Người bạn cũ - Truyện ngắn của VŨ TÂN CẢNH

Hắn là bạn tôi từ hồi học vỡ lòng. Hay nói hay cười, thích vẽ. Tôi khoái hắn về cái tài vẽ. Những bức ký họa chân dung hắn vẽ giống như thật. Hồi ấy tôi cứ nghĩ hắn sẽ theo nghề vẽ? Tôi và hắn xa nhau từ khi sơ tán chiến tranh đánh phá miền Bắc của Mỹ. Mỗi người một phương, mãi mười mấy năm sau mới gặp lại.

Tình cờ tôi gặp hắn ở một quán nước ven đường. Hắn đi giao bánh. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Hỏi chuyện công việc, nhà cửa, vợ con. Hắn bảo:

- Tôi nghỉ làm nhà nước gần năm rồi, cơ quan giảm biên chế, hiện một vợ một con. Con gái đang học lớp một, vợ làm ở hợp tác xã thảm len, còn tôi làm bánh bán. Hắn chỉ tay vào cái lọ thủy tinh đựng mấy xấp bánh...

Bà chủ quán rót hai chén nước chè, tôi bảo:

- Lâu ngày không gặp,tôi với ông làm chén rượu?

Bà chủ quán nhanh nhảu:

- Chú ấy không uống rượu, không thuốc lá thuốc lào. Đàn ông hiếm có đấy.

Hắn cười. Vẫn là nụ cười trên khuôn mặt hiền lành.

- Bà cho cháu mấy cái bánh cháu mời bạn cháu.

Bà chủ quán xếp bánh ra đĩa. Bánh hình quả tim, mùi vị giống ga tô nhưng cứng như bích quy. Cắn một miếng nhai nhẹ, chờ miếng bánh tan trong miệng, uống ngụm nước chè, ngẫm nghĩ sự hoà quyện của vị chát keo xít, vị ngọt mát của đường quấn quýt mới thấy cái sự lạ miệng.

- Ngon! Tôi trầm trồ.

Trong lúc tôi ăn bánh, hắn chăm chú nhìn mặt tôi. Hắn quan sát thái độ mà tôi tưởng hắn đang định vẽ chân dung tôi như ngày xưa.

- Bánh ngon đấy, ông học ở đâu?

- Tự học, đọc sách, mua khuôn về rồi mày mò. Mới đầu không thành, làm đi làm lại, bánh hỏng thì cả nhà ăn. Con mình ăn nhiều nó phát sợ, nhưng được cái tăng cân.

Nhấp ngụm chè đặc hắn hắng giọng:

- Lúc làm được rồi thì lại lo bán. Mới đầu làm ít chỉ giao quán nước. Ngày nào đi qua cũng nhìn vào lọ bánh, xem đầy vơi thế nào mới dám rẽ vào lấy tiền. Bánh mình lạ chẳng mấy người ăn, họ ăn chê nhạt.

Hắn quay sang hỏi tôi:

- Ông có nhớ cái bánh kẹp kem không?

Thấy tôi ớ người hắn giải thích.

- Bánh quy hình vỏ sò kẹp lớp đường trắng ở giữa ấy…

- Tôi nhớ rồi, nhai lạo xạo ngọt khé cổ.

- Đó… ó… hắn kéo dài tiếng vẻ đắc ý. Bí quyết ở chỗ đó! Cải tiến rồi, hỏi mấy chỗ thấy bán được, mình làm nhiều hơn giao cho mấy người bán buôn. Cứ chiều tầm một giờ là nhào bột, nướng bánh, đóng gói tối đi giao hàng. Hôm nào cũng hì hục luôn tay đến muộn, đi ngủ cũng phải hơn mười một giờ khuya.

Ông khổ nhỉ!

Hắn tròn xoe mắt.

- Sao lại khổ? Có thể tôi vất vả hơn người khác chứ tôi không thấy khổ.

Hắn ngước lên nhìn cành bàng, ánh nắng buổi trưa lọt qua kẽ lá, chao qua chao lại trên mặt bàn vẽ thành những nét phết phẩy loang loáng. Mấy con chích bông đang nhảy nhót chuyền cành, cái đầu ngó nghiêng,đôi chân thoăn thoắt…

- Bây giờ mình là người tự do như mấy con chim kia, tự làm tự ăn, chẳng lệ thuộc, dựa dẫm vào ai…

Nghe hắn nói, tôi thấy hắn có triết lý đời thường sâu sắc.

- Theo mình ở đời không có gì là không làm được, chỉ có bằng cách nào. Làm việc gì cũng phải có chí, có mục đích. Điều cốt lõi là lương thiện, không vi phạm pháp luật. Lúc bánh ế không ai mua, mấy bà mua cất trả lại mình, mang bánh về lòng buồn vô hạn. Nghĩ mình buồn ít,vợ con buồn nhiều mà ứa nước mắt. Mấy đêm không ngủ,mình nghĩ ra cách thuê trẻ con ở xóm ra chợ mua, mỗi đứa một hai túi. Cái bánh đó sáng chúng nó mua về, chiều mình mang đi giao lại. Mấy hôm liền như thế đến khi các bà ấy giục:

- Chú làm tăng bánh lên, dạo này nhiều người ăn lắm.

- Tôi nghe chỉ bấm bụng “các bà chả biết cái quái gì”. Thế nhưng qua đó mình vỡ ra được một điều, đấy là hội chứng đám đông. Thấy bánh bán chạy, mọi người xung quanh cũng tò mò mua ăn thử. Ăn rồi khen, nhất là người ưa ngọt gắt. Các loại bánh kẹo đều từ các lò thủ công, liên hoan, đám cưới trông vào đấy cả. Bánh của mình dựa vào hình thù họ gọi là bánh quả tim. Thế là thoát hiểm. Cứ thế làm cho đến giờ.

-Cuộc sống cũng ổn nhỉ.

-Tàm tạm, đủ trang trải, mỗi ngày cũng kiếm được cho con bữa riêu cá ót.

Đã giữa buổi, mấy đứa cháu bà chủ quán nước lục đục ra quán ăn cơm chuẩn bị đi học. Nãy giờ để hai anh em tâm sự, bà chủ quán hí húi nhặt rau nấu cơm.

Tôi hỏi:

- Ngày xưa ông vẽ đẹp lắm, giờ còn vẽ không?

Hắn xoay người đối diện với tôi.

- Cũng thi thoảng, mình đam mê nhưng không qua trường lớp. Mang tranh đi triển lãm cũng mặc cảm. Nói về tranh pháo, mình lại vỡ ra một điều nữa là làm gì cũng phải học, không học ở trường thì ngoài đời, đặc biệt hội họa. Từ cổ chí kim không mấy ai không học mà thành tài. Chẳng riêng vẽ, mình nhận thấy nhiều lĩnh vực khác cũng chẳng bằng ai vì không được học hành đào tạo bài bản. Xa xôi gì, ngay cái việc làm bánh cũng phải học. Thành công nào cũng có cái giá của nó.

- Tôi thấy châm ngôn vỉa hè” giầu nó ghét, nghèo nó khinh, thông minh nó vùi dập” theo ông thì thế nào? Có bao giờ rơi vào hoàn cảnh đấy không?

Hắn trầm ngâm một lát rồi từ tốn:

- Ở thời điểm nào đó trong cuộc đời con người ta có thể đúng.

Nói xong hắn im lặng. Tôi cũng ngồi yên. Không biết hắn nghĩ gì, nhưng tôi chắc một điều hắn không biết tôi đang theo đuổi, suy diễn vận mình vào câu nói ấy.

Để tránh tranh luận căng thẳng, tôi xuôi theo:

- Chắc là nói về những người nào đang phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống?

-Chả phải, do ganh ghét đố kỵ mà ra thôi. Ai nói câu ấy là không biết mình biết người.

Ý tôi là ông cứ giàu đi, giàu bằng sức lao động, bằng trí óc, giàu minh bạch xem ai làm gì ông nào. Ông thông minh, ông hãy chứng minh đầu óc sáng láng qua từng công việc và chất lượng cuộc sống của ông để thiên hạ nể trọng. Còn nói về nghèo thì vô cùng, nhưng cứ phải “đói cho sạch, rách cho thơm “ ông ạ.

Tôi thừa nhận hắn nói đúng, hắn tiếp:

- Tôi không bao giờ than vãn trách cứ ai, có thân thì lo. Bị giảm biên, tôi biết công việc của tôi, có thì thiếu không có thì thừa. Mấy người hoàn cảnh giống mình cứ hậm hực rằng họ không biết nhìn người tài, họ cho mình ra rìa để người nhà họ thế chỗ. Tôi thấy không phải. Ở đâu thì họ cũng trọng dụng người có tài, có tâm, có đức, người làm được việc. Mà những người ấy, ông cứ suy ra từ bạn học với mình. Ông nhớ lại có thấy ai thông minh, học giỏi mà thất nghiệp đâu, tất cả đều có cuộc sống tốt.

Tôi yên lặng chiêm nghiệm, bâng khuâng những điều hắn nói…

Hắn nhìn đồng hồ:

- Đến giờ làm bánh rồi tôi phải về, gặp bạn ở đây tôi mừng lắm.

Tôi nắm tay hắn bùi ngùi.

- Ông cũng mạnh khỏe nhé, cho tôi hỏi thăm vợ con. Khi nào rảnh tôi sẽ đến thăm. Tôi đã mua vé xe về Uông Bí chuyến hai giờ. Nhanh thì sáu giờ về đến nhà.

Chia tay bịn rịn. Tôi nhìn theo hắn gò lưng đạp xe vội vã. Cái mũ vải bạc màu hắn đội, đôi dép nhựa hắn đi mòn vẹt, quai đứt được khâu tạm bằng dây gai. Bất giác tôi thở dài về cái sự giản dị ấy. Tự nhiên nỗi niềm thương cảm trào dâng (không biết tôi thương hắn hay thương tôi). Mấy hôm trước ông Trưởng phòng Tổ chức thông báo:

- Cậu có danh sách trong đợt giảm biên chế lần này, cơ quan sẽ tạo điều kiện cho cậu tự liên hệ chuyển công tác.

Mấy hôm vừa rồi tôi đã đi vài nơi, hy vọng tìm được bạn hữu nhờ giúp đỡ. Và tôi đã gặp được một người bạn cũ.

1/2022.

VŨ TÂN CẢNH