Nửa thế kỉ trước, nhà thơ Quang Huy đã làm thơ ca ngợi 12 cô gái Truông Bồn

Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nơi đây, ngày 31 tháng 10 năm 1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong đã anh dũng hi sinh, trong đó 11 nữ. Gần 30 năm sau (năm 1996), Truông Bồn được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử Quốc gia. Tròn 40 năm sau (năm 2008), Tập thể  chiến sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Nhưng ai biết, trước khi các chiến sĩ Truông Bồn anh dũng hi sinh, nhà thơ Quang Huy (1936-2015) đã làm bài thơ xúc động, ca ngợi chiến công của của 12 cô gái Truông Bồn.

Đó là bài thơ “Mười hai cô gái Truông Bồn”, in trong tập thơ “Sao và Đất”- tập thơ in chung của Quang Huy và Thạch Quỳ do Hội văn nghệ tỉnh Nghệ An xuất bản, năm 1971. Tập thơ mỏng, in trên giấy “nứa” rất xấu nhưng  cuốn hút tôi lạ lùng. Phần đầu, in thơ Quang Huy với nhan đề “Sao Mai” gồm 25 bài; phần sau in thơ của Thạch Quỳ với nhan đề “Đất” cũng 25 bài. Đến nay, tôi còn nhớ nhiều câu thơ hay của nhà thơ Quang Huy và Thạch Quỳ in trong tập này. Chẳng hạn:

“Khoảng trời em mưa thưa bóng mây

Mưa khó hiểu như tình ta buổi ấy

Cơn mưa giận, cơn mưa thương biết mấy

Nhớ nhung gì mà ướt áo người xa”.

(Khoảng trời em –Quang Huy)

“… Như sắc mặt anh hùng bừng lên sắc đỏ

Sáng ngời lên gian – khổ - chiến – công,

Thành phố anh hùng cười trong gạch đổ

Gạch xôn xao cựa quậy những sắc hồng…”

(Gạch vụn thành Vinh- Thạch Quỳ”.

Nhà thơ Quang Huy viết bài thơ “Mười hai cô gái Truông Bồn” vào tháng 5/1968 thì 5 tháng sau, vào ngày 31/10/1968, các chiến sĩ Truông Bồn hi sinh.

MƯỜI HAI CÔ GÁI TRUÔNG BỒN

Quang Huy

Mười hai cô gái Truông Bồn

Nửa đêm thức dậy giữa vòm sao khuya

Bồn chồn chân chạy lắng nghe

Rì rầm cuối dốc tiếng xe thở dồn

Ngoằn ngoèo, lượn những đường bom

Đoàn xe lao đỉnh Truông Bồn giữa khuya

Hố sâu hun hút bốn bề

Màn đêm thăm thẳm như che mắt nhìn

Bỗng từ đâu vụt hiện lên

Một hàng tiêu mọc đường đêm trắng loà

Giật mình anh lái trông ra

Ồ! Em thức dậy bao giờ ra đây

Xe anh đi giữa đêm dày

Em ra mở lối cho ngày sáng lên

Sững sờ tay vẫy trong đêm

Áo em trắng quá anh nhìn thêm thương

Ơi màu áo trắng quê hương

Như sao thức suốt đêm trường long lanh

Xe đi trăm dặm gập ghềnh

Áo em như nghĩa, như tình dõi theo

Ơi người gái nhỏ thân yêu

Ân tình biết trả bao nhiêu cho cùng

Anh đi vượt núi xuyên rừng

Chúng em thức mấy đêm trường thấm chi

Giọng cười vang đỉnh truông khuya

Tên dù chưa biết lòng nghe bồi hồi

Xe đi giục vội cuối trời

Chào nhau không tỏ mặt người giữa đêm

Mười hai cô gái dịu hiền

Bom không át nổi nghìn đêm tiếng cười

Dẫn xe vượt dốc khuya rồi

Lại về ngủ giữa một trời đầy sao…

Nghệ An, tháng 5 năm 1968

Nhà thơ Quang Huy tên thật là Nguyễn Quang Huy, sinh năm 1936 tại Cẩm Giàng Hải Dương. Năm 1958, ông tình nguyện vào dạy học tại Nghệ An và được phân công về trường cấp II xã Hoa Thành, sau đó chuyển về Vinh, làm cán bộ tuyên truyền Ty Văn hóa Nghệ An, rồi làm cán bộ sáng tác Hội Văn nghệ Nghệ An. Đến năm 1977, sau 19 năm ở xứ Nghệ, ông cùng gia đình chuyển ra Hà Nội. Sau mấy năm công tác tại Nhà xuất bản Văn học, Quang Huy chuyển sang làm Phó giám đốc rồi giám đốc Nhà xuất bản Văn hoá.

Hơn 40 năm sáng tác, nhà thơ Quang Huy viết được trên dưới 150 bài thơ. Số lượng không nhiều nhưng trong mỗi bài thơ của ông đều lay động người đọc không chỉ hôm nay mà cả nhiều thế hệ sau./.