Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: Trồng cây dưới gầm đường sắt không vấn đề gì?
Công trình đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông đã vô tình trở thành mái che cho hàng trăm cây xanh mới được Hà Nội trồng trên phố Yên Lãng và Hoàng Cầu. Chuyên gia cây xanh đã có những ý kiến khác nhau về cách trồng cây này.
Liên quan đến việc Hà Nội mới đây triển khai trồng hàng trăm cây bàng lá nhỏ ngay dưới gầm công trình đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông tại phố Yên Lãng và Hoàng Cầu (quận Đống Đa – Hà Nội), phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lân Hùng – chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh. Ông Hùng cho biết, cây Chiêu Liêu (bàng lá nhỏ) là thân gỗ có đường kính trung bình, có tán rất đẹp và thuộc chủng loại cây xanh đô thị.
Cũng theo ông Hùng, việc Hà Nội triển khai trồng loại cây trên ngay phía dưới gầm đường sắt trên cao là không vấn đề gì, không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường sắt.
“Chiều cao cây Chiêu Liêu khi trưởng thành là trên 20m, tuy nhiên Công ty cây xanh sẽ khống chế chiều cao, do đó không lo ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường sắt trên cao. Mặt khác, Chiêu Liêu là cây thân gỗ có đường kính trung bình, do đó nếu có xảy ra gãy đổ cũng không làm “tổn thương” đến đường sắt trên cao. Một số nước trên thế giới cũng đã trồng cây ngay dưới gầm đường sắt trên cao rồi. TP Hà Nội cần trồng nhiều cây xanh để làm cho thành phố xanh – sạch – đẹp hơn, chứ không trồng thì bê tông nhiều quá rất ngột ngạt” – ông Hùng nêu quan điểm.
Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến của ông Hùng, một chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh đô thị (xin được giấu tên) đã đưa ra quan điểm: Khu vực phía dưới gầm công trình đường sắt trên cao Hà Nội nên trồng những cây có chiều cao thấp khoảng 2-3m, tán rộng để tạo cảnh quan cho đô thị, còn trồng cây bàng lá nhỏ như trên là hoàn toàn không hợp lý.
Vị chuyên gia trên phân tích, cây bàng lá nhỏ có chiều cao khá lớn, khi cây trưởng thành có thể vượt chiều cao của công trình đường sắt, rất khó khống chế chiều cao tự nhiên của loại cây này.
“Công ty cây xanh nói là sẽ khống chế chiều cao, theo tôi là rất khó để khống chế chiều cao tự nhiên của loại cây này. Còn nếu họ cố tình chặt bớt ngọn cây đi thì còn gì là cây, và vết chặt đó là cơ hội cho nấm mốc xâm nhập vào bên trong thân cây, dẫn đến cây bị mục ruỗng và gãy đổ. Trồng loại cây này sẽ rất tốn công chăm sóc, duy trì sau này, trong khi Hà Nội đang có chủ trương giảm chi phí và công chăm sóc cây xanh, cắt cỏ trên đường phố” – vị chuyên gia cây xanh đô thị nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng đưa cảnh báo, nếu trên một tuyến phố mà trồng nhiều cùng một loại cây sẽ có nguy cơ phát tán sâu bệnh, ảnh hưởng đến công việc chăm sóc, duy trì cây xanh sau này.
Trước đó, như đã đưa tin, tại tuyến phố Yên Lãng, Hoàng Cầu (quận Đống Đa – Hà Nội), Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã triển khai trồng hàng trăm cây bàng lá nhỏ ngay phía dưới gầm công trình đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Trước những lo ngại của người dân về việc những cây xanh này có ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường sắt trên cao không, đại diện công ty cây xanh cho biết, hoàn toàn không ảnh hưởng vì loại cây này thân nhỏ và đơn vị này sẽ có biện pháp khống chế chiều cao khi cây trưởng thành.
Nguồn: Nguyễn Dương- báo Dân trí