Cộng tác viên và Bạn đọc TÁC PHẨM MỚI đi thực tế Lai Châu

Nhằm tạo điều kiện cho các Cộng tác viên và Bạn đọc có tư liệu viết bài và giao lưu, học tập kinh nghiệm sáng tác với các Văn nghệ sĩ địa phương, Ban Biên soạn TÁC PHẨM MỚI đã tổ chức chuyến thâm nhập thực tế sáng tác tại tỉnh Lai Châu theo lời mời của Gái Núi Bùi Thị Sơn và chồng là Trai Rừng Phùng Cù Sân, cả hai là Hội viên Hội VHNT tỉnh Lai Châu. Đoàn gồm 21 người, đến từ nhiều tỉnh, do GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng làm trưởng đoàn.


Tặng TÁC PHẨM MỚI cho Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Tam Đường.

8 giờ sáng 20/4/2015, xe 29 chỗ khởi hành từ Nhà Hát Lớn, thẳng tiến hướng cầu Nhật Tân. Chẳng mấy chốc, xe đã bon bon trên đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, con đường Xuyên Á hiện đại. Thời tiết đẹp, xe chạy êm ru và cảnh sắc dọc đường khiến các văn nghệ sĩ phấn chấn, cười nói râm ran. 245 km trôi vèo sau 3,5 giờ rong ruổi. Dừng chân ở Thác Bạc, chúng tôi thật vui vì có cuộc gặp gỡ với đoàn công tác của VOV do Nhà báo Nguyễn Chu Nhạc dẫn đầu. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, hai đoàn tay bắt mặt mừng, chụp ảnh kỉ niệm rồi lưu luyến chia tay.
Lại rong ruổi trên những con đường hiểm trở của Tây Bắc. Dù đường đã được mở rộng rất nhiều nhưng tôi vẫn rùng mình bởi những khúc cua tay áo, những vực sâu thăm thẳm ngay dưới chân mình. Xa xa, dãy Hoàng Liên Sơn cao ngất, đỉnh Phan xi păng ẩn hiện trong mây. Mỗi lần xe lách lên hay gặp xe ngược chiều, tôi nhắm nghiền mắt, khấn thầm hai chữ bình an. Đến thị trấn Tam Đường, đã thấy Bùi Thị Sơn và các đồng chí ở UBND và Phòng VHTT huyện Tam Đường chờ đón, mở tiệc chiêu đãi. Người Tây Bắc nhiệt tình, mến khách, “mời rượu cả chum, mời quả cả cây”, nên Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chạm cốc và đáp từ không xuể. Gần chục cán bộ trẻ của UBND và Phòng VHTT huyện Tam Đường lần lượt đi mời rượu, giao lưu khiến cả đoàn ngất ngây say đến độ suýt quên quà của UBND huyện tặng. Đêm vùng cao huyền bí, bầu trời đen như nhung, những vì sao sa xuống thật gần, to và sáng lấp lánh. Không nỡ ngủ, chúng tôi chầm chậm tản bộ trong thị xã, trò chuyện và đọc thơ cho nhau nghe.
Giáo sư Nguyễn Lân dũng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Văn phòng UBND huyện Tam Đường và cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tam Đường
21/4, Trưởng Phòng VHTT huyện Tam Đường mời cả đoàn ăn sáng rồi cử hai nhân viên hướng dẫn đoàn thăm thác Tác Tình, nơi gắn với truyền thuyết về đôi trai gái không lấy được nhau cùng trẫm mình để giữ trọn tình yêu chung thủy. “Hận tình chảy xiết dòng đau/ Tự trời đổ xuống trắng phau rừng già”… Nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn đã để dòng cảm xúc trào dâng trong bài thơ lục bát. Sang thăm động Tiên Sơn, chúng tôi lạc trong 49 cung điện với những cái tên rất gợi: Cung Công Danh, Lạc Long Quân, Mẫu Âu Cơ, Bà Chúa Kho, Giải Oan, Xin Con… Chúng tôi đứng sững sờ trước những nhũ đá rủ từ trên xuống, những măng đá “mọc” từ dưới lên. Cột Đá Thề, Sân Rồng, Thềm Trinh Nữ... trải qua sự khắc nghiệt của thời gian vẫn đẹp lạ kì. Động Tiên Sơn nằm trong truyền thuyết 99 ngọn núi biểu tượng cho 99 chàng trai khỏe mạnh, cường tráng và 99 hồ nước trong xanh tượng trưng cho 99 cô gái cần cù, xinh đẹp. Quay lại đón Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đang nói chuyện với học sinh trường THCS thị trấn Tam Đường, chúng tôi đi qua những dãy đồi xanh mướt, nằm trong dự án trồng thử nghiệm 167, 31 ha cây mắc-ca của huyện Tam Đường. Trước khi rời thị trấn, cả đoàn còn ghé thăm điểm văn hóa du lịch Bản Hon. Đây là bản của dân tộc Lự, đồng bào có tục nhuộm răng đen và vẫn duy trì lối sống, phong tục của người dân tộc. Những con trâu con bò vẫn kêu ò ò, nhai nhóp nhép dưới gầm nhà sàn nhưng đã thấy mấy bể nước sạch công cộng, chắc là được chính quyền xây cho. Những ngôi nhà sàn bạc màu vì mưa nắng, những bộ váy áo dân tộc hoa văn sặc sỡ phơi trên bờ rào, những đống củi dự trữ xếp vuông vắn cạnh lối đi… quả là hấp dẫn không chỉ với chúng tôi mà cả dân “phượt” và dân tây du lịch ba lô. Đúng vào ngày lễ cúng rừng của bản, nên chúng tôi không gặp nhiều người, chỉ có chừng mấy chục đứa trẻ đi học về, đang trần truồng tắm suối, nô đùa hò hét vang trời. Thấy chúng tôi chụp ảnh, chúng vội che che đậy đậy, cười rất hồn nhiên.
Tổ ấm của Trai Rừng và Gái Núi đây rồi. Một ngôi nhà rộng rãi, khang trang, rực rỡ hoa lá. Trai Rừng Phùng Cù Sân - người chúng tôi đã làm quen qua truyện ngắn “Chuyện của Phủ Mìn” đăng Tác phẩm mới số Xuân Ất Mùi và qua các bài thơ của Gái Núi Bùi Thị Sơn viết - nồng nhiệt đón đoàn. Mắt đỏ hoe, Trai Rừng nắm tay tôi: “Được đón Giáo sư và các em lên với Lai Châu thế này anh cảm động lắm. Em nhìn xem, anh khóc rồi này”. Người trai dân tộc Dao ấy sống thật tình cảm. Anh còn khóc nhiều lần nữa khi kể về tình yêu nồng nàn với người bạn đời yêu dấu của mình, khi chứng kiến quan hệ thắm thiết, chân tình của bà con Xóm Lá, khi thấy vợ mình bịn rịn qua mấy chặng đường vẫn chẳng thể chia tay với bạn bè… Con trai, con gái, con dâu, con rể của anh đều có mặt trong bữa cơm thân mật gia đình mời đoàn. Thức ăn và tình người đầy ắp như rượu ngô sóng sánh. Con gái Phùng Hải Yến, phóng viên báo Lai Châu nói: “Mẹ cháu sống bằng tinh thần là chính. Cả nhà cháu đều yêu thương và ủng hộ mẹ hết lòng”. Nghe Bùi Thị Sơn và con gái, con dâu cùng hát bài Trai Rừng – bài hát phổ thơ Bùi Thị Sơn viết tặng chồng – tôi mừng cho bạn. Gái Núi Bùi Thị Sơn thật hạnh phúc được sống trong tình yêu của gia đình mình - một gia đình văn hóa và thành đạt.
Nghỉ ngơi chừng nửa tiếng, đã có xe của trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Lai Châu đón Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đi nói chuyện với 500 sinh viên của trường. Sự ngưỡng mộ, chào đón nhiệt liệt của các thầy cô giáo và sinh viên khiến Giáo sư quên hết mệt nhọc, trả lời từng câu hỏi của sinh viên. Tháp tùng Giáo sư, Trai Rừng sung sướng quá: “Anh nghe như nuốt từng lời. Đây sẽ là một kỉ niệm đẹp nhất trong đời anh.”
Hotel đoàn nghỉ chân ở ngay cạnh chợ. Buổi chiều, chúng tôi thích thú dạo xem đồng bào dân tộc bày bán các sản vật của nhà và của rừng. Rau xanh, cá suối, củ mài, ốc núi… tất cả đều tươi roi rói, hấp dẫn vô cùng. Buổi tối, đồng chí Giàng Páo Mỷ - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu mở tiệc chiêu đãi đoàn tại nhà hàng đặc sản Dân tộc Thái. Những món ăn ngon nhất được bày ra mời khách: cá suối, canh măng, trứng kiến, thịt trâu hun khói, thịt lợn muối chua, dế trũi rang giòn, xôi nếp nương nhuộm tím… Cơm ngon, canh ngọt, rượu nồng… đang say sưa trời bỗng đổ mưa rào rào, mát lạnh. Đồng chí đại diện UBND tỉnh nói vui: “Trận mưa này là mưa vàng mưa bạc, ngô của đồng bào đang hạn, cần nước vô cùng. Chắc là nhờ Giáo sư về thăm nên ông Trời mới mang mưa đến”. Mọi người cười vang, mang theo niềm vui sang Nhà Văn hóa dự buổi liên hoan văn nghệ.
(Còn tiếp)