Từ nhà máy ấy, tôi đã viết tiểu thuyết....
Nhà máy Cơ khí mở Bắc Thái, nay là Công ty CP Cơ khí mỏ Việt Bắc vừa kỉ niệm 50 năm thành lập (1968-2018). Cách đây 26 năm, tôi đã lấy bối cảnh Nhà máy này để viết cuốn tiểu thuyết “Cơ hội vàng” được Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành, năm 1992. Nhà văn Đặng Vương Hưng- người biên tập cuốn sách này, cho rằng, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về doanh nghiệp Nhà nước trong cơ chế thị trường. Khi sách phát hành, dư luận trong khu vực đồn đoán, tiểu thuyết của tôi ám chỉ ông nọ, bà kia trong Nhà máy nên tìm đọc cuốn sách.Thời ấy, Nhà xuất bản chỉ biếu tác giả 10 cuốn nên có người đã tìm đọc sách của tôi “như săn hoẵng” (lời của ông Phùng Hữu Nghĩa-nguyên cán bộ Công ty than Phấn Mễ)
Thực ra, không nhân vật nào trong cuốn sách có thân phận giống như “người thật, việc thật” ở Nhà máy Cơ khí mỏ Bắc Thái! Tôi phịa hết! Tuy nhiên, thời ấy, có một sự thật không chỉ diễn ra ở Nhà máy cơ khí mỏ Bắc Thái mà ở tất cả các doanh nghiệp nhà nước, đó là sự bấp bênh bên bờ vực phá sản. Tôi cho rằng, thời kỳ chuyển đổi cơ chế, từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường là “Cơ hội vàng” cho những người bấy lâu bị kìm hãm về năng lực được “cởi trói” để phát huy sáng tạo. Nhưng đồng thời đây cũng là “Cơ hội vàng” cho những người có chức, có quyền, bảo thủ, trì trệ, lợi dụng những khó khăn khi chuyển đổi cơ chế để trục lợi. Vì thế xung đột nổ ra. Đó là sự xung đột của cơ chế quản lý cũ và mới, và cuối cùng nhân tố mới, tích cực đã thắng cái tư tưởng cũ, bảo thủ trì trệ.
Tiểu thuyết của tôi viết về cái mới, nhưng mô típ thì rất quen thuộc. Nó cũng giống như hàng loạt các tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu ra đời lúc bấy giờ, người ta xem xong, ầm ĩ ở đâu đó một dạo rồi quên ngay.
Giờ đây, chắc hẳn độc giả đã quên tiểu thuyết “Cơ hội vàng” của tôi. Nhưng với những người đã từng làm việc ở Nhà máy cơ khí mỏ Bắc Thái vào những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ 20 sẽ không bao giờ quên nỗi gian lao cơ cực của thời ấy! Thời mà công nhân thiếu việc làm, thiết bị máy móc già cỗi, rệu rã, sản phẩm làm ra bị ế đọng…, nhiều người đổ ra đường, gặp ai nom cũng hớt hơ hớt hải như là đang rất bận nhưng kỳ thực chẳng có việc gì làm! Nhà máy ở mé đồi, cạnh đường quốc lộ, trước kia, mỗi lần đi qua, nghe máy chạy rào rào, thật vui tai. Bỗng nhiên im lìm, vắng ngắt như… chùa Bà Đanh. Bạn bè tôi ở nhà máy, nào kỹ sư chế tạo máy, nào kỹ sư điện… người thì đi đào than, người thì đi đào quặng, người đi buôn chè…
Mừng là đến nay, Nhà máy vẫn tồn tại. Chúc mừng các thế hệ CBCN Nhà máy.