Huyền thoại 10 cô gái Lam Hạ
Đã 50 năm sau chiến tranh phá hoại Miền Bắc nhưng những người dân mảnh đất quê hương Lam Hạ vẫn không thể nào quên được hình ảnh 10 cô gái bất khuất kiên cường đã anh dũng hi sinh trên trận địa phòng không (từ 1-10-1966 đến 7-7-1967). Họ đều là những cô gái còn rất trẻ tuổi đời từ 16 đến đôi mươi, Sự hi sinh của họ là biểu tượng và là lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam ngày nay và mãi mãi về sau. 10 cô gái Lam Hạ - những cái tên đã làm nên huyền thoại “Tâm, Tuyết, Lan, Phương, Thu, Thi, Oánh, Thẹp, Thuận, Chung”.
Phủ Lý – cửa ngõ thủ đô ngày 1/10 năm mươi năm trở về trước đã chứng kiến một trận đất đối không khốc liệt giữa đội pháo thủ Lam Hạ và không quân Mỹ trong trận đánh bảo vệ cầu Phủ Lý, 6 nữ pháo thủ là 6 cô gái làng mới mười chín, đôi mươi gồm Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương đã anh dũng hi sinh, 9 ngày sau đó tại trận địa phòng không đặt tại thôn Đường Ấm, ba cô gái Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh tiếp tục ghi tên trong danh sách anh hùng liệt sĩ. Gần một năm sau, ngày 7/7/1967, tại trận địa pháo đặt tại thôn Hòa Lạc, trong trận đánh trả máy bay Mỹ đến phá cầu Phủ Lý, nữ dân quân Đặng Thị Chung đã chiến đấu dũng cảm, trở thành cô gái thứ 10 trong “huyền thoại 10 cô gái Lam Hạ”
Những đóa hoa bất tử
Người dân hôm nay vẫn còn xúc động khi kể về sự tích 10 cô gái Lam Hạ. Cô Thi nhỏ tuổi nhất hi sinh khi tuổi đời mới 16 chưa kịp để lại di ảnh, trước khi hi sinh còn nói với người anh trai đừng rời khỏi trận pháo, hãy thay em chiến đấu bảo vệ quê hương.. Cô giáo Phương mặc dù bị thương nặng nhưng vẫn nén đau tiếp tục làm nhiệm vụ. Xót xa nhất là cô Phan Thị Tuyết bị mất đầu, Hai hôm sau khi chôn cất mới tìm lại được. Di ảnh của cô thất lạc mãi năm 2012 mới tìm lại được để đưa về Đền 10 cô gái Lam Hạ.
Phụ nữ được ví như những đóa hoa thanh khiết, Họ là biểu tượng của cái đẹp cần được nâng niu. Một nhà hiền triết đã nói rằng: “đối với phụ nữ, dẫu chỉ đánh họ bằng một nhành hoa hồng thì cũng vẫn dã man và thô bạo". Thế nhưng những cuộc chiến tranh hủy diệt tàn khốc đã cướp đi bao nhiêu đóa hoa vẫn còn đang độ xuân xanh. 10 cô gái Lam Hạ - 10 đóa hoa tươi vẫn còn đang e ấp, chúm chím đã lao vào trận địa chiến đấu giữ gìn mảnh đất quê hương để rồi hóa thành “những đóa hoa bất tử”.
Những ước mơ vẫn còn dang dở
10 cô gái – 10 nữ pháo thủ đã anh dũng ngã xuống trên chính mảnh đất quê hương Lam Hạ yêu dấu, bỏ lại phía sau những ước mơ, những hoài bão còn dang dở. Nếu như không có ngày mùng 1 tháng 10 năm 1966 ấy, cô có lẽ Oánh đã trở thành cô giáo, cô Thu có lẽ đã thêu xong chiếc khăn để tặng bạn trai trước khi lên đường nhập ngũ, cô Thuận tròn 2 tháng nữa đủ 18 tuổi sẽ kết nạp Đảng viên, cô Phương vẫn tiếp tục làm người lái đò chở bao thế hệ học sinh,…..
Những nẻo đường ngày nào còn rộn tiếng các cô, những mảnh ruộng, khu vườn hằng ngày các cô vẫn chăm sóc và cả những lúc cùng nhau vui đùa bên bếp lửa, chia nhau những củ khoai, củ sắn, tất cả đã chìm vào ký ức. Tuổi thanh xuân của các cô đã khép lại để mở ra một huyền thoại mang tên – ‘‘10 cô gái Lam Hạ anh hùng’’
‘‘Sông Châu xanh đến vô cùng
Nhớ chăng sông hỡi bão giông tháng ngày
Quê hương muối mặn gừng cay
Bóng con đò nhỏ tháng ngày sang ngang
Hôm nay trắng những vành tang
Già ngồi khóc trẻ lá vàng chơi vơi…!
Một giây thôi !
Một giây thôi !
Nỗi đau xé ruột cái thời đạn bom
Tóc xanh má đỏ lưng thon
Các con của mẹ tươi giòn, ngây thơ
Việc đồng bãi việc cửa nhà
Thức khuya dậy sớm luống cà vườn rau
Áo nâu nắng gió bạc màu
Đào tơ liễu yếu đối đầu đạn bom
Chân còn in vết lối mòn
Khăn tay thêu dở sách còn lật trang
Những là cái bống cái bang
Khéo sảy khéo sàng giúp mẹ hôm mai
Những là tay ải tay ai
Rá ngô rang với nồi khoai vui đùa
Nhà mình vườn rộng rào thưa
Nhà mình bếp lửa sớm trưa khói vờn
Hai mươi năm ấy nuôi con
Chắt chiu tình mẹ, vuông tròn công cha
Những mong vườn nở thêm hoa
Để cho ấm cửa vui nhà hôm mai
Từ đây năm rộng tháng dài
Mất con cha mẹ cậy ai tuổi già
Ngủ yên con của mẹ cha
Quê hương ta đấy mãi là vành nôi’’
(Trích trường ca Những Vì Sao Không Tắt – Lưu Quốc Hòa)
Biểu tượng tuổi trẻ Hà Nam kiên cường, bất khuất
Ai đã từng đọc trường ca ‘‘Những vì sao không tắt’’ của nhà văn Lưu Quốc Hòa mới có thể cảm nhận sâu sắc được sự khốc liệt của chiến tranh mà nỗi mất mát to lớn của người dân Hà Nam trong cuộc kháng chiến phòng không năm 1966. Sự gan góc, kiên cường và bất khuất của 10 cô gái Lam Hạ đã trở thành biểu tượng của tuổi trẻ Hà Nam ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
Chiến tranh đã qua đi nhưng những mất mát trong lịch sử là không thể nào bù đắp. Chúng ta, những người con của mảnh đất Hà Nam anh hùng hôm nay và mai sau luôn luôn ghi nhớ công ơn các cô – những cô gái Lam Hạ anh hùng.
Đền thờ mười cô gái Lam Hạ đã xây dựng xong và được Nhà nước chứng nhận là di tích lịch sử Quốc gia, đó là một niềm tự hào của người dân Lam Hạ nói riêng và cả người dân Hà Nam nói chung. Đây cũng là một truyền thống quý báu của thế hệ thanh niên xung phong nhắc nhở thế hệ trẻ Hà Nam hãy luôn giữ vững phẩm chất, kiên cường, bất khuất, sẵn sàng chiến đấu khi Tổ quốc lâm nguy.
Tác giả bài viết: Phạm Thị Phương
Thôn Yên Trạch, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam