Băn khoăn Văn trẻ
ội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vừa khép lại tại Hà Nội. Với gần 120 đại biểu, có thể coi là cuộc điểm danh lực lượng, sau mỗi kỳ 5 năm. Nhưng cuộc điểm danh này cũng cho thấy vẫn còn có những băn khoăn khi nhìn vào đội ngũ những cây bút trẻ.
Biển văn vô bờ
Không lập ngôn cũng chẳng... lập công Đồng ý với việc nhiều nhà văn viết giỏi nhưng không nói giỏi, hoặc nói giỏi nhưng không viết giỏi. Ít người giỏi cả hai và kém cả hai nhưng trong Hội nghị lần này rất ít những màn “lập ngôn” gây ấn tượng, cả về độ sốc lẫn nội dung trình bày trong đó. Đành rằng, như nhà phê bình Nguyễn Hòa chỉ ra: đa phần những người lập ngôn, những ngôi sao sáng chói phát biểu rất oai ở các hội nghị đều chỉm nghỉm sau đó. Nhưng có vẻ, chính vì thiếu những “pha” lập ngôn như vậy nên Hội nghị lần này của các tài năng văn chương trẻ Việt Nam cứ nhàn nhạt, mờ mờ... |
Gần 120 đại biểu, nhưng thiếu những cái tên “hot”. Ở hai lĩnh vực chính là văn và thơ đều chưa “xuất lộ” những nhân vật thật sự nổi bật với những tác phẩm gây tiếng vang, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong xã hội. Điều đáng băn khoăn hơn, nhiều tác giả trẻ đã in cả chục đầu sách, viết đủ từ thơ, tới truyện ngắn rồi tiểu thuyết nhưng vẫn không có tác phẩm nổi bật, “gây nhớ”.
Lý giải điều này, nhiều ý kiến cho rằng, bởi bây giờ xuất bản sách quá dễ. Bất cứ ai viết, nếu bản thảo không có những điều cấm kỵ, hay vi phạm những quy định của Luật Xuất bản, đều được cấp phép. Chính vì vậy, sách của các cây bút trẻ cũng xuất hiện nhiều. Đồng quan điểm này, tác giả trẻ Văn Thành Lê (Vũng Tàu) nêu khái niệm “văn ăn nhanh” và cho rằng: Chưa bao giờ ra sách đơn giản và nhẹ nhàng như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ, hình ảnh người viết được đẩy lên nhanh đến chóng mặt như bây giờ. Có thể chỉ sau một cuốn sách tản mạn, ghi chép cảm xúc vụn vặt. Có thể chỉ sau vài ngày hội sách...
Bên cạnh đó, văn trẻ cũng đang tồn tại một thực tế: xuất hiện nhiều tác giả mới với một số tác phẩm bán từ vài chục đến vài trăm ngàn bản sách, như Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao... Tuy vậy, những cái tên đó lại không có mặt trong cuộc “điểm danh” lần này. Tại hội nghị của những người viết trẻ, cây bút trẻ Văn Thành Lê cho rằng, nhiều tác phẩm ăn khách của các cây bút trẻ thời gian gần đây “không phải là văn chương đích thực”, và “có cảm giác, hình như nhiều người trẻ đang lấy lượng độc giả dễ dãi để đo văn chương”. Ý kiến này của anh thu hút sự chú ý, thậm chí gây tranh luận ở trong và ngoài Hội nghị. Theo Văn Thành Lê, những tác phẩm bestseller này thường có một “công thức” chung: “Đó là có ngôn tình của Trung Quốc, cộng với sướt mướt phim Hàn Quốc, lê thê kiểu phim bộ Đài Loan và giới thiệu sách hào nhoáng kiểu showbiz. Nhưng văn chương đích thực không ầm ĩ thế”.
Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học cũng thừa nhận một thực tế, hiện nay nhiều cây bút trẻ sáng tác dòng thị trường trở nên rất ăn khách. Thậm chí số lượng phát hành lớn, thu được lợi nhuận mà nhiều nhà văn hàn lâm phải mơ ước. “Sách bán chạy chưa phải đã hay. Nhưng chúng ta cùng hướng tới sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng, song song với đó là được bạn đọc đón nhận, được phát hành với số lượng lớn. Chúng ta cần phải biết sốt ruột để không cho phép mình bị bỏ lại phía sau”- Nguyễn Văn Học nói.
Trong khi đó, cây bút phê bình Ngô Hương Giang thẳng thắn: “Trong một năm nay, tôi thấy dường như văn học không có sự nổi bật về yếu tố cá nhân. Nhiều tác phẩm viết ra hao hao giống nhau, thiếu sự sáng tạo. Điều này rất khác so với các tác phẩm tôi đọc trước đây”.
Thiếu vắng sáng tạo mang dấu ấn cá nhân trong văn trẻ đang là một sự thật. Điều đó khiến cho đến với văn trẻ bây giờ giống như bước vào một sân khấu khá im ắng, thi thoảng rộn lên vài hồi chiêng. Nhà văn Chu Lai hóm hỉnh bảo, ông kính cẩn nghiêng mình trước các nhà văn trẻ, nhưng ngay lập tức, tác giả “Ăn mày dĩ vãng” cũng cảnh báo: “Biển văn là vô bờ. Nhiều khi viết được một hai cái cảm thấy mình đã chạm bờ bên kia nhưng xin mời hãy bơi nữa đi, càng bơi càng mù mịt”. Lấy ví dụ từ bản thân, Chu Lai dẫn chứng đến bây giờ đã “dắt lưng” gần 20 cuốn tiểu thuyết, vài chục vở kịch, vài chục bộ phim mà vẫn chưa sờ thấy bờ văn chương ở đâu cả. Cho nên, theo Chu Lai, người viết trẻ đừng ảo tưởng, và phải luôn tỉnh táo trước khi nhảy xuống biển văn chương. Ông cũng nêu ra “10 liều vaccine” dành cho người viết trẻ với đầy tâm huyết và kinh nghiệm của người đã 50 năm cầm bút...
Bạn đọc trẻ với văn học.
Trường phái không cứu được tài năng
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) bên cạnh nhận xét “văn trẻ có mặt trong tất cả những sự kiện, những biến động của đất nước”, cũng thừa nhận một trong những vấn đề của văn trẻ hiện nay là “sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, giữa đa dạng với độc đáo”. Ông còn chỉ ra được một trong những hạn chế, điểm yếu của văn trẻ là thiếu ẩn dật, lặn sâu vào sự cô đơn của bản thân mình để chờ dịp vụt lớn bổng lên như Thánh Gióng. Thời buổi của mạng internet, của các phương tiện hỗ trợ phát triển nên người viết thiếu những độ lùi cần thiết để “lấy đà” cho những bước nhảy vọt tiếp theo.
Trong khi đó, với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, “phải có tác phẩm hay mới trở thành những con đại bàng hay mãnh sư đủ sức đi một mình”. Đồng thời ông khéo léo cảnh báo các cây bút trẻ: “Trong xu thế mở cửa, rộng thoáng có rất nhiều trào lưu nghệ thuật của thế giới được giới thiệu tại nước ta, dưới nhiều hình thức. Chúng ta hoan nghênh những cố gắng tạo ra các cửa sổ để nhìn ra thế giới. Chúng ta trân trọng đón lấy các cơ hội mà sự nghiệp đổi mới đem lại.
Tuy vậy, chúng ta nên tiếp thu thế giới trong tâm thế chủ động và phải đứng vững trên mảnh đất của văn hóa dân tộc để tìm cho được các tinh hoa của nhân loại và quyết tránh đi vào “vết xe đổ” trong “bãi thải” văn hóa của thế giới”. Phân tích kỹ hơn, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: “Quan tâm đổi mới hình thức là cần thiết để khắc phục sự nhàm chán và cũ kỹ. Nhưng, bẻ một cặp thơ lục bát ra làm mấy dòng, viết một mạch không chấm câu, hoặc miêu tả tỉ mỉ những cảnh sau màn the... thì quá dễ so với việc tiếp biến các tinh hoa đích thực của thế giới để vươn tới đỉnh cao. Các trường phái không cứu được tài năng. Trong văn học, cái còn lại cuối cùng là tư tưởng, tình cảm và nghệ thuật được nung chảy để trở thành các hình tượng nghệ thuật có sức ám ảnh khôn nguôi”.
Quan sát dòng chảy của văn trẻ trong thời gian qua, không ít ý kiến đã lo lắng về những “tìm tòi, cách tân, sáng tạo” của một số tác giả trẻ. Không ai chờ đón sự dập khuôn trong sáng tạo nghệ thuật để tạo ra những sản phẩm tương tự hàng “fake” (hàng nhái). Nhưng sáng tạo bằng cách thách đố người đọc hay những đề tài rẻ tiền thì điều đó chẳng khác gì đi vào ngõ cụt.
Dương Quỳnh/daidoanket.vn