Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị... bỏ hoang!
Những ngày này nhân dân cả nước tưng bừng kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi ngược lên Chợ Đồn – một huyện vùng cao tỉnh Bắc Cạn. Nơi đây, tôi ấp ủ đề tài báo chí về ATK từ nhiều năm nhưng chưa thực hiện được. Vậy là nhân mấy ngày nghỉ, đoàn làm phim mời tôi tham gia viết kịch bản về ẠTK Chợ Đồn, tôi nhập cuộc luôn. Vợ chồng bác Bàng, quê ở Chợ Đồn cũng tình nguyện đi cùng đoàn để tìm nhân chứng lịch sử. Trong chuyến công tác này, chúng tôi phát hiện nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại một bản Dao đang bị... bỏ hoang! Một bản người Dao có công với nước bị... bỏ quên!
Bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp của người dân bản Dao tại nơi Đại tướng đã ở và làm việc
Tại đỉnh Pù Cọ - nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - chỉ có mỗi tấm bia được xây cách đây gần 20 năm - khi điểm Di tích Pù Cọ được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Từ trái sang: Ông Hoàng Văn Mão, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn; ông Đồng Phúc Vả, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn; ông Bàng, người con Chợ Đồn; ông Nông Văn Cường, xã Bình Trung (chợ Đồn) và tác giả tại ATK Chợ Đồn, trưa ngày 30/4/2015.
Là những ngày nghỉ, kế hoạch, lịch làm việc của đoàn làm phim chưa kịp gửi về địa phương. Dù vậy, các anh: Vũ Văn Khánh, Phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Cạn; Hoàng Văn Mão, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn và các anh trong Thường trực Huyện ủy, Thường trực UBND huyện vẫn nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Đặc biệt, anh Mão, Chủ tịch và các anh, chị trong Văn phòng UBND huyện đã không quản nắng mưa, tận tình đưa chúng tôi tới tận ATK để tác nghiệp. Bác Đồng Phúc Vả, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn, dù chân bị đau gút; chị Duyên, phó Văn phòng UBND huyện đang học ở Học viện Chính trị Quốc gia, về quê nghỉ lễ vẫn đi theo đoàn.
ATK Chợ Đồn là gì mà các anh lãnh đạo huyện và mọi người dân quan tâm đến vậy? Thưa, ATK là viết tắt “An toàn khu”. Nơi đây, trong Kháng chiến chống thực dân Pháp là trụ sở của Trung ương Đảng, Chính phủ; là nơi Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã sống, làm việc, lãnh đạo kháng chiến thành công. Huyện Chợ Đồn và các xã Nghĩa Tá, Bình Trung, Lương Bằng, Khang Ninh v.v. được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp.
Vậy mà, lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các tài liệu lịch sử ít giới thiệu về ATK Chợ Đồn. Thậm chí, có tài liệu giới thiệu rằng, Thủ đô kháng chiến là Tân Trào (Tuyên Quang); tài liệu khác lại khẳng định, “Thủ đô gió ngàn” là Định Hóa (Thái Nguyên). Sự sai lệch đó gây bức xúc trong các nhân chứng lịch sử và đồng bào có công với nước ở Chợ Đồn từ nhiều năm nay?
Vậy, Thủ đô Kháng chiến; “Thủ đô gió ngàn” ở đâu? Đến nay, chúng tôi có đủ căn cứ để khẳng định: Thủ đô Kháng chiến, “Thủ đô gió ngàn” thuộc 8 huyện của ba tỉnh: Bắc Cạn, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Trong đó, Chợ Đồn là nơi đầu tiên Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng v.v. sống và làm việc, được đồng bào các dân tộc đùm bọc, chở che; Chợ Đồn cùng với các địa phương của tỉnh Bắc Cạn là nơi đầu tiên giành chính quyền.
Hiện nay, các điểm di tích “Thủ đô gió ngàn” ở Định Hóa (Thái Nguyên) và Tân Trào, Chiêm Hóa, Sơn Dương (Tuyên Quang) đã được Nhà nước và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Vậy, các điểm di tích ở ATK Chợ Đồn ra sao? Đời sống của đồng bào nơi đây như thế nào?
BÀI 1. NƠI ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP LÀM VIỆC BỊ... BỎ HOANG
Đó là bản Bẳng – bản người Dao thuộc xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn. Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Nguyên Giáp trên đỉnh đồi Pù Cọ. Dưới chân đồi là nhà ông Triệu Phú Dương. Tại ngôi nhà này, Bác Hồ từng ở khi Người từ Pác Bó về Chợ Đồn. Tại đỉnh Pù Cọ còn diễn ra sự kiện quan trọng, đó là nơi gặp nhau của Đoàn Nam Tiến và Bắc Tiến, nối thông “Những con đường quần chúng các mạng”.
“Những con đường quần chúng cách mạng” do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương nhằm phát triển phong trào Việt Minh, tập hợp lực lượng, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Đây là con đường huyền thoại, có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử phong trào cách mạng Việt Nam. Con đường này có hai hướng chính. Hướng Nam tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, có nhiệm vụ mở rộng phong trào Việt Minh từ Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã (nay là Pác Nậm, Ba Bể tỉnh Bắc Cạn) nối liền với Thái Nguyên. Hướng Bắc Tiến do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy, có nhiệm vụ phát triển phong trào Việt Minh về phía Đông Bắc, tiến qua Thạch An xuống Tràng Định, Bình Gia (Lạng Sơn) nối liền với căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, sang Thái Nguyên.
Đến tháng 10/1943, đoàn Nam Tiến và Bắc tiến gặp nhau tại Pù Cọ để trao đổi kinh nghiệm, đánh giá tình hình phát động quần chúng, mở rộng phong trào Việt Minh. Từ căn cứ địa Cao Bằng, đoàn Nam Tiến và Bắc Tiến đã phát triển phong trào Việt Minh rộng khắp các tỉnh khu Việt Bắc; nối liền phong trào cách mạng ở miền xuôi và cả nước; tạo điều kiện cho việc ra đời khu giải phóng sau này, tiến tới Tổng Khởi nghĩa tháng 8/1945.
Dưới đây là một số hình ảnh về nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện nay:
Đường lên di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng
và một góc của bản người Dao có công với nước.
Nói về đời sống của đồng bào Dao nơi đây, ông Vũ Văn Khánh, Phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Cạn cho hay: Bản Bẳng là nơi ánh sáng cách mạng đến sớm nhất nhưng bây giờ chưa có ánh điện. Chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?/ Phố đông còn nhớ bản làng/ Ánh đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng..."
Con cháu cụ Triệu Phú Dương - gia đình có công nuôi Bác Hồ.