Vài cảm nhận khi khi đọc “Làm dâu" của Duyên Phùng

“Gió vẫn thổi. Nhưng lặng gió ánh nắng sẽ ngập tràn...

Tôi thấy nắng thơm, gió thơm, dòng sông thơm và Bu tôi vẫn nồng nàn một kiếp người thơm thảo...”. Đó là những dòng kết thúc tập tiểu thuyết “Làm dâu” của tác giả Duyên Phùng. Tập tiểu thuyết dày 304 trang, do NXB Hội Nhà văn mới ấn hành.

Tôi nhận được tập sách nầy từ một người bạn với lời nhắn: “Duyên Phùng muốn tặng em tập sách!”. Tôi rất ngạc nhiên không biết Duyên Phùng là ai? Vì sao lại tặng tôi sách?

Vốn ham sách và tò mò, tôi mở sách và đọc những dòng đầu tiên. Những dòng chữ trong cuốn sách cuốn hút tôi một cách kỳ lạ!

Giờ thì tôi đã biết cô ấy! Duyên Phùng tên thật là Phùng Thị Duyên, là người con gái Thái  sinh năm 1975 và  hiện đang sinh sống tại Lào Cai. “Làm dâu” là tiểu thuyết đầu tay của cô ấy. Truyện kể về cuộc đời làm dâu của mình, của Bu và của Êm mình.


1.“Làm dâu” có thể xem là cuốn tự truyện Duyên Phùng viết về mình, về cuộc đời “làm dâu”của mình.

Tôi từng đọc truyện thơ “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), bản tình ca dài của dân tộc Thái, câu chuyện cũng kể về cuộc đời làm dâu của một cô gái Thái. Tôi đã xót xa khi nghe họ hẹn nhau trong ngày chia tay: “Không lấy nhau mùa hạ. Ta lấy nhau mùa đông. Không lấy nhau lúc trẻ. Thì hẹn nhau khi góa bụa về già”. Vì bị gã bán cho người mà cô không yêu, cô héo hon, ngơ ngẩn, tiều tụy, bị nhà chồng đuổi, bị cha  mẹ trao đi, bán lại. Cuối cùng “Chỉ một cuộn dong đổi lấy người” và người đổi  cô lại là người yêu cũ, may có tiếng kèn đồng mà nhận ra nhau. Nhưng sau đó, người chồng lại cho người vợ mình cưới (có lẽ cũng bị gã bán) trở về trong hoàn cảnh “Trời xa mưa núi trám. Trời chớp nhoáng đồi dong”. Thân phân người phụ nữ thời xưa thật bi thương! Đọc thật đau lòng và ngậm ngùi thương xót!

Giờ đây, tôi đọc “Làm dâu” của Duyên Phùng. Trong “Làm dâu”cô ấy là May, May là cô gái trong thời hiện đại. May mới mười sáu tuổi bảy tháng, cô đã phải bỏ bản làng của mình, bỏ người mình từng thương mến để về làm vợ một người hơn mình 30 tuổi, đã có một đời vợ và một đứa con riêng “Con riêng của chồng tôi hơn tôi bốn tuổi (sau này tôi mới biết)”.  Cô ấy đã phải nghe theo lời ông chú, bởi ông chú nói:  “Bằng tuổi Ải (cha) mày, nhưng nó có cái xe máy, bằng cả mấy cái nương ngô tốt đấy! Tiền nó nhiều như nước suối mùa lũ, muốn chảy đi đâu mà chẳng đươc?” Và quan trọng hơn là cô "được tiếp tục đi học”, chồng cô đã hứa như vậy! Cô muốn đi học” Phải học nhiều con chữ thì cái mặt mới không phải cắm xuống đất cả ngày, phải học thì cái tay mới không phải ngoáy cám lợn buổi tối”

Cưới cô nhưng người ấy không yêu cô, người ấy do căm thù người vợ cũ ngoại tình khi người ấy đi làm ăn xa và hờn ghen với Phong, người bộ đội trên đồn Chiền On từng thương cô, mà lãnh đạm với cô. Người ấy từng nói “ Cô vẫn muốn tôi động vào người cô sao? Cô nằm cạnh tôi mà cái đầu cô để chỗ thằng khác! Cô vẫn không quên được thằng bộ đội đó! Cô đi theo nó cũng  được! Đàn bà như cái máng lợn, con lợn đực nào cũng vục mõm vào được, làm cô giáo, nó hứa vậy cơ mà!”

Cô đi lấy chồng mà ngay những ngày đầu tiên cô đã bị bỏ rơi, chồng cô không đoái hoài gì cô. Ta thật thương khi nghe cô ấy kể:

“ Đêm hôm đầu tiên trời lạnh lắm tôi không dám  vào nhà”, “ Đêm hôm thứ hai sau cưới, tôi vẫn ngồi cạnh cái cối xay ấy sau cửa bếp”   Sau gần ba năm lấy nhau, số lần tôi làm vợ anh đếm một bàn tay vẫn còn thừa”

Và khi cô mong muốn gần chồng thì người ấy không phải yêu cô mà “cướp yêu”: “Đêm nay, chồng tôi làm cái việc mà người ta gọi là yêu. Như có cái gộc củi đỏ lừ đang khắc khoải bò trong đầu”, “ Tôi bị chồng cướp yêu trong đêm thứ hai làm vợ . Chồng tôi cũng nói nhiều như đêm nay. Tôi còn nghe chồng tôi gằn giọng sau khi vơ lấy tích nước vối ủ  trên bàn  uống một hơi…”. Vậy nhưng May vẫn chịu đựng, vẫn muốn có con với người mình không yêu.  Và mỗi lần cô mong muốn gần chồng, cô lại bị làm cho đau đớn:“ Hình như da tôi lại thêm một vết cào đau điếng! Kệ thôi! Tôi muốn có con !” “ Ngày mai chồng tôi về. Vết cào hai tuần trước vẫn chưa lành trên vai tôi…  Tôi dìm hơi thở xuống như dìm cái can to xuống lòng suối cạn”

Nhiều khi cô thấy rất cô đơn và lòng khao khát: “Tôi nằm sát mép giường trong, chỗ vết cào trên vai đã lên da non. Tôi nghe quặn lên từ trong tiềm thức tiếng thác lũ thượng nguồn, tiếng vỏ cây rừng mùa khô vỡ ra lách tách, tiếng khua móng của con ngựa, tiếng con nai tác mẹ ngẩn ngơ, thăm thẳm và cả những cơn gió mùa  dài lê thê hun hút trên mái nhà”, “ Vết cào trên vai tôi đã lành hẵn. Vết thương đã lên da non làm cảm giác ngứa nhẹ. Người tôi nóng ran như lên cơn sốt. Tôi chỉ biết tình yêu mà người chồng lớn tuổi dành cho mình là nước mắt, máu và đau đớn. Giờ nầy sao tôi có thể bất chấp mọi tủi thân mà nhớ về nó?“ Đọc những dòng chữ nầy, lòng ta không khỏi quặn thắt và xót xa!

May có ân hận không? Thì đây là câu trả lời của cô ấy: “ Tôi có ân hận không, khi chấp nhận bước theo người chồng mà mình không yêu? Không! Tôi bước ra khỏi bản, có phải cố giãy giụa ra khỏi cái vòng luẩn quẩn không bao giờ muốn thay đổi  như bà tôi, Êm tôi và cả Bu tôi nữa. Tôi chưa đủ khôn lớn để có thể nghĩ rằng, nếu con đường trước mặt dẫn vào cái hố sâu, thì cái chân phải biết rẽ sang hướng khác”.

Nhiều đêm cô đã khóc: “Giọt nào cho ước mơ còn dang dở, giọt nào cho những đêm nằm cạnh người chồng hơn tôi tròn ba mươi tuổi, lên giường chưa kịp nói câu nào đã đều đều ngáy . Giọt nào cho người vợ tròn mười tám tuổi với những khát khao vô hình? Tôi nằm mà nghĩ ngợi.”

Rồi cô cũng có con cái như mình mong ước, tôi tưởng chừng cô ấy “trộm” chồng mà có con với chính chồng mình. Cô được chồng quan tâm và chăm sóc hơn, thương yêu hơn vì cô đã có con. Đó là sợ dây ràng buộc hai người!

Nhưng như một trò đùa của số phận, sau những ngày bình yên hạnh phúc cùng Bu và con cái  không lâu thì chồng May lại đổ bệnh: U tuyến tiền liệt! “Chồng tôi ốm. Anh cáu kỉnh và hay dằn vặt tôi. Năm ấy tôi tròn ba mươi tuổi”.  Cô vừa chạy chợ , vừa chăm chồng, cô xoay xở và chịu đựng. "Sau phẫu thuật, chồng tôi như biến thành con người khác", ”Mỗi đêm dài đằng đẵng trong căn nhà trống hơ hoác. Chồng tôi lăn qua lăn lại đập chân xuống chiếu như hờn trách”. Rồi do hờn ghen và bất lực mà quay ra lột trần cô và đánh đập không thương tiếc nhưng cô đã chịu đựng với một lòng vị tha, thương xót và thấu hiểu “ Tôi cắn răng mặc cho những vết roi ngang dọc trên lưng trần…Người đàn ông của tôi. Như con gà trống muốn gáy nhưng bị sợi lanh quấn ngang cổ, biết phải làm sao? Tôi có khổ cũng đâu thấm tháp gì? Nếu những vết roi kia làm lòng kiêu hãnh của chồng tôi không bị xúc phạm thì hẵn người vợ như tôi cũng nên làm”

Cô quần quật với công việc, thay chồng gánh lấy gánh nặng gia đình , cô quên tất cả, quên cả chính bản thân mình. Hãy đọc một đoạn truyện cô ấy viết:

“Tôi vào tận bản cách nhà 30 km để gom nông sản, rau, củ , quả, gia cầm…Đêm đổ sĩ ở chợ đầu mối. Sáng về, lo cho con ăn uống, đi học , ngủ một chút rồi dậy lo việc nhà, chiều lại vào bản, tối có khi hai mươi giờ mới về, đêm lại đi chợ”

“ Tôi chẳng  thấy cái gì của riêng mình nữa, tất cả là của gia đình và của những âu lo…Tôi không còn thời gian đi chơi hay mặc đẹp” “ Công việc và những bề bộn cuốn tôi đi…” “ Tôi không cho phép thưởng cho bản thân những cuộc gặp gỡ bạn bè. Tôi sợ tôi hư. Sợ Êm tôi già mà vẫn  phải khóc…” Cô nghĩ “Những thăng trầm của cuộc đời sẽ bình yên nếu ta coi đó là hạnh phúc”

Năm ấy cô ba mươi tuổi, cô” sợ cái giường rộng thênh thang…”

“Tôi gõ cửa phòng chồng. Tôi thèm một chút hơi ấm trong những đêm trở gió trở mùa căm căm lạnh” nhưng cô bị chồng quát và không mở cửa cho vào.

“Tôi có đòi hỏi gì đâu? Muốn nằm cạnh chồng một chút, tôi sợ lâu quá quên mất là mình có chồng mà cũng quát nữa. Lạ thế chứ!”

“Tôi về giường ngủ của mình. Nghe ồn ã tiếng xe lao vun vút qua bên hông nhà . Vội vã, chẳng ai có thời gian dừng lại. Tôi vứt nỗi buồn vào giòng xoáy ấy. Để thời gian hối hả mang đi” Đọc đoạn truyện nầy, tôi thấy lòng nghẹn lại, đau xót! Những dấu ba chấm liên tiếp  trong các câu như hỗ trợ thêm ý nhĩa, là những chỗ lặng nghẹn ngào của chính bản thân cô!

2. “Làm dâu” của Duyên Phùng không dừng lại ở thân phận làm dâu của  chính mình mà đó còn là cuộc đời làm dâu của Bu cô( người mẹ chồng), người mà cô rất thương quý.

Bu cô, một người phụ nữ tảo tần, yêu chồng thương con, người thuộc nhiều ca dao tục ngữ, sống tốt bụng với mọi người, con cái có nếp, có tẻ. Vậy mà người ấy  vẫn bị chồng phụ tình , ông có vợ bé và năm người con riêng nữa “ Bu tần tảo là vậy Thầy vẫn đi lấy người đàn bà khác!”,”Thầy về không mang tiền về cho u mà dắt theo một người đàn bà và ba người con riêng”.

Cũng giống May, Bu nói “cái số nó thế phải chịu”,  Bu vẫn chăm con riêng của chồng, giúp đỡ  và chăm người mẹ của người vợ hai của chồng mà không oán trách hay đố kỵ, hận thù.

Bu và May là sự nối tiếp, là sự trùng điệp của những chịu đựng, vất vả và hy sinh của người phụ nữ  mang nét truyền thống nói chung trong mọi thời và họ chưa biết tìm đường đi “cái chân chưa biết rẽ ngang lối khác”.

3. “Làm dâu” nồng nàn những kiếp người thơm thảo:

Tôi từng đọc câu nói của ai đó: “Trong cuộc sống nầy tất cả sẽ tan đi kể cả xác thịt con người cũng trở thành tro bụi . Duy chỉ có tình thương , thứ ánh sáng kỳ diệu sẽ tồn tại mãi trong không gian và thời gian”

Bu đã sống bằng tình thương, Bu đã thương May như con gái mình, ngày cô về làm dâu, người ấy đã nói nhẹ nhàng  “Bu xem cô như con” và quả thế !

Ngày Tết Bu cho tôi đi chợ Tết cùng và dặn “Chợ Tết đông lắm , con phải đi sát bu chẳng lạc đấy! Bu nắm tay tôi mà dắt đi trong nồng nàn của chợ Tết quê”. Người ấy đi chợ về bao giờ cũng gọi: “ May ơi! Ơi May! Ra Bu cho quà này! Khi thì chiếc bánh đa đầy vừng, khi thì những chiếc bánh ram, khi thì gói bánh đúc rắc đầy lạc, khi thì những khúc mía xương gà ngọt và mềm  có khi là gói kẹo bột ngọt bùi  và bao giờ cũng dặn “ Ăn cơm xong mới được ăn nhé !” Ngày May mang thai,  Bu bao giờ cũng hấp thêm quả trứng gà cho May . Đi chợ luôn dặn May nấu cơm thì cho thêm nước rồi chắt lấy , bỏ đường mà uống. Trở về thì giành lấy việc nấu cơm “ Để đấy Bu nấu ù một cái là xong” Khi May ốm u đã thao thức. Bu ôm May vào lòng” Bu choàng tay qua tôi, tôi không dám cụng cựa, hơi thở tôi nóng hầm hập. Bu cũng thật khẽ như sợ tôi tỉnh giấc. Bu ngồi dậy cúi sát mặt tôi, một giọt ấm nóng rơi vào mặt tôi bỏng rát”, “ Bu chườm khăn khắp người tôi. Tôi sợ chỉ cựa mình, cảm xúc trong tôi sẽ ào ra vỡ trong đêm. Bu vuốt những sợ tóc mướt mồ hôi mà thì thầm thật khẽ:- Tội nghiệp con tôi”.  Có lẽ, May sống được, vượt qua tất cả được là nhờ có Bu!

May cũng thương U như mẹ đẻ mình, khi trở về nhà Êm ( mẹ đẻ) để thăm, May đã rất nhớ thương Bu, trong lòng quay quắt : “Bu tôi đã ngủ chưa? Hay vẫn ngồi lựa đỗ để làm tương? Một mình u bữa tối lại ăn qua quýt… Tôi như thấy dáng Bu gầy hanh hao, hôm qua, lúc đưa tôi ra xe Bu nói  chiều nay Bu cắt vạt mùi về phơi để kịp bán cuối năm. Tôi thấy Bu chân trần trên đầu bó hoa mùi, như đội mây về làng trong chiều nắng cuối đông. Bước chân vội vã trên cánh đồng thông thốc gió…”  Đọc đến đây ta thấy lòng cũng nao nao, cảm động.

Họ không chỉ thương yêu nhau mà còn yêu thương những người chung quanh. May chứng kiến Bu luôn tìm cách giúp đỡ mọi người, giúp cho cả những người từng đối xử không tốt với mình hay họ làm cho mình đau đớn. Có lẽ nhờ tình thương nầy mà họ vượt lên  những  éo le,  ngang trái của cuộc đời mình và làm cho cuộc sống trở nên bình yên “Trong mắt Bu chẳng có ai là người xấu cả, Bu thường nói” Chỉ là mình chưa tốt nên người ta mới đối với mình chưa tốt mà thôi”

4. Truyện" Làm dâu" không chỉ hay về nội dung mà còn hấp dẫn bởi hình thức diễn dạt của nó :

-Trước hết là tác giả sử dụng lớp từ mang màu sắc địa phương, cách diễn dạt của người Thái mình:

Ảng, Êm( cha , mẹ), thằng trai, ưng bụng, ngủ thăm…

Cách so sánh, ví von rất riêng đậm cách nói của người miền cao :” Bụng ai cũng vui như nước suối đầu nguồn, gặp ai cũng mở lời mời”, “đi từ lúc mặt trời mọc đến lúc  mặt trời sắp lặn mới nắm được bàn tay nhau", “Thầy đọc nhanh như con sóc chạy, đọc dài như đường đi lên bản”, “ măc đẹp như thế để cái ngực ngẩng lên như lọ lục bình”.

-Trong truyện có nhiều đoạn tả cảnh rất hay, rất nên thơ:

“ Mùa xuân đang leo những con giốc cuối cùng để vè trên bản tôi.  Những đưa gái Hờ Mông, má hồng như hai trái đào căng mọng, trên Pú Bẩu gùi theo cái nắng đầy lù cở từ chợ phiên về bản"

"Tôi như nghe thấy những nụ ban đang khẽ cựa mình làm rơi những giọt sương mập ú đậu trên những chồi non chưa kịp nhú. Để ngày mai hoa sẽ nở bung trên khắp những dãy núi  tràn ngập sắc xuân ở bản tôi”

“Cây mận cuối vườn rắc lấm tấm những nụ nõn trắng tinh trên cành khẳng khiu, nắng rỉ ra đỏ mật gọi những chồi non đang cựa mình thức giấc”

“Sáng nay, Xuân đã về trước ngõ dường như đất trời vẫn đang thiêm thiếp, chưa muốn tỉnh dậy trong cái món man se se của tiết cuối đông. Thả chân trần theo con đường nhỏ, mặc sương quất ngang dọc, mới thây vẻ tinh khôi của mùa xuân, đang e ấp theo gió hanh hao ùa về”

"Trăng giữa tháng nhuộm cả một khoảng sân rộng, phình ra chui qua lá của cây lê trước ngõ, rơi xuống lốm đốm sáng, như một vũng sao rơi “. Nhữngđoạn nầy góp làm cho câu chuyện  giảm bớt sự bức bối mà trở nên trữ tình và nên thơ.

- Truyện cũng có những đoạn diễn tả tâm lý đặc sắc:

"Đã bao đêm vắng chồng, tôi  nửa đêm len lén ra ngoài bể nước mưa, múc từng gáo khẽ khàng ngữa mặt lên mà dội, những gáo nước nhưng nhức lạnh… tràn xuống tấm thân vỡ vụn vì khao khát… đã bao đêm tôi ngồi thụp xuống mà khóc nấc lên, những giọt tủi hờn đua nhau lã chã… quấn quýt vào trăng… khi dịu cảm giác ây tôi lại len lén trở vào giường”

Hay: “Tiếng mèo gào nữa đêm khiến tôi thức  giấc. hai tiếng gào đau đớn quấn vào nhau… con mèo đực lại cào rớm máu lưng con mèo cái .

“Làm cái chuyện vợ chồng mà đau đớn đến nhường ấy, tại sao cứ tự mình dâng hiến để thân mình tơ tướp mà vẫn nhớ như một sụ mang ơn?”

"Mồ hôi tôi rịn ra…Tiếng mèo vẫn gào thê thiết, tôi nhìn ra khoảng sân, nơi mảnh trăng cuối tháng bị vỡ ra một miếng vẫn đỏng đảnh rớt cái ánh sáng mụ mị xuống…”

Hoặc :“ Tôi nhẹ nhàng trở dậy , xuống cầu thang đến cuối vườn, cái hố giữa vạt cỏ tôi đã đào từ chiều, tôi ngồi xuống ghé vào miệng hố mà nói những lời không nên để người khác nghe… Tôi òa lên nức nở giữa đêm, những lời nhớ, lời thương và cả những giọt nước mắt, tôi vứt xuống tận đáy cái hố sâu này rồi. Tôi cẩn thận lấp đầy miệng hố rồi quay vào nhà”

“Tôi ngắt một chùm hoa thả trôi theo dòng nước. Chẳng biết hoa sẽ về đâu? Nếu dòng sông kia không có bến bờ. Nhưng dừng lại làm gì? Thà cứ trôi, đến khi tả tơi không còn nhận ra mình, khi không tìm thấy một bến đỗ bình yên".

Những đoạn nầy góp phần diễn tả thấu đáo tâm trạng nhân vật. Một cô gái trẻ tràn đầy nhựa sống,  khát khao yêu, khát khao hạnh phúc nhưng rơi vào tình trạng hụt hẫng, bế tắt không có đường ra.

- Bên cạnh đó, truyện còn có những câu mang triết lý  nhưng cái triết lý được rút ra từ chiêm nghiệm đời thường nên gần gũi và hay" :

“Sợ đứa vợ nhớ thằng trai khác mà đêm đêm quên luôn đứa vợ nằm bên cạnh. Làm như thế là tự mình mình mang cái mầm đen đem trồng trong đầu vợ mình rồi”

Hoặc: ”Có những sự hiển nhiên lâu ngày bỗng trở nên khắc khoải day dứt”

Hay:  "chẳng có ai là người xấu cả. Chỉ là mình chưa tốt nên người ta mới đối với mình chưa tốt mà thôi”, “ Làm cái việc không tốt chỉ được một lần là mất lòng tin thôi . Ngay cả loài gà”

- Đặc biệt trong truyện có nhiều câu ca dao, dân ca hay, những câu nầy được tác giả sử dụng hợp tình, hợp cảnh nên đọc rất lý thú:

Để khuyên những cô gái có chồng thì nói:

“ Có chồng bớt áo thay vai/ Bớt màu trang điểm kẻo trai nó lầm”

"Không chồng đi dọc đi ngang/ Có chồng thì cứ một đàng mà đi”

Trách những người đàn ông  già kén, kẹn hom thì:

“ Buổi chợ đông con cá hồng anh chê lạt/ Tan chợ rồi con tép bạc anh khen ngon”

Và còn rất nhiều câu nữa!

Xin chúc mừng tác giả Duyên Phùng.

Bài của Lê Phượng