Làm sao để thức tỉnh được lòng yêu nước, được tinh thần dân tộc? Làm sao để mỗi người dân đều thấm thía được nỗi nhục nghèo hèn? Làm sao để ý thức được sâu sắc nguy cơ tụt hậu để từ đó đánh thức được ước mơ, khát vọng lớn lao, lòng yêu nước cháy bỏng trong mỗi người trẻ? Làm sao để đột phá phát triển, giải phóng mọi nguồn lực, trong đó có tiềm lực con người để thoát khỏi thân phận nghèo hèn? Bài học từ việc xây dựng mô hình DNXH ở Philippines đã cung cấp cho chúng tôi nhiều trải nghiệm ý nghĩa để hành động cho sứ mệnh lịch sử này!
Vào ngày cuối cùng, trong lúc chờ giờ lên máy bay về Việt Nam, tôi tình cờ phát hiện trong ngăn tủ lớn nhất của hiệu sách "National book" đặt trong sân bay Aquino bày bán hàng trăm cuốn sách mỏng có tựa đề: "12 điều bé nhỏ người Philippines có thể làm cho đất nước" ; "12 điều bé nhỏ người Philippines ở nước ngoài có thể làm cho quốc gia".
Tác giả cuốn sách là một luật sư người Philippines tên Alex đã kêu gọi mỗi người dân xây dựng Philippines trở thành quốc gia giàu mạnh bằng những hành động bé nhỏ của mình như yêu nước, yêu dân tộc, tôn trọng luật pháp, làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo, tôn trọng môi trường... Cuốn sách mỏng nhưng nội dung chứa đựng đã đeo bám và ám ảnh tôi trong suốt hành trình bay về Việt Nam. Qua cửa sổ máy bay, phía dưới tầm mặt tôi là biển Đông bao la, bên này là hình hài tổ quốc Việt Nam, phía bên kia là đất nước Philippines nơi tôi đã sống và làm việc một tuần lễ trong chương trình tham quan về doanh nghiệp xã hội do Hội đồng Anh Việt Nam tổ chức.
Cả hai quốc gia đều là những đất nước giàu mạnh về tài nguyên, dân số đông và trẻ, có một nền kinh tế đang phát triển nhưng đều phải đối mặt với những nguy cơ lớn như tệ nạn tham nhũng, sự thao túng của các nhóm lợi ích, mối đe dọa từ bên ngoài, dân số bùng nổ, đói nghèo, chênh lệch xã hội, sự quá tải của hệ thống giáo dục, y tế, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...
Tuy nhiên, cách giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của các bạn Philipines thông qua mô hình doanh nghiệp xã hội khiến tôi thực sự bất ngờ và cảm kích. Cả một chút bất an, lo sợ khi nhìn về những vấn đề tương tự đang tồn tại ở Việt Nam vẫn chưa tìm được những giải pháp đột phá để tạo ra chuyển biến thực sự.
Nỗi nhục khi làm công dân đất nước hạng 2
Cảm kích và ấn tượng lớn nhất của tôi qua các cuộc trao đổi, tiếp xúc với các DNXH Philippines chính là tinh thần doanh nhân xã hội mạnh mẽ và lớn lao, mà biểu tượng cháy sáng cho tinh thần này đã được chính báo chí Philipines tôn vinh, chính là ngài Tony Meloto, người sáng lập phong trào nhân đạo quốc tế Gawad Kalinga xây nhà cho người nghèo lớn nhất Philippines. Người đàn ông ngoài 60 tuổi, mái tóc đã bạc trắng nhưng sự trẻ trung lại nổi bật trong thần thái và bộ trang phục phủi bụi đã bồi hồi kể lại cho đoàn công tác Việt Nam về một buổi sáng đặc biệt cách đây 30 năm, khi đó, Tony Meloto đang là nhân viên của công ty đa quốc gia P&G với mức lương hàng nghìn đô la có thể nuôi vợ con sung túc trong một khu nhà ở sang trọng ở giữa Manila.
"Vào cuối ngày làm việc, khi lê thân xác ra khỏi tòa cao ốc trở về nhà, tôi bỗng cảm thấy mình đang sống trong một cái túi rỗng. Khi bạn được sống trong một khu độc quyền, con bạn được học trong trường độc quyềm với những bữa ăn giàu dinh dưỡng, còn bạn sống trong những bức tường cao, máy lạnh, nhân viên bảo vệ... nhưng cả một biển người nghèo xung quanh bạn đang rên xiết bởi cái đói, sự bất công và áp bức. Đó là một thứ không thể bỏ qua" - Tony nói.
Mục tiêu và cũng là giấc mơ lớn nhất của Tony Meloto là sẽ đưa 5 triệu hộ dân Philipines thoát nghèo vào năm 2014
Người đàn ông 35 tuổi đã bỏ việc, sau đó ông dành 10 năm đi du lịch và sống trong những khu ổ chuột lớn nhất Philippines để truyền đạo và tìm ra con đường giúp người dân Philippines thoát nghèo. " Tôi đã trở lại với người nghèo - cũng là nơi tôi đã đến. Đó không phải là một dự án, mà là một cuộc hành trình". Tại Bagonsilang, ông đã thành lập ngôi làng Gawad Kalinga đầu tiên, nơi những người vô gia cư được cấp đất, dựng nhà, cung cấp giáo dục và kỹ năng để kiếm tiền nuôi gia đình. Từ 200 ngôi nhà trên 38 làng, Gawad Kalinga ngày nay đã phát triển thành một cộng đồng gồm 21 759 ngôi nhà với trên 1253 ngôi làng không chỉ ở Phillipines mà còn lan trộng ra các nước Indonexia, Campuchia,... Mục tiêu và cũng là giấc mơ lớn nhất của Tony Meloto là sẽ đưa 5 triệu hộ dân Philippines thoát nghèo vào năm 2024, khi đó đất nước Philippines cũng sẽ ra khỏi danh sách quốc gia nghèo đang phát triển.
Nghèo và hèn là nỗi nhục sâu sắc đeo bám tâm trí Meloto. Trong cuộc gặp với các bạn Việt Nam, ông đã đau đáu "Singapore chỉ được xây dựng từ đá, trên một hòn đảo nhỏ nhưng đã là quốc gia có nên kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, Philippines là đất nước có đất đai màu mỡ, giàu tài nguyên khoáng sản, dân số đông nhất nhì Đông Nam Á nhưng lại được thế giới biết đến như quốc gia nghèo, tham nhũng, thiên tai, kinh tế thấp. Vì sao? " Tony thốt lên :" Người Philippines đang đi kiếm tìm và làm giàu bằng các cơ hội ở nước ngoài, cho nước ngoài. Nền kinh tế chỉ tiêu thụ chứ không sản xuất. Tệ tham nhũng kéo dài. Cộng thêm tâm lý nhược tiểu nô lệ hơn 1 thế kỷ... Tất cả những thứ đó khiến chúng tôi tự ti, mặc cảm, đánh giá thấp bản thân mình, coi dân tộc mình như công dân hạng 2 trên bản đồ thế giới" .
Tony Meloto thấy rằng, chỉ có con đường giúp người dân thoát nghèo và giúp họ tỉnh thức về phẩm giá, lương tâm, lòng tự trọng của mình, thì Philipines mới có thể giàu mạnh. Chính vì thế, trong cách thức xây dựng mô hình ngôi làng Gawad Kalinga, Tony rất chú trọng đến đối tượng nam giới. "Khi bạn xây dựng nhà ở, đường giao thông, trường học, hệ thống nước, nhà vệ sinh , bạn cần những người đàn ông và bạn cung cấp một cơ hội cho họ cảm thấy một cảm giác về phẩm giá và lòng tự trọng. Những giá trị này không phải xây dựng trên đá, gỗ hay các khối rỗng, mà phải xây từ mồ hôi, nước mắt, công sức lao động. Người nghèo đã tham gia xây dựng cộng đồng Gawad Kalinga bằng những triết lý như vậy "Và trước khi nhận nhà, họ phải ký một giao ước rằng người đàn ông sẽ không uống rượu ở nơi công cộng hoặc đánh bạc và sẽ không có ma túy trong cộng đồng bởi vì đây là căn cứ để trục xuất. " - Tony nói
Bằng cách sẻ chia ước mơ, đam mê, khát vọng cao đẹp mà vĩ đại của mình, Tony Meloto đã trở thành một biểu tượng và cảm hứng cho hàng trăm nghìn bạn trẻ ở Phiilipines cũng như nhiều người trẻ trên thế giới. Fabien, một thanh niên người Pháp, đã dành 5 năm sống trong những điều kiện vất vả khắc nghiệt ở trang trại Enchanted Farm để giúp những người phụ nữ vô gia cư sản xuất đồi chơi an toàn trong dự án có tên "Push & Play".
Shanoiraj Khadku, một thanh niên 27 tuổi, đã từng tốt nghiệp một trường ĐH hàng đầu và làm nghiên cứu thị trường cho một ngân hàng ở New York đã rẽ ngang công việc để trở về làm việc tại Enchanted Farm nói: " Tôi nhận ra rằng nếu tôi thành công và giàu có nhưng đất nước tôi vẫn nghèo, thì tôi vẫn sẽ là một công dân hạng 2. Vì vật, tôi đã quyết định trở về và tìm cách giúp đỡ những người dân nghèo của đất nước tôi". Và hiện nay, người thanh niên này đang thành công với dự án sản xuất trứng vịt muối giúp một số gia đình nghèo trong trang trại có việc làm và tăng thu nhập.
Hàng trăm thanh niên trẻ khác trong câu lạc bộ CSI được Tony Meloto thành lập năm 2010 cũng mang một giấc mơ và khát vọng như vậy . "Mục đích của tôi khi thành lập CSI là để thuyết phục những sinh viên tài năng nhất Philippines đến thành lập doanh nghiệp trong quan hệ đối tác với Gawad Kalinga. Chung tôi có đất, nhân lực, lý tưởng nhưng lại thiếu doanh nghiệp, mà chỉ có doanh nghiệp mới giúp thay đổi cách suy nghĩ, hành xử, từ đó tạo đột phá" - Tony kết luận.
Melissa Yeung, người sáng lập Got Heart Foundation
Không chỉ có Tony Meloto, tất cả những doanh nhân mà tôi được tiếp cận trong suốt chuyến đi đều sôi sục một đam mê, tâm huyết vì cộng đồng như vậy. Đối với họ, kinh doanh không chỉ nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận, mà làm sao dùng lợi nhuận đó đem lại lợi ích cho cộng đồng, và từ cộng đồng lại nuôi sống và thúc đấy doanh nghiệp lớn mạnh. Melissa Yeung, người sáng lập Got Heart Foundation là một cô gái trẻ có niềm tin thay đổi thế giới không nhất thiết phải cần đến sức mạnh cơ bắp hay sự giàu có, mà tất cả những gì cần thiết là một khả năng và một trái tim lớn.
Từ tuổi niên thiếu, thông qua sự hướng dẫn của cha mẹ và nhà trường, cùng với ý thức bản thân, cô gái này đã là một thành viên tích cực trong việc dạy trẻ mồ côi về thủ công, vẽ, âm nhạc. Lên đại học, cô giam gia vào công đồng Gawad Kalinga, và đã cùng nhiều sinh viên giúp người vô gia cư xây nhà. Qua những chuyến trải nghiệm sống và làm việc cùng 10 dân tộc bản địa nghèo nhất Philippines, Melissa Young đã bị thôi thúc bởi ước mơ phải làm sao giúp những người dân bản địa kiếm kế sinh nhai mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của họ. Câu chuyện của doanh nghiệp Got Heart như chúng tôi đã đưa ở phần 1 cũng khởi nguồn từ đây.
Kristina Lopez, chủ doanh nghiệp Messy Bessy
Kristina Lopez, chủ doanh nghiệp Messy Bessy cũng từ bỏ vị trí là một chuyên viên cao cấp trong hãng cà phê lớn để mở doanh nghiệp giúp đỡ những đứa trẻ vô gia cư, thất học, bị lạm dụng... có việc làm và được đến trường. Lòng tự trọng và nhân phẩm được coi là triết lý tồn tại hàng đầu của doanh nghiệp này. Lopez cho hay, cô không làm ra những nước chai nước rửa tay để kêu gọi lòng thương của mọi người hãy đến và mua nó. " Những đứa trẻ đường phố hay bị lạm dùng đã mang sẵn những nỗi ám ảnh và tự ti. Tôi không muốn các bạn lại bị xã hội nhìn nhận như nạn nhân nữa. Họ chính là những người sáng tạo, kiến tạo và chủ nhân của giá trị lao động đó".
Rất nhiều DNXH mà chúng tôi gặp trong suốt chuyến đi cũng cùng chung một ý chí như vậy. Việc phát triển doanh nghiệp xã hội tại Philippines không phải đợi đến một thời điểm nào, không phải đợi đến khi chính phủ nói phải phát triển doanh nghiệp xã hội mà là bất cứ khi nào, nơi nào còn tồn tại những vấn đề xã hội, những thất bại của thị trường, của chính phủ.. thì DNXH có mặt và tạo sự thay đổi.
Sứ mệnh của người Việt
Những ngày này, báo chí nước nhà lại dậy sóng với chủ đề "Người Việt xấu xí" khi ở khắp nơi, cả trong lẫn ngoài nước đều rúng động bởi những vụ việc nữ tiếp viên rồi người Việt bị cảnh sát Nhật bắt vì tình nghi tiêu thụ đồ ăn cắp; nghi án quan chức đường sắt nhận hối lộ; những vụ việc chà đạp nhân phẩm con người như trói bé gái vì trộm sách; tệ hôi của; đánh chết trộm chó...
Nói về thói hư tật xấu của người Việt, một giám đốc doanh nghiệp, chuyên gia truyền thông nhận định, nhiều người Việt mắc căn bệnh "ung thư về tâm trí", nổi bật nhất là tính đố kỵ, nhỏ nhen, không có thói quen chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nếu được nghe nhận định này, chắc hẳn, đồng nghiệp của tôi, một giảng viên trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cùng tham gia chuyến tham quan về DNXH ở Philipines chắc hẳn sẽ thất vọng, khi nhìn về nước bạn để soi chiếu về đất nước mình.
"Giá trị của sự sẻ chia" - kỳ vọng lớn nhất của anh trong chuyến thăm Philippines đã hoàn toàn được thỏa mãn khi anh chứng kiến tinh thần doanh nhân xã hội, đam mê, khát vọng giúp chính bản thân và cộng đồng thoát nghèo, từ đó xây dựng một quốc gia giàu mạnh của những con người như Tony Meloto, Melissa Yueng, Adwin Solonga...
Làm sao để thức tỉnh được lòng yêu nước, được tinh thần dân tộc? Làm sao để mỗi người dân đều thấm thía được nỗi nhục nghèo hèn? Làm sao để ý thức được sâu sắc nguy cơ tụt hậu để từ đó đánh thức được ước mơ, khát vọng lớn lao, lòng yêu nước cháy bỏng trong mỗi người trẻ? Làm sao để đột phá phát triển, giải phóng mọi nguồn lực, trong đó có tiềm lực con người để thoát khỏi thân phận nghèo hèn? Bài học từ việc xây dựng mô hình DNXH ở Philippines đã cung cấp cho chúng tôi nhiều trải nghiệm ý nghĩa để hành động cho sứ mệnh lịch sử này!
Thu Phương