Một cuốn sách nghiên cứu khoa học, khảo cứu lịch sử, văn hoá đồ sộ của thợ mỏ

Đó là cuốn sách “Lịch sử dòng họ Đinh Nho” của tác giả Đinh Tú Anh, vừa ra mắt bạn đọc. Sách dày 444 trang, khổ 16 X 24cm, do Trung tâm TÁC PHẨM MỚI cùng với NXB Phụ nữ Việt Nam liên kết xuất bản.

Trước khi xuất bản, sách đã được thẩm định kỹ càng bởi các chuyên gia Hán Nôm. Đây là tác phẩm mang tính chất nghiên cứu khoa học và mang giá trị lịch sử, văn hóa và nhân văn rất lớn; được biên soạn rất công phu, có giá trị lớn với các thế hệ con cháu dòng họ Đinh Nho cũng như với bạn đọc gần xa.


Tác giả Đinh Tú Anh

Tác giả Đinh Tú Anh sinh năm 1969; là đời thứ 17B dòng họ Đinh Nho ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hiện, ông là Phó Giám đốc Công ty Chế biến than Quảng Ninh – TKV, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Đinh Tú Anh là người đa tài. Xuất thân là thợ mỏ, bằng con đường tự học, ông đã thông thạo nhiều ngoại ngữ; đã sáng tác thơ, văn, sáng tác nhạc, nghiên cứu lịch sử. Ông đã cho xuất bản tập thơ dày dặn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với 200 bài thơ, 300 trang sách với đủ các thể loại từ đường thi, lục bát, thất ngôn bát cú, thơ mới và cả hậu hiện đại. Tập thơ “Tự sự”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đó như tên gọi của nó, là những cung bậc cảm xúc, những rung động của tác giả trước những hiện thực cuộc sống xung quanh. Được biết, ông còn có gần 1.000 bài thơ chưa xuất bản thành sách. Đối với ông, hầu như không có gì xảy ra trước mắt mà lại không thể viết thành thơ, mà lại là thơ hay.

Thử đọc qua một bài thơ ngắn của ông:

“Lối về ngang ngõ hoa xoan tím/ Pha lẫn vào sương lấm tấm bay/ Người ơi ở chốn xa xôi ấy/ Hồn kịp về đây trong chiều nay?/ Thuyền chở trăng đi theo mê say/ Bến không cô quạnh nước hao gày/ Mái lá đìu hiu người một bóng/ Một bóng chim trời mải miết bay…/ Ai mang thương nhớ rắc trong sương/ Để tím chiều nay tím lạ thường/ Để lại lòng ai thêm khắc khoải/ Để tháng ba về sắc tím vương”.

(Lối về ngang ngõ hoa xoan tím – Đinh Tú Anh – 28/3/2018)

Ông đã cho đăng nhiều thơ, truyện ngắn, tản văn, biên khảo lịch sử, ca khúc…trên một số báo, tạp chí.

Cuốn “Lịch sử dòng họ Đinh Nho” không những công bố những nghiên cứu công phu của ông về lịch sử một dòng họ “trâm anh thế phiệt” mà còn  cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu quý về những bậc yếu nhân; những học giả; nhà quản lí; doanh nhân…dòng họ Đinh Nho nổi tiếng trong lịch sử như Tiến sĩ Đinh Nho Công, Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, Tổng binh Đinh Nho Côn, Tiến sĩ Đinh Nhật Thận (Tiến sĩ Đinh Nhật Thận nổi tiếng với bài thơ “Thu dạ lữ hoài ngâm”), Tiến sĩ Đinh Nho Điển…và sau này là cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm; GS. sử học Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm - một trong “tứ trụ” của sử học Việt Nam đương đại là Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng; GSTS. Đinh Nho Hào; GSTS. Đinh Dũng v.v…

Dòng họ Đinh Nho nổi tiếng với 4 nhân vật lịch sử là 4 cha con trong một gia đình được triều đình phong kiến phong phúc thần và được lập đền thờ tại làng Gôi Vỵ (gọi là đền Gôi Vỵ, hay còn gọi là đền bà Tiết Phụ - đền đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hoá cấp Quốc gia). Bốn vị thần đó là:

Tiến sĩ Đinh Nho Công ngoài được phong phúc thần còn nổi tiếng với câu chuyện về tình nghĩa với người bạn học có tên Trần Công (có người cho là Hương cống Trần Xuân Toàn) và câu chuyện dựng am Bạch Vân thờ bạn. Vị trí am đó nay là đền Bạch Vân hay còn gọi là đền Thịnh Xá bởi đền ở làng Thịnh Xá.

Trinh Nhất Á Thận Nhân Phan Thị Viên, là vợ thiếp của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn và là con dâu của Tiến sĩ Đinh Nho Công, một con người đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh; tài đức vẹn toàn; thơ văn nhuần nhị. Chồng bà, Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn đi sứ sang phương Bắc, không may mất tại Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), khi đưa thi hài về nước, sau khi chôn cất chồng xong, bà làm thơ tạ tội bà cả, làm thơ tạ tội mẹ già và tuẫn tiết theo chồng, giữ tròn “tam tòng tứ đức” theo đạo đức thời bấy giờ. Do vậy, vua ban cho bà 2 chữ “Tiết Phụ” và sai lập đền thờ.

Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn.

Em trai Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn là Giải nguyên Tổng binh Đốc lĩnh Hương Nghĩa Hầu Đinh Nho Côn.

Tiến sĩ Đinh Nho Điển giữ các chức vụ quan trọng trong triều, khi nhà Nguyễn ký hoà ước với Pháp, ông rất bất bình, uất ức nhưng đành bất lực và tuyệt thực mà chết. Mười lăm năm sau khi ông mất, triều đình sai lập đền thờ. Đền thờ đó đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp bằng chứng nhận di tích cấp tỉnh.

Cuốn sách còn giới thiệu nhà nghiên cứu nổi tiếng trong và ngoài nước Đinh Xuân Vinh, một người con của dòng họ Đinh Nho với chồng bản thảo cao hàng mét mà theo Giáo sư Nguyễn Đình Chú, không thể có một hội đồng khoa học nào có đủ kiến thức để thẩm định công trình đồ sộ này của ông. Hiện nay, một phần trong số đó, cuốn “Sổ tay địa danh Việt Nam” dày 752 trang đang được sử dụng trong các trường đại học.

Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu những dòng tộc cùng chung tổ mẫu với dòng họ Đinh Nho với những nhân vật kiệt xuất không kém. Như Hương cống Đinh Hồng Phiên, Tiến sĩ Đinh Văn Chất, Hoàng giáp Đinh Văn Chấp… Và đặc biệt, cuốn sách giới thiệu về người con trai của Hoàng giáp Đinh Văn Chấp, tiến sĩ Phật học đầu tiên của Việt Nam là Hoà thượng Thích Minh Châu. Hoà thượng du học tại Srilanka, tại Ấn Độ, nhận học vị tiến sĩ xuất sắc được đích thân Tổng thống Ấn Độ đương thời trao bằng tiến sĩ. Về nước năm 1964, Hoà thượng là người sáng lập và làm Viện trưởng Viện Đại học Phật giáo Vạn Hạnh. Sau năm 1975, Hoà thượng cũng là người sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và giữ chức Viện trưởng. Hoà thượng là người đầu tiên dịch và phổ biến 5 bộ tạng kinh Phật giáo Nguyên thuỷ từ tiếng Pali sang tiếng Việt phổ thông, giúp cho các nhà nghiên cứu, tăng ni, phật tử dễ dàng tiếp cận với kinh sách nhà Phật ngay bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

Một phần không kém phần độc đáo là, cuốn sách còn giới thiệu các nghi thức cúng tế, các bài văn cúng tế tất tật từ tảo mộ, ngày rằm, mồng một, lễ tết, cúng giỗ các vị tổ tiên… bằng âm Hán Việt và có giải nghĩa rõ ràng ra Việt ngữ phổ thông.

Xưa nay khi dự các lễ cúng tế lớn, chúng ta thường nghe các thầy cúng đọc ê a nhưng hầu hết trong số chúng ta đều chẳng hiểu gì. Đọc cuốn sách này của tác giả Đinh Tú Anh, chúng ta đều vỡ lẽ. Hoá ra, các câu văn cúng tế, các câu văn xướng lễ không huyền bí, khó hiểu như chúng ta vẫn lầm tưởng.

Tuy cuốn sách chỉ cung cấp nghi thức cúng tế, các bài văn tế tổ sử dụng trong dòng họ Đinh Nho. Nhưng qua cuốn sách này, chúng ta cũng có thể tự soạn được nghi thức cúng tế, các bài văn cúng tế tổ tiên, ông bà để sử dụng riêng trong dòng tộc, trong gia đình mình.

Khép lại cuốn sách, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Với một người nghiên cứu không chuyên, không được đào tạo bài bản mà lại có được khối lượng kiến thức đồ sộ và đam mê nghiên cứu đến vậy.

Cuốn sách bổ ích với tất cả mọi người.

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc gần xa.

Hà Nội, 6/12/2023

Nhà văn Cao Thâm