Giếng đình làng “báu vật” của làng quê

Những chiếc giếng ấy còn là suối nguồn yêu thương, chứng kiến bao kỷ niệm, thăng trầm của người dân và làng xóm từ thế hệ này qua thế hệ khác.Cùng với cây đa, mái đình, giếng làng (giếng đình làng) hay bến nước đã góp phần vẽ nên bức tranh đặc trưng về làng quê vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ xưa. Bên cạnh những giá trị văn hóa đặc sắc, những chiếc giếng làng biểu trưng nguồn sống, là cầu nối giữa trời, đất và con người vẫn đang được người dân ở nhiều địa phương gìn giữ và sử dụng nguồn nước trong đời sống hàng ngày.


Ảnh minh họa

Theo quan niệm dân gian, giếng nước tượng trưng cho sự dồi dào, sung mãn, sức sống của dân làng. Trong khuôn viên đình làng Xuân Đào xưa hiện vẫn còn dấu tích của giếng đình làng mà người dân làng ta đã sử dụng hàng ngày phục vụ cho đời sống qua nhiều thế hệ. Giếng làng Như nguồn mạch của văn hóa dân gian, người dân còn gắn cho những chiếc giếng những câu truyện, truyền thuyết, huyền thoại mang tính nhân văn thể hiện nét văn hóa tâm linh của cả cộng đồng.

Giếng làng là nơi cung cấp nước sinh hoạt vì vậy giếng làng được xem như “báu vật” của người dân. Giếng làng thường được khơi nơi có nguồn nước dồi dào, không bao giờ cạn để vừa đảm bảo nguồn nước cung cấp, thuận lợi chobà con sử dụng, vừa thể hiện mong muốn nơi khởi nguồn của sự sống luôn luôn sinh sôi, nảy nở, đầy ắp, phát triển không ngừng. Cũng chính vì sự quý giá ấy mà giếng làng xưa được xây dựng khá kiên cố và vững chắc. Phần lớn giếng được xây dựng bằng chất liệu đá như: Đá xanh, đá cuội, đá ong,… Trong đó, từ đáy giếng lên đến thành giếng được xếp bằng đá xanh, đá ong, đá cuội,… tạo thế vững chắc cho thành giếng mà qua hàng trăm năm nay không bị sụt, lún. Đá ong còn góp phần lọc nước từ trong nguồn chảy ra, giúp nước trong, ngọt hơn.

Là nơi cung cấp nước sinh hoạt nên giếng làng được xem như “báu vật” của người dân. Ngày nay, chính sách nông thôn mới làm thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam, theo đó, những nguồn nước sạch được đưa vào từng ngôi nhà nên

nhiều nơi, người dân không còn sử dụng nước giếng làng. Nhưng không vì thế mà giếng làng lại bị lãng quên. Rất nhiều giếng làng vẫn được người dân chú ntrọng sửa chữa và lưu giữ như lưu giữ một báu vật quý và một phần ký ức của cha ông để lại.

Những giếng làng được coi như linh hồn của làng. Người dân bản địa cho rằng nước giếng cổ đã trở thành nguồn nước thiêng vô tận được đất trời và các vị thần linh phù hộ nên không khi nào vơi cạn, nguồn nước lai láng mát trong ấy chính là phúc đức của làng, là sinh khí tốt lành.

Không chỉ mang ý nghĩa duy trì nguồn nước, sự sống cho dân làng, giếng làng còn như “nhịp sống, hơi thở”, là nơi chứng kiến những buồn vui, lắng nghe những tâm sự của mỗi người con, là nơi sinh hoạt cộng đồng của địa phương.Với những người con xa quê lâu năm, sau một hành trình dài trở về, đơn giản chỉ nghỉ chân, soi bóng mình hay uống hụm nước mát trong nơi giếng làng đã mang đến cảm giác sảng khoái, bình yên, bỏ lại phía sau những ồn ào, tất bật của cuộc sống thường nhật.

Những chiếc giếng ấy còn là suối nguồn yêu thương, chứng kiến bao kỷ niệm, thăng trầm của người dân và làng xóm Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác. Các cụ xưa miêu tả cảnh chiều chiều các cô thôn nữ với đôi quang gánh ra giếng đình gánh nước:

Bên gốc bàng xanh tỏa bóng êm/

Em đi gánh nước đôi vai mịn/

Đòn gánh cong cong uốn dẻo mềm…

Cứ thế nói chuyện là quên hết mệt mỏi, hôm sau lại đi làm.”

Trải qua những biến thiên lịch sử, cuộc sống ở làng quê có nhiều đổi thay, cuộc sống được cải thiện, bà con không còn sử dụng nước giếng. Nhưng đây đó, ở mỗi làng vẫn còn những giếng cổ với dòng nước trong vắt, không bao giờ vơi cạn và bà con coi đó là mạch nguồn thiêng liêng cần gìn giữ cho mai sau.

VƯƠNG VĂN KHÁNH

(Hồng Thành, Yên Thành, Nghệ An)