PGS. Văn Như Cương nói về giáo viên bị phụ huynh nhắn tin đe doạ!

Mới đây, PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh có cuộc nói chuyện với báo điện tử Gia đình Việt Nam về vụ việc phụ huynh một em học sinh dùng những lời lẽ đe dọa, lợi dụng chức quyền nhằm gây sức ép, buộc nhà trường nâng hạnh kiểm cho con em mình.


 

Thưa thầy, được biết, mới đây trên trang cá nhân của mình, thầy có chia sẻ một câu chuyện về phụ huynh học sinh của trường đã dùng lời lẽ thách thức và đe dọa đòi nâng hạnh kiểm cho con em mình. Xin thầy cho biết rõ hơn về sự việc này?

Như tôi đã thông tin trên Facebook, mẹ của học sinh lớp 8 trường Lương Thế Vinh đến gặp cô chủ nhiệm để đề nghị cho con mình xếp loại hạnh kiểm tốt thay vì hạnh kiểm khá. Cô chủ nhiệm đã giải thích lý do tuy nhiên mẹ em học sinh này phản ứng khá gay gắt: "Tôi mất tiền đưa con vào đây thì các cô phải phục vụ chứ! Nếu không được tôi xin rút hồ sơ chuyển trường cho con”.
Sau đó ông bố của học sinh đã nhắn tin cho cô chủ nhiệm với nội dung: "Tôi đang đi thanh tra Quảng Nam. Cuối tháng tôi sẽ đến trường gặp lãnh đạo cao nhất của trường làm việc về việc của Cháu Q. . Nếu cần thiết, tôi sẽ yêu cầu thanh tra Bộ xuống chứng kiến buổi làm việc".
Thưa thầy, lý do vì sao em Q. lại được đánh giá ở mức hạnh kiểm khá?
Em Q. có nhiều khuyết điểm trong học tập cũng như kỷ luật. Nhiều lần em Q. đã phải làm bản kiểm điểm. Mời phụ huynh của em Q. tới thì mẹ em ấy trả lời là những bản kiểm điểm đó có ký nhưng không đọc nội dung. Trong buổi họp phụ huynh, bố mẹ của em này cũng vắng mặt. Đại khái, theo phản ánh thì phụ huynh em này không quan tâm đến con cái.
Theo thầy, tính chất của tin nhắn từ bậc phụ huynh này là như thế nào?
Ở trường hợp này, rõ ràng đây là một hành động mang tính chất đe dọa một cách vô học, thiếu suy nghĩ, thách thức cán bộ nhà trường.
Trước những hành động, lời nói và tin nhắn đe dọa từ phía phụ huynh em Q. nhà trường và thầy cô đã có hành động như thế nào?
Tôi được biết là cô chủ nhiệm đã đáp trả lại tin nhắn của cha em Q. như sau: “Khi nào anh về và anh muốn tới trường làm việc thì anh nói. Nhà trường sẽ bố trí làm việc với anh. Nếu có Bộ về chứng kiến thì thầy hiệu trưởng và cô chủ nhiệm sẽ cùng làm việc”.
Tuy nhiên, tôi không đồng tình với cách làm của cô chủ nhiệm. Theo tôi, nhà trường không cần phải đáp lại những tin nhắn với giọng điệu thách thức như vậy. Nếu khi nào phụ huynh của em này muốn làm việc với nhà trường thì cứ tới, tôi với cô chủ nhiệm sẽ làm việc. Còn nếu Bộ Giáo dục xuống, tôi sẵn sàng tiếp!
Vậy, sau khi nhận được lời đe dọa “mời cả thanh tra Bộ xuống chứng kiến” thì nhà trường đã xử lý trường hợp của em Q. như thế nào?
Nhà trường vẫn giữ nguyên mức hạnh kiểm Khá cho em Q.
Sau khi nhận được mức hạnh kiểm này, gia đình em Q. có sự phản hồi nào về nhà trường hay không? Và lời đe dọa sẽ về trường làm việc và “yêu cầu thanh tra Bộ xuống chứng kiến” có diễn ra hay không, thưa thầy?
Tất nhiên là phụ huynh của em ấy cũng sẽ không phản hồi lại gì cả. Và tất nhiên cũng chẳng có thanh tra của Bộ nào xuống để chứng kiến hay làm việc cả.
Theo như thông tin thầy đã cho biết thì phụ huynh của em Q. đã rút hồ sơ khỏi trường?
Đúng vậy. Ông cháu Q. đến rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Ông của cháu Q. đã nói với cô giáo chủ nhiệm của cháu rằng: "Tất cả những gì cô làm là đúng với lương tâm nhà giáo, đó là việc làm nhân hậu và có tính giáo dục. Con tôi khi giao tiếp non nớt quá...".
Thầy nhận xét sao về cách hành xử của phụ huynh em Q.?
Với mức hạnh kiểm phản ánh đúng thực tế này, học kỳ sau em học sinh này sẽ phấn đấu học tốt lên, có kỷ luật cao hơn. Đó là chuyện rất bình thường nhưng phụ huynh của em lại không hiểu. Họ đứng ở trong tâm thế của bệnh thành tích. Cái gì cũng phải tốt cả, chứ không khá được.
Một sự việc như vậy xảy ra tại chính ngôi trường của mình, thầy có suy nghĩ như thế nào, thưa thầy?
Chuyện này rất bình thường thôi.  Trong số hơn 3500 học sinh của trường thì nhiều phụ huynh học sinh cũng có quan niệm như thế này thế khác. Các bậc phụ huynh cũng nên rút kinh nghiệm, cũng nên phối hợp đồng bộ với nhà trường, đừng nên che giấu khuyết điểm của con, đừng đánh giá con mình cao quá.
Theo thầy thì vị phụ huynh của em học sinh, người tự nhận mình có thể yêu cầu thanh tra Bộ tham gia vào vụ việc, có thể là ai?
Tôi nghĩ nếu là thanh tra thật thì có lẽ thanh tra của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, theo tôi thì vị phụ huynh này chỉ muốn đe dọa nhà trường, chứ có lẽ ông ấy chẳng là thanh tra hay nắm chức vị gì cả. Vì thanh tra thật thì người ta không bao giờ có giọng điệu như thế.
Giả sử, phụ huynh của em Q. thật sự là một thanh tra của Bộ Giáo dục thì nhà trường có xử lý vụ việc như trên hay không?
Tất nhiên là sẽ như vậy. Nếu phụ huynh em Q. có là thanh tra của Bộ đi chăng nữa thì cũng chẳng sao cả. Thanh tra thì thanh tra, chúng tôi làm đúng thì chúng tôi chẳng sợ gì cả. Cách xử sự của chúng tôi quá rõ ràng.
Rất cảm ơn thầy đã chia sẻ với độc giả báo điện tử Gia đình Việt Nam!
Hồng Hạnh
Nguồn: http://www.giadinhonline.vn/pgs-van-nhu-cuong-noi-ve-giao-vien-bi-phu-huynh-nhan-tin-de-doa-d17010.html