50 trước, tôi viết bài thơ “LỜI DI CHÚC CỦA BÁC HỒ”

Tôi sinh ở Hải Dương năm 1944 và sống ở Quảng Ninh từ 1962 đến nay, nhưng những sự kiện lớn nhất của đất nước diễn ra, thì tôi đều có mặt ở Hà Nội, và thậm chí trực tiếp được tham gia tại Hà Nội, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cuối tháng 8 năm 1969, nhà thơ Yến Lan, biên tập viên thơ Nhà xuất bản Văn học ở Hà Nội, gọi tôi về để chữa tập thơ của tôi gửi Nhà xuất bản, dưới sự hướng dẫn của ông, để ông chọn in trong tập thơ dành cho 5 tác giả về đề tài công nhân. Đêm 2/9, tôi ngồi chờ ở bờ hồ Gươm để xem bắn pháo hoa. Đến hơn 11 g đêm mới báo hoãn, vì có tin sức khỏe Bác Hồ không được tốt. Về Hà Nội,  tôi thường ở tại gia đình một lão thành cách mạng mà tôi quen và rất kính trọng, ở phố Ngô Thời Nhiệm, ông rất quí tôi, coi tôi như con. Sau này tôi có câu thơ “Mái phố trăng vàng Ngô Thời Nhiệm / Tiếng lá sấu rơi làm em giật mình…”.

Vì thế, tôi có mặt trong đoàn người của khu phố đi viếng Bác, tập trung từ 5 giờ sáng tại đường Hoàng Diệu, rồi từ từ tiến vào đường Bắc Sơn, đường Hoàng Văn Thụ và nán lại chờ rất lâu tại cửa phía sau bên phải nhà Quốc hội. Thi hài Bác quàn tại đó. Trời mưa, bữa trưa và chiều, khu phố chỉ phát cho mỗi người một chai nước và 2 cái bánh mì, mà không ai thấy đói, thấy khát. Đến hơn 11 giờ đêm thì đến lượt đoàn chúng tôi - đoàn cuối cùng được vào viếng - sau đó, thì linh cữu Bác được chuyển đi, đồng bào chỉ viếng chỗ Bác đã từng nằm trong những ngày tang lễ.

Sáng sau dự lễ truy điệu Bác tại Quảng trường Ba Đình và chúng tôi, từng nhóm một,  được lần lượt vào thăm nhà sàn Bác Hồ,  cứ thế mà đi liên tục theo dòng người. Tất cả đều làm tôi vô cùng xúc động, không thấy đói, không thấy lạnh vì mưa, cũng không thấy mệt mỏi vì chờ đợi quá lâu và hoàn toàn không ngủ. Lúc đã xong các việc, mọi người trong đoàn tự ý ra về hoặc tham gia các hoạt động tưởng nhớ Bác  ở quanh đó, tùy ý. Tôi ngồi trên bờ hè xây nghiêng bằng gạch chỉ đỏ, trong khu vườn nhà sàn, lấy  quyển lịch túi mỏng và nhỏ, cùng mẩu bút chì trong túi áo, chép luôn  bài thơ, hình như đã có sẵn trong đầu,  chỉ khoảng 10 – 15 phút là xong.  Đoạn kết bài thơ:

Tiểu sử Người không ghi có Huân chương

Cả đất nước Người trao ta làm chủ

Rồi ra đi

Với chiếc áo ka ki đã cũ

Đôi dép cao su

Và mái tóc thương yêu thêm bạc tự  trong tù…

 

Em ơi, đừng quên

Đó cũng là Lời Di chúc của Bác Hồ

Mà Người không viết trong Di chúc…

Tôi đề đúng thời gian nó được ra đời, 9 g ngày 9 tháng 9 năm 1969 và nhận ra có đến 5 con số 9 liền nhau.

Bài thơ đã nhiều lần đăng báo, tạp chí rồi in sách trong các tập phong trào về toàn dân kính yêu và nhớ ơn Bác Hồ.  Sau đó in trong tập thơ đầu tay của tôi Đấy là tình yêu, Hội Văn nghệ Quảng Ninh xuất bản đầu năm 1971 – cũng là tập sách giành cho 1 tác giả đầu tiên ở Quảng Ninh. Rồi sau đó vài lần in trong các tuyển tập thơ về Bác Hồ, và dăm năm trước đây, in trong bộ sách rất đồ sộ và sang trọng Bác Hồ với Văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Bác Hồ.

Bài thơ  "Lời di chúc Bác Hồ" của Nhà thơ Trần Nhuận Minh đăng trên Báo Sự thật Kôngxômôn Liên Xô, số ra ngày 19/5/1990.

Ngày 19/ 5/ 1990, kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Báo Sự thật Kôngxômôn Liên Xô, xuất bản tại Matxcơva, một số báo đặc biệt, khổ lớn, giấy tốt 80 trang, gộp 10 số lại làm một số. Trong số báo đồ sộ đó (không có quảng cáo) in toàn các bài của các chính khách, các nhà báo, nhà văn, các nghệ sĩ lớn của các nước viết về Bác Hồ, các bài đều ngắn, hầu hết ¼ trang, trong đó chỉ duy nhất có 1 bài thơ của tôi, LỜI DI CHÚC CỦA BÁC HỒ, do nhà thơ Nga Xô-viết, Ocmohoaa Taanar dịch (thơ ở nước ngoài thường là không có đầu đề), cùng trang với bài bút kí của nhà văn Tô Hoài về phố phường Hà Nội. Đấy cũng là bài thơ đầu tiên của tôi  được dịch và xuất bản bằng tiếng Nga, tại Matxcơva, đến năm 1992, mới là các bài khác.

Nhớ lại những kỉ niệm đó, tôi vẫn thấy rất xúc động, thêm một lần nhận chân những giá trị lớn lao của Cách mạng,  mà vì nó, tôi đã sống và sáng tác đến suốt cả cuộc đời mình.

Nhà thơ TRẦN NHUẬN MINH (Quảng Ninh)