"Nóng" vấn đề "nóng" của ngành Than trên facebook của ông cựu Chủ tịch TKV

Dự luận đang “nóng lên” về giá nhập khẩu than và một số nội dung khác ở Tập đoàn TKV. Trên trang facebook cá nhân của ông Đoàn Văn Kiển, cựu Chủ tịch Tập đoàn TKV, nhiều bạn đọc đã hỏi ông những vấn đề đang “nóng” ở TKV. Ông nói, ông đã nghỉ hưu gần 7 năm, không có đủ thông tin, với những gì ông biết, ông đã phúc đáp bạn đọc dưới tiêu đề: THAN NỘI - THAN NGOẠI và GIÁ. Lập tức, bài viết của ông được đông đảo bạn đọc chia sẻ.


Ông Đoàn Văn Kiển chỉ huy cứu hộ sự cố mỏ hầm lò, năm 2008

Nội dung trả lời của ông Đoàn Kiển như sau:

1/ Đúng là tồn kho than tại các nơi sản xuất tính đến cuối tháng 8/2016 đã đến khoảng 12 triệu tấn các loại như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói trong cuộc họp Chính phủ cuối tháng 8 ( VTV- Thời sự).

2/ Đúng là tổng khối lượng than nhập khẩu từ đầu năm đến nay khoảng hơn 9 triệu tấn.

3/ Các bạn hỏi vì sao tồn kho trong nước cao thế mà lại đi nhập khẩu than?

Là bởi:

a) Giá bán than trong nước của TKV cao hơn giá than nhập khẩu từ vài ba đến cả chục đô la Mỹ một tấn tuỳ chất lượng và thời điểm nhập vào;

b) Là bởi, có một số nhà máy điện, nhà máy xi măng ngay từ đầu đã thiết kế sử dụng than nhập khẩu (theo quy hoạch đã được duyệt); bên cạnh đó một số nhà sử dụng có thể thay đổi công nghệ để sử dụng than nhập khẩu dễ đốt thay cho than antraxit ( than gầy) trong nước khó đốt;

c) Là bởi vì doanh nghiệp được làm cái gì nhà nước không cấm, vậy nên có nhiều doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã nhập khẩu than về bán. TKV nhập khẩu không bao nhiêu trong tống số đã nhập nói trên và chủ yếu để pha trộn với than vùng Vàng Danh, Nam Mẫu (Uông Bí) vốn có chât bốc thấp để thoả mãn nhu cầu của khách hàng trong thời buổi cạnh tranh ráo riết.

4/ Bạn hỏi vì sao giá bán than trong nước lại cao hơn giá than nhập khẩu?

Trong những năm 2008-2011, nhu cầu than trên thị trường thế giới khá cao, CẦU > CUNG nên thị trường thuộc về người bán, giá than khá cao. TKV có lãi tốt nhờ xuất khẩu. Từ năm 2012, thị trường than thế giới chững lại rồi giảm sút, tình thế lật ngược: thị trường do người mua quyết định; cũng tấn than ấy năm 2011 đã bán được 80-90 đô la mỗi tấn thì đế 2012-2013 chỉ còn hơn một nửa, cũng tương tự như giá dầu mỏ. Đến 2015-2016, giá còn giảm hơn. Trong khi đó chi phí sản xuất (giá thành) than trong nước liên tục gia tăng và đến nay đã cao hơn cả than nhập khẩu. Bạn có thể tham khảo các lý do cả khách quan lẫn chủ quan dưới đây:

Một là, các mỏ than ngày càng xuống sâu hơn nên chi phí tăng lên so với giai đoạn trước.

Hai là, THUẾ và PHÍ đã vượt lên trên tất cả các nước sản xuất than và đang xuất khẩu than vào Việt Nam và đã đạt mức kỷ lục từ 1.7.2016. Thuế và phí tính trực tiếp vào giá thành đã chiếm tới 16% giá thành tấn than trong khi ở các nước khác không quá 12%. Như vậy là Nhà nước đã huy động trước vào ngân sách nhiều hơn trước. Ba là, lý do chủ quan: Sự quản lý chi phí tại TKV vừa qua có sự yếu kém. Thiếu sự chặt chẽ trong quản lý vật tư, thiết bị đầu vào; quản lý quá trình sản xuất và quản lý sản phẩm đầu ra... Tôi , TKV đang thực hiện một loạt biện pháp siết chặt quản lý, đẩy mạnh cơ giới hoá, sắp xếp lại tổ chức .... nhằm tăng năng suất, giảm giá thành. Tuy nhiên, cần có thời gian. Tôi cho rằng, nếu thành công trong việc siết chặt quản lý chi phí, TKV có thể giảm đáng kể giá thành than; cùng với việc Nhà nước xem xét điều chỉnh thuế và phí sao cho hợp lý, có tham khảo mức thuế+ phí ở các nước sản xuất than khác, tạo sự công bằng cho sản phẩm than thì than trong nước mới cạnh tranh được, phát triển được, nhập khẩu sẽ bớt đi.

5/ Bạn hỏi: tại sao than nhập từ các nước khác chỉ 51-52 đô la mỗi tấn còn nhập từ Trung Quốc lại 71 đô la?

Là bởi, nhà nhập khẩu đã tính trước nhập than gì về bán cho ai rồi. Mỗi nhà sử dụng than có yêu cầu chất lượng than riêng, có thể không giống với người khác; chất lượng khác nhau thì giá mua vào khác nhau thôi, nó cũng giống như bất kể loại hàng hoá gì bạn mua trên thị trường. Cùng là than dù bán ở trong nước hay nhập từ nước ngoài vào nếu nhiệt lượng khác nhau, độ tro khác nhau, chất bốc khác nhau, hàm lượng lưu huỳnh khác nhau ..., thì có giá khác nhau, chênh lệch giá giữa các loại than lên đến vài chục đô la là chuyện bình thường.

6/ Có bạn còn hỏi, than có sẵn trong lòng đất, chỉ xúc lên mà bán mà vẫn kêu khó, kêu lỗ là sao?

Thưa bạn, có lẽ chỉ có bát cơm, bát cháo chúng ta xúc lên mà ăn; nhưng trước khi ta xúc lên mà ăn thì mẹ ta hay vợ ta hay đầu bếp đã phải chế biến ra nó. Thái rau, thái thịt làm cơm cho ta ăn còn đứt tay nữa là chui vào hầm lò hay xuống moong sâu sản xuất than. Từ 15-11-1968 Bác Hồ đã nói : "Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc...." Làm than vất vả, nguy hiểm đến tính mạng chả khác gì quân đội đánh giặc. Bạn có thể phê phán thậm chí gay gắt, đó là quyền của bạn, nhưng xin đừng buông những lời sỉ nhục người làm mỏ. Nếu bạn không tin hãy thử đến mỏ than thăm nơi sản xuất chỉ một lần thôi bạn sẽ đổi ý, tôi tin là như vậy. Tôi có thể mời vài bạn đi thăm bất kể mỏ than nào ở Quảng Ninh mà bạn muốn!