Chợt nghe khẩu khí Đại gia Đường
Rõ ràng, tâm lí sính hàng ngoại đã ăn sâu vào tập quán của người tiêu dùng Việt Nam. Thậm chí, nhiều người xài hàng ngoại như một tiêu chuẩn để phân biệt đẳng cấp vậy. Thì giờ đây, với những việc làm sáng suốt và nhân văn cao cả của ông Đường; với hiện tượng luôn “cháy” hàng Việt tại Trung tâm Thương mại V+ đã minh chứng rằng, nếu các doanh nghiệp đầu tư đúng hướng; nếu có thiết bị công nghệ hiện đại và cơ chế chính sách thông thoáng, người Việt hoàn toàn có thể sản xuất hàng chất lượng cao, giá thành hạ. Và, nếu có chỗ tiêu thụ thì hàng Việt Nam chất lượng cao luôn được người Việt Nam tin dùng.
Trung tâm Thương mại V+ luôn "cháy" hàng Việt Nam
Ảnh tư liệu của Báo Lao động)
CHỢT NGHE KHẨU KHÍ ĐẠI GIA ĐƯỜNG …
Chúng tôi ngồi ở phòng khách, chờ làm việc với TS. Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam. Đằng kia, nơi bàn làm việc của TS Thân, mấy người đàn ông đang bàn bạc công việc. Chúng tôi không hiểu họ bàn việc gì, chỉ nghe loáng nói đến doanh nghiệp. Ấy là dịp Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, bắt đầu đi vào cuộc sống. Chợt, giọng một người đàn ông gay gắt. Ông nói, đại để, ở Nghệ An, nông dân bỏ ra 13 triệu đồng mua con bò giống. Nuôi trong trong 3 năm, mang bán 13 triệu đồng còn khó. Trong khi, bò Úc ồ ạt nhập vào Việt Nam. Trong 2 năm qua, số lượng bò Úc nhập vào Việt Nam tăng gấp 52 hai lần. Không chỉ bò Úc mà các loại nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng nhập ngoại đang lấn chiếm thị phần hàng Việt. Rồi giọng ông chợt đau đáu: Thực tế này khiến cho nông dân và hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam điêu đứng, có nguy cơ sạt nghiệp, nhất là khi hội nhập kinh tế với thế giới ngày càng sâu rộng; nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, nhiều dòng thuế được đưa về 0. Trước xu thế hội nhập sâu rộng này, không còn cách nào khác, nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam phải tự cứu mình bằng cách sản xuất hàng hóa chất lượng cao, giá thành hạ để cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đồng thời, người Việt Nam cần ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Ai mà khẩu khí như chính trị gia vậy nhỉ? Tôi nhìn sang. Đó là người đàn ông cao lớn, dáng vẻ phong trần, quần áo đơn sơ, nom không giống một chính trị gia. Nhưng rõ ràng, tư tưởng ấy, tư duy ấy, nỗi lo lắng ấy là của một chính khách yêu nước, thương dân, lo cho dân. Khi ông ra về, qua chỗ chúng tôi, TS. Thân giới thiệu, đây là anh Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hòa bình Group. Tôi sửng sốt! Ông Nguyễn Hữu Đường – người “tung phao” cứu hàng Việt tại Trung tâm Thương mại V+ thì đông đảo người dân Việt Nam đã biết. Chính tôi cũng từng vào Trung tâm Thương mại V+, được hưởng lợi từ hàng Việt giá rẻ. Và khi ấy, tôi hình dung ông chủ Hòa Bình Green City phải là người đường bệ, cớm nắng, ăn mặc chải chuốt, giọng nói, cử chỉ chậm rãi, kín đáo chứ không mạnh mẽ, quyết liệt như tôi đã được nhòm thấy ông. Và tôi chợt hiểu, ông là người lính, là thương binh. Cái chất mạnh mẽ, quyết liệt trong ông chính là chất lính; tinh thần tiên phong trên mọi mặt trận của ông là tinh thần của người lính. Điểm lại những việc ông làm trong thời gian qua đã đăng tải trên các báo, ta sẽ thấy rõ tư duy và hành động của ông luôn nhất quán và xuyên suốt.
Trước hết, ông tiên phong trong sản xuất hàng Việt chất lượng cao, cạnh tranh với hàng nước ngoài. Từ năm 1987, ông vận động các đồng đội là thương binh, cựu chiến binh cùng tham gia thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình chuyên sản xuất bia và các loại nước giải khát cung cấp ra thị trường. Tiếp đó là sản xuất Đường Man chất lượng cao cung ứng cho Tổng công ty Bia Sài Gòn và nhiều công ty bia khác; tiếp nữa là sản xuất thép; liên doanh sản xuất Rượu Việt – Pháp và nhiều ngành nghề khác, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động.
Nhận thấy thị trường nước ngọt có ga ở Việt Nam đang “bị” các hãng nước ngoài độc chiếm, tháng 7/2014, ông hợp tác với Hãng Krones (Đức) đầu tư dây chuyền sản xuất nước ngọt có gas hiện đại nhất thế giới; với tổng mức đầu tư hơn 1000 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 200 triệu lít/năm được xây dựng trong 6 tháng. Khi sản phẩm của Nhà máy tung ra thị trường, với chất lượng cao, giá rẻ hơn hàng ngoại nên các đối thủ của V Cola buộc phải giảm giá sản phẩm. Theo con tính được công bố trên các báo, với việc giảm giá này đã giảm lợi nhuận của họ hơn 1.440 tỷ đồng. Nếu bán cùng giá với V Cola, mỗi năm họ sẽ mất hơn 5.000 tỷ đồng. Như vậy, người dân đã được hưởng lợi trực tiếp từ việc Hòa Bình Group tham gia cạnh tranh vào lĩnh vực này. Giờ đây, các loại nước giải khát cùng nhiều loại sản phẩm may mặc chất lượng cao thuần Việt của Hòa bình Group được bán tận tay người tiêu dùng với giá thấp hơn giá chợ.
… Ông Đường còn tiên phong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đúng ra, chính ông là người đầu tiên khởi xướng phong trào yêu nước này. Từ tháng 4/2008, ông đã gửi một Bức Tâm thư lên Bộ Chính trị đề xuất phong trào “Người Việt dùng hàng Việt”. Một năm sau, Bộ Chính trị ra Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đầu năm nay, sau khiTrung tâm Thương mại V+ khánh thành, ông đã từ chối lời đề nghị thuê Trung tâm Thương mại V+ của Tập đoàn Big C với số tiền 330 tỷ đồng để mời các doanh nghiệp Việt đến mở cửa hàng miễn phí thuê diện tích sàn 25.000 m2 của Trung tâm, nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng sản xuất trong nước. Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, lượng khách đến Trung tâm Thương mại V+ mua hàng ngày càng đông và thường xuyên “cháy hàng”. Bởi, hàng Việt ở đây giá rẻ, chất lượng cao và vì thế, hệ thống siêu thị nước ngoài ở Hà Nội đã phải giảm giá 5-10% để cạnh tranh với V+. Trong tương lai gần, hệ thống Trung tâm Thương mại V+ sẽ được phát triển và mở rộng trên Toàn quốc để tất cả những người Việt Nam đều được dùng hàng Việt Nam với chất lượng cao, giá rẻ.
Trở lại vấn đề bò Úc “húc” bò Việt mà ông Đường kể trên. Gia đình tôi cũng đã mấy lần mua thịt bò Úc với giá thắt cổ. Bữa nọ, sau khi gắp mấy miếng thịt bò Úc, tôi liền kể cho cả nhà nghe câu chuyện tiếu lâm: Có anh lính mua được nửa lạng cao hổ, mang về biếu bố vợ. Khi trở lại đơn vị mới biết, anh ta đã biếu nhầm bố vợ cái …má phanh xe đạp! Lần sau, anh mang nửa lạng cao về. Chưa kịp xin lỗi vì sự nhầm lẫn, ông cụ đã rối rít: Nửa lạng cao anh cho tốt lắm! Tôi ngâm cả tháng mà chưa tan, nhưng uống vào chuyển hẳn! Rồi tôi suy diễn, chưa biết chừng, nhà mình đang ăn thịt ngựa mà vẫn khen ngon. Năm trước, người ta đã phanh phui ra 11 nước ở châu Âu xẩy ra vụ làm giả thịt ngựa thành thịt bò với số lượng hàng nghìn tấn. Nghe chuyện, con dâu tôi quả quyết, gì thì gì, hàng ngoại vẫn hơn!. Rõ ràng, tâm lí sính hàng ngoại đã ăn sâu vào tập quán của người tiêu dùng Việt Nam. Thậm chí, nhiều người xài hàng ngoại như một tiêu chuẩn để phân biệt đẳng cấp vậy. Thì giờ đây, với những việc làm sáng suốt và nhân văn cao cả của ông Đường; với hiện tượng luôn “cháy” hàng Việt tại Trung tâm Thương mại V+ đã minh chứng rằng, nếu các doanh nghiệp đầu tư đúng hướng; nếu có thiết bị công nghệ hiện đại và cơ chế chính sách thông thoáng, người Việt hoàn toàn có thể sản xuất hàng chất lượng cao, giá thành hạ. Và, nếu có chỗ tiêu thụ thì hàng Việt Nam chất lượng cao luôn được người Việt Nam tin dùng.