Ông chủ Truyền hình An Viên: "Tôi không tin bầu Kiên"
ÔNG PHẠM NHẬT VŨ LÀ AI? (bài và ảnh của Vi An): Ông Phạm Nhật Vũ (em trai ông Phạm Nhật Vượng) là người theo đạo Phật và rất kín tiếng. Hàng ngày, ông vẫn thường ở tại “tổng hành dinh” của AVG - Nhóm các nhà đầu tư An Viên tại 15AV Hồ Xuân Hương – Hà Nội. Ông Vũ là con trai thứ 3 của ông Phạm Dương (tên thật là Phạm Nhật Quang). Ông Dương lấy vợ quê ở Hải Phòng, sinh 3 người con gồm: Phạm Nhật Vượng (1968), Phạm Thị Lan Anh (1970), Phạm Nhật Vũ (1972). Cả ba người con của ông Phạm Dương đều sinh ra trên đất Hải Phòng. Cùng với người anh trai Phạm Nhật Vượng, ông Phạm Nhật Vũ từng làm ăn tại Liên Xô (cũ). Sau này, khi trở về Việt Nam, hai anh em họ Phạm bắt tay vào kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, sau này, ông Vượng tập trung vào kinh doanh bất động sản và y tế. Còn ông Vũ đầu tư chính vào khoáng sản và truyền thông.
Ông Phạm Nhật Vũ (bìa phải) là người mời ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó TGĐ Truyền hình Việt Nam về làm TGĐ Truyền hình An Viên (bìa trái) - Ảnh Vi An
Vào năm 2004, ông Vũ tuyển dụng một nhóm nhân sự và bắt đầu nghiên cứu truyền hình trả tiền.
6 năm sau, ngày 11/11/2010, Truyền hình An Viên mới bắt đầu phát sóng thử nghiệm và 1 năm sau đó khai thác thương mại.
Đồng thời, ông Vũ cũng đã hợp tác với một số đơn vị khác như Truyền hình An ninh, Truyền hình Thông tấn Xã Việt Nam.
Ngoài ra, ông Vũ cùng các nhà đầu tư An Viên cũng đã đầu tư vào một số trang mạng khác.
Trong một lần tiếp xúc với báo chí, ông Vũ giới thiệu mình là một cư sĩ ở ẩn, tu tại gia và theo đạo Phật.
Ông Vũ được công chúng biết đến nhiều hơn khi mua độc quyền bản quyền truyền hình giải bóng đá V-League 20 năm. Sau đó, bầu Kiên đăng đàn phản đối, thành lập công ty VPF với mục tiêu giành lại giải này từ VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đơn vị ký độc quyền với AVG- Truyền hình An Viên).
Tại thời điểm này, nhiều bài viết chĩa mũi nhọn vào AVG nhưng ông Vũ vẫn im lặng một thời gian khá dài. Những người thân cận ông chia sẻ: Triết lý kinh doanh của AVG gắn với đạo Phật, chú tâm xây dựng chất lượng từ bên trong, còn những ý kiến trái chiều bên ngoài chỉ mang tính tham khảo.
“Có nhiều thông tin khác nhau về AVG. Cá nhân tôi không sợ người ta nghĩ xấu hay nghĩ sai về mình. Tôi chỉ sợ cái tâm mình sai, tâm mình xấu thôi”, ông Vũ chỉ nói ngắn gọn khi báo giới chất vấn.
Với đối tác cũng như thuộc cấp, ông Vũ thường nói về triết lý: "Tôi là người luôn tiết kiệm lời hứa. Bởi tôi không muốn mình là người thất hứa".
Trên thực tế, ông Vũ đã nói là làm, gần như không thất hứa bao giờ.
Khi tranh chấp giữa VFF và VPF tới đỉnh điểm căng thẳng, ông Phạm Nhật Vũ, với tư cách là Chủ tịch AVG đã có bài viết gửi một số báo với tựa đề “Tôi không tin bầu Kiên”.
“Trở lại với bản quyền bóng đá, kể từ khi anh Kiên nói và khởi động việc thành lập VPF, tôi đã quan sát, đã lắng nghe rất kỹ. Nhưng mãi đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa hiểu động cơ và tính mục đích của việc đòi xem lại hợp đồng mà VFF đã ký với AVG. Chưa thấy mối liên quan nào giữa việc xây dựng và phát triển bóng đá (là một trong các mục tiêu của việc thành lập ra VPF) với việc đòi xem xét và lấy lại bản quyền của AVG”, ông Vũ viết.
Ông Vũ đã đúng. Sau này bầu Kiên đã bị bắt. Giải bóng đá V-League không những không khá hơn mà hiện đang có dấu hiệu tệ hơn trước.
Trong giới tăng lữ, ông Vũ còn được biết đến với vai trò là Cư sĩ Phạm Nhật Vũ, Phó Ban Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Nhiều năm nay, ông là người âm thầm đầu tư xây và sửa nhiều ngôi chùa trên nhiều địa phương trong cả nước.
Ông Phạm Nhật Vũ không muốn mọi người gọi AVG là Tập đoàn An Viên mà đơn giản chỉ là Nhóm Các nhà đầu tư An Viên (An Viên Group).
AVG có nhiều công ty con, trong đó có Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu, Công ty Cổ phần Truyền thông và Viễn thông An Viên, Công ty cổ phần An Minh, Công ty Cổ phần Truyền thông Tri thức…
Trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán không có tên ông Phạm Nhật Vũ. Tuy nhiên, giới kinh doanh địa ốc, khoáng sản và truyền thông chắc chắn không có ai không biết đến ông Vũ.
(nguồn: Báo Gia đình Việt Nam)