Địa danh, nhân danh trong thơ Trần Nhuận Minh

1 - Về số lượng, trong thơ Trần Nhuận Minh, từ chỉ địa danh được sử dụng khá phổ biến.

Khảo sát 1408 câu thơ, chúng tôi thấy có 112 câu xuất hiện từ chỉ địa danh với tần số là 117 lần. Những địa danh này có thể chia thành bốn loại sau:

+ Địa danh gắn với đơn vị hành chính. Đây là loại địa danh chỉ tên một vùng địa lí - hành chính gồm các cấp tỉnh, thành phố, thị xã, huyện…Đó là các địa danh: Cao Bằng (2 lần), Lai Châu (2 lần), Hà Giang (3 lần), Hải Phòng (2 lần), Hạ Long (8 lần), Điện Biên, Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn, Móng Cái (2 lần), Hồng Gai (2 lần), Sa Pa, Đồng Văn, Mường Nưa, Tây Trang, Cam Ranh, Hà Tiên

 

+ Địa danh gắn với các đặc điểm địa lí tự nhiên gồm những tên riêng liên quan đến địa hình tự nhiên của những vùng đất. Đó là các địa danh chỉ sông: sông Lô (2 lần), sông Đà, sông Luân, sông Kinh Thày (3 lần), sông Thao, sông Hiến, sông Cầu, sông Lục Đầu, sông Hồng, sông Tiền (2 lần)…; các địa danh chỉ núi đèo: Tây Côn Lĩnh, Panxipăng, núi Tản, núi Bài Thơ, đèo Mã Phục, ngọn Langbian, mũi Cà Mau

+ Địa danh gắn với sản phẩm và công trình kiến tạo gồm:  chùa Yên Tử (2 lần), thành nhà Mạc, cổng Đền Thờ, hầm Đờ Cát, chợ Đình, trụ sở Hội Nhà văn, tháp Chàm, tháp Long Tượng

+ Địa danh ở xa hoặc gắn với các điển tích. Đây là những địa danh ngoài lãnh thổ Việt Nam gồm: lầu Hoàng Hạc, quảng trường Thiên An Môn, Trường Giang (2 lần), hồ Thái Bình, chùa Hàn San, Bắc Kinh…(Trung Quốc); các địa danh: làng Konxtantinovo, sân bay Seremechevo, sông Uran, Lêningrat, Matxcơva…(Liên Xô cũ).

Nhìn tổng quát, trong bốn loại địa danh xuất hiện trong thơ Trần Nhuận Minh, loại địa danh chỉ các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố, thị xã được sử dụng với tần số cao nhất. Điều này cho thấy, qua trường hợp thơ Trần Nhuận Minh, tên gọi địa điểm chỉ phạm vi rộng chiếm ưu thế trong thơ hiện đại, khác với ca dao truyền thống chủ yếu xuất hiện địa danh làng xã. Trong thơ Trần Nhuận Minh, địa danh xuất hiện nhiều nhất 8 lần, có vài ba địa danh xuất hiện hai ba lần, còn chủ yếu chỉ xuất hiện một lần. Về cấu tạo, chỉ có một số ít địa danh có cấu tạo ở dạng đầy đủ gồm thành tố chung và thành tố riêng (chẳng hạn: núi Bài Thơ, sông Lô, tháp Long Tượng…), còn chủ yếu là địa danh chỉ có thành tố riêng (chẳng hạn: Hạ Long, Yên Tử…).

Về phương diện nội dung biểu hiện, các địa danh trong thơ Trần Nhuận Minh chủ yếu bộc lộ không gian sống, không gian văn hóa, không gian thơ gắn liền với tác giả. Ông sinh ra ở làng quê Điền Trì, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương nhưng lại sống ở Quảng Ninh, dạy học, làm thơ và làm quản lí văn nghệ ở đất mỏ. Do đó, rất nhiều địa danh Quảng Ninh đã đi vào thơ ông, xác tín không gian thơ đầu tiên và là chủ yếu của ông. Chẳng hạn, địa danh Hạ Long (đôi khi là vịnh Hạ Long) xuất hiện nhiều lần như một biểu tượng thơ mộng, nên thơ, đằm thắm tình người, tình yêu của nhà thơ đối với không gian mà mình đang sống. Ông miêu tả, giới thiệu không gian Hạ Long thật kì vĩ nhưng cũng rất mộng mơ: “Những quả núi đá xanh của trời nhúng xuống lưng chừng nước/ Màu nước mộng mơ xanh dâng lên đến tận trời ”(Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long). Ông nói đến một Hạ Long tràn đầy sức sống: “Giọt mưa xuân xanh quá/ Bay ngang trời Hạ Long” (Thơ xuân viết trên núi Bài Thơ), một Hạ Long mơ màng, huyền ảo: “Tim tôi run lên và mắt tôi bỡ ngỡ/ Trước một chiều huyền ảo Hạ Long xanh”, một Hạ Long đầy bí ẩn: “Biển ập vào cơn gió mặn chát/ Hoàng hôn Hạ Long đỏ sao mà gay gắt “( Trường ca Đá cháy), và một Hạ Long gắn bó máy thịt: “Tôi đứng ở mọi miền, đi khắp mọi nơi/ Chỗ tôi nằm là đất Hạ Long thôi” ( Nhà thơ và hoa cỏ).

Các địa danh trong thơ Trần Nhuận Minh không đơn lẻ mà thường được dùng sóng đôi, có khi, hai ba địa danh xuất hiện trong một khổ thơ để thể hiện nét riêng của một vùng đất. Ta hãy lên Lai Châu, vùng đất địa đầu của tổ quốc còn lưu dấu nét hoang sơ, khắc nghiệt: “Mường Nưa chiều xưa nắng hoang mặt người/ Tây Trang sớm nay, gió lên bời bời/ Hoa lau, ngàn lau bay hoa lau/ Ba phần trời nghiêng ngửa sắc Lai Châu” (Tây Bắc). Các địa danh Mường Nưa, Tây Trang, Lai Châu trong khổ thơ trên được dùng theo điểm nhìn từ không gian hẹp sang không gian rộng hơn, đó là vùng rừng núi Tây Bắc chập chùng núi sông uốn lượn. Những trở ngại đó đã làm con người ngần ngại bước chân, băn khoăn trước sự khắc nghiệt của điều kiện sinh thái vùng rừng núi mà con người phải đối mặt để sinh tồn

Trong thơ Trần Nhuận Minh, địa danh sông Kinh Thày là nỗi nhớ quê nhà, là kí ức thuở thiếu thời của tác giả. Khi đã sống và lập nghiệp ở Quảng Ninh và vùng mỏ Hạ Long, trong thơ, Trần Nhuận Minh có lần đã thốt lên: Tôi, tảng đất sét bên bờ sông Kinh Thày (Đá cháy). Địa danh sông Kinh Thày là nói về cái bản mệnh của nhà thơ. Là con một gia đình nông dân, cuộc đời dãi nắng dầm mưa nhưng ông đã nhận ra mình chỉ là tảng đất sét, không tạo được hương sắc nơi đồng quê. Cách dùng địa danh trong câu thơ vừa thổ lộ ý tình - những băn khoăn trăn trở của tác giả, vừa gợi sự liên tưởng nơi người đọc về một vùng quê lam lũ, nghèo khó.

Không gian địa lí trong thơ Trần Nhuận Minh được trải rộng trên nhiều miền của đất nước. Những địa danh như Đà Lạt, hồ Xuân Hương, ngọn Langbian…, rồi Sài Gòn, Hà Tiên, sông Tiền, mũi Cà Mau… cho ta thấy nhà thơ đã thu vào tầm mắt dặm dài núi sông đất nước. Các địa danh này khẳng định vùng quê nào trên đất nước ta cũng đầy ắp sản vật sông nước, thấm đượm tình người thủy chung: “Rắn nướng ngon động trời/ Rượu đế say sụt đất/ Gặp nhau có dễ đâu/ Sông Tiền trôi ngang mặt” (Bạn thơ mời rượu bên sông Tiền).

Đáng chú ý, trong thơ Trần Nhuận Minh, bên cạnh nghĩa thực, cụ thể, trực tiếp, nhiều từ ngữ chỉ địa danh xuất hiện với nghĩa hàm ẩn trong những văn cảnh cụ thể của bài thơ. Đó là những địa danh ở xa, ngoài lãnh thổ. Sự xuất hiện của các địa danh này trong thơ Trần Nhuận Minh mang hàm ý sâu xa hơn là tên gọi cụ thể. Chẳng hạn, địa danh Hoàng Hà trong bài thơ Nguyễn Du không phải nói đến con sông cụ thể ở Trung Quốc mà ám chỉ sự thay đổi dâu bể, về sự tiếp nối vô tận của thời gian để nói đến giá trị trường tồn của thơ Nguyễn Du viết trong những năm đi sứ Trung Quốc (1813-1914): “Cỏ cây thành lũy khác rồi/ Hoàng Hà đã cạn, thơ Người vẫn sâu ”(Nguyễn Du).

Có thể nói, gặp một địa danh trong thơ Trần Nhuận Minh, người đọc như nghe ngân vang câu ca về một vùng đất, nhận diện được không gian cảm xúc của nhà thơ trải rộng trên nhiều miền của đất nước. Qua cách dùng từ ngữ chỉ địa danh, Trần Nhuận Minh đã tạo được nét riêng trong ngôn ngữ thơ của mình.

2 .  Thơ Trần Nhuận Minh là thơ về những số phận, những nỗi đau nhân tình được tuôn trào từ nỗi cảm thông chia sẻ sâu sắc như hòa vào nhân vật.

Nhiều bài thơ của Trần Nhuận Minh về con người đương thời đều có địa chỉ, tên tuổi cụ thể. Kết quả thống kê cho thấy, tần số xuất hiện của các từ ngữ chỉ nhân danh là 84 lần. Có những đơn vị nhân danh xuất hiện nhiều lần như Nguyễn Du (3 lần), Nguyễn Trãi (3 lần), Trương Chi (2 lần)…, còn lại chỉ xuất hiện một lần. Trần Nhuận Minh có một mảng thơ chân dung nên việc sử dụng các từ ngữ chỉ nhân danh là một thủ pháp nghệ thuật. Những bài thơ chân dung của ông chủ yếu được viết bằng thể ngũ ngôn truyền thống không hề mộng mị vu vơ mà hết sức chân thực. Mỗi bài thơ có dung lượng của một truyện ngắn giàu kịch tính mà khép màn lại phần nhiều là nước mắt. Đây là khổ thơ cuối trong bài thơ Ông Vọng: “Ông cứ lơ mơ tin tưởng/ Đời ông sẽ có cái gì/ Chân đất, đầu trần, quần cộc/ Kìa ông lại vác giậm đi ”(Ông Vọng). Hình ảnh ông Vọng đánh giậm cứ xoáy sâu vào lòng người đọc niềm thương cảm về kiếp người quẩn quanh, như là Trần Nhuận Minh vác cái giậm thơ đi theo những phận người đang đối mặt với cuộc sống đầy bất trắc, bị lãng quên. Đó là thím Hai Vui, mợ Hữu, ông Hủi, dì Nga, bá Kim, cô Bẩy, ông Vọng, cụ Hãn, bác Vương Liên, lão Tú, chị Hồng Tâm, thằng Phúc, cháu Mừng, cháu Thủy… Mỗi người một cảnh đời, một số phận trớ trêu. Các đơn vị nhân danh được cấu tạo gồm danh từ chung (thím, mợ, ông, cụ, bác, chị, cô, cháu…) dùng để xưng hô và tên riêng (gồm một hoặc hai âm tiết) và qua cách sử dụng của nhà thơ cho thấy đây là những người hết sức thân tình, gần gũi, như có quan hệ ruột thịt với nhà thơ. Thím Hai Vui có chồng ra trận, tưởng chừng đã mất, đột nhiên chồng về và thế là, đời thím từ hòa bình (khi còn chiến tranh) chuyển sang chiến tranh (khi đã hòa bình): “Vợ con chú đánh trước…/ Nghe đâu thím lên tỉnh/ Rửa bát cho người ta/ Thấy ai quen cũng lánh/ Những mặt phấn, quần hoa”(Thím Hai Vui). Tạng của Trần Nhuận Minh không có sự độc đáo, sáng tạo ở cách tổ chức câu thơ nhưng ông biết truyền nội lực cho từ, tạo được nét độc đáo ở cách sử dụng từ, trong đó có từ chỉ nhân danh. Kể về tình cảnh của mợ Hữu, chồng xây được ngôi nhà to đẹp nhưng đột nhiên qua đời nên mợ: “Thương cậu, mợ không biết  khóc/ Thỉnh thoảng lại hờ một câu…”. Mợ Hữu trong bài thơ rơi vào tình cảnh oái oăm: “Chẳng thiếu kẻ đe người ướm/ Nhà xinh, mợ lại càng xinh/ Như con thuyền nan không bến/ Lênh đênh trong chính phòng mình” (Mợ Hữu). Có lẽ, Trần Nhuận Minh đã mượn hình ảnh mợ Hữu để nói về chính bản thân mình. Mợ Hữu hay chính nhà thơ đang lênh đênh trong cõi thực, lênh đênh trong chính tâm hồn mình.

Ngoài ông Vọng, thím Hai Vui, mợ Hữu, ta còn bắt gặp nhiều số phận đáng thương như dì Nga, cô Bổng, ông Hủi, cụ Hãn, bác Vương Liên, bá Kim, cháu Thủy, cháu Mừng… Trường hợp cháu Thủy, cháu gái Vừa ngoan lại vừa xinh nhưng mắc bệnh hiểm nghèo phải vào viện: “Chú đứng nhìn cháu thở/ Tưởng rách cả ruột gan” (Cháu Thủy). Có gì trong những câu thơ có vẻ tầm thường, dễ viết kia? Những câu thơ hay, những bài thơ hay xưa nay đều giản dị, có vẻ như không thơ nhưng đằng sau câu chữ là nỗi trắc ẩn trong hồn các thi sĩ: “Có một chỗ có thể không bị đuổi/ Ấy là bức tường nhô ra của Hội nhà văn”… “Nhưng đừng nói là anh bảo nhé/ Họ sẽ mắng anh không biết giữ môi trường/ Nhuận Minh tôi buồn đi lững thững một mình trong giá rét/ Nghe đất trời ngân nga những hi vọng và tình thương” (Giao thừa). Nhà thơ tự xưng Nhuận Minh tôi, bày cho các em bị xua đuổi ra khỏi nơi trú cuối cùng đến trú ngụ ở bức tường nhô ra của trụ sở Hội nhà văn khi giao thừa đến. Thơ ca không phải không cần cái hư ảo nhưng bên cạnh cái hư ảo còn có cái thật, cái chân, cái thiện và cái . Thơ Trần Nhuận Minh chân thật đến từng chi tiết, như cách tự xưng Nhuận Minh tôi trong khổ thơ trên. Từ đó, ta nhận ra hồn vía trong ngôn ngữ thơ Trần Nhuận Minh: dung dị nhưng ấm áp tình người.

Trong thơ Trần Nhuận Minh còn có những nhân vật lịch sử, những nhân vật bước ra từ trang sách. Đó là bóng chàng Trương Chi chèo thuyền dưới đáy chén, là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, những bậc chân nhân mà Tiếng thơ lay động đất trời. Suy ngẫm cùng Nguyễn Du, ông viết được những câu thơ thật thấm thía: “Thời nào thì cũng như nhau/ Nỗi buồn li biệt, nỗi đau dối lừa/ Tiền Đường sầm sập đêm mưa/ Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều” (Nguyễn Du). Thế gian với bao đổi thay, vẫn máu chảy, đầu rơi mà tiến bộ xã hội thì chưa được bao nhiêu. Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, ông khẳng định giá trị thơ ca qua việc sử dụng từ chỉ tên người trong những câu thơ ngậm ngùi: “Cụ đâu biết sớm mai/ Cùng với mặt trời lên/ Câu thơ phải rơi đầu” (Bản xô nát hoang dã). Đi thăm Trung Quốc, nhớ đến Thôi Hiệu, Lão Xá…, ông ngưỡng mộ cúi chào trước đền thờ những Lưu Bang, Hạng Vũ, Dực Đức, Quan Công…: “ Ta ngưỡng mộ cúi chào những đền thờ thấp thoáng đỏ trong vòm xanh cổ thụ/ Lưu Bang, Hạng Vũ, Dực Đức, Quan Công/ Tên các anh hùng dài như núi ”(Năm khúc hát bên bờ Trường Giang). Nhưng tên các anh hùng được nhắc đến chỉ làm cái cớ để ông chuyển tải một chân lí đơn giản mà nhiều dân tộc phải trả giá quá đắt: “Có lắm anh hùng đất nước bình yên là một điều vĩ đại/ Không cần có lắm anh hùng, đất nước vẫn bình yên còn vĩ đại hơn nhiều” (Năm khúc hát bên bờ Trường Giang). Ý thức được điều đó, ông luôn băn khoăn trong sự bất lực về cuộc thế: “Mỗi người một câu hỏi/ Đi mang mang trong đời “(Chiều Yên Tử). Câu hỏi khắc nghiệt đó ông đã trả lời bằng cách chọn cho mình một góc riêng trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Làm nên cái góc đứng riêng ấy có cách sử dụng từ chỉ nhân danh, địa danh.

NGUYỄN THỊ BÌNH

( ThS Ngôn ngữ học. Trường Đại học Vinh, Nghệ An)