Bài viết của GS.TS. Trần Hồng Quân-cựu Bộ trưởng bộ GGĐT về giáo dục trẻ tự kỷ

"Coi nhẹ giáo dục khuyết tật là thiếu quan tâm đến một bộ phận yếu thế nhất"

GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD & ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ những lo lắng về chăm lo cho trẻ em khuyết tật thiệt thòi yếu thế.

Tự kỷ là một trạng thái mất cân bằng lớn giữa sự hưng phấn và ức chế trong từng con người. Mức độ cân bằng của mỗi người ở mức độ khác nhau, tạo thành một phổ rộng mà các cực là trạng thái tự kỷ. Nguyên nhân tạo sự mất cân bằng đó có thể từ những tổn thương thực thể, những bất thường về tâm lý và những nguyên nhân phức tạp khác. Ở Mỹ hiện cứ 68 trẻ thì có một trẻ tự kỷ, sau 40 năm tăng lên 10 lần.

Từ quan sát thực tế ta thấy các đứa trẻ khi đã được tiếp xúc nhiều và quá sớm với máy tính bảng, điện thoại thông minh,... thì thường chậm biết nói và không thích giao tiếp với mọi người, dễ rơi vào trạng thái tự kỷ. Phải chăng khi công nghệ phát triển cao, con người sống với thế giới ảo quá nhiều, làm tăng tình trạng tự kỷ không chỉ ở trẻ con mà cả ở người lớn với mức độ nhất định.

Biệt tài tí hon, kỷ lục gia Nguyễn Đình Khánh Hưng biểu diễn báo cáo GS TS Trần Hồng Quân và khách quốc tế.

Biệt tài tí hon, kỷ lục gia Nguyễn Đình Khánh Hưng biểu diễn báo cáo GS TS Trần Hồng Quân và khách quốc tế.

Theo các nhà khoa học, tỷ lệ tự kỷ ở nam nhiều hơn 4-5 lần so với nữ. Điều này dường như cũng thuận với đặc điểm giới tính. Một đứa trẻ bị tự kỷ nặng là một thiệt thòi lớn cho bản thân, là sự đau khổ của gia đình, là gánh nặng của xã hội. Nhiều bậc cha mẹ gần như tuyệt vọng sau khi đưa con đi chữa bệnh khắp nơi mà thất bại.

Bài liên quan

Dưới cách nhìn: tự kỷ là sự mất cân bằng, thiên lệch giữa hưng phấn và ức chế. Giáo dục có thể đóng vai trò lớn góp phần điều chỉnh sự cân bằng đó hoặc khai thác sự mất cân bằng, thiên lệch theo hướng tích cực, hướng sự hưng phấn trở thành có ích, thậm chí trở thành ưu thế. Không có đứa trẻ nào hoàn toàn không còn khả năng tiếp thụ giáo dục; không có đứa trẻ nào hoàn toàn mất hết mọi tiềm năng phát triển, thậm chí có những tiềm năng thành người xuất chúng.

Người ta thấy có khoảng 40% trẻ tự kỷ có óc thông minh về mặt nào đó hơn người bình thường, tiềm ẩn trong tám loại hình thông minh khác nhau, không chỉ riêng loại thông minh theo tư duy logic được đo bằng chỉ số IQ. Vấn đề là ở chỗ các nhà sư phạm phải hiểu đầy đủ từng trường hợp, không ai giống ai, mỗi người đặc biệt độc nhất theo cách riêng của mình. Các nhà giáo dục cần phát hiện những tiềm năng ẩn chứa bên trong, tìm ra được phương pháp giáo dục chính xác thích hợp cho từng cá nhân, tạo sự cân bằng và khai thác các tiềm năng ấy, biến sự thiên lệch thành thiên tài.

Ts Phan Quốc Việt báo cáo về Phương pháp huấn luyện trẻ tự kỷ tại hội thảo quốc tế Gen – Nobel 2019.

Ts Phan Quốc Việt báo cáo về Phương pháp huấn luyện trẻ tự kỷ tại hội thảo quốc tế Gen – Nobel 2019.

Bài liên quan

Trong khi với các đối tượng thông thường, chúng ta vẫn tiến hành giáo dục đồng loạt là chính, phải có thời gian và điều kiện nhất định mới thực hiện được cá nhân hoá giáo dục một cách phổ biến. Nhưng với đối tượng tự kỷ thì không có lựa chọn nào khác là phải cá nhân hoá giáo dục, buộc phải xây dựng từng chương trình và phương pháp giáo dục riêng cho từng cá nhân. Rất công phu, kiên trì, với tất cả tấm lòng vì từng số phận con người, sáng tạo, chấp nhận thách thức, khó khăn, gian khổ.

Rất đáng ngạc nhiên là công ty công nghệ thông tin ở CHLB Đức đã đào tạo và sử dụng 200 nhà công nghệ, tất cả đều là người tự kỷ, đang hoạt động ở Đức, ở Thuỵ Sĩ và ở Mỹ. Về trình độ công nghệ thì hoàn toàn yên tâm, nhưng về giao tiếp xã hội thì phải có người giúp. Ông cũng thành lập một công ty khác dành cho những người tự kỷ có sự thông minh thiên về các lĩnh vực khoa học khác.

Trong lịch sử có những dị nhân không bình thường, thiên lệch thái quá trong cuộc sống hằng ngày nhưng lại là những thiên tài về một lĩnh vực nào đó. Nét dị thường đó có thể cũng là một loại mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế. Dị thường nếu biết định hướng sẽ tạo thành tích phi thường.

Nguyên Thường trực Ban bí thư Phan Diễn thăm Trung tâm Tâm Việt.

Nguyên Thường trực Ban bí thư Phan Diễn thăm Trung tâm Tâm Việt.

Câu chuyện của Edison là một ví dụ. Ông là một nhà phát minh vĩ đại của thế giới, đã có hơn 1500 bằng sáng chế. Chuyện kể rằng khi học phổ thông ông gặp khó khăn tiếp thu bài vở, nhiều trường đã trả ông về gia đình. Nhà trường cuối cùng đã rất kiên nhẫn với nhiều phương pháp để giúp đỡ học sinh đặc biệt này mà cuối cùng cũng chào thua. Ông hiệu trưởng gửi cho mẹ Edison một phong thư dán kín. Bà mẹ mở phong thư đọc xong thừ người ra ngồi im lặng. Bé Edison hỏi:

-Thư thầy hiệu trưởng nói gì vậy mẹ?.

Bà nén xúc động chậm rãi:

- Thầy hiệu trưởng nói rằng con là người có khả năng thành thiên tài. Trường ông ấy không đủ sức dạy con. Cũng không có trường nào có thể dạy được. Con chỉ có thể tự học ở nhà.

Từ đó bà mua sách vở về và cùng con tìm phương pháp tự học tự nghiên cứu, và dần dần ông đã trở thành con người vĩ đại như ta biết. Sau này khi mẹ ông mất đi, ông soạn lại các di vật của mẹ và phát hiện ra một tờ giấy úa vàng do năm tháng. Đó là bức thư ngài hiệu trưởng trường phổ thông ngày xưa đã gửi cho mẹ ông. Thư viết rằng: "Thưa bà, Tôi rất lấy làm tiếc, rất khổ tâm phải nói rằng cậu Edison không có khả năng tiếp thu bài vở. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mà không đạt hiệu quả. Tôi nghĩ rằng cũng không có trường nào có thể cố gắng hơn chúng tôi. Mong bà đưa cậu ấy về gia đình. Xin bà tha thứ."

Không biết lúc đọc hết bức thư, Edison có tâm trạng thế nào. Còn tôi, tôi chép lại chuyện này mà rưng rưng nước mắt. Ôi, một bà mẹ vĩ đại. Không có sự vĩ đại đó thế giới này không có Edison. Nền giáo dục quốc gia đã từ chối mà bà không tuyệt vọng, vẫn nuôi ý chí cho con. Một bài học sâu sắc biết bao về cá nhân hoá giáo dục.

Kỷ lục gia Nguyễn Đình Khánh Hưng thi trong chương trình biệt tài tí hon.

Kỷ lục gia Nguyễn Đình Khánh Hưng thi trong chương trình biệt tài tí hon.

Bài liên quan

Van Gohg, một hoạ sĩ thiên tài cũng là trường hơp tự kỷ rất nặng. Ông đã tự cắt tai mình trong một cơn không tự chủ. Có lúc ông bị nhốt vì gần như phát điên. Nghe đâu bức tranh nổi tiếng HOA DIÊN VĨ do ông vẽ chính vào lúc bị giam cầm này.Trung tâm Tâm Việt của Tiến sĩ Phan Quốc Việt (chủ biên bộ sách giáo dục thực hành kĩ năng sống do NXB giáo dục Việt Nam ấn hành, tái bản lần thứ 6, đã bán trên 5 triệu bản) triển khai những phương pháp giáo dục thực tiễn sống động, tạo ra những kết quả tuyệt vời đến mức khó tin. Ở đó có những nhà giáo dục tận tâm chọn nghề hiểm nguy mà thánh thiện khi đương đầu với các trường hợp đặc biệt khó khăn. Ở đây có nhiều trẻ tự kỷ nặng ở tuổi dậy thì và sau dậy thì, quậy phá khủng khiếp, các trung tâm khác bó tay, nhưng các thầy cô vẫn kiên tâm giáo dục và rèn luyện thành những diễn viên xiếc tài ba, biệt tài tý hon hiếm có. Điều đặc biệt trung tâm Tâm Việt không dùng thuốc mà chú trọng phương pháp thiền rung động, hội nhập trong cộng đồng yêu thương và hệ s inh thái trong lành.

Nước ta nên tổ chức điều tra khảo sát ở mọi đối tượng, mọi miền trong cả nước, có đánh giá tổng thể. Nhà nước nên có sự quan tâm riêng với ngành Giáo dục Khuyết tật; có chính sách đào tạo và ưu đãi giáo viên ngành học này. Lâu nay ngành học này trong các trường sư phạm bao giờ tuyển sinh cũng rất khó khăn. Nhà nước cần đầu tư và hỗ trợ thoả đáng cho các trường chuyên biệt, các cơ sở công lập cũng như tư nhân trong lĩnh vực này. Các trường ấy lâu nay chỉ làm nhiệm vụ chuẩn bị để các em có đủ khả năng hoà nhập với các lớp phổ thông dành cho các trẻ thông thường, nghĩa là hoà nhập vào các lớp thực hiện giáo dục đồng loạt, các em phải bươn theo và phần lớn cũng đứt gánh giữa đường, ít khi học được đến nơi đến chốn. Và các bậc cha mẹ cũng coi học được chữ nào hay chữ nấy là mừng rồi, như là một sự vớt vát, không ai nghĩ những tiềm năng ẩn chứa bên trong, cần được phát hiện, phát huy.

Ảnh chụp Màn hình 2020-01-19 lúc 09.31.49

Albert Einstein khẳng định: “Mỗi người sinh ra đã là một thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch”. Giáo dục chuyên biệt phải có phương pháp đặc biệt, độc đáo, độc nhất cho từng học sinh. Vì vậy việc đánh giá các trung tâm giáo dục đặc biệt và phương pháp đào tạo của họ không thể theo phương pháp đánh giá giáo dục đại trà mà cũng phải rất chuyên biệt.