Chàng trông xe hạnh phúc
Tên chàng là Phúc, Trần Hạnh Phúc. Sau cái tên của chàng là cả một câu chuyện dài. Và nhiều long đong lận đận. Thông thường, cha mẹ nào cũng đều hạnh phúc, sung sướng khi có đứa con chào đời. Với cha mẹ chàng, hạnh phúc ấy nhân lên trăm ngàn lần. Bởi lẽ, khác với những người khác, cha mẹ chàng đều bị mù. Mù bẩm sinh. Nhà đã nghèo, còn bị mù.
Rõ là ông trời thích đùa còn gì. Mù thì sống thế nào, ai muốn lấy đây? Ở nhà quẩn quanh mãi, đến khi lớn phổng lên thì cũng muốn được ra ngoài, làm cái gì cho nó có ích, chứ mang cái tiếng tật nguyền, ăn bám hay ho nỗi gì.
Hai người, trùng hợp thế nào, cùng xin được vào làm cho một cơ sở sản xuất tăm tre dành cho người mù. Làm tăm tre lại tình cờ thế nào toàn ngồi cạnh nhau. Rồi ngẫu nhiên thế nào, lúc đưa tre, đưa dao vót, toàn chạm vào tay nhau. Bàn tay lao động, xương xẩu khô khỏng. Ấy vậy mà hễ cứ chạm vào nhau là toàn thân nóng rực. Bạn bè rỉ rả nói chuyện còn hai người thì nín thinh, tim chỉ muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.
Có lần, tay trong tay đến cả năm phút. Không nói nhưng mà thực ra cũng chả cần nói.
Nhưng rồi cũng có lúc cần phải nói. Rằng mời mọi người đến dự đám cưới chúng tôi. Cưới xin phải có mời mọc đàng hoàng chứ. Nó không giống cái lúc cầm tay nhau, chẳng muốn bỏ, cũng không cần phải nói.
Cơ sở sản xuất tăm tre tưng bừng mở tiệc ăn mừng đôi uyên ương thứ 6 của mình. Đám cưới hai nhà làm khiêm tốn. Vì cũng chả có tiền mà làm to. Khách chỉ mời hạn chế, chủ yếu là họ hàng bạn bè thân thiết. Nhưng khi đám cưới diễn ra thì cơ man là người. Người ở đâu đến mà đông thế. Chặt đường chật ngõ. Mắt ai cũng như cái đèn pha, dõi theo đôi uyên ương mù để dò xét, bình phẩm. Lạ thì xem. Tò mò thì xem. Vì chẳng có đám cưới nào mà cô dâu chú rể lại đeo hai cái kính đen như thầy bói thế cả. Người thì nhiệt liệt chúc mừng. Người thì thở dài. Hai đứa mù, sống với nhau để mà chết à.
Đã vậy, cha mẹ chàng quyết sống cho người ta thấy, chết đâu phải là dễ. Hai người làm hùng hục bằng hai bằng ba người khác. Nào thì làm tăm, nào thì đan rổ rá, làm hàng thủ công xuất khẩu. Cơ sở sản xuất ngày càng đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường. Tuy mù lòa nhưng mẹ chàng khéo léo, cha chàng thừa sự kiên trì. Nhất là khi biết tin mẹ chàng có bầu, cha chàng càng làm việc hăng hái hơn.
Chuyện đến đây tuyệt đối không thể dài dòng. Vì ai cũng biết chàng chính là "tác phẩm vĩ đại" ấy. Và cũng phải nói ngay rằng, chàng không mù. Ơn trời. Ông trời cũng chỉ trêu chọc thế chứ cũng không làm khó cho chàng. Chàng trắng trẻo, mới đẻ ra chân tay đã đấm đá loạn xạ ra chiều phởn chí lắm.
Chàng khi đó, rõ là một đứa bé hiếu động và ngoan. Trong lúc mẹ chàng còn sờ miệng con để nhét ti vào, thì chàng đã nhanh nhẹn hóng cái miệng chim non đói mồi, tợm gọn lấy bầu sữa căng nức, mút lấy mút để. Mẹ chàng tựa lưng vào gối, đỡ đầu con lên cao cho "bữa tiệc" thêm phần thoải mái. Lúc con ngủ, mẹ mới có thời gian ve vuốt, lần sờ, nắn chân nắn tay con. Lần nào lần nấy, nước mắt mẹ cũng lã chã.
Con mở mắt dậy, quẫy đạp, là tim mẹ thót lại,bắt đầu cuộc chiến đấu mới. Dây buộc từ tay mẹ vào chân con. Tai mẹ nắm bắt từng cử động từ nơi con. Khi nào dây căng là hốt hoảng sờ tìm con, ngăn trước khi con lộn cổ xuống đất. Nhưng cũng chẳng ăn thua. Cái đứa trẻ là chàng sao mà hiếu động.
Lúc chàng lẫm chẫm biết đi, cha quây phòng lại, dẹp tất cả các chướng ngại vật. Chàng tha hồ lê la, bò, lăn, đi trong không gian chật hẹp ấy. Nhưng chàng vẫn bị ngã lên ngã xuống do mẹ không thể nhìn thấy con lúc sắp ngã mà đỡ. Con ngã, mẹ khóc con khóc. Bà hàng xóm thương tình bế chàng sang chơi với đứa con cùng sàn sàn tuổi, để bà trông luôn thể. Cũng nhờ ngã nhiều, mà chàng biết cẩn trọng hơn.
Khổ nỗi, đã biết đi là ham chạy. Sổng một cái là chàng lao ra sân, đi như một mũi tên . Mẹ chàng khua khoắng trong không khí, gào lên bất lực : "đợi mẹ, con…". Mặc kệ tiếng mẹ gào, chàng thích cảm giác của một mũi tên xé gió. Hậu quả là đầu gối chàng tướm máu. Mẹ chàng cả đêm sụt sịt, cả đêm rờ rẫm da thịt con, đếm từng vết sẹo.
Tai nạn thống thiết nhất là khi chàng ba tuổi. Cái bếp lò mẹ vừa nhóm để đặt nồi kho cá. Lửa rần rật bén vào từng thớ than, rực sáng một góc sân. Chính vì thế cái bếp lập tức thu hút sự chú ý của chàng. Trong lúc mẹ chàng quay vào nhà thì chàng hý hửng lao đến. Chàng chọc chọc cành cây khô vào lửa. Lửa lóc bóc sém vào thân cây. Chàng hứng chí với tiếp một cành cây nữa, rơi gần đấy. Rồi cành nữa. Cành nữa. Chân chàng chạy vòng quanh bếp lò như hòn bi lăn tròn trên miệng vung. Trong lúc cuống quýt vì lửa bùng quá nhanh, chàng vấp chân, ngã sấp xuống.
Aaaaaaaaaaaaa……………
Mẹ chàng chưa khi nào nghe tiếng gào của con đau đớn, khiếp đảm như thế.
Aaaaaaaaaaaaa……………
Từ nhà lao ra, mẹ chàng cuống cuồng như vụn giấy trong lốc, nhưng trong cơn hoảng loạn, bà không biết làm cách nào để tìm được con một cách nhanh nhất sau tiếng gào chết ngất kia . Chỉ biết thảm họa đã xảy ra. Nó là cái gì? Bà không biết.
Trong tích tắc ấy, bà hàng xóm, chạy cắt ngay đầu xe ô tô, sấn sang bên đường nhà chàng, nhấc chàng ra khỏi cái bếp đang rừng rực cháy. Những người hàng xóm gần đấy cũng lao đến. Nước mát tưới lên mặt chàng. Khăn mát đắp lên mặt chàng. Nhưng chàng vẫn như một hòn than đang cháy. Cháy lớn đến độ chàng không chịu đựng nổi. Chàng gào lên.
Quá kích động trước tiếng gào thét của chàng, mẹ chàng trở nên hung tợn. Bà một mực xô hết mọi người ra, ôm chằm chặp lấy chàng. Nhưng chàng cần được sơ cứu khẩn cấp.
"Mẹ thằng Phúc, bỏ con ra đi!"
Nhưng mẹ chàng quyết không bỏ. Bà gầm gào như một con sư tử bị chọc thương và gạt ngã tất cả ai đến gần chàng.
Quá đau đớn vì nóng, vì bị mẹ ôm quá chặt, chàng gào thét lạc giọng. Tiếng gào thét khiến mẹ chàng càng bị kích động hơn. Để đảm bảo an toàn cho chàng, một thanh niên lực lưỡng buộc phải dùng vũ lực đưa bà vào trong nhà. Cũng may ngay sau đó xe cấp cứu đến kịp.
Sau lần ấy, chàng bị hỏng nửa khuôn mặt. Dù đã chắp vá đủ kiểu, nửa khuôn mặt chàng vẫn dăn dúm và loang lổ. Giống mặt ruộng sau khi vừa đốt chân rơm
Sau lần ấy, năm 12 tuổi, chàng tiếp tục gặp hạn. Trong lúc leo lên tầng hai, chàng bị ngã nhào. Cú ngã nhanh, bất ngờ đến mức chàng không hiểu vì sao mình ngã. Đến khi nằm lịm trên đất, hai chân mất cảm giác, chàng vẫn còn ngỡ ngàng.
Sau mấy tuần bó bột, ngứa phát rồ dại, chân chàng cũng đi lại được, nhưng cái dáng đi khuỳnh khoàng, hơi tức mắt. Như thế vẫn là tốt lắm rồi.
Tuy nhiên có phải vì lần ngã ấy mà sau này chàng không cao lớn được hay không, thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Dù sao chàng vẫn tên là Hạnh Phúc.
Chàng là ánh sáng của cha mẹ.
*
Bây giờ thì chàng làm nghề bảo vệ kiêm trông xe cho một viện nghiên cứu ở H.
Cao chưa đến một mét rưỡi, một bên má nám xịt, dăn deo và đôi mắt luôn buồn rầu. Chàng không cần phải giới thiệu tên, vì khách đến đọc được tên chàng ghi sẵn trên thẻ tên đeo trước ngực áo.
Thời gian đầu mới đi làm, chàng còn bối rối khi người ta dừng mắt ở biển tên ấy khá lâu. Rồi len lén nhìn nửa khuôn mặt như chân ruộng sau khi đốt đồng của chàng. Chàng cảm giác như mình đang bị bóc mẽ. Mà thực ra có gì để bóc mẽ đâu. Chàng nhỏ con, xấu xí, và làm nghề bảo vệ kiêm trông xe. Tất tần tật như thế. Có gì cần phải bóc mẽ. Dần dà, chàng biết tiết chế cảm xúc của mình. Khuôn mặt không biểu cảm. Chàng diễn được nó khá tốt.
Hiếm khi thấy chàng cười. Chàng cũng ít nói. Chàng cũng không mặt khó đăm đăm nhìn khách, hay thỉnh thoảng quên trả tiền thừa cho khách. Cơ bản khách đến viện gặp chàng, không ai phàn nàn gì. Thậm chí người ta còn nhớ tên chàng. Thậm chí người ta – với trí tưởng tượng phong phú- còn dựng nên nhiều câu chuyện về chàng, mà nếu chẳng may chàng có nghe chắc sẽ tự hỏi: lẽ nào còn có ai khác có tên giống mình? Những câu chuyện sinh ra từ trí tưởng tưởng, đôi lúc như quả bóng bay xa quá, cứ nhìn mãi thì cũng mỏi cổ.
Thực ra thì chàng cũng chẳng bận tâm. Thuở nhỏ, có người còn chả buồn gọi tên chàng. Toàn réo "thằng con mù ơi". Thế thì đã làm sao?
Làm bảo vệ, trông xe ở Viện cũng nhàn nên những lúc vắng vẻ, chàng thích ngồi tựa ghế, nhìn cây lộc vừng mọc chênh chếch cổng ra vào . Cây mới trồng vậy mà ngay mùa đầu tiên, những tràng hoa đã chen nhau thả từng chùm dây hoa lúc lỉu như giăng câu . Rồi từng đóa bung nở, đỏ chói, sáng rực sân Viện. Chàng cứ nhìn hàng giờ chuỗi dây hoa lấp lánh trong nắng. Không ai biết chàng nghĩ gì, buồn hay vui. Chỉ biết khi mùa lộc vừng lụi, thì tóc chàng bỗng dưng ngả bạc. Thực sự không ai lý giải được. Tuổi ba mươi, tóc người ta không bạc nhiều đến thế, và bạc nhanh đến thế. Nhưng mà cũng chả biết chia sẻ, hay động viên chàng thế nào. Vì cách giao tiếp với chàng chỉ là chìa tay nhận vé và dắt xe qua. Hỏi gì chàng cũng chỉ qua quýt vài câu cho phải lẽ. Rồi thì nín thinh cả ngày. Ngày qua ngày. Cách chàng giao tiếp chỉ bằng cánh cổng mở ra đóng vào, bằng tấm vé gửi xe phát ra thu lại. Mùa hè cũng như mùa đông. Buồn cũng vui. Chưa ai hỏi chàng có hạnh phúc không? Người mang tên Hạnh Phúc lẽ nào lại không hạnh phúc ư?
*
Chính thức sáng thứ hai, tuần thứ 3 của tháng 11, Viện trưởng nhận được lá đơn xin thôi việc của chàng.
Trình tự mọi việc được báo cáo lại như sau:
7g, cô nhân viên tạp vụ đến cơ quan dọn dẹp nhưng phát hiện phòng bảo vệ trống trơn. Cô này tìm mọi cách gọi, đánh động nhưng không thấy có tiếng thưa. Chuyện này chưa từng xảy ra. Thấy sự bất ổn, cô nhân viên tạp vụ tức tốc gọi điện cho trưởng phòng hành chính. Trong lúc điện thoại qua lại thì đã thấy bà hàng nước hối hả đi đến, xòe ra chùm chìa khóa. Nội dung thông báo như sau:
"Anh ấy không nói gì cả, chỉ nhờ tôi cầm hộ chìa khóa rồi đi. Thế thôi"
"Thái độ anh ấy thế nào?"
"Chẳng thế nào cả. Vẫn như mọi ngày."
7g30 trưởng phòng hành chính có mặt ở cơ quan, tiến hành lập biên bản. Sau khi kiểm tra sơ bộ, đánh giá: Phòng bảo vệ không mất mát gì. Các phòng ban khác cửa vẫn khóa an toàn. Chỉ có nhân viên bảo vệ Trần Hạnh Phúc không xuất hiện.
Tại cuộc họp cơ quan lúc 8g30, Viện trưởng thông báo về nội dung lá đơn xin thôi việc của nhân viên bảo vệ Trần Hạnh Phúc. Đơn được đặt trên bàn làm việc của Viện trưởng.
Nội dung cuộc họp giao ban đầu tuần dành cho việc "phân tích, xử lý trường hợp nghỉ việc của nhân viên bảo vệ Trần Hạnh Phúc".
Phòng hành chính cắt cử người làm thay công việc cho nhân viên bảo vệ Trần Hạnh Phúc. Phòng nhân sự tìm hiểu lý do vì sao nhân viên bảo vệ Trần Hạnh Phúc xin nghỉ việc. Phòng tài chính kiểm tra các khoản thu chi liên quan đến nhân viên bảo vệ Trần Hạnh Phúc. Các phòng ban cung cấp thông tin về nhân viên bảo vệ Trần Hạnh Phúc nếu có.
Ngày hôm đó, tên chàng được liên tục nhắc đến.
Ngạc nhiên. Thắc mắc. Tò mò. Âu lo. Nghĩ ngợi…
Người trong Viện nói chuyện về chàng với đủ mọi sắc thái tình cảm.
Lương tháng trước chàng còn chưa nhận. Lương tháng này cũng sắp được phát. Chàng đi làm mà không quan tâm đến đồng lương thì quan tâm đến điều gì? Nếu chàng đã muốn ra đi sao chàng không ra đi sớm hơn, ở thời điểm nào khác, mà lại đúng vào lúc này? Chẳng ai nghĩ được ra lý do khiến chàng đột ngột biến mất.
Cơ bản mọi người thống nhất được với nhau rằng mọi thứ với chàng đang ổn thỏa. Ổn thỏa theo tiêu chí hiện thời: công ăn việc làm ổn định, cuối năm luôn được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân không bị điều tiếng gì.
Những lý do phải huy động trí tưởng tượng cũng đành bó tay. Chàng kiếm được công việc chỗ khác tốt hơn? Làm gì có. Chàng đột nhiên có được tài sản kế thừa kếch sù từ một người họ hàng làm ăn xa từ lâu, nay mới trở về? Làm gì có. Chàng bất mãn với công việc hiện tại? Lại càng không.
Người ta chỉ tập trung về mái tóc của chàng, trước khi chàng biến mất. Mái tóc của một ngày sương muối phủ dầy. Tại sao?
Chàng có nỗi khổ tâm không thể nói ra? Nỗi khổ tâm đó là gì? Không một ai biết.
Và chàng thì đột ngột biến mất.
Người ta ngỡ ngàng, sửng sốt nhận ra rằng dù đã làm khá lâu ở Viện, nhưng đến lúc chàng đột ngột biến mất thì chỉ còn duy nhất lá đơn là xác nhận về sự (đã từng) tồn tại của chàng. Không điện thoại. Không một dòng địa chỉ. Lâu nay, mọi liên lạc, hay quản lý liên quan đến hành chính, cư trú, chàng đều lấy địa chỉ của Viện, xác nhận từ Viện. Nay, chàng từ chối nơi cư trú của mình.
Vả lại, nếu chàng thực sự muốn bỏ tất cả để ra đi, để biến mất vào một ngày đẹp trời thì "người ra đi đầu không ngoảnh lại", cần gì phải để lại một lá đơn. Lá đơn – rốt cuộc càng khiến mọi người bối rối hơn. Chàng vẫn giữ ý thức nề nếp của một nhân viên: nghỉ có báo cáo.
Chàng đi đâu?
Chủ tịch công đoạn hối hận về việc chưa từng hỏi chàng về nhà cửa, gia cảnh. Thanh minh thanh nga rằng sợ hỏi về cha mẹ thì làm cho chàng buồn. Ừ, thì cha mẹ mù lòa, nghèo khó thì tôi mới ngồi làm bảo vệ ở đây chứ. Với lại quanh năm suốt tháng chàng ở trong phòng bảo vệ. Lúc nào cần là có chàng. Lẽ ra bảo vệ phải có hai người. Đằng này, kinh phí hạn hẹn, chàng lại đồng ý làm việc 24/24 giờ, 7/7 ngày, lương chỉ phải trả thêm một ít làm ngoài giờ. Thế là cơ quan chẳng có lý do gì mà không tận dụng chàng luôn.
Bây giờ thì chàng đã đi.
Phòng bảo vệ chàng từng ở, ngăn nắp và không còn dấu vết gì của chàng.
Chàng đi đâu?
*
Năm chàng hai mươi, mẹ chàng mất. Người phụ nữ đến lúc lìa đời chỉ mong được nhìn mặt con trai, dù ngay cả khuôn mặt mình bà còn chưa từng được tỏ tường. Bàn tay khô xác của bà bò chậm chạm trên khuôn mặt chàng. Nước mắt bà khô quánh. Cuộc đời người mẹ mù lòa, cực nhọc đã không thể làm được gì tốt hơn cho con được nữa. Bàn tay bà dừng lại trên nửa khuôn mặt nhăn nhúm của con. Rồi nằm mãi ở đấy. Ngay cả khi tim bà đã ngừng đập, bàn tay vẫn nằm lại trên khuôn mặt đứa con trai. Bàn tay ăn năn, ân hận. Gục trên ngực mẹ, chàng khóc rất lâu, thầm thì rất lâu. Mãi tới lúc ấy, bàn tay của người mẹ mới chịu rơi xuống, nép lại bên thân hình mỏng mảnh. Cho một cuộc ra đi không ngày trở lại.
Mẹ mất, ngôi nhà còn hai người đàn ông. Khác với mẹ, cha không bao giờ chạm vào khuôn mặt chàng. Có lẽ cách biểu lộ tình cảm và sự quan tâm của người cha vĩnh viễn không bao giờ giống với những người phụ nữ. Ông cố gìm những cơn ho khi đêm xuống, tránh không làm con thức giấc. Có khi ông bâng quơ nói với con về cuộc đời, mà ông chỉ có những trải nghiệm trong bóng tối mịt mùng. Mọi giác quan lúc nào cũng phải căng ra. Ông kể với con cảm giác lần đầu tiên được bế một đứa trẻ trên tay. Non nớt. Run rẩy….
Khi ấy ông nghe thấy những tiếng cười nhạo. Chúng đập vào tai, tựa như những quả bóng được thổi căng đến cực đại. Chỉ dấn thêm chút nữa là vỡ bung cả màng nhĩ. Cảm giác ấy bức bối kinh khủng. Nhưng chưa bao giờ ông kể với chàng về điều ấy. Ông dạy chàng cách ông đã nhìn ánh sáng trong bóng tối. Ánh sáng giúp ông nhìn thấy gương mặt chàng, ánh mắt chàng.
Ông ra đi vào một ngày đẹp trời. Phút lâm chung, ông nói với chàng về một bình minh mưa, trong veo, mát lạnh. Về một người phụ nữ có bàn tay khô gầy nhưng ông yêu hơn hết thảy, đang chờ ông về đoàn tụ.
Chàng đã không khóc lúc đưa tiễn cha về nơi an nghỉ cuối cùng.
Thời gian sau, do có người giới thiệu, chàng về Viện làm bảo vệ. Làm ngót nghét chục năm.
Cho đến cuộc ra đi bất ngờ, không ai lý giải được.
Chàng đi đâu?
*
Chuyện về chàng Hạnh Phúc hẳn sẽ mãi mãi là một bí mật.
Cho đến một hôm, cô nhân viên thư viện bỗng buột miệng ca cẩm về chuyện giấy báo cũ nhiều quá. Ngày xưa thể nào cái cậu bảo vệ tên là Hạnh Phúc chẳng lăm le trước cửa chực dọn. Mà có ai lại dở hơi như cậu ta không. Đi xin giấy báo cũ để cho cái con bé đồng nát sắt vụn ất ơ nào đó. Con bé đó trong mặt mũi thì có vẻ hiền lành thật thà. Nhưng hiền lành thật thà gì cái ngữ nó. Cái hôm nó loắng quắng lên dọn phòng thư viện, cô nhân viên thư viện bị mất tiêu 1 triệu đồng là gì. May mà hôm ấy trong ví chỉ có 1 triệu. Chứ nhiều hơn nữa thì có mà chết với quân vừa gian vừa tham ấy.
Tiện đà, cô nhân viên thư viện xả cả một tràng. Cho bõ.
Cái quân vừa gian vừa tham ấy, bỗng dưng nó xuất hiện, nó thì thọt với anh bảo vệ. Một điền anh ạ, hai điều anh ạ. Thế thì gì mà chả mụ mẫm cả người. Cậu kia hiền lành tốt tính thôi. Nhưng tốt gì thì cũng phải cảnh giác chứ. Mà khổ thế, cái cánh đàn ông, đắm sông đắm biển gì cho cam, toàn đắm phải đò đàn bà.
Cô bé thực tập sinh mắt tròn mắt dẹt, ngứa mồm hỏi thêm: "Sau đó thế nào hả chị?"
Cô nhân viên thư viện chép miệng: "Còn thế nào nữa. Con bé mất tích luôn. Không tăm hơi hình dạng. Cậu bảo vệ thì khổ tâm thấy rõ. Thì ai bảo. Nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy thương cho cậu ta hiền lành tử tế, nhưng thiếu kinh nghiệm lắm. Chắc bị con bé kia nó lừa phỉnh."
"Lừa phỉnh gì ạ?"
"Lừa tiền, lừa tình. Cái thứ ấy có mà đầy rẫy. Nên mày con trẻ, phải cận thận đấy em ạ."
Cuộc đối thoại trong phòng kín nhưng volume hơi to, khiến cho sếp tình cờ ngang qua phải dừng lại nghe ngóng.
"Sao chuyện này tôi chưa nghe ai kể gì hả" - Cửa phòng bật mở.
"Sếp ạ. Là tại vì… thực ra là …em chưa nói với ai. Em… em … chỉ …ngờ thế thôi. Chứ thực ra … chẳng có chứng cứ nào. Mà em cũng có nhắc cậu ấy phải cận thận, cảnh giác. Chứ cái việc cậu ấy xin nghỉ, em nghĩ chắc là có việc gì đó. Chứ ai lại dại dột nghe cái con bé lang thang đầu đường xó chợ ấy mà làm gì?"
"Chị bảo ai lang thang đầu đường xó chợ?"
Cửa đóng sầm trước con mắt ngơ ngác của hai cô cháu phòng thư viện.
*
Có những bí mật đáng quẳng ngay vào sọt rác.
*
Chàng tên là Hạnh Phúc.
Chàng có đi đâu, làm gì, chàng cũng có quyền được hạnh phúc./.