Nghĩ về những cử nhân thất nghiệp sau đào tạo
Sự kiện được cho là đã hâm nóng dư luận xã hội tuần qua ngoài việc Trung Quốc tiến hành tập trận trên biển Đông, vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thì việc công bố điểm thi và điểm sàn xét tuyển vào đại học, cao đẳng đang được xem là đỉnh điểm của đợt tăng nhiệt trong tháng Bảy do tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt mức thấp nhất (91%) trong vòng 5 năm trở lại đây. Chưa kể đi cùng với đó là hàng chục nghìn bài thi bị điểm liệt… đã buộc dư luận phải đặt câu hỏi, có hay không sự lệch pha giữa học và thi?...
TỪ MỘT KẾT QUẢ “ĐẢO CHIỀU”…
Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là trong một vài năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục có những đổi mới trong quản lý hoạt động giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là đổi mới thi cử gắn với chủ trương được dư luận hết sức đồng tình, đó là khâu đề thi phải thực sự kỹ lưỡng, khoa học, sao cho vừa không thoát ly kiến thức lại vừa gần với hiện thực đời sống sinh động đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tác động đến học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Ý tưởng tốt đẹp này không chỉ hướng đến một cuộc thi phản ánh đúng trình độ học vấn của các em, mà còn mang một ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn và lý tưởng sống vốn đang bị coi là tuột dốc, là vô cảm đang ăn mòn một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên hiện nay. Đồng thời, ngăn chặn nạn học tủ, học vẹt, và nhất là triệt tiêu hoàn toàn nạn dạy thêm học thêm đã đeo đuổi nền giáo dục nước ta hàng chục năm nay. Tuy nhiên, sau những nỗ lực được cho là không mệt mỏi của bộ chủ quản, thì với kết quả thi có xu hướng “đảo chiều” vừa qua đã cho thấy điều cốt yếu trong đổi mới giáo dục không nằm ở việc thay đổi cách thi cử, mà chính là cách dạy học của trường phổ thông đối với mục tiêu tiếp nhận kiến thức một cách chủ động cho học sinh.
Trước kỳ thi, nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà sư phạm đã thẳng thắn có ý kiến, rằng họ không hy vọng về một kết quả “sáng sủa”, hay nói đúng hơn là một kỳ thi có kết quả “tròn trịa” như Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng. Lý do được đưa ra hết sức đơn giản, đó là không thể có được một kết quả tốt nếu chúng ta đi ngược quy trình. Quy trình ngược ở đây có thể hiểu là không thể chọn đột phá trong thi cử, mà phải là đột phá trong dạy và học. Một học sinh không thể có được kết quả cao khi không được trang bị những kiến thức nền nhất định. Đó là chưa kể tới cách ra đề thi mà theo các chuyên gia của bộ, là hướng đến sự “phân hóa” cao nhằm đáp ứng yêu cầu một kết quả thi hai mục đích sử dụng, thì trong lúc đó chính các nhà giáo và bản thân các em học sinh lại cho rằng bộ đã quá “ôm đồm” nếu như không muốn nói là lúng túng trong việc này. Và kết quả là đề thi, trong đó có việc phân vùng kiến thức, đã dẫn đến tỷ lệ điểm liệt đạt mức kỷ lục ở hầu hết các môn thi, không loại trừ cả những môn thi vốn được đánh giá là hay, là sát với thực tiễn trước đó...
Nói điều này để thấy đã qua rồi cái thời “mẹ hát, con khen hay”, mà cần phải nhìn thẳng vào vấn đề: Học sinh có thấy hay, có hứng thú với đề thi? Các em làm bài thi có bằng trái tim và trí óc của mình hay không, và kết quả một phổ điểm thi thế nào chứ không phải thầy thấy sao về đề thi thầy ra… Đây cũng là lý do mà trong một chia sẻ gần đây khi nói về việc vì sao học sinh “quay lưng” với môn sử, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã cho rằng, nhiều học sinh cũng không hứng thú với môn lịch sử vì nội dung học thể hiện trong sách giáo khoa quá khô khan và phương thức dạy học chưa sống động. Những nội dung trong sách giáo khoa lịch sử trong nhà trường vẫn còn nặng nề, thiếu khách quan, lại không toàn diện bởi thiên về lịch sử chiến tranh quá nhiều mà bỏ quên các lĩnh vực khác như lịch sử văn hóa, kinh tế, xã hội... Và điều này đã phản chiếu lại trong chính điểm thi của các em.
Một kết quả thấp là điều đã được tiên lượng trước, và có thể thông cảm được vì giống như một quy luật bất thành văn, trước những thay đổi bao giờ cũng có sự bỡ ngỡ, chưa kể nó còn bị tác động bởi những thay đổi luôn ở phút chót của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cả thầy và trò trước kỳ thi, vốn bị xem là điều cấm kỵ. Nhưng dư âm của kỳ thi chưa hẳn đã hết, bởi chúng ta mới chỉ đi được một nửa chặng đường, vì ở chặng hai, công tác xét tuyển đầu vào đại học, cao đẳng đang được ví như “Người mù đi trong đêm”
… ĐẾN VIỆC XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC KIỂU “NGƯỜI MÙ ĐI TRONG ĐÊM”
Sẽ có nhiều người cho rằng đây là một sự so sánh có phần khiên cưỡng, bởi khi mắt đã không còn sáng thì việc đi giữa ban ngày hay trong đêm tối cũng chẳng có gì khác nhau. Nhưng trong cái tưởng như khiên cưỡng ấy lại khiến chúng ta dễ dàng chấp nhận để đánh đổi lấy một tia sáng phía cuối con đường. Bộ quản lý điểm thi, độc quyền công bố điểm khi cấp cho mỗi thí sinh một mã số cá nhân đã được mã hóa. Và những tính toán đã được lập trình bằng một phần mềm mã hóa kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và đã lường hết những khó khăn khi triển khai hệ thống. Song, sự hụt hẫng, thất vọng xen lẫn căng thẳng là không khí bao trùm mùa tuyển sinh năm nay. Nhiều trường “top trên” đã bắt đầu tham mưu cho bộ chủ quản mức điểm sàn tuyển sinh được cho là sẽ cao hơn từ 1-2 điểm so với năm trước, nhưng đa phần các trường “top dưới’ và “top trung” đều không tránh khỏi sự lo lắng sẽ không thể tuyển đủ thí sinh như yêu cầu. Và với họ, việc xét tuyển càng trở nên nặng nề chẳng khác nào “người mù đi trong đêm”.
Không thể chủ động đưa ra một mức điểm sàn là một thực tế đã và đang xảy ra không chỉ với hệ thống trường công lập, mà còn là nỗi mất ăn mất ngủ của các trường dân lập. Xuất phát từ thực tiễn, trước mỗi kỳ thi, các trường lên kế hoạch tuyển sinh sau đó gửi chỉ tiêu về bộ, khi được bộ duyệt các trường mới tiến hành công khai tuyển sinh. Do đó, để duy trì ngành học, nghề học nhiều trường buộc phải tuyển đến cả nguyện vọng ba và bốn, thậm chí không có cơ hội tuyển thí sinh đạt điểm trên trung bình cho các môn thi. Đây cũng chính là lý do lý giải vì sao chúng ta có đầu vào đại học thấp và một đầu ra đại học có nhiều ngành nghề không được xã hội và thế giới chấp nhận.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chỉ tính riêng trong quý I năm 2015, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp là 177.700 người, cử nhân cao đẳng thất nghiệp là 100.600 người. Nếu cộng dồn ở hai ngành đào tạo này, con số thất nghiệp lên tới trên 18.000 người. Con số này không chỉ cho thấy sự lãng phí về nguồn lực đào tạo, về chất xám, mà còn là mối lo chung về sức khỏe nền kinh tế đang chững lại hoặc tăng trưởng không đáng kể ở mức đáng lo ngại khi không thể tạo ra những việc làm mới đáp ứng nhu cầu việc làm chính đáng cho người lao động… Và cái vòng luẩn quẩn đã và đang bị lặp đi, lặp lại, đó là chúng ta cứ đào tạo, đào tạo bằng mọi giá chỉ vì một lý do hết sức đơn giản là vì sự tồn tại của một ngành, một nghề, tạo việc làm cho một nhóm thầy cô giáo đang nắm giữ, giảng dạy ở lĩnh vực đó, mà quên đi lợi ích của người học, của xã hội khi phải giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động dôi dư, được đào tạo chỉ để “làm thầy” mà không thể trở thành những người thợ lành nghề theo nhu cầu xã hội. Gánh nặng việc làm đang đè lên nền kinh tế, buộc nhà nước phải tính đến bài toán xuất khẩu lao động. Nhưng với cách dạy - học thiếu thực tiễn, nặng lý thuyết sản sinh ra lực lượng lao động thụ động, chắc chắn không phải là lựa chọn của thị trường lao động thế giới.
Quay trở lại với đề án đổi mới thi cử được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên trì theo đuổi cùng với lời hứa sẽ rút kinh nghiệm để kỳ thi sau tốt hơn. Thiết nghĩ, kinh nghiệm nếu cứ xa rời thực tiễn sẽ không thể cho ra một kết quả tròn trịa để có thể thay đổi bức tranh lao động - việc làm hiện nay. Nên chăng, thay vì chạy theo phần ngọn, hãy bắt đầu từ gốc, và hy vọng có lẽ nên đặt trọn vào công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2015 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực tiến hành.