Sống cùng hồi ức tại triển lãm “Ký ức lụa là”

Với triển lãm cá nhân “Ký ức lụa là”, Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng đã mang 25 bức tranh kể những câu chuyện xưa vào trưng bày giữa huyên náo Sài Gòn…

Lụa đã cũ, đề tài cũng xưa: là góc phố, là Hội An, là quê hương, là những hình ảnh tuổi thơ miền Trung gần như không còn thấy nữa… Cảnh sắc riêng một thời khiến cả đời thương nhớ. Nghệ thuật của sự tĩnh lặng luôn là hơi thở nóng hổi hoài niệm của con người đương đại, như là dâu tằm quê hương vời vợi sống dậy trên từng sợi lụa cùng với màu và sắc. Trong lụa, “cặn bẩn” đã không còn chỗ chen lấn giữa thế giới trong ngần của người nghệ sĩ đang hồi tưởng về những giá trị nhân bản.

17 bức tranh vẽ ký ức về Hội An nhưng không phải Hội An của quá khứ, dù tác giả dẫn dắt người xem về “Phố cao lầu”, “Phố xích lô”, “Phố vào hạ”... quen thuộc một thời. Ở đó không còn là sự tái hiện mà đang tái tạo không gian huyễn hoặc chưa từng giống, chưa từng có, vừa thân thuộc vừa xa lạ, vừa hiện hình vừa ảo mờ nhân ảnh. Phố mùa đông với những mái nhà ấm áp, đắp lên tâm hồn kẻ tha phương một ý thức về sự tha hóa. Phố giao mùa trong ngày bình thường mà có khi phải đợi đến trăm năm! Ngắm “Làng trong phố” và “Phố chợ” mới hiểu rằng, làng hay chợ bây giờ chỉ là một “giả lập” hoang tưởng. Đến “Ngói cũ”, “Phố rêu” gần như nguyên vẹn mà sao phả vào lụa nỗi xanh xao mong manh đến vậy!... Bởi cái đẹp không thể lặp lại hai lần, thể tính của sáng tạo là duy nhất và ý muốn “đi về một nơi nào đó” phải chăng chỉ là hậu quả của thảm trạng mất nguồn? (Phạm Công Thiện). Nguyễn Trọng Dũng đã tận dụng “hạn chế” của lụa (là sự né tránh ánh sáng rực rỡ, kỵ không gian sắc nét và tương phản sắc màu) để biến thành ưu thế cho sự biểu đạt mơ hồ không lên tiếng.

Tác phẩm Chơi ô làng

Vẽ phố, Nguyễn Trọng Dụng bị quyến dụ ở chính vẻ đẹp lưu tồn hiển hiện của một “Hội An trong tôi” và một “Hội An ngoài tôi” - những ngôi nhà cổ luôn được trùng tu, tạo dựng (không phải cho con người mà cho du khách). Nhưng đến 8 bức tranh quê thì anh hầu như không thể theo con đường của phố, bởi tất cả chỉ còn trong tâm tưởng. Ở đâu ra trò chơi ô làng, thả diều, đá cỏ gà… của ấu thơ, của dĩ vãng một đi không trở lại?!…

Vì thế “Hoan ca”, “Đồng dao” muốn thoát khỏi biểu hiện để trình diễn một không gian siêu thực với những hình ảnh và hình khối chồng lấp, “giẫm đạp” lên nhau để tranh tụng về một nỗi hoài mong sâu kín. Ở “Trâu trắng trâu đen”, “Mục đồng” và “Chiều trên đồng”, ngoài những chi tiết rành mạch - những đôi mắt chẳng hạn - thì những mảng tím xâm chiếm lòng người bao nhớ thương dào dạt. Riêng “Thả diều” và “Chơi ô làng”, bằng đối chọi ánh sáng và nét sắc lạnh như mực tàu được phóng lên lụa, khiến cho “giấc hương quan” sống dậy và ám ảnh mãnh liệt hơn bao giờ hết. Với nghệ sĩ, cái mất đi hoàn toàn có thể sẽ thành còn mãi.

Tác phẩm Hoan ca

Phong cách vẽ lụa của Nguyễn Trọng Dũng tựa như một tác phẩm âm nhạc dân gian đương đại - chìm đắm trong rêu phong phố, ẩn trong giấc mơ đồng nội là cảm xúc mạnh của thao thức thời đại đang sống. Và điều đáng nghĩ ngợi khi đứng trước tranh của Nguyễn Trọng Dũng là sự không đơn giản của các mảng hình, sự không dễ dãi với màu sắc, không lệ thuộc vào chất liệu, nhất là không để cho cảm xúc triền miên lôi kéo. Để sau hết, chính vào lúc quay lưng, hoài niệm lụa bắt đầu lên tiếng trong thinh lặng “lụa là”...

Một phần tư thế kỷ trầm ngâm với lụa, đứng trước nguy cơ quên lãng của chất liệu và phong cách cá nhân, Nguyễn Trọng Dũng đã tư duy lặng lẽ cùng với lụa nhằm giãi bày thế giới tâm hồn mình và cất lên tiếng nói chống lại nguy cơ cô độc của con người giữa thế giới này.

Triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với chủ đề “Ký ức lụa là” diễn ra từ ngày 4 đến 14-11, tại The World ArtSpace (số 21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh).

Nguồn: https://www.vannghedanang.org.vn/