ra liếp nứa, dùng tay sẽ vò cho búp xoăn lại, vò xong thì đợi đến khi chè nguội rồi đem ủ. Người Dao ủ chè theo kinh nghiệm, ủ sao cho đến độ đủ lên lớp men thì mang ra phơi gió cho khô. Phơi khô xong rồi đem cho vào sọt tre, sọt nứa để lên trên gác bếp, khoảng sau một tháng mới đem dùng. Chè shan tuyết khi sao xong, lá và búp vẫn còn nguyên những đốm trắng, khi pha nước có nước màu xanh; khi uống ban đầu hơi chát nhưng sau có vị ngọt đậm và hương rất thơm. Đặc sản chè shan tuyết này nổi tiếng trong và ngoài nước, được rất nhiều người ưa thích.
Bên những cánh đồng ruộng bậc thang, mảnh đất Hoàng Su Phì còn chứa đựng cả một nền văn hóa phong phú, đa sắc màu với nhiều lễ hội rất thú vị của các tộc người bản địa. Người La Chí ở xã Bản Phùng, Bản Máy có lễ cúng cơm mới và Tết Ku Cù Tê; người Nùng ở xã Pố Lồ có lễ cúng thần rừng; người Cờ Lao ở xã Túng Sán có lễ cúng Hoàng Vần Thùng; người Dao ở xã Hồ Thầu có lễ cúng hồn lúa và lễ hội Quyã Hiéng (lễ hội qua năm); người H'Mông xã Bản Péo có lễ hội Gầu Tào...
Với kì quan ruộng bậc thang trên vùng đất đá của cao nguyên Bắc Hà nơi miền Tây của vùng biên viễn cực Bắc, Hoàng Su Phì như một đối xứng với cao nguyên Đồng Văn, nổi tiếng bởi những núi đá ngất ngưởng, hiểm trở và những cánh đồng đá tai mèo mênh mông, xám xịt ở phía Bắc. Cặp đôi cao nguyên này cùng đồng hành để làm nên cái kì vĩ của Hà Giang, của đất Việt. Nhưng có lẽ kì vĩ hơn cả là những bàn tay khối óc con người mà thiên đường ruộng bậc thang là một minh chứng. Những bàn tay khối óc đó không chỉ duy trì được sự tồn tại của công cuộc mưu sinh mà còn bám đất để gìn giữ một cõi biên thùy. Đấy cũng chính là một minh chứng hùng hồn về sức sống trường tồn dân tộc trên vùng địa đầu tổ quốc thân yêu.
Hoàng Su Phì, mùa Thu năm 2016