Chuyện vụn về tình yêu của Nguyễn Quang Tình

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT

Ngày ấy thuộc vào những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ hai mươi, trong số vài trăm công nhân xây dựng ngành Than - Điện ở các vùng quê Hải Hưng, Hà Tây, Nam Hà…được tuyển dụng về bổ sung cho lực lượng công nhân để xây dựng một công trình công nghiệp quan trọng ngành công nghiệp điện – khí hóa non trẻ của đất nước ở vùng ngoại ô phía tây bắc thành phố. Trong số đông thanh niên ấy có ba đứa có trình độ văn hóa cuối cấp ba dở dang là cao nhất, sau vài năm lao động cả ba đều đi học thêm để tốt nghiệp lớp mười và mỗi đứa thi vào một trường khác nhau. Thằng Duy  phải vào bộ đội sau khi hoàn thành nghĩa vụ học Trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch, Thằng Vũ thi vào học Đại học Bách khoa, học Khoa Phát dẫn và truyền tải điện, còn thằng Tâm đi học Mỏ - Địa chất. Ba đứa thân nhau, nhưng mỗi đứa một hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khác nhau, mỗi Tâm có xe đạp để đi lại và thỉnh thoảng về quê thăm bố, mẹ. Về trình độ học hành và độ thông minh sàn sàn như nhau. Ngày ấy ở các nhà máy, công, nông trường quốc doanh là chủ đạo (tuyệt đối không có kinh tế tư nhân), lao động chủ yếu là nữ, thanh niên trai tráng hiếm bởi hầu hết đều ở ngoài mặt trận cả. Vậy thế nên ba thằng đàn ông cao ráo, không bị khuyết tật ở cùng một công trường là hiếm. Duy cao gầy, trắng, ưa nhìn, nói năng nhẹ nhàng, làm việc tích cực và giỏi giang nên được lãnh đạo công trường cấp trên chú ý. Vũ da ngăm đen, duyên ngầm, răng hơi cười (kể cả lúc buồn)… So với  hai bạn thì Tâm ngon trai hơn, tuy thấp hơn Duy một tý nhưng người mập mạp, cân đối, nước da trắng hồng, mặt tròn và nói năng có duyên nhất. Mỗi khi có đám cưới công nhân được tổ chức buổi tối tại Nhà ăn công trường, nếu thiếu đi cái bộ ba ấy thì mất vui là cái chắc. Vừa trang trí, cắt chữ giấy, xin Y tế cho bông để bồi đôi chim bồ câu cắn dính vào mỏ nhau trên phông bạt, dẫn chương trình, giới thiệu đại biểu… rồi đàn hát, đơn ca, song ca, tam ca, cuối cùng thì “cầm càng” cho cả Hội hôn cùng đứng lên hát đồng ca bài: “Kết đoàn”, “Đoàn ca”, “Bài ca xây dựng”… Ngày ấy làm mọi việc vô tư, không có chuyện được mời ăn, uống… có chăng khách mời và cả “Ban tổ chức” chỉ được ăn một vài cái kẹo mật Hải Hà giá 1,2 đồng một cân, hút thuốc lá Trường Sơn hoặc sang thì Tam Đảo giá từ 3 hào đến 4 hào một bao, uống nước chè mạn khô giá 9 hào 3 gói pha chung vào thùng sắt tráng men 15 lít có vòi  Rô bi nê, khách tự động mở uống lúc khát. Tất cả các loại chè, thuốc đều phải được mua giá cung cấp, phân phối theo quy định của Nhà nước. Khách là bạn thân đến dự đám cưới thì có thể mừng tặng đôi vợ chồng một tút thuốc, một cái chậu men, cái xoong nhôm nhỏ để sau này chưng bột cho em bé. Với Công đoàn và Thủ trưởng đơn vị thì quà mừng tân hôn là cái phích đựng nước nóng nhãn hiệu “Rạng Đông” vỏ sắt dung tích 2,05 lít. Đám cưới hầu hết là tổ chức vào chiều tối ngày Chủ nhật để không phạm vào giờ làm việc, xong lễ cưới là các đôi vợ chồng lại đưa nhau về các gian nhà tập thể lợp lá cọ, tường vách ngăn bằng cót, tường hậu khung bằng tre trát đất nhào luyện với rơm. Cả ba thằng cứ vô tư vừa làm việc vừa tham gia phong trào Đoàn một cách nhiệt tình, cuối mỗi ngày hết ca lao động là ngồi tập trung hát, đánh đàn. Nhạc cụ có một cây đàn ghi ta cũ, một đàn Ác coóc đê ông, một Mangdoluyn và một cái sao trúc, hát chán thì đi ngủ. Thích nhất là những dịp chuẩn bị tập luyện để hội diễn văn nghệ công trường, xí nghiệp vào dịp Tổng kết năm, ngày thành lập Đảng, ngày thành lập Đoàn…Tất cả mọi người ở cùng trong một khu tập thể, thanh niên thì 4 đứa một phòng 15 mét vuông, giường sắt cá nhân rộng 80 phân, đứa nào có gia đình khá hơn thì có thêm cái màn xô đơn và cái chăn dạ nhỏ, quần áo chủ yếu là đồ bảo hộ lao động mầu xanh đen, bộ mới còn sạch thì mặc đi chơi, bộ cũ thì mặc đi làm. Định mức cấp phát mỗi năm một bộ, cuộc sống giản đơn, việc ăn thì đến nhà ăn tập thể, buổi sáng tiêu chuẩn một nửa cái bánh mỳ giá 1,5 hào, bữa trưa giá 3 hào, chiều cũng thế. Cuộc sống ở công trường xây dựng cứ thế trôi đi bình yên và lúc nào cũng có cảm giác đói, cái nghèo khổ đeo bám suốt nhưng không thấy mấy người than vãn, kêu ca. Ngày đi làm 8 tiếng, tối về thì đi học văn hóa, đi họp công đoàn, thanh niên, mỗi tháng phải nghe thời sự một ngày chủ nhật do cán bộ tuyên giáo ở Công ty về truyền đạt, ai cũng phải ngồi nghe đến cùng. Về chuyện tình, các đôi trai, gái quen nhau, tìm gặp nhau rồi kết thành đôi, có đôi tổ chức lễ cưới, có đôi đăng ký xong rồi về ở cùng, có đôi thì cưới ở “trên tầu hỏa”… Nếu có nhiều đôi muốn cưới cùng ngày thì cơ quan cho cưới tập thể, mọi thứ coi như chuyện bình thường. Còn lại 3 thằng thanh niên kể trên vẫn độc thân được thằng Tâm (lắm chữ) hơn đặt tên gọi là nhóm “Tam vô” là vừa vô tư, vô duyên và vô tình. Nhưng không thể diễn ra mãi được, đã đến lúc phải có một cô bạn gái để làm người mình yêu, rồi mỗi đứa lại yêu theo một kiểu. (Còn nữa, sẽ tiếp tục kể)

Chiều ngoại ô, ngày cuối năm, tháng 12-2021

Nguyễn Quang Tình