“Tình yêu của King” – một góc nhìn về thân phận con người

(Giới thiệu tập truyện ngắn “Tình yêu của King”của tác giả Đinh Quang Vinh. Sách do TRUNG TÂM TÁC PHẨM MỚI liên kết xuất bản với Nxb Hội Nhà văn, ấn hàng tháng 4/2024).

Cách đây khoảng gần một năm, anh Đinh Quang Vinh có gửi cho tôi một tập truyện ngắn khá dày dặn, gồm 78 truyện, trong đó có 28 truyện xưa được tác giả sưu tầm và “kể lại” với một góc nhìn riêng, nhờ tôi đọc và đánh giá giúp. Cảm nhận ban đầu của tôi đây là một bản thảo tốt, có thể cho ra mắt bạn đọc được. Cũng cần phải nói thêm rằng trong vòng mười năm qua, với tư cách là một đồng nghiệp ngành Than và là một bạn văn chương thân thiết, tôi đã có dịp đọc, giới thiệu và giúp đỡ anh Vinh xuất bản ba ấn phẩm thơ và văn xuôi, thành thử đến hôm nay tôi lại có hân hạnh giúp anh Vinh cho ra đời ấn phẩm thứ tư, tập truyện ngắn Tình yêu của King này.

Ấn tượng đầu tiên với tập truyện này, về mặt dung lượng, đó chủ yếu bao gồm các truyện cực ngắn. Phần lớn các truyện ngắn ở đây không vượt quá một ngàn chữ, rất nhiều chuyện chỉ có vài trăm chữ.

Đây cũng là một xu hướng của người viết thời văn chương mạng trở nên phổ cập, người ta ít dành thời gian cho sự đọc vì tiết tấu cuộc sống khá gấp gáp. Hoặc vì một bộ phận người đọc ở thời đại số cần những sản phẩm mới với những hình thức mới, khác lạ so với các truyện dài truyền thống. Dù rằng tiểu thuyết, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển vẫn được yêu quý, nhưng không thể phủ nhận rằng truyện cực ngắn giờ đây đã có được vị trí của nó. Nhưng truyện dài, truyện ngắn hay truyện cực ngắn cũng đều có một khởi điểm giống nhau, đó là suy tư về những nỗi niềm muôn thuở của thân phận con người. Và với truyện cực ngắn, thì yêu cầu đầu tiên nó vẫn phải là một … câu chuyện.

Nhưng khác với truyện dài, truyện cực ngắn phần lớn không diễn giải những tư tưởng lớn, những thân phận lớn, mà nó chỉ như một làn chớp loé sáng chiếu rọi một mảnh đời, một góc thân phận con người, làm nổi bật lên tư tưởng riêng của tác giả, một thông điệp thú vị của tác giả. Nhưng không phải vì thế mà truyện cực ngắn dễ viết. Nó đòi hỏi trong giới hạn số lượng chữ khá cô đọng, truyện phải có sức nén và chiều sâu, phải mang tính ẩn dụ rất cao, khiến cho truyện thường có khuynh hướng trở thành những dụ ngôn. Do kiệm lời nên hình ảnh văn chương độc lạ và chất hóm hỉnh cũng là một yêu cầu không thể thiếu đối với truyện cực ngắn. Văn chương vốn là hình ảnh âm bản của cuộc sống, vì vậy truyện cực ngắn nếu tạo nên nhiều cách hiểu, tạo nên một “vết xước” trong tâm tư người đọc, có thể nói là nó đã thành công.

Một phần nào đó, trong tập truyện này, tác giả đã làm được điều đó. Trong truyện ngắn Tình yêu của King, một truyện ngắn đặc sắc được tác giả lấy tên tựa cho cả tập sách, tình cảm của chú chó tên King đã được nhân cách hoá, tràn đầy một tình yêu thi vị kiểu chó nhưng cũng rất gần gũi với con người. Một thái độ sống nhân văn có vẻ như bàng bạc, nhưng lại thấm đẫm vào tâm hồn người đọc.

Thái độ sống ấy, với sự tôn trọng và cảm thông với những người lao động bình thường, và khả năng phát hiện những nét đẹp cao quý của họ, đã khiến các câu chuyện của tác giả viết về những người lao động thật sự hấp dẫn và cảm động. Bạn đọc có thể thấy rõ điều đó qua các chuyện như SHIPPER, VŨ ĐIỆU CỦA THAN, NHƯ LÀ CỔ TÍCH…

Với một trải nghiệm sống sôi nổi và sinh động kéo dài từ giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cho đến thời hiện đại, phạm vi đề tài của tác giả khá rộng. Ta có thể bắt gặp những kỷ niệm hào hùng của một thời gian khổ hy sinh nhưng cũng không kém phần lãng mạn của thế hệ thanh niên thời kỳ ấy. Chính chất lãng mạn cách mạng ấy đã tạo nên một thế hệ giàu sự hy sinh cống hiến, giầu lòng nhân ái, những phẩm chất rất truyền thống, đặc trưng cho sức sống mạnh mẽ, vững bền của tinh thần dân tộc. Dù tác giả không đưa ra những lời đao to búa lớn, nhưng những phẩm chất ấy thể hiện kín đáo trong những câu chuyện như VẾT THƯƠNG CUỐI CÙNG, CHUYỆN CŨ NHỚ LẠI. Ta cũng bắt gặp trong tập truyện này những câu chuyện về thời hiện đại, những chuyện đời thường rất bình dị nhưng cũng rất ý vị, thâm trầm, đôi khi giấu sau một nụ cười dí dỏm đáng yêu. Đặc biệt gây ấn tượng là những câu chuyện anh viết về vùng quê Việt Bắc, nơi anh cất tiếng khóc chào đời ở một xóm nhỏ heo hút trong ATK Định Hoá – Thái Nguyên, và có rất nhiều năm tháng sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. VỀ QUÊ là một câu chuyện rất điển hình, kể về một người xa quê lâu năm, trở về vùng rừng cọ đồi chè để chữa một căn bệnh hiểm nghèo. Không hiểu do nhờ những cây thuốc mọc đầy trong rừng, hay sức mạnh nâng đỡ của quê hương yêu dấu, mà căn bệnh của anh ấy thuyên giảm một cách thần kỳ. Từ trong đáy lòng anh ấy cảm nhận: ”Anh biết từ nay mình không thể rời xa miền rừng này được nữa. Không đâu bằng quê hương, nơi nuôi ta khôn lớn, nơi cho ta sinh lực sống tràn trề và những hy vọng tươi sáng vào tương lai”. Đó cũng là tình cảm chung của những người con thực sự yêu mến quê hương mình, đất nước mình.

Dù tác giả tự nhận mình chỉ là người thợ mỏ già đam mê văn chương, nhưng như những người cầm bút có trách nhiệm khác, anh có một thái độ phê phán rõ ràng nhưng kín đáo với những thói hư tật xấu trong xã hội, với những hiện trạng đang gây bức xúc trong lòng người. Bạn đọc có thể thấy tinh thần phê phán ấy trong LŨ NỊNH BỢ, TẮC ĐƯỜNG.v.v. Đó là thái độ mà không phải ai cũng có có đủ dũng cảm đưa lên trang viết của mình.

Có vẻ như tác giả không thật chuyên tâm, nhưng do sự quan sát kỹ càng mang tính “điền dã” về vùng quê mình sống, anh đã mang lại cho chúng ta một số câu chuyện lạ, khá thú vị. Điển hình như các chuyện LÀNG UM, MIẾU CAO SƠN. Chuyện LÀNG UM phản ánh sự hình thành một ngôi làng theo cách rất truyền thống nhưng cũng khá liêu trai, tại vùng đất thuộc huyện Đại Từ - Thái Nguyên. Nhân tiện có thể nhận xét thêm rằng tinh thần liêu trai ấy được anh vận dụng khá nhuần nhuyễn, tạo nên một thứ “hiện thực huyền ảo” khá hấp dẫn trong một vài truyện ngắn. Điển hình như các truyện CHIẾC VÒNG TAY BÍ ẨN hay CHIẾC QUẠT CỦA PHẬT TỔ. Và toàn bộ mảng CHUYỆN XƯA KỂ LẠI của tác giả thể hiện trong tập truyện này, với một chút cải biên, đã đem lại cho chúng ta một cái nhìn khá mới mẻ và thi vị.

Dường như đối với tác giả, viết truyện cực ngắn là tìm cách diễn đạt dòng tư tưởng duy nhất của mình qua nhiều hình ảnh văn chương khác nhau. Vì thế, dù viết nhiều đề tài khác nhau, ta vẫn cảm thấy có một đường dây tư tưởng thống nhất, xuyên suốt các câu chuyện. Đó là dòng tư tưởng khá hiện đại, nhưng có sự hoà nhập với những yếu tố căn bản trong triết lý Nho và Phật, đó là tôn trọng, đề cao và cảm thông sâu xa với thân phận con người, hướng tới một lối sống tích cực, bao dung và vị tha. Đặc biệt cái triết lý NHÂN nào QUẢ ấy(chuyện NHÂN QUẢ), khiến người ta sẽ phải thận trọng hơn trong lối sống của mình.

Với một bút pháp giản dị, lời văn nhẹ nhàng hầu như không hề chau chuốt, như một người kể chuyện đời bên bàn trà quán cóc, các câu chuyện của tác giả khiến cho ta cảm thấy như đã gặp ở đâu đó trong cuộc đời này, nhưng vẫn tạo nên một âm hưởng nhất định. Tôi cho rằng điều đó đã thực sự định hình nên phong cách riêng của anh.

Tuy nhiên, khi gập sách lại, tôi vẫn có đôi điều băn khoăn. Một số câu chuyện có ý tưởng hay, như ÔNG TRƯỞNG TỪ hoặc CHUYỆN TÌNH BÊN SÔNG CẤM, nếu được tác giả mạnh dạn mở rộng và đẩy mạnh xung đột thêm nữa, câu chuyện có thể sẽ trọn vẹn hơn. Một cái kết quá “mở” như vậy khiến người đọc nuối tiếc. Nhưng mà, truyện vô thập toàn, mỗi người đọc sẽ là một “đồng tác giả”, vừa cảm nhận và vừa “viết lại” theo kinh nghiệm sống, theo ý muốn của mình, đó cũng điều thú vị mà văn chương đem lại cho cuộc sống.

Tôi mượn lời tác giả để làm cái kết cho lời giới thiệu này: “Hãy đọc cho tôi nghe chuyện gì đó đi. Một câu chuyện thật hay, làm cho ta thấy cuộc đời này đáng sống”. Trân trọng giới thiệu tập truyện và hy vọng bạn đọc ghi nhận những thông điệp mà tác giả gửi đến cuộc đời này.