Bài viết hay của Đinh Quang Vinh về cố GSTS. Hoàng Ngọc Hiến
Vào mùa hè năm 1979, có một sự kiện văn chương làm chấn động văn đàn nói riêng và tư tưởng nói chung của giới trí thức và những người yêu mến văn chương. Đó là bài phê bình VỀ MỘT ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HỌC VÀ NGHỆ THUẬT Ở TA TRONG GIAI ĐOẠN VỪA QUA của cố GSTS Hoàng Ngọc Hiến, một bài phê bình độc đáo được đánh giá là một tiểu luận mỹ học xuất sắc hiếm có thời ấy.
Điểm cốt lõi của bài phê bình chính là lột trần một kiểu sống, nghĩ và nói “xu thời”, theo ý cấp trên một cách mù quáng, giáo điều, không tuân thủ việc phản ánh hiện thực khách quan như nó “vốn có” và nó “sẽ đến” bằng một cách tự thân vận động hợp quy luật. Từ đó dẫn đến những thế hệ “xu thời” hèn nhát, giả dối, bưng bô nịnh nọt, làm băng hoại đaọ đức nói riêng và cả nền tảng văn hóa xã hội nói chung, làm chậm quá trình phát triển lành mạnh của đất nước, không những thế, nó còn phá hoại nhân cách con người một cách nghiêm trọng.
Ông viết:”Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Thực ra, ngay trong đời sống thực tại, do quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người “phải đạo” với những cung cách suy nghĩ, nói năng, ứng xử được xem là “phải đạo”. Khái quát những hiện tượng hết sức thực tại này vẫn sản sinh ra “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”.
Ở giai đoạn ấy viết những điều như thế, khi mà “chủ nghĩa hiện thực XHCN” thiếu sinh khí đang được đề cao, đương nhiên là ông bị “ăn đòn”. Trước hết ông mất chức Hiệu trưởng trường viết văn Nguyễn Du. Ông thầy của các học trò như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh và một loạt cây bút dấn thân thời kỳ đổi mới bị báo chí đánh tơi tả, thậm chí bị đánh trong cả hội nghị chuyên bàn về công tác tư tưởng của Đảng. Ông kể:”Trước cuộc họp, Nguyễn Đình Thi cho cậu con trai là Nguyễn Đình Chính đến gặp tôi, bảo rằng: “Bố em nói là ngày mai họ sẽ đánh anh đấy... Cuộc họp kéo dài ba ngày, hầu hết mọi người phát biểu ý kiến đều đá một câu về bài “Hiện thực phải đạo”, mặc dù chủ đề chung của cuộc họp là bàn về những vấn đề tư tưởng của Đảng hiện nay”
Nhưng ông đã đúng bởi những điều ông viết tiệm cận chân lý. Những kẻ “phải đạo” giờ đây đang kéo bè kết cánh, trở thành những thế lực đen tối không thể xem thường. Nếu không ngăn chặn được chúng, có thể đất nước này sẽ phải đối mặt với những biến cố bi thương còn lớn hơn vụ Đồng Tâm nhiều.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một nhà văn hóa lớn, đã từng trích dẫn lời Ăng Ghen nói về Các Mác rằng:”Cái còn lại của Mác có lẽ là phép biện chứng(duy vật)”.
Tại sao người bạn chiến đấu thân cận của Mác không đánh giá cao “giá trị thặng dư” hay “chuyên chính vô sản” thì tôi không rõ. Chỉ dám phỏng đoán rằng cái “giá trị thặng dư” hay “chuyên chính vô sản” ấy chỉ là cái của một thời, nó sẽ qua đi rất nhanh và không lặp lại. Nhưng phép biện chứng thì còn mãi với thời gian vì nó thuộc về bản chất vũ trụ.
Thấy được bản chất, phát hiện ra quy luật, tiệm cận được chân lý là việc không mấy người làm được. Nhưng có đủ dũng cảm nói ra ở cái thời “phải đạo” phải gió ấy rất ít người dám làm. Vì vậy mà Hoàng Ngọc Hiến được yêu mến và tìm đọc tới tận bây giờ, và có lẽ tới tận lúc đất nước trưởng thành hơn nữa. Còn bây giờ, nhìn cách quản trị quốc gia, cách dùng cán bộ, cách sống, cách ứng xử với nhau, thì có thể mượn lời cụ Tản Đà mà rằng: “Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.
Đinh Quang Vinh
(Thái Nguyên)