Phong cách hào hoa, tâm tình sâu sắc trong tập thơ “LỤC BÁT TÂM TÌNH” của Kim Quốc Hoa

Ngày 27/12/2019, tôi dự hội nghị cộng tác viên báo Người cao tuổi khu vực Miền Bắc, được nhà thơ Kim Quốc Hoa (Cựu Tổng biên tập báo Người cao tuổi từ những năm 2007 - 2015) tặng tập thơ  “Lục bát tâm tình” (NXB Hội Nhà văn,  tháng 10/2019).  Qua tập thơ tôi mới thấy rõ hơn bề dầy nghề nghiệp ông đã từng trải.

Ông sinh ngày 25/1/1945, là Cử nhân Ngữ văn, đã từng là phóng viên, biên tập viên trong quân đội, Phó Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục chính trị (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng); trong gần nửa thế kỉ làm báo ông lần lượt làm lãnh đạo các cơ quan báo chí: Chiến sĩ Hậu cần, Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động-Xã hội, Xây dựng, Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, sau khi nghỉ hưu là Báo Người cao tuổi và Tạp chí Người cao tuổi. Ông đã được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam” và rất nhiều Huân chương, Kỉ niệm chương, Bằng khen của các cấp, các ngành,v.v….

Tôi làm CTV cho báo NCT nhiều năm nên biết ông. Ông là người dễ gần, dễ mến, luôn quan tâm, chăm sóc đội ngũ CTV chúng tôi. Hiếm có cơ quan báo chí nào như Báo Người cao tuổi năm nào cũng tổ chức hội nghị CTV như một truyền thống do ông tạo dựng. Nay lại biết ông ngoài nổi tiếng làm báo còn là nhà thơ có 3 tác phẩm dày dặn về thơ, chưa kể đến hàng chục đầu sách ông chủ biên, biên soạn về văn học, người tốt việc tốt và sức khỏe cho người cao tuổi,v.v…

Tôi đã đọc bài “Những dòng lục bát kí thác chí tình” của nhà thơ Bằng Việt; Đọc bài “Lục bát sẻ chia lời tâm tình” của nhà thơ Vương Trọng viết về tập thơ “Lục bát tâm tình” của ông.

Nhà thơ Bằng Việt viết: “Kim Quốc Hoa nặng tình với các thể thơ truyền thống. Anh cũng có làm cả thơ theo luật Đường thi, ngoài thơ tự do, nhưng thơ Lục bát đậm đà hơi hướng dân gian và tràn đầy nỗi niềm giãi bày tâm sự… vẫn là thể loại thơ anh thich. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, từng có mặt ở Trường Sơn, anh đã có nhiều câu Lục bát thanh thoát, ngọt ngào, ghi chép chân thực cảnh và tình trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh, có ý vị ca dao vô cùng dễ nhớ…”

Còn Nhà thơ Vương Trọng viết : “Lục bát tâm tình” ghi dấu ấn tuổi đời và gói ghém những lời tâm sự thành vần, thành điệu để chuyển tới bạn đọc” ;“Mục đích xuất bản thơ  không giống nhau giữa những người làm thơ. Phần đông xuất bản thơ với ý muốn lưu giữ những giá trị văn chương. Nhưng cũng không ít người muốn mượn thơ để ghi lại kỉ niệm tình cảm của mình từng ở, từng qua, với những con người mình từng quen, từng gặp… Nhà báo Kim Quốc Hoa thuộc nhóm người thứ hai. Bởi vậy, khi đọc “Lục bát tâm tình” các bạn không nên chú ý quá nhiều về nghệ thuật thi ca, mà lắng nghe lời thổ lộ tâm tình của tác giả để biết được những nghĩ suy, trở trăn như tình cảm của một người trung thực, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, giầu nghị lực nồng âm với đồng chí, bạn bè và đấu tranh không khoan nhượng với sai trái để góp phần cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn…”

Qua đánh giá của hai nhà thơ có danh có tiếng, tôi cho là đủ để bạn đọc hiểu về tác giả tập thơ “Lục bát tâm tình” như thế nào?. Riêng tôi, vẫn muốn nói thêm về những vần thơ “Lục bát tâm tình” của ông.

Tập thơ “Lục bát tâm tình” dày 200 trang. Bìa trang nhã do họa sĩ Trần Nhương thiết kế. Tôi ưa bìa mầu sẫm thậm này, trông ấm cúng, gần gũi, không màu mè cầu kì. Tập thơ  được chia làm hai phần.  Phần 1 thơ của ông  ghi “Tâm sự của tôi” (75 bài Lục bát) chắc  có ý nói đến tuổi 75 của ông. Phần II là “Quà tặng” ( 27 bài). Thơ ông phổ quát nhiều lĩnh vực, nhiều chủ đề, vừa trữ tình vừa hiện thực.  Tôi cảm nhận ông đã nói đến về mình, về bạn bè, về nơi đã đến, về nhân tình thế thái  về thế sự, về  thời cuộc…bằng  những câu sáu/tám có âm điệu, nhạc điệu dung dị mộc mạc mà sâu sắc …

Viết về mình, ông dã giãi bày theo thời gian, theo tuổi của ông- như bản trích ngang- từ tuổi thơ đến tuổi thất thập, ông  đã sống vui sống khỏe : “Bước vào tuổi bảy nhăm  này/ Bây giờ mới có những ngày an nhiên/ Gia đình ấm cúng đoàn viên/ Niềm vui cũng được nhân lên mấy lần (Tâm sự tuổi bảy nhăm). Khi gặp rủi ro ông vẫn sống một cách vô tư đầy bản lĩnh: “Mặc ai ghen ghét tị hiềm/ Mặc ai gây nhiễu gây phiền gây oan/Ngẫm mình số phận đa đoan/ Chẳng lo đối phó tính toan đề phòng ( Riêng mình). Khi đến tuổi về hưu ông càng tỏ ra lạc quan, yêu đời: “Nợ công danh đã xong ròi/ Ta về sống giữa đất trời bao la/Sáng ra rửa ấm pha trà/ Cà phê cà pháo con cà con kê” (Tâm sự về hưu).

Mảng thơ viết về bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp của ông cũng rất thi vị. Ông viết về nhà báo Nghiêm Thị Hằng, nhà báo Nguyễn Trọng Thắng, nhà báo Trần Mỹ, Kĩ sư Đặng Thế Minh, Doanh nhân Lê Thị Bình, nhà văn Đặng Hiển,v.v…Ông đã dùng thơ để đặc tả chân dung những đồng nghiệp, người thân của mình: “Tiếng lòng kết trái thành thơ/Buồm căng gió lộng còn chờ giong khơi/Lời đâu thấu ruột gan người?/Tri âm nghĩa nặng đượm lời sẻ chia (Với bạn thơ) “ Nhâm nhi mực nướng bánh đa/Nước sôi đun tiếp ấm trà bổ sung/ Khách thăm ai cũng vui mừng/ Chủ nhà thoát nạn bị trừng phạt oan” “ Quý nhau cái nghĩa cái tình/ Mỗi khi khách đến cho mình khôn lên!” (Khách đến nhà).

Ông tâm tình trải nghiệm nghề làm báo: “Cuộc đời làm báo gian nan/ Mấy lần suýt bị quan tham“bỏ tù”/Vẫn hiên ngang vẫn vô tư/ Vì công lí chẳng chần chừ bút nghiên/Lắm tên chiếm đất ăn tiền/Những bài báo viết toát lên thấu trời/ Bao nhiêu vụ việc ở đời/Dấn thân bảo vệ cho người dân oan” (Với Trần Mỹ). Ông nhớ về người đồng nghiệp nổi tiếng, nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Ngẫm về tình cảm hai ta/ Vừa là đồng nghiệp vừa là anh em/Băng trong tuyến lửa ngày đêm/ Làm thơ cả lúc bom rền đạn rung”(Bên mộ Phạm Tiến Duật).

Ông đã giành một số bài thơ viết về lớp trẻ cũng mặn mà, lãng mạn khá hay: “Bàn tay ngoan ngoãn để yên/ Bàn tay nói những lời riêng ngọt ngào/ Bàn tay nhận bàn tay trao/Bàn tay truyền lửa dồi dào sức xuân ( Bàn tay). Bài thơ “Trong nỗi vu vơ” đọc xong tôi liên tưởng đến một bài hát có những ca từ “Nếu là chim…, nếu là mây…, nếu là người…” thật tha thiết hấp dẫn ngọt ngào. Bài thơ “Trong nõi vu vơ” riêng tôi không cho nó là “vu vơ” mà điều gợi mở cho lớp trẻ hướng đến cái khẳng định để tiến tới. Ông đã đặt những giả thiết “Nếu” để đi đến cái điều khẳng định kết luận là vậy. Một bài toán  cuộc sống… như một lời khuyên tâm tình rất riêng tư. Tôi chỉ xin trích dẫn 6 câu sau: “Nếu em là một con thuyền/Cho anh chèo lái mãi trên sông ngòi? Nếu em là ánh mặt trời/Cho anh tắm nắng cả đời thanh tao”/ “ Nếu em là một ngôi sao/ Cho anh ngước mắt nhìn vào không trung” (Trong nỗi vu vơ)Thật lãng mạn nhưng lại rất chân thực. Ông luôn sống thủy chung, biết ơn những người dạy dỗ bảo ban, chỉ bảo cho ông từng đường đi nước bước: “Thầy là một tấm gương trong/Để tôi soi với tấm lòng tri ân/Mong thầy tuổi 80 xuân/Sẽ còn có những áng văn để đời (Thầy giáo của tôi).

Nói là “Lục bát tâm tình” mọi người đừng tưởng chỉ có sự thầm thì ngọt ngào dễ nghe, ông đã có nhưng giây phút nổi đóa, phẫn nộ vì những sự ngang trái trong nhân tình thế thái, tâm tình đấy nhưng là tâm tình thắt ruột…Ông nói đến việc “Chấm thi”: “Điểm hai chấm thẳng lên mười/ Điểm không điểm liệt cho ngoi lên đầu/Hắn quen làm xiếc bấy lâu…(Chấm thi ở Hà Giang”, “ Công danh chẳng có chi tài/ Chỉ là quan chức qua vài khóa thôi/ Vậy mà gia sản ngất trời/ Tính theo lương tháng hơn mười nghìn năm”(Dinh thự của đầy tớ); “Công trình đã mười ba năm/ Mười ba cây số xuyên tâm Hà thành/ Tuyến đường uốn lượn loanh quanh /Như là con rắn giương “bành càng cua”… (Đường sắt Hà Đông- Cát Linh). Lại nữa“Ơ nơi thờ Phật tôn nghiêm/ Biến thành chốn để làm tiền xấu xa…(Chùa Ba Vàng),v.v…

Qua những trang thơ “Lục bát tâm tình” còn thấy tác giả là người bôn ba đi nhiều,  đến  đâu ông cũng có những áng thơ tâm tình đam mê, đắm say. Ông có thơ về Mộc Châu, Mù Căng Chải, Gành Ráng, chùa Hương, về Cánh Đồng Chum (Lào), Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc),v.v…

Qua  những vần thơ Tâm sự với Trời, với Đất, với Biển, với Rừng ông như nhắn gửi đến mọi người hãy yêu cuộc sống, yêu đất của ta, yêu trời của ta, yêu biển của ta: “Nếu không có Đất có Trời /Làm gì có được loài người, đúng không? (Lại tâm sự với Trời); “Đất cho Người chốn đứng chân/Người cho Đất cả không gian tuyệt vời (Tâm sự với Đất);“Biển Đông mây nước vơi đầy/ Con thuyền lướt sóng tháng ngày chơi vơi/ Một mình đi giữa biển khơi/ Hỏi ai giữ Biển, giữ  trời mênh mông? (Tâm sự với Biển). Những dòng thơ hiện thực mang triết lí sâu sắc. gợi mở đến bạn đọc phải làm gì, làm như thế nào để bảo vệ cuộc sống tươi đẹp nhưng đầy rẫy cạm bẫy, bon chen…

Để kết thúc bài viết của mình, tôi xin mượn lời Chủ tịch Chi hội thơ Đường huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An viết tặng ông Kim Quốc Hoa: “Làm thơ gửi gắm niềm tâm sự/ Viết báo phanh phui nỗi dữ lành/Nhân cách rạng ngời trong báo giới/ Bao người nể trọng đức cao thanh” (“Một đời cầm bút” trong phần “Quà tặng”). Và mượn lời Nhà thơ Bằng Việt nói về  tập thơ “Lục bát tâm tình”: “…Một tập thơ Lục bát trọn vẹn những dòng kí thác chí tình và sâu nặng, làm tăng sức hấp dẫn của thể thơ Lục bát truyền thống này trong dòng chảy của thơ ca hiện đại”.

Tôi chỉ biết nhắn gửi đến bạn đọc rằng tập thơ “Lục bát tâm tình” là một tập tác phẩm ngập tràn lời tâm tình, chí tình, chí nghĩa, cần đọc.

NGUYỄN CHÍNH VIỄN

(Tổ 9 Khu phố 6, Phường Thanh Sơn,

Thành  phố Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh

ĐT: 085.773.9970).