Phần 2: Đêm xòe Thái và động PuSamCáp

Cách thành phố Lai Châu chỉ 6 km, Pu Sam Cáp mới được đưa vào du lịch chưa đầy 10 năm. Đó là một quần thể hang động huyền bí, đẹp tuyệt vời, một món quà vô giá của thiên nhiên tặng cho Tây Bắc. Nằm dưới những dãy núi trập trùng quanh năm mây phủ, ở độ cao 1300 đến 1700 m so với mặt nước biển, Pu Sam Cáp được ví như người đẹp ngủ quên giữa rừng sâu Tây Bắc. Đã nhiều lần đến thăm các quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, động Thiên Đường (Quảng Bình), động Thiên Cung (Quảng Ninh), động Hương Tích (Hà Tây cũ)… nhưng tôi cho rằng Pu Sam Cáp mới là đẹp nhất. Đẹp đến mức mỗi bước chân, mỗi xót xa bởi tiếc cho cái đẹp tuyệt vời, thiên nhiên đã mất nhiều triệu năm tạo dựng nay đang bị tàn phá bởi con người. Đau xót quá.

Nhằm tạo điều kiện cho các Cộng tác viên và Bạn đọc có tư liệu viết bài và giao lưu, học tập kinh nghiệm sáng tác với các Văn nghệ sĩ địa phương, Ban Biên soạn TÁC PHẨM MỚI đã tổ chức chuyến thâm nhập thực tế sáng tác tại tỉnh Lai Châu theo lời mời của Gái Núi Bùi Thị Sơn và chồng là Trai Rừng Phùng Cù Sân, cả hai là Hội viên Hội VHNT tỉnh Lai Châu. Đoàn gồm 21 người, đến từ nhiều tỉnh, do GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng làm trưởng đoàn.

Phần II. ĐÊM XÒE THÁI VÀ ĐỘNG PU SAM CÁP

Con gái Thái Tây Bắc từ xưa đã nổi tiếng vì sắc đẹp. Có hai câu thơ tả người con gái Thái rất hay: “Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Mây bay trong thau nước gội đầu…”. Người con gái Thái nước da trắng ngần, tinh khiết như hoa ban của núi rừng. Mái tóc đen óng ả khi gội đầu, buông dài như mây bay vào thau nước thơm hương rừng núi. Đêm nay, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy những người đẹp của núi rừng ấy tỏa sáng lung linh trong tiếng khèn, trong lời ca điệu múa. Sòn sòn sòn đô sòn/ Sòn sòn sòn đô rê/ Đô rê đô mí sì rê/ Đô rê mí rê đô là… Tiếng nhạc, tiếng gõ nhịp các thanh tre của điệu múa sạp đã dồn lên, náo nức. Các cô gái Thái uyển chuyển trong váy… áo cón, bay qua bay lại, đôi tay vẫy mềm như hai cánh bướm bên các văn nghệ sĩ hào hoa. Chẳng thể đứng yên, chúng tôi nắm tay nhau hòa trong điệu múa, vui cười như trẻ thơ. Hết múa sạp, chuyển múa xòe. “Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”. Câu dân ca Thái như mời gọi tất cả mọi người nắm tay nhau cho vòng xòe rộng mãi. Vòng xòe lớn quay xuôi, vòng xòe nhỏ quay ngược nhịp nhàng. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng nhập cuộc tự lúc nào, quên tuổi tác, quên cả hai cái stend trong tim đe dọa. Đêm càng khuya càng vui hơn, nhà sàn rung chuyển với những tiếng cười, lời thơ, điệu múa…
Sáng hôm thứ ba ở Lai Châu, chúng tôi được Trai Rừng và các casn bộ UBND tỉnh đưa đi thăm hang động Pu Sam Cáp. Cách thành phố Lai Châu chỉ 6 km, Pu Sam Cáp mới được đưa vào du lịch chưa đầy 10 năm. Đó là một quần thể hang động huyền bí, đẹp tuyệt vời, một món quà vô giá của thiên nhiên tặng cho Tây Bắc. Nằm dưới những dãy núi trập trùng quanh năm mây phủ, ở độ cao 1300 đến 1700 m so với mặt nước biển, Pu Sam Cáp được ví như người đẹp ngủ quên giữa rừng sâu Tây Bắc. Đã nhiều lần đến thăm các quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, động Thiên Đường (Quảng Bình), động Thiên Cung (Quảng Ninh), động Hương Tích (Hà Tây cũ)… nhưng tôi cho rằng Pu Sam Cáp mới là đẹp nhất. Đẹp đến mức mỗi bước chân, mỗi xót xa bởi tiếc cho cái đẹp tuyệt vời, thiên nhiên đã mất nhiều triệu năm tạo dựng nay đang bị tàn phá bởi con người. Đau xót quá.
Mà không đau sao được, khi hàng ngàn những nhũ đá, măng đá nguyên sơ, kì ảo  đang bị gãy ngang, bị giẫm đạp không thương tiếc. Những nhũ đá đẹp nhất bị con người khoan thẳng vào để đính một cái biển đặt tên: Sư tử, Lin ga, Cổng Trời… Vú Trinh Nữ đẹp lạ lùng nằm ngay trên nền động, không được bảo vệ, bầu vú nhỏ xinh cũng bị bôi sơn đỏ như máu, bị khoan vào bầu một cách thô thiển. Bầu vú nhỏ không mang nổi cái biển ghi tên, nên để lại một lỗ sâu trơ trẽn.
Hang vẫn đang trong quá trình tạo dựng. Những giọt nước từ trần hang vẫn tí tách đều đều để tạo ra măng đá, nhũ đá. Nước còn tạo vô số những dấu chân của thời gian trên nền hang, những ngấn sóng hóa thạch đẹp sững sờ. Lòng hang rộng mênh mông, chứa một kho tàng vô giá sắp bị phá hủy bởi bàn tay con người.
Có vội vã quá không khi Lai Châu đưa Pu Sam Cáp vào du lịch mà chưa có sự chuẩn bị kĩ càng? Pu Sam Cáp là một quần thể hàng chục hang động lớn nhỏ, hiện nay đã cho du khách thăm hai động là Thiên Môn và Thiên Đường. Đường vào động Thiên Đường vô cùng hiểm trở, nhiều chỗ phải bám dây leo đu lên, đu xuống. Các lối đi trong hang chỉ sơ sài vài cái cọc, chăng lên mấy sợi dây thừng làm chỗ vịn, không thể đảm bảo an toàn cho khách nếu chẳng may trượt chân. Bậc đi nhiều chỗ chỉ đơn giản là một nhát dao vạc vào vách đá, đủ chỗ cho bàn chân đặt nghiêng. Không có sự dìu đỡ, lôi kéo của bạn bè, chắc chắn chúng tôi không thể hoàn thành chuyến đi.
Nên chăng, Sở Văn hóa – Du lịch Lai Châu hãy dừng ngay việc khai thác du lịch Pu Sam Cáp để trước hết là bảo vệ quần thể hang động này trước khi quá muộn. Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đã đưa vào sử dụng, du khách đến với Lai Châu đã dễ dàng hơn rất nhiều. Pu Sam Cáp sẽ mang lại nguồn lợi lớn về du lịch nếu có hướng đầu tư thích đáng. Có thể tham khảo cách làm du lịch của hang Thiên Đường (Quảng Bình), cũng mới đưa vào khai thác. Một công ty tư nhân đã đầu tư, bảo vệ và bán vé vào cửa cao gấp mười lần vào Pu Sam Cáp mà khách vẫn đổ về đông nghìn nghịt, thu lợi vô cùng lớn. Nhưng cái lớn hơn, là sẽ bảo tồn và lưu giữ cho con cháu chúng ta món quà vô giá của thiên nhiên: Đó là quần thể hang động Pu Sam Cáp.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHUYẾN ĐI
Đường vào hang vô cùng hiểm trở
Vú Trinh Nữ vẫn còn mang trên bầu mấy cái đinh vít.