Để hiểu hơn về Trại Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Thỉnh thoảng lại nghe các bác văn nghệ sĩ nhà ta khoe với vẻ rất tự hào: “Tớ đang đi Trại...”, kèm theo tên một địa danh rất “oách”: Nha Trang, Đà Lạt, Đại Lải... May mắn cho tôi được tham gia Trại của Hội Nhà văn ở Nhà Sáng tác Tam Đảo, may hơn nữa là gặp lúc Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Huỳnh Văn Ngàn có mặt ở đó. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi làm cuộc phỏng vấn nho nhỏ, tìm hiểu xem Trại là gì mà mọi Hội viên của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đều mơ ước được tham gia.


Tác giả Chử Thu Hằng (thứ ba từ phải sang) dự Trại viết Tam Đảo 5/2015

Trại là nói tắt cụm từ: Trại Sáng tác Văn học Nghệ thuật của văn nghệ sĩ. Có các Trại khác nhau, phụ thuộc vào nguồn kinh phí tài trợ tổ chức các Trại đó. Có Trại của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Có Trại của các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, có Trại của các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, có Trại của các Lực lượng Vũ trang... Ở đây, tôi chỉ nói về các Trại Sáng tác được tổ chức ở các Nhà Sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
1. Chân dung ông Giám đốc.
Năm 1986, đang làm việc tại Kho phim của Viện Tư liệu Phim Việt Nam, ông  Huỳnh Văn Ngàn được điều sang phụ trách Nhà Sáng tác Đà Lạt. Năm 2002, ông được Bộ Văn hóa – Thông tin điều động ra Hà Nội phụ trách Khu Sáng tác (nay là Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật). Cơ duyên đã khiến ông gắn bó với các Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật và các văn nghệ sĩ đến nay gần 30 năm. Gầy gò, nói năng nhỏ nhẹ, thêm bệnh thoái hóa cột sống khiến lưng ông cong cong, già hơn so với cái tuổi 55 trên giấy tờ của ông. Nhìn bề ngoài, ông giống thi nhân hơn là một ông Giám đốc. Cái khác là thi nhân mang thi hứng chữ nghĩa, mây gió trăng hoa... Còn ông, trong câu chuyện, tôi cảm nhận thật rõ nỗi lo âu của trọng trách ông đang gánh vác: Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật, bao gồm 5 Nhà Sáng tác Văn học Nghệ thuật đang hoạt động: Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Đại Lải và Tam Đảo. Sắp tới, khởi công Nhà Sáng tác ở Cần Thơ và cuối năm nay, sẽ thêm Nhà Sáng tác ở Đà Nẵng đi vào hoạt động. Công việc khiến ông di chuyển liên miên, vài ngày ở chỗ này, vài ngày ở chỗ kia. Mỗi năm, ông chỉ ghé thăm nhà, thăm vợ ở Lâm Đồng khoảng ba bốn lần rồi lại bay đi, với bộn bề công việc.

2. Thành phần dự Trại sáng tác?
Là Hội viên của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, bao gồm 11 Hội chuyên ngành Trung ương, 63 Hội VHNT các tỉnh, 9 Hội chuyên ngành của Liên hiệp Hội VHNT Hà Nội, 8 Hội chuyên ngành của Liên hiệp Hội VHNT thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn các Hội viên của Công an và Các Lực lượng Vũ trang… Tức là, có khoảng 30 000 Hội viên có quyền dự Trại.
Hiện tại, với 5 Nhà Sáng tác, chỉ có thể đáp ứng yêu cầu đến sáng tác cho 1400 văn nghệ sĩ mỗi năm. Hội VHNT các tỉnh, với số Hội viên trung bình là 250 người, được bố trí 3 năm 2 lần, mỗi lần 15 người. Tính đi tính lại, thì cứ quay vòng 20 năm, Hội viên sẽ được dự Trại một lần.
Lý thuyết thì thế, nhưng có những Hội viên cả đời không biết mặt mũi cái Trại Sáng tác ra sao, lại có những Hội viên liên tục góp mặt góp tên ở các Trại. Có nhà văn đi dự Trại nhiều lần vẫn mang theo một bản thảo tiểu thuyết. Năm trước, ở Trại này ông kéo dài thêm một chương, năm sau đi Trại khác viết thêm chương nữa. Chưa xuất bản, ông lại tiếp tục mang bản thảo đi dự Trại để viết thêm hay cắt bớt, chẳng biết bao giờ xong.
Việc lựa chọn Hội viên dự Trại hiện nay cũng có dư luận cho rằng còn nể nang, dựa vào cảm tình cá nhân và các mối quan hệ, biến thời gian dự Trại thành cuộc nghỉ dưỡng, lấy giao lưu làm chính. Do đó, Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật đã có nhiều văn bản gửi các Hội VHNT, nhấn mạnh các tiêu chí cần và đủ, yêu cầu sự nghiêm túc trong lựa chọn Hội viên đi dự Trại, nhằm thu hoạch được những sản phẩm có chất lượng hơn.
3. Hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật.
Nhiều người vẫn tưởng rằng các Nhà Sáng tác trực thuộc Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội viên đi dự Trại được nuôi ăn, nuôi ở bằng tiền của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Thật ra, không phải thế. Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật và các Nhà sáng tác thuộc quyền quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động bằng kinh phí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứ hoàn toàn không dính líu gì đến số tiền được cấp cho Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch và kinh phí mở Trại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao, căn cứ vào yêu cầu mở Trại của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành ở Trung ương, các Hội địa phương... cũng như khả năng đáp ứng của mỗi Nhà Sáng tác, Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật sẽ cân đối và có kế hoạch tổ chức Trại cho từng Hội cụ thể về thời gian, địa điểm, số lượng văn nghệ sĩ... Sau khi có quyết định mở Trại của Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật, các Hội sẽ lập danh sách hội viên của mình tham dự Trại, đưa họ đến Nhà Sáng tác theo đúng quyết định của Trung tâm. Việc ăn, ở, sinh hoạt của các văn nghệ sĩ trong thời gian tham dự Trại do các Nhà Sáng tác đảm nhiệm hoàn toàn bằng kinh phí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chia sẻ về kinh phí hoạt động của Nhà Sáng tác, ông Huỳnh Văn Ngàn đầy ưu tư: Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật mỗi năm được cấp 11 tỷ, chia cho 5 Nhà Sáng tác và Văn phòng Trung tâm ở Hà Nội, mỗi nơi được khoảng 1,6 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng 1/3 trả lương cho nhân viên, 1/3 chi tiền ăn cho các văn nghệ sĩ dự Trại và 1/3 chi phí cho điện nước, tu sửa, mua sắm, thay thế các đồ dùng của Nhà Sáng tác.
Với số tiền eo hẹp đó, cụ thể như Nhà Sáng tác ở Tam Đảo chỉ có thể trả lương cho 10 nhân viên. Mỗi nhân viên đều phải kiêm nhiệm nhiều việc như lễ tân kiêm bảo vệ, dọn phòng, phục vụ kiêm phụ bếp... Khó nhất, có lẽ là việc tính toán sao cho đảm bảo ba bữa cơm ngon, canh ngọt cho các Hội viên chỉ với 120 000 đồng mỗi ngày. Các văn nghệ sĩ phần đông có tuổi nên sức khỏe và an toàn của các Hội viên dự Trại cũng là vấn đề làm người phụ trách luôn lo lắng.
Để bớt gánh nặng cho Ngân sách, ngoài nhiệm vụ phục vụ cho văn nghệ sĩ đến làm việc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn yêu cầu các Nhà Sáng tác phải tổ chức các “dịch vụ” phù hợp với tính chất và khả năng của Nhà Sáng tác để có thêm nguồn thu, gọi là “thu sự nghiệp”. Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật có nhiệm vụ “thu sự nghiệp” nhiều tỷ đồng. Tận dụng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực sẵn có, các Nhà Sáng tác tổ chức đón tiếp khách du lịch đến nghỉ ngơi, các tổ chức và cá nhân có yêu cầu tổ chức hội nghị, hội thảo… Riêng đối với văn nghệ sĩ và gia đình của họ, khi có nhu cầu đến nghỉ ngơi hoặc làm việc tự túc, các Nhà Sáng tác đều có ưu đãi giảm 50% giá phòng.
4. Các Hội viên làm gì trong Trại?
Phải nói rằng, các văn nghệ sĩ là những người bị đam mê của mình hành hạ, bị “giời đày làm thơ” (chữ của nhà thơ Nguyễn Bính), nên suốt đời họ vẫn tự “hành xác” mình chứ chẳng đợi đến khi dự Trại. Văn nghệ sĩ cũng là những người tự trọng nên chẳng ít thì nhiều, mỗi lần đi Trại đều có thu hoạch nộp cho Nhà Sáng tác và Hội VHNT (khoan bàn đến chất lượng và sử dụng tác phẩm). Dự Trại, ngoài buổi khai mạc, bế mạc và đến nhà ăn, thì ai muốn sử dụng thời gian thế nào tùy ý. Có thể đi tham quan, viết hoặc giao lưu… Tôi đã chứng kiến một nhà văn say nghề, mấy tuần giam mình trong phòng, đến bữa mới ló mặt ra, phờ phạc, ngơ ngác như từ cung trăng hạ xuống. Tôn trọng sự riêng tư của bạn là luật bất thành văn mà ai đi trại cũng biết. Sang chơi, tán gẫu, lỡ đứt mạch văn hay làm bay mất tứ thơ của bạn thì…
5. Hiệu quả
30 năm theo dõi hoạt động của các Nhà Sáng tác, ông Huỳnh Văn Ngàn nhận xét: Ngày trước, kinh tế khó khăn, các Trại viết đã mang lại lợi ích thiết thực cho các văn nghệ sĩ, giúp họ bớt đi mối lo cơm áo gạo tiền trong một khoảng thời gian để có thể yên tâm sáng tác. Các Hội viên dự Trại thời kì trước được lựa chọn kĩ lưỡng, thường là những người có nhu cầu thật, có thực tài, có đề cương tốt. Do đó, 60% hội viên dự Trại đã ra được sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm có chất lượng, có giá trị. Các nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Xuân Thiều và rất nhiều văn nghệ sĩ đủ các loại hình nghệ thuật như sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, văn học dân gian, nhiếp ảnh, múa… đã cho ra đời các tác phẩm có giá trị của mình từ các Trại viết này.
Bây giờ, đủ ăn, đủ mặc, đủ không gian để hoạt động nghệ thuật, người ta vẫn muốn đi Trại để có sự khẳng định mình. “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Đi Trại để được giao lưu với các bạn văn, được sống trong một không gian văn hóa, được hưởng một chút “lộc” nước... cũng đáng ao ước lắm chứ. Để “lộc” được chia cho nhiều người hơn, một số Hội Văn học Nghệ thuật đã chia đôi thời gian ở trại, 15 người dự Trại trong một tuần, rồi “đổi ca” cho 15 người khác đến, thay vì 15 người được dự Trại trong hai tuần như qui định.
Một tuần cho sáng tác văn học, mà quá nửa thời gian đã dành cho giao lưu, tham quan hỏi còn lại được bao nhiêu? Đòi hỏi những tác phẩm hoàn chỉnh trong thời gian ở Trại may ra chỉ có các nhà thơ, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đáp ứng được, còn phần đông các văn nghệ sĩ đều dành thời gian để thực hiện một hoặc vài công đoạn tác phẩm của mình.
Báo cáo tổng kết 5 năm hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật (2009 – 2014) cho biết: 100% hội viên tham dự Trại đã nộp sản phẩm; 30% các tác phẩm đã được xuất bản, trong đó có 10% các tác phẩm này đã được giải thưởng trong các cuộc thi, các cuộc liên hoan sân khấu, điện ảnh, âm nhạc... Nếu con số thống kê này là chính xác, thì thật mừng, vì dù ít hơn trước, nhưng các Nhà Sáng tác vẫn mang lại hiệu quả cho văn học, nghệ thuật nước nhà.
6. Hướng phát triển của Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật
Điều ông Huỳnh Văn Ngàn luôn trăn trở là làm sao để nâng cao hiệu quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Có ý kiến cho rằng sự đầu tư cho mỗi văn nghệ sĩ 15 ngày mỗi đợt dự Trại là quá ít, không đủ cho hoàn thiện tác phẩm. Rằng sự đầu tư như vậy là dàn trải, thiếu chiều sâu. Vì vậy, 5 năm nay, Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật đã thử nghiệm hình thức đầu tư mới: Lựa chọn các văn nghệ sĩ và các đề cương tác phẩm xứng đáng, hỗ trợ các đợt sáng tác dài hơi 3 tháng, 6 tháng, tiến tới hỗ trợ sáng tác theo nhu cầu của tác giả, cho tới khi hoàn thiện tác phẩm. Đã có nhiều văn nghệ sĩ được hưởng sự hỗ trợ này: Các văn nghệ sĩ đến các Nhà Sáng tác trong 1,2,3 tháng, sau đó tiếp tục về Nhà Sáng tác khác 1 đến 2 tháng nữa để hoàn thành tác phẩm. Hướng đầu tư này đã có kết quả và sẽ được chú trọng mở rộng trong giai đoạn 2015 – 2020.
Ai hay tổ chức nào chịu trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu các tác giả, tác phẩm được hưởng sự ưu đãi đặc biệt này? Dĩ nhiên là các Hội chuyên ngành sẽ thẩm định các đề cương sáng tác và giới thiệu các Hội viên của mình tham dự Trại. Thật ra, điều này cũng không dễ. Đánh giá một bản thảo rất cần sự công tâm, sự hiểu biết về chuyên môn... tóm lại là cần cả tâm và tầm của người thẩm định. Nhưng Hội chuyên ngành chỉ chịu trách nhiệm về sự giới thiệu, còn chính tác giả mới là người chịu trách nhiệm về những gì mình sáng tạo. Khi tác phẩm ra đời, có đứng được trong lòng bạn đọc, đứng được với thời gian hay không lại là chuyện khác.
Khi tôi viết những dòng này, Giám đốc Huỳnh Văn Ngàn lại đang tiếp tục những chuyến đi bất tận của mình với bộ áo bạc màu, nụ cười khiêm nhường và giọng nói nhỏ nhẹ. Không hiểu sao, tôi cứ muốn tin rằng cái lưng khòng khòng của ông đã trĩu xuống bởi trách nhiệm, bởi những lo toan tỉ mỉ như của một người nội trợ cho Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật, ngôi nhà chung thân yêu của các văn nghệ sĩ Việt Nam.
Nguồn: http://vanvn.net/news/9/5922-but-ky-de-hieu-hon-ve-trai-sang-tac-van-hoc-nghe-thuat---chu-thu-hang.html