Đến với bài thơ "Hẹn với Kon Tum" của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ - bài của Thiên Lâm

Đọc xong bài thơ "Hẹn với Kon Tum" của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, người đọc cảm nhận như đang được nghe một bản nhạc hòa tấu về đại ngàn Tây Nguyên. Bài thơ được sáng tác theo thể thơ tự do, gồm có 20 câu được chia thành 5 khổ thơ. Từng câu thơ đưa ta đến với lễ hội ở một buôn làng nào đó trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, ta đang lâng lâng bên ché rượu cần dưới mái nhà Rông, nghe thoảng đâu đây hương vị cafe, nghe tiếng thác đổ, tiếng cồng chiêng từ ngàn xưa vọng về... Bài thơ là một bức tranh toàn cảnh về con người, cảnh vật và trầm tích văn hóa Tây Nguyên.

Ta bắt gặp trong bài thơ dòng sông Đăk Bla biếc xanh chảy giữa lòng thành phố như chở theo suối nguồn văn hóa Tây Nguyên từ bao đời nay vẫn xanh thẳm giữa đại ngàn bao la hùng vĩ, dòng sông ấy chảy giữa lòng thành phố và chảy trong nỗi nhớ niềm thương của chính nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, em gái Gia Rai đẹp như một bông hoa rừng thắm đỏ quấn quýt bên chum rượu cần trong điệu nhạc hát xoang, núi rừng cũng ngả nghiêng theo điệu nhạc tiếng khèn lá. Những hình ảnh sống động đầy màu sắc hòa lẫn với tiếng hát, ánh mắt bừng lên của em gái như hòa điệu trong tiếng cồng chiêng ngả nghiêng phóng khoáng.

Tác giả chắc đã sống, gắn bó với Tây Nguyên, với Kon Tum như máu thịt quê hương mình thì mới viết nên được những vần thơ bắt đúng cái hồn, cái thần của Tây Nguyên đến vậy! Kon Tum - nơi điệp trùng của đại ngàn đã làm anh rung động làm anh say rượu ghè men lá đặc trưng không đâu có được, trong mơ anh còn gặp tiếng nai chiều thương nhớ và điệu cồng chiêng làm con suối cũng bâng khuâng.

Tình đất, tình người nơi đây đã để lại cho nhà thơ Nguyễn Đăng Độ nhiều kỷ niệm đẹp, dù đã xa nhưng thoảng trong giấc mơ đại ngàn hùng vĩ, tiếng nai chiều thương nhớ, điệu cồng chiêng vẫn vọng trong giấc mơ anh! "Cơn gió chiều bay trên tóc em thơm" là câu thơ có nhiều sức gợi, vừa như một bức tranh đẹp về người con gái trong gió chiều, vừa như một lời tâm sự của chính nhà thơ về hình bóng một người con gái. Một tình yêu e ấp, chớm nở chỉ dừng lại ở mức độ thầm thương trộm nhớ, nhưng hình ảnh "mái tóc em thơm" đã là hành trang theo suốt cuộc đời anh!

Kon Tum là nơi có nhiều lúa ngô và trái ngọt, có hoa rừng thơm da diết mãi khôn nguôi nên suốt đời anh giăng mắc với Kon Tum. Câu thơ cuối nghe thổn thức và luyến nhớ. Nơi đây chính là đất anh "dựng cờ khởi nghiệp" nên chứa đựng bao nhiêu vui buồn một thuở gắn bó với tác giả. Dù đi xa, dù đã thành danh nhưng với anh đất và người Kon Tum luôn là tình yêu và nỗi nhớ.

Đọc hết bài thơ, ta bâng khuâng như chính nỗi nhớ của ta với mảnh đất ấy, chợt nhớ tới hai câu thơ của Chế Lan Viên:

"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn"

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã cho người đọc được trải nghiệm, đắm chìm trong không gian lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, được nghe điệu hát xoang, được ngả nghiêng bên ché rượu cần ghè men lá, được nghe em gái Gia Rai như bông hoa rừng cất tiếng hát vang vọng cả đại ngàn thương nhớ. Và sau đây mời mọi người cùng đến với Tây Nguyên, đến với Kon Tum để ngắm em gái Gia Rai, uống rượu cần ghè men lá và nghe điệu hát xoang qua bài thơ “Hẹn với Kon Tum” của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ.

HẸN VỚI KON TUM

Kon Tum ơi anh gặp bên trời

Dòng Đăk Bla biếc xanh giữa lòng thành phố

Em gái Gia Rai bông hoa rừng thắm đỏ

Chum rượu cần quấn quýt điệu hát xoang

Cơn gió chiều bay trên tóc em thơm

Dòng nước uốn cong vỗ ru bờ cát trắng

Thành phố nhỏ êm đềm giữa trời mây xanh thẳm

Hoa cà phê hòa điệu với hoa nhài

Nhạc xoang chiều nay đằm thắm mê say

Em gái hát mắt bừng gương mặt sáng

Tiếng cồng chiêng ngả nghiêng phóng khoáng

Sương mờ giăng trắng lối bản làng

Ơi Kon Tum trùng điệp những đại ngàn

Có phải anh say rượu ghè men lá

Có phải trong mơ tiếng nai chiều thương nhớ

Hay điệu cồng chiêng làm con suối bâng khuâng

Kon Tum của lúa ngô và trái ngọt

Hoa rừng thơm da diết mãi khôn nguôi

Của nỗi nhớ đại ngàn thân thương che chở

Để suốt đời anh giăng mắc với Kon Tum./.