Những bức xúc trong vấn đề ruộng đất hiện nay
GS.Nguyễn Lân Dũng: Thưa các bạn, Tôi nhận được thư kiến nghị sau đây của KS Nông nghiệp Nguyễn Thế Nữu. Ông là KS tốt nghiệp rất sớm tại Hoa Nam Nông học viện (TQ) cùng với nguyên PTT Nguyễn Công Tạn và rất nhiều GS.TS khác. Trong khi các bạn ông đều là quan chức trong ngành nông nghiệp thì mình ông về với ruộng đồng ở Trại giống lúa Duy Tiên và trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về Lúa lai. Ngoài công tác chuyên môn ông còn say sưa làm khảo cứu thơ văn chữ Hán của Hồ Chủ tịch và đã xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị. Xin giới thiệu bản kiến nghị tâm huyết của ông:
KS Nông nghiệp Nguyễn Thế Nữu và GS Nguyễn Lân Dũng
NHỮNG BỨC XÚC TRONG VẤN ĐỀ RUỘNG ĐẤT HIỆN NAY
Kính gửi GS.NGND. Nguyễn Lân Dũng
Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn KH-GD của UBTW MTTQVN
Ruộng đất có những vấn đề bức xúc đang làm đất nước sôi động nhất hiện nay. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm, thứ sáu, các kỳ họp thứ ba, thứ tư của Quốc hội khóa XIII đều đã phải đem bàn. Tính nghiêm trọng và cấp bách của vấn đề thì ai cũng đã thấy, nhưng đâu là những cốt lõi bức xúc của vấn đề thì không phải ai cũng đã thấy rõ, để bàn cho sáng tỏ và giải quyết cho triệt để. Ở đây xin cho phép tôi không mất thì giờ điểm tình hình đang hết sức rối ren, mà đi thẳng vào những vấn đề bức xúc cốt lõi nhất hiện nay. Trước mắt, tôi thấy có 10 vấn đề.
Thứ nhất, chúng ta còn bao nhiêu ruộng đất, có đủ đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của xã hội của đất nước? Trước hết xin được trách nhà chuyên gia tham mưu nào đưa ra cái mốc 3,8 triệu ha, làm giới hạn cho an ninh lương thực, làm cho mọi người tưởng đâu ruộng đất của ta còn nhiều lắm, tha hồ mà vung phí. Đó là một chi tiêu tình thế có tính tạm thời trước mắt, chưa tính đến sự tăng dân số lâu dài trong hoàn cảnh khí hậu đang biến đổi.
Theo tính toán của các nhà khoa học và kinh tế, sản xuất lương thực của một nước phải đạt 500 kg bình quân cho một đầu người, mới đảm bảo đủ cho các nhu cầu xã hội về lương thực, chăn nuôi, công nghiệp và xuất khẩu. Sản xuất lương thực của nước ta chủ yếu là lúa. Dân số của ta hiện nay là 88 triệu tốc độ tăng dân số khoảng 1,1% .Tổng diện tích canh tác lúa còn 4,1 triệu ha, hệ số sử dụng 1,85. Năng suất 10 tấn/ha/năm. Tổng sản lượng lúa cả năm 37 triệu tấn. Giữ cho được toàn bộ diện tích lúa hiện nay, cũng chưa đủ đảm bảo các nhu cầu xã hội là 44 triệu tấn. Huống chi số dân cứ đều đều mỗi năm tăng một triệu. Khí hậu biến đổi, nước biển đang dâng cho đến thêm 1 mét, chúng ta rồi sẽ bị mất rất nhiều đồng ruộng sắp bị nhấn chìm. Chúng ta sẽ thiếu đất sản xuất lúa nghiêm trọng, thiếu lương ăn, mất khả năng chăn nuôi, làm công nghiệp và xuất khẩu. Mọi lãng phí hủy hoại đất lúa hôm nay là tội ác đối với con cháu ngày mai. Xin khẩn thiết đề nghị Đảng và Nhà nước đình chỉ ngay việc lấy đất lúa làm việc khác, trừ những trường hợp bất khả kháng phải do Quốc hội bàn bạc quyết định.
Thứ hai là lấy hết ruộng đất của mỗi hộ nông dân là đi sai đường lối người cày có ruộng mà Đảng đã công bố để tập hợp nông dân vào lực lượng cách mạng. Cái sai phổ biến hiện nay của các địa phương là lấy hết ruộng đất của mỗi hộ nông dân. Nông dân theo Đảng làm cách mạng là để được có ruộng đất. Cải cách ruộng đất đã đem ruộng đất lại cho nông dân. Nhưng nay số ruộng đất đó lại bị chính quyền các địa phương thu hồi trắng tay. Mọi cuộc cải cách kinh tế đúng đắn và tích cực là phải góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp. Nông dân bị lấy hết ruộng đất thành người thất nghiệp hoàn toàn, cuộc sống vô cùng khó khăn. Ai nói mở các khu công nghiệp để thay đổi bộ mặt địa phương, đem công ăn việc làm và cơm áo đến cho dân, xin hãy đến những thôn xóm nông dân bị lấy mất ruộng mà xem họ mất việc làm và sống khốn khổ thế nào. Xin khẩn thiết đề nghị Đảng và Nhà nước không cho các tỉnh lấy hết ruộng của mỗi hộ nông dân làm họ hết đường sống. Những trường hợp phải thu hồi đất bất khả kháng, thì phải có chính sách hỗ trợ những nông dân bị thu hồi hết ruộng đất ổn định cuộc sống.
Thứ ba là giá ruộng đất quá rẻ mạt, vô lý đến không chấp nhận được. Ở tỉnh tôi giá ruộng đất tỉnh định năm 2004, là 15.000 đồng/m2 (5.400.000 đồng/sào), năm 2009 là 40.000 đồng/m2 (14.400.000 đồng/sào). Mức giá từ đó đến nay đã 5 năm không thay đổi. Từ năm 2011 được hỗ trợ thêm mỗi m2 một cân gạo 10.500 đồng (3.780.000 đồng/sào). Mức giá này ở địa phương tôi chênh lệch với giá thị trường đến hàng trăm lần. Tôi khẩn thiết đề nghị Nhà nước định giá ruộng đất phù hợp với giá thị trường, không để các UBND tỉnh định giá rẻ mạt làm thiệt hại quyền lợi của nông dân.
Thứ tư là cơ chế thu hồi đất độc đoán vừa đá bóng vừa thổi còi. UBND tỉnh là cơ quan có quyền thu hồi đất, định giá đất và cưỡng chế thu hồi đất, nghĩa là muốn lấy đất ai ở đâu khi nào thì lấy, trả giá bao nhiêu thì trả, nông dân không chịu thì cưỡng chế. Dự án thu hồi đất có lúc không có, có lúc không công bố, có lúc rất phi lý không chấp nhận được. Giá cả thì rẻ mạt. Dân không đồng thuận cũng cưỡng chế. Xin khẩn thiết đề nghị hủy bỏ cơ chế thu hồi đất vừa đá bóng vừa thổi còi, các dự án thu hồi đất phải được trung ương duyệt nghiêm túc và công bố rõ ràng cho dân biết, giá cả do nhà nước định, ban thu hồi đất không được cưỡng chế. Cưỡng chế là việc của tòa án.
Thứ năm là Trung ương phân cấp cho UBND tỉnh quản lý và khai thác nguồn tài nguyên đất đai là không đúng. Việc phân cấp cho các tỉnh quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế địa phương vốn là một ý đồ chiến lược tốt, muốn các tỉnh phát huy năng động chủ quan, phát triển kinh tế địa phương, góp phần cùng trung ương thực hiện nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng thực tế chứng minh cán bộ các tỉnh hiện nay chưa đủ trình độ và đạo đức thực hiện ý đồ chiến lược của trung ương, ngay các luật lệ cũng chưa nắm vững, dường lối và phương pháp cách mạng cũng lơ mơ. Họ đã không những không thực hiện được ý đồ chiến lược của trung ương, lại không biết thương dân, quay ra lợi dụng quyền được phân cấp quản lý, tìm mọi cách tước đoạt ruộng đất của nông dân gây nên tình trạng rối ren hỗn loạn hiện nay. Xin khẩn thiết đề nghị Đảng và Nhà nước ngừng việc phân cấp quá lớn quá sớm cho các tỉnh trong việc quản lý các nguồn tài nguyên mà trước hết là đất đai nông nghiệp, để chấm dứt những sai phạm của cấp tỉnh hiện nay, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Thứ sáu, trong việc giải quyết các khiếu kiện về ruộng đất, chính quyền không còn là chính quyền của nhân dân nữa, ít nhất cũng không phải là chính quyền của nông dân bị lấy hết ruộng đất nữa. Rõ ràng trong việc thu hồi đất chính quyền các cấp đã có sai lầm, dân bức xúc đi khiếu kiện là đúng. Nhưng dân khiếu lên các cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh đều chẳng được ai bênh vực. Khi dân khiếu kiện vượt cấp lên Chính phủ, thì Văn phòng Chính phủ làm công văn giao về UBND tỉnh. UBND tỉnh chẳng giải quyết gì hết, cứ làm theo ý mình, và còn thách đố dân; “Có giỏi thì cứ đi mà khiếu kiện, cuối cùng thì đơn thư vẫn giao về cơ sở, chẳng ai cứu cho đâu”. Những việc chính quyền làm sai lại cứ nói mình làm đúng, những việc dân khiếu kiện đúng lại cứ bị kết tội là sai. Nhà nước pháp chế xã hội chủ nghĩa là do dân của dân vì dân, nhưng hiện nay chính quyền do dân bầu ra không còn là của dân vì dân nữa. Dân không còn tin vào chính quyền nữa. Chính quyền cũng đã mất dân, ít nhất là mất những nông dân bị lấy mất ruộng. Xin khẩn thiết đề nghị Đảng và Nhà nước củng cố lại bộ máy chính quyền bằng hai con đường, một mặt loại bỏ những phần tử thoái hóa biến chất, lợi dụng chức quyền, ức hiếp dân để tham nhũng, nhưng mặt cơ bản nhất là sửa đổi những cơ chế đẻ ra tình trạng đó, như việc phân cấp quyền quản lý đất đai cho cấp tỉnh và xóa bỏ cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi, cùng lúc cho tỉnh được quyền thu hồi đất, định giá đất và cưỡng chế thu hồi đất.
Thứ bẩy là cách giải quyết các vụ khiếu kiện về ruộng đất hiện nay không hợp lý. Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ từ năm 2003 đến 2010 các cơ quan hành chính đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại tố cáo trong đó 851.176 vụ liên quan đến đất đai, chiếm 69,79%. Nhưng ta biết cách giải quyết các vụ khiếu kiện đất đai hiện nay không hợp lý, vì ai cũng biết người làm sai là các cấp chính quyền địa phương, nhưng họ lại là người được giao quyền xử lý các vụ khiếu kiện, thì làm sao mà khách quan được. Trong thực tế có hiện tượng các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã cấu kết bênh che nhau. Nay ông Huỳnh Phong Tranh, thanh tra Chính phủ đưa ra một biện pháp là hai hệ thống chính trị trung ương và địa phương tạo tiếng nói chung phối hợp chặt chẽ với nhau mà giải quyết. Đây là một biện pháp sai lầm hay cố ý nhằm cấu kết nốt cả hai cấp trung ương và địa phương. Thử hỏi một khi chính quyền địa phương sai, thì trung ương phải là người đứng về phía dân mà thẩm tra xử lý, thì làm sao mà có tiếng nói chung với địa phương được. Tạo tiếng nói chung giữa trung ương với địa phương trong trường hợp địa phương sai thì chỉ có trung ương hùa theo cái sai của địa phương mà bênh che địa phương. Xin khẩn thiết đề nghị Đảng và Nhà nước tìm một hình thức giải quyết họp lý, mà chính quyền làm sai thì không được đứng ra xử lý dân, mà chỉ là đối tượng bình đẳng đối thoại với dân, do một ban trọng tài trung ương chủ trì.
Thứ tám là hệ thống chính trị cơ sở đang bị đe dọa phá vỡ. Bí quyết thành công trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta là đoàn kết. Phải xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất Tổ quốc vững mạnh, mà nòng cất là liên minh công nông. Nhưng cách thu hồi ruộng đất của các địa phương hiện nay, không còn xem nông dân là thành viên của liên minh công nông nữa, nông dân không còn được chính quyền chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi. Nông dân đang trở thành đối tượng bị chính quyền tước đoạt. Nông dân làm sao mà còn tin chính quyền, tin Đảng, liên minh công nông làm gì mà còn nữa, sự đoàn kết của Mặt trận bị phá vỡ, hệ thống chính trị cơ sở sẽ tan rã. Một khi có giặc đánh tới, còn ai cầm súng giữ nước. Một khi chế độ lâm nguy, còn ai là người bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Xin khẩn thiết đề nghị Đảng và Nhà nước đình chỉ ngay việc lấy hết ruộng đất của nông dân để vừa giữ ruộng lúa cho đất nước, vừa giữ nguồn sông cho nông dân, từ đó củng cố khối công nông liên minh, Mặt trận dân tộc thống nlhất và hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo sự vũng bền cho Đảng và chế độ.
Thứ chín là việc thu hồi đất hiện nay đang tạo cơ hội cho tham nhũng. Ruộng mua của dân với giá rẻ mạt, bán cho doanh nhân với giá cao vọt. Cán bộ chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã lấy chênh lệch chia nhau. Cán bộ công quyền tỉnh, huyện, xã dính đến ruộng đất đều giàu lên rất nhanh mà ai cũng thấy được. Xin khẩn thiết đề nghị Đảng và Nhà nước dừng ngay nạn lấy đất nông nghiệp làm việc khác để triệt phá đường dây tham những ở mảng địa phương có dính đến thu hồi ruộng đất nông nghiệp làm việc khác. Các quan tham địa phương này cũng nuôi cả một mảng quan tham trung ương có liên quan.
Thứ mười là hệ thống truyền thông đại chúng. Trong cuộc đấu tranh chống sai trái trong vấn đề ruộng đất, hệ thống báo đài địa phương là công cụ bảo vệ đắc lực của chính quyền địa phương không hề tham gia, có lên tiếng cũng là bênh che cho lãnh đạo. Phanh phui tình trạng tiêu cực trong vấn đề ruộng đất ở các địa phương chỉ có báo đài trung ương. Nhưng có sự lạ là có những chương trình đấu tranh của công luận rất có hiệu quả, rất được quần chúng hoan nghênh như chương trình Tiêu điểm của kênh VTV1 đài truyền hình trung ương đang phát lại ngừng. Đó là do các chiến sĩ công luận sợ hãi gì chăng hay bị ai can thiệp ngăn trở khẩn thiết đề nghị Đảng và Nhà nước để cho báo đài tham gia cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong vấn đề ruộng đất đang sôi động hiện nay.
Trên đây là hệ thống mười cốt lõi bức xúc trong vấn đề ruộng đất hiện nay, có quan hệ móc xích nhau, phải giải quyết đồng bộ mới có hiệu quả được Mấy đề đạt khẩn thiết kính mong MTTQ kiến nghị với Đảng và Nhà nước xem xét.
Tin cùng chuyên mục
Đất nước cần con đường ngay thẳng
18/04/2014
Nói chuyện uống trà xưa và nay
15/04/2014
Kiev, 14/4 (tiếp Nhật ký Kiev)
15/04/2014
"Cặp bài trùng" ở Quảng Xương
15/04/2014