Kì vọng mùa Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kì 2015 – 2020: Đoàn kết và sáng tạo
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệm kì 2015 – 2020 được diễn ra từ ngày 09 đến ngày 11.7.2015 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội lần này vinh dự đón tiếp 539 đại biểu về tham dự thay mặt cho tổng số 1.014 hội viên cả nước. Đoàn Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh có 80 Đại biểu đại diện cho hơn 160 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh dự Đại hội nhiệm kì lần thứ IX.
Trước đó, ngày 06.7.2015, tại Hội trường thành phố (272, Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) đại diện Thường trực Thành ủy TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ thân mật các đại biểu đi dự Đại hội.
Trong không khí rộn ràng trước thềm Đại hội, chúng tôi có dịp được nghe những chia sẻ, cảm xúc, kì vọng của nhà văn Mạc Can, nhà thơ Lê Thị Kim, nhà thơ Trần Hữu Dũng về Đại hội lần IX – Hội Nhà văn Việt Nam sắp diễn ra.
Trong một bài viết về “Hướng tới Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần IX: Qua tám kì đại hội”, nhà văn Trần Thanh Giao từng chia sẻ: “Sắp đến Đại hội IX, nhìn lại tám Đại hội qua để thấy rằng yêu cầu gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp là có thật và chính đáng nhưng yêu cầu tiến hành một Đại hội nghiêm chỉnh cũng là kì vọng của hội viên và của toàn xã hội”.
* Là một trong 80 đại biểu TP.Hồ Chí Minh dự đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kì 2015 – 2020 anh / chị có cảm xúc thế nào?
Nhà thơ Trần Hữu Dũng (Trưởng Ban Biên tập thơ, Tuần Báo Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh): Đến hẹn lại lên. Đó là tâm trạng chung của các hội viên, ngoài việc bầu chọn Ban chấp hành Hội Nhà văn nhiệm kì 2015 – 2020, với niềm hi vọng sẽ có nhiều gương mặt mới tạo luồng sinh khí sôi động cho nền văn nghệ cả nước, còn là dịp anh chị em gặp gỡ, trao đổi tâm tình, chuyện viết lách…
Cũng đồng quan điểm trên, nhà thơ Lê Thị Kim (Tân Trưởng ban Nhà văn nữ, Trưởng ban Câu lạc bộ, phụ trách đề án xây dựng các chi hội và xã hội hóa – Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh nhiệm kì 2015 – 2020) chia sẻ: Mỗi đợt Đại hội là một dịp tuyệt vời để gặp các anh chị em trong Hội Nhà văn Việt Nam. Ở đó giống như một mái nhà chung mà anh em lâu ngày mới được gặp nhau để nghe những quan điểm của nhau, được phát biểu quan điểm của mình và cũng là dịp để nắm bắt nhiều điều mới lạ, những tư tưởng sáng tạo của mỗi người trong Đại hội. Hi vọng đây là một cuộc gặp gỡ đầy ấm áp và thú vị.
Nhà văn Mạc Can: Phải nói rằng vui lắm, không ngờ tôi được vinh dự ra Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, khi thấy bản thân mình viết còn ngô nghê, vụn về nhưng được ưu ái như vậy bản thân rất lấy làm xúc động.
* Anh / chị có suy nghĩ và kì vọng gì về Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kì 2015 – 2020?
Nhà thơ Lê Thị Kim: Tôi kì vọng từ Đại hội sẽ có thật nhiều tư tưởng mới, sáng tạo nhằm thúc đẩy văn chương và Hội sẽ luôn là người bạn đồng hành thân thiết với người viết chúng ta. Dẫu biết rằng văn chương là công việc mang nét đặc thù của cá nhân của người sáng tác. Đặc biệt, mong rằng Hội sẽ thực hiện nhiều hơn nữa việc hỗ trợ cho những nhà văn cao tuổi đang trong hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ và khích lệ kịp thời những nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo và hội nhập phát triển cùng thế giới. Tuy vậy, các nhà văn thơ trẻ cũng phải tự thân trên con đường sáng tạo của chính mình.
Nhà văn Mạc Can: Tôi không có kì vọng gì cả. Bởi viết cứ viết thôi. Còn chuyện xây dựng Hội thì đã có Hội lo và tổ chức nghiêm túc rồi, còn mình thì cứ viết cho thật tốt.
Nhà thơ Trần Hữu Dũng: Nói thật, tôi không có kì vọng gì lớn lao ở kì Đại hội nầy, chỉ muốn Hội Nhà văn là ngôi nhà chung của những người viết văn cả nước. Nơi đó là hội nghề nghiệp đúng chất, tạo điều kiện thúc đẩy cho những tác phẩm có tầm vóc được xã hội, bạn đọc trân quí ra đời, những người viết ngày càng có bản lĩnh trước những vấn đề sống còn của đất nước.
* Anh / chị có thể nói thêm về những vấn đề đáng quan tâm về văn chương hiện nay hoặc đề xuất cho đại hội?
Nhà văn Mạc Can: Đoàn kết và sáng tạo là điều tôi luôn nghĩ tới trên con đường viết lách.
Nhà thơ Trần Hữu Dũng: So với các nước Nhật, Thái Lan, Singapore… vấn đề giao lưu văn hóa, dịch thuật, trao đổi nghề nghiệp với các nước ở châu Á, phương Tây, Việt Nam vẫn còn tụt hậu quá xa, dù có nhiều nỗ lực trong mấy năm gần đây. Hội Nhà văn vẫn là chiếc cầu nối vững chắc về mặt nầy cần mở rộng hợp tác với các nước hơn nữa. Mấy nhiệm kì qua, Hội Nhà văn chỉ tập trung ở Hà Nội, các chi hội khác như ở thành phố Hồ Chí Minh, miền Tây Nam bộ, miền Trung, miền Tây Bắc, gần như “bất động”, không có hội thảo về tác phẩm, không hề biết đồng nghiệp mình viết được gì… Cái khó nhất là gần 1.000 hội viên của Hội Nhà văn cần phải “chuyển” và “động”.
Nhà thơ Lê Thị Kim: Trước cơn lốc xoáy kinh tế hiện nay, một số bạn trẻ sẽ không tránh khỏi cảm giác bất an, lạc lỏng, bấp bênh. Tôi không biết văn, thơ của họ sẽ tiến tới như thế nào. Có thể là siêu thực một cách đắc địa hay lơ lửng trong khoảng không của chữ nghĩa. Tất nhiên, đâu đây quanh tôi vẫn còn nhiều những trái tim nồng nàn với những liên từ khái quát, liên tưởng rất ấn tượng… và tôi vẫn đang trông chờ nhiều ở lớp trẻ, những người viết đang sung sức trên cánh đồng văn chương đầy cam go này.
Trân trọng cảm ơn! Kính chúc các nhà văn, nhà thơ thượng lộ bình an, thật nhiều mạnh khỏe và sáng tạo!
Box:
Đại hội đã diễn ra thành công tốt đẹp. Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (nhà thơ Hữu Thỉnh giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn suốt 4 nhiệm kì). Ngoài ra có 5 thành viên trong Ban chấp hành là: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Đó là kết quả từ 38 ứng cử viên của Đại hội nhiệm kì 2015 – 2020.
TP.Hồ Chí Minh trước thềm Đại hội, ngày 07.7.2015.
Trần Minh Huy Phương