Ký ức ngày 30/4

Đi đá bóng về tôi cởi phăng áo, vơ vội mảnh mo nang quạt lấy quạt để cho ráo mồ hôi. Bữa trưa vừa buông đũa bát, nghe tiếng la hét ầm ĩ ngoài sân kho hợp tác, biết cuộc “tái đấu” theo giao kèo giữa hai đội bóng đá “gôn tôm” trong làng sắp bắt đầu, tôi lẻn qua giậu cúc tần chạy tới cho kịp nhập cuộc. Chả gì tôi cũng là chân tiền đạo của đội Gốc Vối… Cửa vẫn mở nhưng cả bà và mẹ đều đi đâu đó. Con lợn kiễng chân lên thành chuồng đòi ăn rít từng chặp. Đàn gà bu tới chân tôi tíu tít chờ vung thóc. Không đợi sai khiến như mọi bận, tôi ném vào chuồng lợn mớ dây khai lang. Chưa kịp cho gà ăn, bà tôi tất tả đi từ ngõ vào, hồ hởi: “Mẹ thằng cu Dũng đâu? Giải phóng rồi. Quân ta chiếm Sài Gòn rồi…”. “Thật thế ạ?”. Tôi hỏi lại nhưng cũng nhảy cẫng lên vui sướng. Mẹ tôi cắp thúng bèo từ sau vườn về, nghe bà nói ngây người, đánh rơi thúng bèo xuống chân rồi bất ngờ khụyu xuống, ôm mặt khóc.

Mấy tháng nay, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của ta tại chiến trường miền Nam được người làng bàn tán sôi nổi. Làng tôi nghèo, chỉ duy nhất có một chiếc đài bán dẫn của ông Nam, bác họ tôi là chủ nhiệm hợp tác xã. Tối nào mọi người cũng tụ tập tại sân nhà ông nghe đài tới khuya. Hàng ngày, ông cho tổng hợp phát lên loa truyền thanh diễn biến các trận đánh. Sáng nay nghe tin quân ta bắt đầu tiến vào cửa ngõ Sài Gòn, mẹ tôi lặng lẽ châm nén hương thắp lên bàn thờ ông nội. Mẹ bảo với bà: “Con xin ông phù hộ cho quân ta đánh thắng”. Ông nội tôi là thương binh Mặt trận Điện Biên Phủ, ông mất sau ngày bố tôi đi bộ đội. Bà cũng chắp tay trước ban thờ ông hồi lâu, lén lau nước mắt nói nhẹ như gió thoảng: “Ông sống khôn thác thiêng, độ trì…”. Bà chỉ có hai người con, bố tôi là con thứ. Chị gái của bố lấy chồng mãi trên huyện. Nghe nói bố thuộc diện ưu tiên nên mấy lần tuyển quân đều chưa được gọi. Bà tôi có lần kể: Đang học năm thứ hai trường đại học, bố tôi làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Biết chuyện, ông nội tôi dù rất yếu vì trọng bệnh vẫn gọi cả nhà đến bên giường, giọng trầm đục nhưng đầy cương quyết: “Nước có giặc phải đánh giặc cứu nước. Làm trai cho đáng mặt trai. Con tình nguyện nhập ngũ, bố không ngăn. Nhưng người làng nói anh phải lòng con Hạnh (tức mẹ tôi bây giờ), anh phải cưới nó về đây rồi có đi thì đi”. Bố tôi giãy nảy không đồng ý. Bố tôi bảo: “Đi bộ đội tức là ra nơi trận mạc. Hòn tên mũi đạn chẳng chừa ai, không biết sống chết thế nào. Lỡ…”. Ông tôi quắc mắt: “Các cụ cũng cưới hỏi mẹ anh cho tôi. Chúng tôi làm gì đã biết mặt, phải lòng nhau như anh. Ai cũng lo này khác, đất nước này không còn cưới xin gì sất sao?”. Các bác các chú xúm lại vun vào và chỉ ít ngày sau mẹ tôi đã về làm dâu. Sau những tháng huấn luyện ở đơn vị đặc công, bố tôi được giữ lại trong bộ khung tiếp tục huấn luyện chiến sĩ mới ngay tại xã bên cạnh và có mấy bận tạt qua nhà. Bố tôi ra trận cũng là lúc tôi tròn ba tuổi. Giờ thì tôi đã học lớp 4 trường làng.

Tiếng đài oang oang vọng tới đầu ngõ. Ông Nam phóng xe đạp vào sân. Thấy bà nội và mẹ tôi sụt sùi, mắt đỏ hoe, ông tháo chiếc đài bán dẫn đeo bên người đang phát bài hát “Tiến về Sài Gòn” đặt lên chiếc chõng tre bên cạnh, dướn cặp lông mày hình lưỡi mác vừa làm bộ nghiêm, vừa lên giọng hài: “Quân ta thắng rồi. Chú Trung nhà mình sắp về đến nơi rồi. Chị và cô khóc gì nữa cơ chứ. Cái chai nút lá chuối hôm Tết còn không, cho em xin tý đưa cay?”.  Bà tôi quệt nước mắt cười như mếu: “Mẹ con tôi nào có khóc đâu, nước mắt nó cứ bỗng dưng... Dũng, con mang chai rượu dưới chân thạp gạo ra cho ông”.  Ông Nam rót rượu ra chén, khà một tiếng rõ to rồi hỉ hả mở xà cột: “Tôi vừa gặp tay bưu tá, tiện thể cầm luôn lá thư của chú Trung nhà mình”. Tôi vội đón lá thư. Đúng là trên bì thư có tên bố tôi kèm hòm thư đơn vị. Mẹ tôi run run mở phong thư rồi đưa lại cho tôi: “Đọc cho bà và ông nghe đi con”. Liếc dòng đầu, tôi giật mình vì bức thư ghi tận tháng 9 năm 1974. Bức thư chỉ vỏn vẹn mấy dòng, chắc bố đang rất vội. Vốn nhanh ý, tôi chỉnh luôn ngày tháng năm và dõng dạc đọc to:

“Ngày 15 tháng 3 năm 1975. Mẹ kính nhớ! Em xa nhớ. Con trai yêu. Anh đang chuẩn bị rời binh trạm cùng đơn vị tiến sâu xuống đồng bằng. Nhận tiện có đoàn thương binh ra Bắc, anh ghi vội mấy dòng gửi mẹ, em và con. Mấy hôm trước anh gặp chú Lân người cùng làng, nhà ở khu Gò Chè, thuộc đơn vị bạn mới vào tăng cường, anh em gặp nhau tâm sự lâu lắm. Tình hình chiến sự đang hết sức khẩn trương. Đơn vị anh tập trung mọi mặt cho chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Anh sẽ cố gắng hết sức để không phụ lòng tin của quê hương và gia đình. Yên tâm em nhé! Gửi mẹ, em và con muôn ngàn nỗi nhớ thương.

Anh Phan Hoài Trung”.

Mẹ tôi ngẩn người: “Thế thôi hả con…?”. Bà tôi cười móm mém: “Cha tông môn nhà nó. Chả hỏi thăm mẹ được một câu”. Ông Nam mở nút chai rượu hít hà: “Bà chưa nhớ hết mặt chữ, nó gửi cho vợ ghi thế là đúng rồi. Địch ngay trước mặt, thời gian đâu mà nghĩ để viết dài. Bà tôi trách khéo: “Bác lúc nào cũng bênh nó chằm chặp. Tôi học mấy tháng bình dân học vụ. Lâu ngày…Cũng vẫn luận được đôi chữ chứ bộ!”. Mẹ tôi cầm lá thư ngắm như báu vật rồi lặng lẽ đút vào túi áo nâu, sẽ sàng: “Nhà em ít nói, nhưng tình cảm lắm”. Ông Nam đứng dậy khoác chiếc đài bán dẫn qua vai: “Chiều nay, đài chính thức báo tin ta giải phóng Sài Gòn, tôi đã thông báo cho các đội. - Ông cẩn thận nút lại nhúm lá chuối của chai rượu đưa cho tôi: - Cất để ít hôm nữa bố về, ông và bố con “đánh nhắm”.

Tầm ba giờ chiều, hồi còi bên kia sông ngân lên gióng giả. Tiếng gõ mõ, khua chiêng trống bật lên rộn rã khắp làng. Loa truyền thanh của hợp tác xã tiếp âm bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam chưa dứt, tất cả đã ôm chầm lấy nhau la hét, reo hò. Nụ cười trên môi chen nước mắt.

Chưa bao giờ tôi thấy không khí trong làng vui đến thế. Không cắt đặt trước, các anh chị đoàn viên thanh niên đã tổ chức ngay đoàn đi cổ động mừng chiến thắng. Tôi chạy ù về nhà lấy cờ, nhập vào đoàn cổ động. Đi đầu là số thiếu niên nhi đồng, theo sau là hầu như tất cả người dân trong làng. Sau hồi trống tưng bừng và tiếng hô của anh bí thư đoàn thanh niên “Nhiệt liệt chào mừng giải phóng Sài Gòn”. Tôi cùng mọi người gào lên đến khản giọng “Nhiệt liệt, nhiệt liệt, nhiệt liệt”…

Chập tối, sân nhà tôi chật kín bà con hàng xóm kéo đến trò chuyện. Tiếng cười nói ồn ã vui vẻ chả khác nhà có việc cưới xin gì đó. Trong làng cũng có nhiều thanh niên đi bộ đội, nhưng có lẽ nhà tôi đặc biệt hơn cả. Bà cụ Thập nhà bên bảo: “Mẹ chồng, nàng dâu chăm nhau chờ chồng, chờ con đi đánh giặc, ăn ở chả có điều tiếng gì”. Mẹ tất tả đun siêu nước hãm ấm tích chè xanh, bà bổ cau têm trầu mời mọi người. Tôi cảm nhận được niềm vui vô bờ bến của hậu phương nghe tin chiến thắng. Đêm muộn thấy bà đã vào nhà nằm nghỉ, mẹ ôm chầm lấy tôi vuốt tóc, gặng hỏi: “Sao con đọc khác ngày tháng trên bức thư như thế?”. Thì ra mẹ đã biết tôi cố tình đọc sai, tôi dụi đầu vào ngực mẹ thành thật: “Con sợ mọi người lo”…

Người làng đi chiến đấu lần lượt trở về. Ai đến thăm bà và mẹ cũng nói không biết tin tức đơn vị đặc công của bố. Cuối năm chú Lân nhà bên khu Gò Chè bị thương mất một bên chân cũng từ trại an dưỡng về làng. Chú bảo gặp bố mấy tiếng đồng hồ tại binh trạm trong khi đợi lệnh hành quân. Mặt trận rộng lớn, khó biết đích xác đơn vị nào tác chiến trên chiến trường.

Gần Tết bà và mẹ nhận được giấy báo tin bố tôi hy sinh, trên giấy chỉ ghi vắn tắt bố hy sinh ngày 30 tháng 4 tại mặt trận Sài Gòn. Mãi năm sau, một chú bộ đội thay mặt đơn vị mang di vật của bố gồm chiếc ba lô và bộ quần áo cũ về giao lại cho bà và mẹ. Trong ba lô có mảnh giấy nhàu nát ghi dòng chữ: “Mẹ ơi! Dù có phải hy sinh cho ngày toàn thắng, con cũng chiến đấu tới cùng”. Chú bộ đội kể: Sáng ngày 30 tháng tư, đơn vị đặc công cùng đại quân ta tiến vào Sài Gòn. Tại Ngã tư Bảy Hiền, trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Bố tôi đã anh dũng hy sinh. Hiện phần mộ của bố an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố.

Mấy mươi năm trôi qua, mỗi độ tháng tư về lòng tôi lại bồi hồi xúc động. Ngày 30/4 không chỉ là ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn là ngày tôi thắp lòng mình cho người cha đã khuất. Để có Độc lập - Tự do và hòa bình hôm nay, trước giờ toàn thắng bao nhiêu người đã ngã xuống. Dòng máu của họ đã làm nên sự thực ước mơ và khát vọng cháy bỏng về hòa bình từ ngàn đời nay của dân tộc.

Cứ vào ngày 30/4 hàng năm gia đình tôi và anh em con cháu trong họ tộc lại xum họp. Trên ban thờ, bên di ảnh ông bà nội, giữa làn khói nhang hư ảo bay lên, nụ cười của bố vẫn thật trẻ./