"Cặp bài trùng" ở Quảng Xương
Từ ngàn xưa Thanh Hóa đã truyền tụng câu ca: “Nhất Xương nhì Gia” để nói một vùng đất dân cực kì đói kém, gian khổ. Từ thực tế nhiều nơi, dân rút ra kết luận: “Cán bộ nào, phong trào ấy...” ở huyện Quảng Xương, hai nhiệm kỳ nay, một cặp bài trùng lãnh đạo ông Nguyễn Đức Xuân - Bí thư Huyện ủy và ông Vũ Khoa Việt - Chủ tịch UBND huyện đã đưa Quảng Xương từ 1 huyện nghèo trở thành một trong số những huyện khá của tỉnh Thanh Hóa.
Khu Trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao của huyện mới được khánh thành.
Những thành tựu 10 năm
Quảng Xương từng là huyện lớn đứng đầu Thanh Hóa với 47 xã, thị trấn. Qua 2 cuộc chống Pháp và chống Mỹ, quá trình phát triển đi lên, Quảng Xương phải sát nhập địa giới, dân cư nhiều lần, đến nay, huyện chỉ còn 36 xã, thị trấn.
Vốn là một huyện đồng bằng ven biển nghèo của tỉnh Thanh Hóa đồng đất không mấy thuận lợi, lại chịu nhiều thiên tai. Song từ năm 2004 đến 2014 tròn 10 năm, Quảng Xương đã dám nghĩ, dám làm với một tư duy kinh tế mới. Trước hết phải nói bộ máy lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đồng nhất quan điểm, tìm ra bước đi mới tập trung cao độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Có những xã như: Quảng Khê chuyển một lúc 100ha từ trồng lúa sang trồng cói... Đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu mùa vụ tiến tới 3 vụ trong một năm, chú trọng cây vụ đông trên đất hai lúa. Chọn giống lúa có năng suất cao như giống lúa lai F1, giống Bác ưu 903 đạt 22 tạ/ha. Nên mặc dù giảm diện tích nhưng Quảng Xương vẫn là huyện trọng điểm lúa của tỉnh Thanh Hóa.
Điểm mấu chốt ở đây là lãnh đạo huyện Quảng Xương sớm nhận ra được hệ thống giao thông, thủy lợi trên địa bàn huyện, chính vì vậy mà từ năm 2007 hệ thống giao thông, thủy lợi được hoàn thiện, 100% số xã có đường ôtô đến xã, toàn huyện có 60km rải nhựa, đường liên xã, liên thôn cũng được bê tông hóa. Chính vì có đường giao thông thuận tiện mà đời sống nhân dân đã được nâng lên một bước rõ rệt: Gần 90% người dân được dùng nước sạch, 99% người dân được dùng lưới điện Quốc gia. Có thể nói ai đã từng về các xã của huyện Quảng Xương cách đây hơn chục năm, giờ có dịp quay lại mới thấy hết được sự đổi thay đến ngỡ ngàng của từng vùng đất của huyện Quảng Xương. Mới đây nhất ngay trên dọc Quốc lộ 1A huyện Quảng Xương vừa khánh thành đưa vào hoạt động khu trung tâm văn hóa thể thao của huyện với quy mô hoành tráng. Càng thấy rõ bước chuyển mình đi lên của huyện thật đáng ghi nhận.
Vai trò của người lãnh đạo dám nghĩ dám làm
Ông Vũ Khoa Việt
hư phần trên chúng tôi đã đề cập, 10 năm qua, huyện Quảng Xương có 1 cặp bài trùng lãnh đạo giữa Bí thư và Chủ tịch UBND huyện vô cùng đồng nhất quan điểm. Chính vì vậy, 10 năm Quảng Xương ghi được dấu mốc son vô cùng đáng nhớ. Trong bài viết này, chúng tôi xin được nêu đôi nét về vai trò của ông Vũ Khoa Việt - Chủ tịch UBND huyện - người chỉ đạo quyết liệt những chủ trương sách lược của Huyện ủy đề ra.
Ông Vũ Khoa Việt có thâm niên 6 năm là anh lính cụ Hồ từ 1972 - 1978. Sau khi xuất ngũ, ông vào học Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, từ tháng 10/1978 đến tháng 3/1983. Từ tháng 4/1983 ông về công tác tại trạm giống cây trồng huyện Quảng Xương. Với bản chất người lính Cụ Hồ, với 5 năm ngồi trên ghế của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, ông đã tiếp thu học tập được những kiến thức cơ bản về nông nghiệp để áp dụng vào công việc cụ thể được giao. Sau đó với 10 năm là Phó Chủ tịch giúp việc, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện. Và từ tháng 5/2004 đến nay ông gánh vác vai trò chủ chốt - Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương.
Thực tình mà nói tôi biết ông và hiểu ông từ một vụ dân Quảng Xương kiện cáo về tranh chấp đất ở xã Quảng Trung, cách đây đã 10 năm khi ông mới vừa đảm nhận chức Chủ tịch UBND huyện chưa đầy một tháng. Tôi nhớ mãi lần đầu tiếp xúc với ông. Sau khi nghe chúng tôi trình bày nội dung đơn thư của dân khiếu nại, ông nói vắn tắt với chúng tôi: “Tôi mới nhận công việc chưa đầy 1 tháng. Vụ việc nhà báo nói tôi sẽ cho thanh tra kết hợp phòng địa chính xuống tận nơi kiểm tra xem xét cụ thể, sau một tuần chúng tôi có kết quả và hướng giải quyết trả lời các nhà báo”. Nói rồi ông xin phép đi họp. Lần đầu tiên gặp, chúng tôi nửa tin, nửa ngờ hay là ông nói cho xong việc... Nhưng đúng một tuần sau, thấy có điện thoại từ Văn phòng UBND huyện Quảng Xương nói là Chủ tịch huyện mời xuống nghe giải quyết vụ việc và đơn thư của dân gửi khiếu nại.
Sau vụ việc đó và nhiều vụ việc khác nữa chúng tôi thấy mừng cho huyện Quảng Xương có được Chủ tịch Vũ Khoa Việt giàu kiến thức, tri thức năng động, hoạt bát và nhất là tính quyết đoán. Khi đã thấy đúng, thấy có lợi cho công việc, cho tập thể là quyết ngay không chần chừ nâng lên, đặt xuống mất thời cơ. Chính từ một huyện nghèo, trong 10 năm ông đảm nhận chức Chủ tịch - cao nhất về mặt Nhà nước của một huyện, ông đã chớp được nhiều thời cơ vận hội để làm giao thông, để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, để xây dựng cơ sở hạ tầng cho huyện có được như ngày hôm nay.
Tôi đã có dịp nhiều lần làm việc với các cán bộ ban, ngành của huyện. Qua câu chuyện họ đều thán phục nể trọng tính quyết đoán tất cả vì công việc của ông. Mong rằng tới đây huyện sáng suốt, để lựa chọn được người thay ông kế nhiệm xứng đáng, để Quảng Xương tiếp tục gặt hái được những thành tựu mới.