Cải thiện môi trường đầu tư, sớm bắt kịp bạn bè quốc tế

Dự thảo Luật của Quốc hội về: “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh”- tức dùng một Luật sửa nhiều Luật. Đây là cách làm tiến bộ, để kịp thời sửa những điều luật không còn phù hợp với thực tế cuộc sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh, do VCCI khởi xướng, kiên trì vận động và đã được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận.


Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HHDN Thanh Hóa phát biểu.

 

 

* Xóa bỏ tư duy “ao làng”, chấp nhận bộ tiêu chí cạnh tranh khu vực

Ngày 20/9/2016, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Thanh Hóa và Hiệp Hội Doanh nghiệp (HHDN) Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức Hội thảo”Góp ý sửa đổi Luật về đầu tư, kinh doanh” và giới thiệu Nghị quyết (NQ) 19/2016/NQ-CP, NQ 35/2016/NQ-CP của Chính phủ (CP).Ông Nguyễn Thanh Tiêu, Giám đốc Chi nhánh VCCI Thanh Hóa và ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo, Hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa cảm ơn các đại biểu, trong đó có ông Mai Xuân Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã đến dự, chứng tỏ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với cộng đồng DN trong tỉnh. Đến dự, có các đại diện lãnh đạo VCCI Việt Nam, thành viên Tổ công tác của CP thi hành Luật Đầu tư, đại diện các sở, ngành, tổ chức và lãnh đạo các DN tỉnh Thanh Hóa.

Giới thiệu NQ 19/2016, NQ 35/2016, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI Việt Nam nhấn mạnh: 2 NQ trên thể hiện quyết tâm của Chính phủ mới về xây dựng Nhà nước kiến tạo, DN là đối tượng phục vụ, Nhà nước tạo điều kiện cho DN đầu tư kinh doanh. Trong đó, NQ 19/2016 “Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020”. Tiếp tục khắc phục thói quen chỉ so sánh “trong nhà” với nhau; NQ 19/2016 chấp nhận bộ tiêu chí đánh giá quốc tế về chất lượng phục vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với DN, để thấy được các DN Việt Nam đang ở thứ bậc nào so với quốc tế, trước hết là trong khối ASEAN.

“Loạt” NQ 19 của Chính phủ, gồm: NQ 19/2014, NQ 19/2015, NQ 19/2016. Đến nay, sau 2 năm thực hiện NQ 19 (2014 - 2015) đã đạt những kết quả khả quan. Về chỉ số đánh gía quốc tế: Thứ hạng DB (chỉ số đo lường mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của DN trong nước) tăng 3 bậc: từ 93 lên vị trí 90/189; thứ hạng GCI (đánh giá năng lực cạnh tranh các quốc gia): tăng 12 bậc, từ 68/144 lên vị trí 56/144; 10 chỉ tiêu đã đạt mức trung bình ASEAN 4. Về đánh giá trong nước: cộng đồng DN đánh giá 3 lĩnh vực cải cách nhất theo tinh thần NQ 19 là: thành lập DN (84%), nộp thuế (75%) và hải quan (68%).

Tuy nhiên vẫn còn mặt bất cập, đó là: còn nhiều Bộ, cơ quan và tỉnh, thành phố chưa tích cực thực hiện NQ 19, còn coi NQ 19 như “phong trào”. Một số chỉ tiêu chưa đạt mức cải thiện theo yêu cầu: cấp phép xây dựng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết phá sản doanh nghiệp...và thấp xa so với trung bình các nước ASEAN 6, ASEAN 4. Do đó, cần sự nỗ lực vượt bậc để đạt mục tiêu kỳ vọng đã đặt ra trong NQ 19/2016 cho 2 năm 2016 và năm 2017 và mục tiêu đến năm 2020 đạt mức ASEAN 3.

*“Xoay trục” tư duy: Người dân có quyền làm những gì Nhà nước không cấm

Trong bối cảnh CP mới đặt nhiệm vụ trọng tâm là phát triển DN và với tầm nhìn dài hạn cả nhiệm kỳ, NQ 35 chú trọng hỗ trợ các DN khởi nghiệp nhằm đạt mục tiêu Việt Nam có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2000, trong đó có khoảng 30 - 35% có hoạt động đổi mới sáng tạo. Vì thế, NQ 35/2016 thể hiện tư duy mới trong việc làm Luật của Quốc hội; nếu trước đây là “cái gì không quản được thì cấm”, nay chuyển sang “cái gì Nhà nước không cấm thì DN và người dân có thể làm”.

Trên cơ sở tư duy mới, NQ 36/2016 đặt ra những nguyên tắc cho các cơ quan Nhà nước để phục vụ tốt nhất cho DN phát triển. Một trong những nguyên tắc đó là: “Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN theo quy định của pháp luật. DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm”. Đồng thời NQ 35/2016 cũng quy định  nhiệm vụ của các tỉnh, thành phố và quy định việc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ký cam kết với VCCI về thực thi NQ.

Một luật sửa nhiều Luật

Tiếp đó, ông Đậu Anh Tuấn giới thiệu Dự thảo Luật của Quốc hội về: “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh”- tức dùng một Luật sửa nhiều Luật. Đây là cách làm tiến bộ, để kịp thời sửa những điều luật không còn phù hợp với thực tế cuộc sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh, do VCCI khởi xướng, kiên trì vận động và đã được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận.

Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư, kinh doanh, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung các quy định trong Luật về DN tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn hoạt động và chăm lo đời sống công nhân, lao động; ông Lê Anh Dũng (Tổng Công ty CP Thiện Xuân) góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch; ông Nguyễn Quang Duy, Tổng Cty CP Hợp Lực góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Xây dựng, Luật đầu tư, một số quy định của BHXH Việt Nam nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng và minh bạch thông tin cho các DN, chống kinh doanh độc độc quyền...; ông Lê Thanh Ba, Cty TNHH HATUBA tham luận về sửa đổi những vướng mắc cho DN Quảng cáo, bởi các quy định chưa hợp lý trong một số Luật chuyên ngành v.v...

Chia sẻ và làm rõ thêm về các NQ của Chính phủ và Dự luật của Quốc hội nói trên, Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác của CP thi hành Luật đầu tư nhấn mạnh đến những cố gắng của VCCI, của cộng đồng DN Việt Nam trong việc khắc phục những “rào cản” do một số cấp chính quyền, nhất là cấp địa phương muốn “níu kéo” lọi ích riêng nên “chưa muốn” thực hiện Luật.

Đồng thời, một số Bộ, cơ quan đặt ra dưới hình thức “Giấy phép con”, nhiều khi “núp bóng” Thông tư, Nghị định, làm hạn chế hoặc triệt tiêu các điều khoản có lợi cho DN khi thi hành các Luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.

Ông Trương Thanh Đức cũng đề cập câu chuyện chủ trương cổ phần hóa các DN Nhà nước, trải qua 6 NĐ của CP với thời gian 20 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Với tư duy mới của CP thể hiện trong các NQ/16/2016, NQ 35/2016 và Quốc hội đang xây dựng Luật Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, Luật sư Trương Thanh Đức truyền đến cử tọa niềm tin về mục tiêu cả nước đạt 1 triệu DN vào năm 2020 sẽ thành hiện thực.

 

BOX: Phát biểu kết thúc Hội nghị, Hội thảo, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HHDN Thanh Hóa tỏ ý “xấu hổ” trước khách mời và các đại biểu vì một Hội thảo, Hội nghị quan trọng như thế này, do 2 cơ quan tổ chức mà chỉ có “lác đác” DN đến dự để tiếp thu và góp ý sửa đổi, bổ sung những điều luật liên quan trực tiếp đến sự phát triển của DN. Theo ông Đệ, có thực trạng đáng buồn này là do một số DN mất lòng tin vào cách hành xử của một số cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa thời gian qua (?).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng; cũng như “hoa thơm quả ngọt” phải gieo trồng mới được gặt hái, quyền lợi của DN không tự đến, mà phải do các DN tự xây nên. Ông tin tưởng nếu DN, người dân mạnh dạn có những phản biện xác thực, mang tính xây dựng, sẽ được lãnh đạo lắng nghe, các điều luật bất hợp lý sẽ được sửa đổi và cơ quan quản lý điều chỉnh cung cách làm việc của mình, vì chúng ta đang xây dựng CP kiến tạo, CP đồng hành cùng DN.