Thăm Việt Phủ Thành Chương

Trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương (9/4/2014), gia đình chúng tôi đã quyết định lựa chọn Việt Phủ Thành Chương là điểm đến để thư giãn giải trí trong một ngày.Việt Phủ Thành Chương cách trung tâm thành phố khoảng 45 phút đi bằng ô tô, nằm trên địa bàn xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG – NƠI LƯU GIỮ TÂM HỒN VIỆT

Vũ Thị Minh Huyền

Trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương (9/4/2014), gia đình chúng tôi đã quyết định lựa chọn Việt Phủ Thành Chương là điểm đến để thư giãn giải trí trong một ngày.Việt Phủ Thành Chương cách trung tâm thành phố khoảng 45 phút đi bằng ô tô, nằm trên địa bàn xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.Toàn bộ khuôn viên được chia làm ba phần. Chính giữa là khu nhà 5 gian đặc trưng của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, tiếp đó là ngôi nhà sàn của người Mường ở Hòa Bình. Khu ở của gia đình họa sĩ là ngôi nhà cổ năm gian hai chái, mang đậm dấu ấn của làng quê xưa. Một trong những điểm nhấn cơ bản trong quần thể kiến trúc này là nhà nghỉ chân bên ao cá được làm bằng gỗ, lợp cói khô.Lần đầu tiên đến đây, chúng tôi hết sức ngạc nhiên bởi toàn bộ khuôn viên, từ căn nhà tranh vách đất đơn sơ, đến từng đồ vật, từng gốc cây đều toát lên chất quê đến mộc mạc, dân dã và gần gũi với đời sống văn hóa của người Việt.

Đằng sau cánh cổng, chúng ta sẽ bắt gặp ngay những nét quen thuộc của thôn quê: bên phải có hồ thả cá với chiếc cầu đá để ngồi câu, bên trái có một giếng nước cổ. Con đường dẫn từ cổng chính đi vào khu nhà được lát bằng gạch Bát Tràng.
Một trong những nét đẹp của quần thể kiến trúc tại đây là những ngôi nhà được xây dựng với nhiều kiểu dáng khác nhau. Ở đó có ngôi nhà sàn của người Mường mang đậm cảnh núi rừng mà giàu chất thi ca; có nhà Thanh Tĩnh có cấu trúc, hoa văn, họa tiết điển hình của một ngôi nhà đồng bằng Bắc bộ; có nhà Tường Vân là gian nhà cổ tiêu biểu cho lớp thượng lưu triều đình Huế; có nhà Đại Khoa dựng theo kiểu nhà cổ đặc trưng nhất của vùng Bắc Ninh; có nhà hát Long Đình hoành tráng là nơi để biểu diễn nghệ thuật.Bất cứ ai đã từng đặt chân đến đây đều cảm nhận được vẻ thanh bình, dân dã và những giây phút thư giãn hiếm có, điều khó có thể tìm thấy ở chốn đô thị ồn ào và náo nhiệt. Việt Phủ Thành Chương tạo ra cho những ai đặt chân đến đó cảm giác được sống cùng một lúc với hai khoảng thời gian: “ Hiện tại và Cổ xưa”.

Tiếng kẽo kẹt của cánh cửa gỗ mở ra những khoảng không gian đậm màu hoài cổ. Với nét kiến trúc truyền thống thấm đẫm hồn Việt, những nhà sàn, những nhà Long Đình, nhà Đại Khoa hay nhà Tường Vân … khiến lòng ta như dịu lại, chùng xuống. Như được lội ngược dòng thời gian về với một miền ký ức đã xa, nhạt nhòa, mờ mờ nhân ảnh.

Và không thể thiếu đi điểm nhấn quan trọng, cái sợi dây nối kết mang đến tinh thần văn hóa cho toàn bộ hệ thống kiến trúc ấy chính là quần thể những bức tượng. Tượng đá, tượng gỗ, tượng Phật và gốm cổ được sắp đặt, bài trí trong nhà, ngoài sân, hài hòa sống động khắp nơi trong khuôn viên của Việt Phủ.

 

Bảo tháp Thiên Hương được làm bằng gốm, lấy cảm hứng từ những mẫu tháp gốm cổ thời Lý, Trần kết hợp với đường nét dân gian do họa sĩ Thành Chương thiết kế.

Việt Phủ trở thành điểm đến với không gian đậm chất văn hóa Việt, được nhiều người tìm đến. Mặc dù đã nghe đến Việt Phủ nhiều lần, song khi đến đây, chúng tôi cảm nhận về Việt Phủ như một bức họa hết sức tinh tế và cầu kỳ mà họa sĩ Thành Chương đã dày công xây dựng. Họa sĩ Thành Chương đã thành công trong việc đánh thức người Việt tìm về với cội nguồn văn hóa Việt.

Chia tay Việt Phủ, điều đọng mãi trong chúng tôi đó chính là một địa chỉ thực sự có ý nghĩa để mọi người tìm đến. Đến để xem, để chiêm ngưỡng, để tìm hiểu và đến để cảm nhận một phần những tinh hoa, giá trị văn hóa đậm dấu ấn của người Việt.Trong không gian Việt phủ, chúng ta cảm nhận hơi thở văn hóa Việt và vẻ đẹp xa xưa mang tên nước Việt. Mỗi chi tiết ở Việt phủ Thành Chương đều là những biểu tượng văn hóa và đó cũng là thông điệp đáng trân trọng của họa sĩ Thành Chương về sự giữ gìn bản sắc dân tộc trong một đời sống hiện đại.Ông đã cho cho chúng ta thấy trong những ngôi nhà truyền thống của người Việt vẫn đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt của con người trong thế kỷ 21 văn minh này. Đấy là cách mà họa sỹ Thành Chương làm cho phong vị kiến trúc truyền thống của người Việt với sự trầm tĩnh, giản dị và có chiều sâu tâm hồn hòa đồng vào đời sống hiện đại một cách sinh động, nhuần nhuyễn và duyên dáng.Đúng như lời của một du khách khi đến tham quan Việt Phủ Thành Chương đã nói rằng: “Có một con đường dẫn ta đến nơi trú ngụ của tâm hồn Việt. Đó chính là con đường dẫn đến Việt Phủ Thành Chương”.Nếu có cơ hội, rất mong các bạn có thể đến nơi đây để thưởng thức, chiêm ngưỡng phong cảnh “Nơi lưu giữ tâm hồn Việt” và lý giải tại sao Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghard đã nhận xét về nơi này rằng: “Người ta thường nói, biến giấc mơ thành hiện thực.Nhưng với công trình này, ông là người đã biến hiện thực thành giấc mơ!”.Tôi cũng thầm ước một điều rằng, ở Việt Nam sau này sẽ còn có nhiều công trình khác lưu giữ những giá trị văn hóa đậm dấu ấn của người Việt giống như Việt Phủ Thành Chương...

 

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2014

Th.S Vũ Thị Minh Huyền