Đất nước cần con đường ngay thẳng
Chính phủ yêu cầu báo cáo vụ nắn cong đường Trường Chinh Ai chứng minh đường Trường Chinh 'cong mềm mại'?
Đường Trường Chinh trước và sau khi sửa đổi
MỘT ĐẤT NƯỚC ĐÀNG HOÀNG, TỬ TẾ CẦN CÓ NHỮNG CON ĐƯỜNG NGAY THẲNG, NHỮNG CHÍNH SÁCH NGAY THẲNG
TRẦN ĐĂNG KHOA
Ồn ào trên các kênh truyền thông, bao gồm cả báo giấy, báo mạng, báo nói…trong hơn nửa tháng qua là vụ là vụ bẻ cong đường vành đai 2 ở Hà Nội, với nghi vấn là để tránh nhà quan chức, nhưng lại được lý giải bằng rất nhiều lý lẽ khác nhau. Song, nói như ký giả Phạm Trung Tuyến, phóng viên Kênh VOV Giao thông, Phó Giám đốc Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam, thì mọi con đường, cũng như mọi câu chuyện khác trong đời sống, sự thiếu ngay thẳng không bao giờ là lựa chọn tốt nhất, hay cách ứng xử khôn ngoan nhất.
Phải công nhận thời gian gần đây, bộ mặt Thủ đô của chúng ta thay đổi từng ngày, nhiều tuyến phố mới mở, nhiều công trình Giao thông công cộng được xây dựng, đặc biệt là những cây cầu vượt, vừa góp phần giảm tải được nạn ách tắc giao thông cục bộ trong thành phố, lại vẫn bảo đảm được vẻ đẹp của nội thị. Đường Trường Chinh là cung đường lớn, qua nhiều khu dân cư, cũng đã được mở rộng, chỉnh sửa lại rất đẹp. Chỉ tiếc đến khu vực Tập thể Phòng không, Không quân, con đường đã bị bẻ cong, trái hẳn với bản đề án rất ngay thẳng mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, gây nên sự ồn ào trong dư luận nhân dân. Tôi đồng ý với một ký giả khi anh cho rằng, mọi con đường đều cần ngay thẳng. Nếu không vì điều kiện bất khả kháng như địa hình phức tạp không đảm bảo thi công, hoặc vướng những di sản không thể phá bỏ, thì người ta mới buộc phải bẻ cong một con đường. Bởi con đường cong luôn dẫn đến những hệ lụy không chỉ tính bằng tiền, mà còn là thời gian, là sự an toàn, và cả tâm lý của cộng đồng nữa. Vậy mà con đường lớn mang tên Tổng Bí thư khả kính đã bị bẻ cong. Cũng có lý giải cho rằng, con đường bị bẻ vì đi qua khu vực quân sự, có những công trình ngầm, cần phải né tránh. Nhưng lối ngụy biện được ngụy trang bằng sự tù mù này cũng không có sức thuyết phục, bởi chẳng có công trình quân sự nào cần phải bảo vệ tuyệt đối an toàn và bí mật lại đặt ở giữa khu dân cư? Thiếu tướng Mai Văn Cương, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân khẳng định: “Nếu như việc mở rộng đường Trường Chinh cứ thực hiện như phương án ban đầu thì chắc chắn sẽ không có khiếu kiện nào của người dân. Vì đường sẽ mở rộng về hai bên, mỗi bên lấy từ tim đường vào 27,5m thì không có chuyện bên thụt bên thò”. Từ phương án quy hoạch ban đầu mỗi bên lấy từ tim đường vào 27,5m, Thiếu tướng Mai Văn Cương đã ký văn bản đề nghị Văn phòng Kiến trúc sư trưởng lấy từ mép đường vào 7m. Đến năm 2007, Bộ Quốc phòng có văn bản số 762 đề nghị lùi thêm 1m, tức chỉ lấy từ mép đường vào phía bắc 6m. Theo Thiếu tướng Cương, nếu theo phương án lấy từ mép đường vào 7m hoặc 6m như ý kiến của Quân chủng PK-KQ và Bộ Quốc phòng thì đường Trường Chinh vẫn thẳng. Việc quy hoạch đường Trường Chinh là một tuyến đường thẳng đã được thể hiện tại Quyết định số 108 mà Thủ tướng đã ký và ban hành. Đây là con đường lịch sử trong hàng thế kỷ nối giữa hai cửa ô ngã Tư Vọng và ngã Tư Sở theo một đường thẳng tắp chứ có phải bây giờ nó mới có đâu. Ngay cả thiếu tướng Cương, người ký văn bản cũng ngạc nhiên: “Thời điểm Kiến trúc sư trưởng thành phố xuống làm việc với Quân chủng Phòng không, Không quân, mở bản đồ ra thì tuyến đường này vẫn thẳng tắp. Giờ chẳng vì cái gì cả mà tại sao lại uốn con đường”. Ông cũng “chỉ mong sớm được gặp cơ quan Thanh tra Chính phủ hoặc Thanh tra Hà Nội để nói hết. Và nếu Hà Nội không giải quyết được thì đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng để trả lại hiện trường cho tuyến đường Trường Chinh”. Trả lời phóng viên báo chí, Thiếu tướng Cương cũng nói rõ: “Từ đoạn Hố Mẻ cho đến hết khu vực nhà riêng của một số đồng chí cán bộ, hiện trạng trước đây hoàn toàn là dãy nhà cấp bốn sau đó phá đi rồi xây lên cao tầng. Tiếp đó là khu nhà xây dựng thời Pháp chỉ có hai nhà cao có hai tầng chứ hoàn toàn không có công trình chiến đấu quân sự nào cả. Ngay cả trong văn bản tôi cũng nói rõ không ảnh hưởng đến công trình nào quan trọng của Bộ Quốc phòng để khiến đường phải đổi hướng”.
Như thế là đã quá rõ!
Đây chỉ là quyết định vì lợi ích của một người hay một nóm người với cách lý giải quanh co vừa chủ quan vừa ngụy biện. Có cán bộ chức năng còn cho rằng, “con đường đã cong một cách mềm mại” (!). Người ta chẳng còn hiểu “cong mềm mại” là cong như thế nào? Hóa ra người ta bẻ cong đường vì yếu tố thẩm mỹ. Tại sao con đường đang thẳng đẹp, đến khu vực này, nó lại cứ phải “cong một cách mềm mại”? Có người lại còn nhắm mắt, bất chấp sự thật mà lý giải rằng, bẻ cong con đường như thế là để tiết kiệm đến hằng trăm tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Ô hay, sao lại có chuyện ngược đời thế? Đường thẳng bao giờ cũng là con đường ngắn nhất. Đường cong là đường đã bị kéo dài, lại ở trong một khu vực có mật độ dân cư đông vào bậc nhất Hà Nội, thì sự chênh lệch chi phí giải phóng mặt bằng không phải giảm đi mà sẽ còn tăng lên đến cả mấy lần.
Nhưng con đường đã bị bẻ cong, bởi những toan tính cong queo của con người. Tôi đồng ý hoàn toàn với Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh Truyền hình Quốc hội khi anh cho rằng, có thể có cả những toan tính cong queo không phải vì lợi ích của bản thân những người ra quyết định. Có khi chỉ đơn thuần xuất phát từ những ý nghĩ tưởng như có tình, bởi nếu con đường ngay thẳng sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của những người đã có công lao với thành phố. Nhưng, chính cái ý nghĩ tưởng như có tình ấy lại bẻ cong không chỉ con đường. Dẫu “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” là một điều được xác tín ở mọi nơi, song chúng ta đều thấy bình thường trước những sự ưu tiên. Yếu tố bình đẳng đã bị triệt tiêu từ những chính sách cơ bản nhất khi việc ưu tiên bị lạm dụng.
Đã không còn bình đẳng khi lũ trẻ có thể được cộng điểm trong mỗi kỳ thi nhờ những lý do không liên quan đến năng lực học tập. Thậm chí, những người làm chính sách giáo dục còn từng đề xuất cộng điểm cho cả những bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi đi thi đại học. {!} Ưu tiên cho các bà mẹ anh hùng, các thương binh hay những người có công là sự chăm sóc đời sống, tinh thần của họ, chứ đâu phải ở ngoại vi. Lạm dụng sự ưu tiên là cách tốt nhất làm băng hoại xã hội. Vì được “ưu tiên” mà một ai đó thoải mái lái xe vượt đèn đỏ, với tâm lý có thể gọi điện cho người thân khi bị xử phạt. Vì luôn có những sự ưu tiên mà đám đông không còn đủ nhẫn nại khi xếp hàng. Vì tin vào sự ưu tiên nên có những người sẵn sàng đứng trên cả pháp luật. Không chỉ những con đường, mà ngay cả pháp luật cũng luôn bị bẻ cong cũng bởi những sự ưu tiên. Sự ưu tiên không phải bao giờ cũng bắt đầu bởi những lợi ích đen tối. Có thể là thế lực, có thể bởi tiền bạc, nhưng cũng có thể bởi những động cơ mang màu sắc nghĩa tình. Song, dù với bất cứ động cơ nào đi chăng nữa, việc ưu tiên một người, một nhóm người, hay một cộng đồng cũng đồng nghĩa với việc tước đi sự công bằng của người khác, cộng đồng khác. Bản chất việc ưu tiên luôn là động lực để nắn những ý nghĩ của chúng ta không còn ngay thẳng. Một con đường bị bẻ cong, là thứ dễ nhìn thấy. Nhưng không chỉ có riêng những con đường, sự quanh co đang chi phối rất nhiều khía cạnh của đời sống hôm nay, nó thể hiện cả trong những chính sách, trong thói quen sống, trong ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi người.
Một đô thị đàng hoàng, ngăn nắp cần có những con đường ngay thẳng.
Một đất nước muốn đàng hoàng, tử tế cần có những chính sách ngay thẳng.
Một xã hội lành mạnh thì người dân không cần phải quanh co toan tính trước những chế định của luật pháp.
Sự ngay thẳng là điều rất cần cho đất nước hôm nay, và hãy bắt đầu theo cách dễ thấy nhất. Đó là xây dựng những con đường ngay thẳng.
Quả đúng là như thế! Hiện nay địa bàn Thủ đô đã được mở rộng. Diện tích và số lượng dân cư còn lớn hơn cả Matxcova và nhiều Thủ đô của các nước lớn văn minh khác. Đó cũng là điều kiện để chúng ta có thể xây dựng Thành phố “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nếu không xử lý quyết liệt, chúng ta chỉ để lại những hình hài méo mó, nhếch nhác, luộm thuộm, không phải chỉ mười năm, hai mươi năm mà không biết đến bao giờ mới có thể giải quyết được. Và điều còn quan trọng hơn, không thể muộn hơn nữa, chúng ta cần phải khôi phục lại niềm tin của dân. Niềm tin đang bị băng hoại bởi những con đường, những quyết sách không còn được ngay thẳng…
Tin cùng chuyên mục
Nói chuyện uống trà xưa và nay
15/04/2014
Kiev, 14/4 (tiếp Nhật ký Kiev)
15/04/2014
"Cặp bài trùng" ở Quảng Xương
15/04/2014
Những tỷ phú người Nghệ
12/04/2014