Nhà thơ Kim Quốc Hoa viết về cuộc chống đại dịch COVID-19
QUYẾT LIỆT VÀO CUỘC “CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC”
o.KIM QUỐC HOA
Đại dịch COVID-19, thảm họa lớn của nhân loại
Chống đại dịch COVID-19 đang bùng phát trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam cũng chịu thảm họa tiềm ẩn nguy cơ cao, thách thức lớn. Đảng và Nhà nước đang thực hiện những quyết sách “chống dịch như chống giặc”. Cả hệ thống chính trị nỗ lực vào cuộc nhằm quyết tâm đầy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Hơn bao giờ hết, lúc này là “thời điểm vàng” của hành động và trách nhiệm của tổ chức, công dân.
Khởi đầu dịch khủng khiếp này do vi-rút corona (SARS-COVI-2) bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Khác với đại dịch xảy ra ở các kỉ nguyên trước và những thập kỉ qua, COVID-19 lan nhanh với tốc độ chóng mặt, “phủ sóng” toàn cầu khiến ngay cả các quốc gia giàu có, văn minh, có nền Y tế hàng đầu thế giới cũng bất ngờ, lúc đầu chủ quan nay đang phải gồng mình lên đương đầu với thách thức của thời đại. Từ Vũ Hán tháng 12/2019, chỉ trong vòng 4 tháng qua đã lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm đảo lộn đời sống toàn cầu, gây khủng hoảng kinh tế thế giới và nhiều hiểm họa khôn lường. Tính đến 13 giờ ngày 01/4/2020 trên thế gới có 862.496 người mắc, 42.528 người chết. Nặng nề nhất là các nước: Mỹ 188.592 người mắc,4.056 người chết; Trung Quốc 81.554 người mắc, 3.312 người chết; Italy 105.792 người mắc, 12.428 người chết; Tây Ban Nha 95.923 người mắc, 8.464 người chết; Đức 71898 người mắc, 775 người chết; I-ran 44.605 người mắc, 2.898 người chết; Pháp 52.128 người mắc, 3.523 người chết, v.v…Tại I-ran hai nhà lãnh đạo cao cấp qua đời (Giáo sĩ A.H.Bathaelm và tướng Nasser Shabani). Thủ tướng Anh Bors Johnson cũng bị nhiễm, phải cách li. Ở Indonexia có 7 bác sĩ, trong đó có một Giáo sư ngã xuống do cứu chữa người bệnh COVID-19, v.v….
Tại Việt Nam tính đền ngày 29/3 có 179 người mắc, chưa có ca tử vong. Từ ca nhiễm đầu tiên ngày 23/1/2020 sau đó là 16 người bị lây nhiễm nhưng đến ngày 12/2 thì tất cả được chữa khỏi hoàn toàn. Sau 3 tuần tiếp theo không có ca nhiễm mới. Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc được gỡ bỏ cách li. Dấu mốc bùng phát của dịch bệnh là ngày 6/3 xuất hiện ca nhiễm thứ 17 từ nước ngoài về rồi lan rất nhanh, ngày nào cũng có vài người mắc, riêng ngày 27/3 có 10 ca nhiễm mới (mức cao nhất trong ngày từ đầu vụ dịch), nâng tổng số người bị nhiễm lên179 ca, nhiều nhất là Hà Nội (64 ca), Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đây là một bước ngoặt về sự lây lan của dịch bệnh mà hầu hết do người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về gây lên. Theo số liệu thống kê, trong tháng 2/2020 có 1,2 triệu khách du lịch là người nước ngoài. Trong tháng 3 có 350.000 người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó 100.000 người về từ Mỹ và Châu Âu là mối nguy cơ to lớn, tiềm ẩn bùng phát dịch. Từ đó, buộc chúng ta phải chuyển giai đoạn mới trong cuộc chiến chống COVID-19 và cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc, không để lây lan vượt con số 1.000 ca nhiễm…
Cả hệ thống chính trị “chống dịch như chống giặc”
Đó là tư tưởng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong 3 tháng qua. Quán triệt tinh thần đó, cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân nỗ lực vào cuộc, chuẩn bị tinh thần, vật chất tốt nhất cho cuộc chiến, sẵn sàng trong mọi tình huống “chống dịch như chống giặc”. Tinh thần và ý chí đó cũng khẳng định bản lĩnh Nhà nước ta sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và cuộc sống của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Nhận thức rõ dịch sẽ xảy ra trên quy mô lớn, lây lan nhanh, diện rộng, tác động mạnh mẽ đến sức khỏe, cuộc sống người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, văn hóa nên Chính phủ sớm có các phương án, xây dựng kịch bản cho mỗi giai đoạn với nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Từ đó, quyết tâm thực hiện phương châm 4 tại chỗ: Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Chủ động dự báo sớm, phát hiện sớm, cách li kịp thời, điều trị tích cực không để bất ngờ, sẵn sàng đón khả năng xấu để có phương án tốt nhất.
Thực hiện quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, Ban chỉ đạo Trung ương do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu cùng các bộ, các ngành, các địa phương áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả: Cách li triệt để, cấm không tổ chức lễ hội, tụ tập đông người, đóng cửa các trường học, khu du lịch, vũ trường, khu vui chơi giải trí, các nhà hàng (trừ siêu thị, những nơi cung cấp hàng thiết yếu, nhà thuốc). Giám sát chặt chẽ hành khách đi trên các phương tiện đường không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Kiểm soát nghiêm ngặt các cửa khẩu quốc tế, đường biên giới. Hành khách ở nước ngoài về bắt buộc phải khai báo y tế và cách li bắt buộc tập trung 14 ngày. Hàng trăm doanh trại quân đội, cơ sở lưu trú, khách sạn được huy động dùng để cách li. Riêng Bộ Quốc phòng có 105 doanh trại dùng cách li hàng vạn người và điều động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ chuyên trách phục vụ. Lực lượng công an “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng”. Các địa phương tiến hành khoanh vùng, cách li, khử trùng tiêu độc. Khi xuất hiện ổ dịch như Bệnh viện Bạch Mai lập tức cách li triệt để, mọi người khai báo, dập dịch ngay không để lây lan Khi xuất hiện ca mắc tập trung xử lí ngay từ đầu, hạn chế tối đa lây lan trong cộng đồng. Chính phủ khuyến cáo người dân nên “ở nhà là yêu nước”, hạn chế đi lại, giao tiếp, nhất là người cao tuổi, người có bệnh nền. Hàng ngày đeo khẩu trang, súc miệng nước muối, rửa tay xà phòng, dịch sát khuẩn, ăn uống đủ chất, tập luyện nâng sức đề kháng. Các cơ quan chức năng kiên quyết xử lí nghiêm mọi vi phạm, kể cả xử lí hình sự các hành vi bán hàng y tế giả, găm hàng, tăng giá, dưa tin không dúng sự thật gây hoang mang dư luận, làm mất trật tự xã hội. Đồng thời bằng mọi cách phải chăm lo bảo vệ sức khỏe, điều kiện sinh hoạt, không để lây nhiễm cho đội ngũ thấy thuốc, nhân viên điều dưỡng làm nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 và các lực lượng vũ trang quản lí, phục vụ khu vực cách li.
Theo chỉ thị sô 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 từ 0 giờ ngày 01/4/2020 thực hiện cách li xã hội: “ Gia đình cách li với gia đình, thôn bản cách li với thôn bản, xã cách li với xã, huyện cách li với huyện, tỉnh cách li với tỉnh…”
Trong thời điểm này, Nhà nước và Nhân dân rất cần sự chung tay góp sức chống dịch, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm góp công sức, tiền của tham gia cùng Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc chống dịch. Chỉ trong tháng 3/2020 hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp đã ủng hộ gần 450 tỉ đồng, riêng việc nhắn tin cũng thu được hơn 70 tỉ đồng nữa dùng hỗ trợ cho cuộc chiến xóa sổ COVID-19 trên đất nước ta. Nhiểu tổ chức, đoàn thể, doanh nhân mua, may tặng hàng triệu chiếc khẩu trang. Điển hình nhất là Tập đoàn VINGROUP. Đó là những việc làm thiết thực cùng cả nước, cùng toàn dân, góp phần cùng thế giời đẩy lùi dịch bệnh.
Năm 2020, nước ta đang trong bước ngoặt của lịch sử, năm có nhiều sự kiện trọng đại, trong đó có Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII. Vì thế, mặt trận “chống dịch như chống giặc” giành thắng lợi, sẽ tạo đà cho đất nước bứt phá, vượt lên thách thức vô cùng nghiệt ngã để giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong xu thế phát triển bền vững.
----------------
(*) COVID-19 là tổ hợp “từ’ viết tắt: CO là corona, VI là vi-rút, còn D là Discase có nghĩa Dịch bệnh. Dịch bệnh do vi-rút corona gây nên khởi nguồn từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cuối năm 2019.
K.Q.H